Những giải pháp để thực hiện chỉ thị 05 CT/TW

0
99
Rate this post

Một số giải pháp nhằm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đưa ra tinh thần trách nhiệm, lề lối, tác phong làm việc, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm gương mẫu đi đầu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được nâng lên, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và trong xã hội.

Bài thu hoạch chuyên đề năm 2021 học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh

Kế hoạch cá nhân tự giác năm 2021 học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Bạn đang xem: Những giải pháp để thực hiện chỉ thị 05 CT/TW

Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bên cạnh việc kế thừa và phát huy những quan điểm chỉ đạo trong thời gian qua, Bộ Chính trị (khóa XII) đã nêu ra nhiều quan điểm chỉ đạo mới phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân.

Sau .. năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc nâng cao một bước về phẩm chất, lối sống, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong toàn hệ thống chính trị; ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở nước ta trong thời gian qua đã có sự tiến triển rõ rệt, điều này đã được nhân dân ghi nhận và đánh giá rất cao. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được thì vẫn còn tồn tại những hạn chế, thiếu sót, bất cập trong việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những nội dung đó chưa trở thành những việc làm thường xuyên, thói quen hằng ngày, chưa xây dựng thành ý thức tự giác cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức trong toàn hệ thống chính trị.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được cũng như khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện từ Chỉ thị số 06-CT/TW (2006) của Bộ Chính trị khóa X về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đến Chỉ thị số 03-CT/TW (2011) của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, mà trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức cần tập trung làm tốt một số công tác cơ bản sau:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục,nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu nội dung, hình thức của Chỉ thị.

Để Chỉ thị được thực hiện có hiệu quả và đi vào cuộc sống một cách thiết thực, trước hết cần phát huy tốt vai trò của các cấp ủy đảng, người đứng đầu, đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên các cấp trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi người. Tập trung tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, nội dung của Chỉ thị, từ đó từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân của cán bộ, đảng viên, công chức trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại cơ quan, đơn vị mình, nhất là việc học tập phong cách mẫu mực của Người, coi đây là tiêu chuẩn cao nhất, sát nhất và gần nhất. Trên cơ sở đó, từng bước tạo ra ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện cho cán bộ, đảng viên, công chức; làm cho đợt học tập quán triệt và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành ý thức tự giác, thường xuyên của mỗi người và là một thang giá trị bền vững cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức trong suốt quá trình cách mạng. Qua đó, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức nhận thức đầy đủ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn của Đảng, vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Hình thức giáo dục, tuyên truyền phải luôn được đổi mới, phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị và từng đối tượng; kiên quyết khắc phục sự rập khuôn, máy móc, xơ cứng, hoặc làm một cách hình thức, không thực chất.

Hai là, đề ra những nội dung học tập cụ thể, thiết thực về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cơ quan, đơn vị mình, gắn với chức trách, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức.

Nội dung giáo dục cần phải làm cho cán bộ, đảng viên, công chức nhận thức rõ tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam như: về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng; về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng. Từ những nội dung trên, cấp ủy đảng, người đứng đầu phải nghiên cứu kỹ, phải căn cứ vào thực tiễn trong cơ quan, đơn vị để đưa ra những nội dung học tập thiết thực, phù hợp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức.

Học tập về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đó là phải tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, đồng đội, yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo lợi ích đồng tiền.

Học tập phong cách Hồ Chí Minh, đó là mọi cán bộ, đảng viên, công chức phải học tập cho được phương pháp tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đẫm tình yêu thương con người, đề cao tinh thần trọng dân, thương dân, vì dân, chăm lo cho dân; nói phải đi đôi với làm; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; sống thanh cao, trong sạch, giản dị; quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương trