Đề bài: Những cảm nhận về truyện Bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Bài văn mẫu Những cảm nhận về truyện Bến quê
Bạn đang xem: Những cảm nhận về truyện Bến quê
Bài làm:
Cuộc sống của con người vốn chỉ có một lần, nên ai cũng khao khát nắm bắt được những giá trị đích thực của nó, để không phải nuối tiếc ân hận khi dòng thời gian trôi đi, con người bị vuột mất những điều quý giá không lấy lại được. Nhà văn Nguyễn Minh Châu vốn là cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, ông đã chuyển tải những chiêm nghiệm đó về cuộc sống trong tác phẩm Bến quê của mình. Với việc miêu tả biến chuyển trong tâm trạng của nhân vật Nhĩ, người đàn ông bị bệnh hiểm nghèo, sống những ngày tháng cuối đời trong ngôi nhà ven sông Hồng, nhà văn muốn thức tỉnh con người phải biết trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, quê hương.
Truyện Bến quê kể về nhân vật chính là Nhĩ, vốn là người đàn ông từng đi khắp nơi trên thế giới, ngắm nhìn nhiều vẻ đẹp mới lạ và lôi cuốn. Về sau, anh mắc bệnh hiểm nghèo, bị liệt toàn thân, và anh tìm thấy nơi nương tựa cuối cùng trong những ngày đau ốm đó chính là mái ấm gia đình của mình.
Có thể nói cảm nhận đầu tiên của truyện Bến quê là cách nhà văn xây dựng tình huống truyện vô cùng đặc sắc. Tình huống truyện ngắn là hoàn cảnh mà tác giả đặt nhân vật vào để nhân vật bộc lộ tính cách và tư tưởng của mình. Truyện ngắn Bến quê đặt Nhĩ vào hoàn cảnh ngặt nghèo và đầy nghịch lý. Đó là sự khác nhau giữa quá khứ và hiện tại của Nhĩ. Hiện nay, Nhĩ đang bị bệnh hiểm nghèo, anh chỉ có thể nằm liệt trên giường “để vợ bón cho từng thìa thức ăn”. Đến nỗi, mỗi lần muốn di chuyển, Nhĩ phải “thu hết tàn lực lết dần, lết dần trên chiếc phản gỗ. Nhấc mình ra được bên ngoài phiến nệm nằm, anh tưởng mình vừa bay được nửa vòng trái đất”. Từng cử động nhỏ của anh cũng cần có sự giúp sức của người khác. Bi kịch của bệnh tật ấy càng buồn hơn, khi Nhĩ từng được coi là người đàn ông thành đạt. Mà theo miêu tả của Nguyễn Minh Châu, anh đã được đi khắp nơi trên trái đất, thấy được nhiều phong cảnh tuyệt đẹp. Đó là bi kịch của Nhĩ nhưng nó cũng giúp anh có được nhiều chiêm nghiệm về đời sống. Bởi khi ốm đau, anh có thời gian và sự suy tưởng sâu hơn những nghịch lý cuộc đời. Đặt nhân vật trong hoàn cảnh như vậy, nhà văn không phải muốn nhấn mạnh tính bi kịch hay sự đau đớn của Nhĩ, mà ông muốn làm cho chủ đề tư tưởng của tác phẩm được thể hiện mộc cách hợp lý và thuyết phục nhất.
Không phải chỉ xây dựng tình huống truyện đặc sắc, mà Nguyễn Minh Châu đã đem đến cho chúng ta những trang viết tuyệt hay, tuyệt đẹp về cảnh sắc thiên nhiên của một vùng đất ven sông Hồng. Đó là bức tranh quê được nhìn qua lăng kính của Nhĩ, một con người chỉ còn được sống những ngày ngắn ngủi cuối đời. Qua khung cửa ngôi nhà nhỏ bên sông, Nhĩ nhận ra rằng trời sắp lập thu, hoa bằng lăng đậm sắc hơn, đó là một vẻ đẹp bình dị của cuộc sống mà có lẽ những người khác xung quanh Nhĩ không cảm nhận thấm thía bằng anh. Khi những ngày tháng của cuộc đời đang dần rút ngắn lại, khi đêm đêm, tiếng đất lở như ập vào giấc ngủ của anh, dự báo về cái chết và sự chấm dứt, thì có lẽ nguyện vọng được thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống trong Nhĩ càng thôi thúc mãnh liệt hơn. Vẻ đẹp của đất trời với những màu sắc vừa bình dị, vừa lộng lẫy được Nguyễn Minh Châu nhìn qua đôi mắt Nhĩ bỗng trở nên sống động lạ kỳ. Nhĩ yêu da diết “một vùng phù sa lâu đời của sông Hồng đang phô ra trước khuôn cửa sổ gian gác nhà Nhĩ những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ.”. Thật đẹp đẽ và nên thơ làm sao, những chi tiết cảnh vật không hề xa lạ, rất quen thuộc mà lại lôi cuốn hồn người. Cách viết của nhà văn giúp ta thấy được tình yêu quê hương và sự rung động của Nhĩ trước cái đẹp. Chắc rằng Nhĩ vốn là người yêu cái đẹp, và luôn mong mỏi khám phá thưởng thức vẻ đẹp ấy. Anh chợt nhận ra cái bãi bồi bên kia sông là nơi đẹp quá, đẹp nhất, nhưng với hoàn cảnh bây giờ, anh làm sao có thể đến được nơi ấy mà thưởng thức cái đẹp của nó. Lời văn như pha lẫn chua xót: “Suốt đời, Nhĩ đã từng đi khắp đó đây vậy mà cái bờ bên kia sông Hồng tưởng như gần gũi nhưng lại xa lắc xa lơ bởi anh chưa đặt chân đến đó bao giờ”. Những nơi Nhĩ từng đến hẳn cũng rất đẹp, nhưng cũng không đẹp bằng vẻ đẹp thiên nhiên của bãi bồi này. Nhà văn đã miêu tả cái vẻ đẹp thiên nhiên xen lẫn niềm xót xa thương cảm dành cho Nhĩ, và dành cho rất nhiều người như anh. Giá trị nhân đạo của tác phẩm trở nên thấm thía, xúc động lòng người.
Đến với truyện ngắn Bến quê, cảm nhận của người đọc sẽ càng thấm thía khi giá trị của gia đình được ngợi ca và đề cao một cách giản dị, tự nhiên. Lúc thành đạt, Nhĩ rời xa gia đình đi đến nhiều nơi. Khi đau ốm, Nhĩ quay về nương tựa bên những người thân. Nhà văn miêu tả hình ảnh vợ con chăm sóc Nhĩ: “Anh ngửa mặt như một đứa trẻ để cho thằng con lau mặt”, vợ anh “Chị đưa những ngón tay gầy guộc âu yếm vuốt ve chồng, rồi an ủi”. Thật là những cử chỉ ân cần, thương yêu dành cho người cha, người chồng đau ốm. Hình ảnh này làm toát lên thật nhiều niềm thương yêu và xót xa trong lòng Nhĩ. Có thể nói, vẻ đẹp hiền dịu và đầy thương yêu của người vợ và sự săn sóc của đứa con đã bộc lộ ra một cách bình dị, chẳng chút hào nhoáng, nhưng đó lại là vẻ đẹp chân thực và xúc độngnhất mà Nhĩ cảm thấy được trong những ngày này. Nhĩ từng xa cách gia đình nhiều năm để đến những vùng đất lạ.Và bây giờ, cuối đời, khi trở về gia đình, Nhĩ nhận thấy những yêu thương vẫn c òn nguyên vẹn. Sự tần tảo chịu thương chịu khó của Liên hay lòng hiếu thảo của con trai là những điều quý giá nhất mà Nhĩ c ó được. Cảm nhận thấm thía sự ấm áp của mái gia đình là một niềm hạnh phúc, niềm an ủi cho một con người như Nhĩ, nhưng nó cũng mở ra những suy tư da diết cho mỗi chúng ta: chẳng lẽ chỉ khi “gối mỏi chân chồn”, khi đau đớn bệnh tật, con người quay về mái nhà xưa thì mới có thể thấy được giá trị của hạnh phúc gia đình ư? Tại sao chúng ta không tìm cách hiểu rõ hơn, sớm hơn, để trân trọng nhiều hơn đối với những người thương yêu của ta?
Nguyễn Minh Châu còn dành những dòng cảm động để khắc họa hình ảnh những đứa trẻ hàng xóm, hay ông giáo Khuyến, luôn đến thăm Nhĩ, giúp đỡ anh ân cần khi anh muốn, trò chuyện và tâm sự với anh về những chuyện đời sống. Đó là vẻ đẹp “hàng xóm tối lửa, tắt đèn có nhau”. Nó khiến cho chúng ta thêm xúc động và yêu mến cuộc sống của vùng quê ven sông này, và ở nhiều nơi khác trên mảnh đất quê hương…
Thế đấy, đọc truyện Bến quê, người đọc không phải chỉ cảm thông với Nhĩ, mà còn hiểu được những thông điệp mà nhà văn muốn truyền đến cho con người. Cuộc sống của chúng ta thì ngắn ngủi, và mỗi người cũng chỉ được sống một lần, nhưng chúng ta thường bị lôi kéo bởi những cái vòng vèo, chùng chình. Giống như người con trai của Nhĩ sa vào trò chơi phá cờ thế, mà quên giúp cha thực hiện ước muốn cuối cùng là đặt chân qua bãi bồi bên kia sông. Con người chưa từng trải thì khó mà hiểu hết đâu là những giá trị đời thường nhưng quý báu. Và từ đó, họ có thể bỏ lỡ cơ hội nắm bắt chúng, trân trọng những giá trị đó. Khi Nhĩ nhận ra điều đó, anh khao khát mãnh liệt muốn thức tỉnh con trai của mình, và thức tỉnh mọi người, “mặt mũi Nhĩ đỏ rựng, hai mắt long lanh, hai bàn tay bấu chặt vào bậu cửa và run rẩy. Anh đang cố thu nhặt hết chút sức lực cuối cùng để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay làm ra vẻ ra hiệu cho một người nào ngoài đó”. Phải chăng Nhĩ ra hiệu cho đứa con trai rằng đừng sa vào những điều chùng chình mà bỏ lỡ cơ hội nắm bắt vẻ đẹp quê hương, trân trọng tình thương gia đình. Nhĩ thấm thía được điều đó bởi anh đã trải qua và đi đến những ngày cuối đời. Và người con trai của anh chính là hình ảnh Nhĩ những ngày trẻ tuổi bồng bột và có phần chưa sâu sắc.
Ngòi bút của Nguyễn Minh Châu thường giàu suy tư, mang màu sắc triết lý sâu sắc như thế đấy. Với một tình huống truyện đặc sắc, cách miêu tả kết hợp tự sự và trữ tình tài hoa, ông đã tạo nên một thiên truyện xuất sắc của văn học hiện đại Việt Nam. Truyện Bến quê là một tác phẩm đúc kết những chiêm nghiệm về cuộc sống và con người. Truyện cũng gieo vào lòng người đọc tình yêu quê hương, gia đình. Gấp lại trang sách, chúng ta tư lự hơn, và có thể nhìn thấy một cách sâu xa hơn về những vẻ đẹp của con người và cuộc sống quanh mình. Mà bình thường có thể vì quá bận rộn, ta chưa để ý nhiều đến…
——————–HẾT——————–
Bến quê là tác phẩm nổi bật trong chương trình ngữ văn lớp 9, ngoài bài làm văn Những cảm nhận về truyện Bến quê, học sinh và giáo viên thường làm các bài văn như Phân tích truyện Bến quê, Nhân vật Nhĩ và những suy nghĩ về cuộc đời, con người trong truyện ngắn Bến quê, Cảm nhận truyện ngắn Bến quê, Kể lại truyện Bến quê, hay cả những phần Soạn bài Bến quê, Ngữ Văn 9
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp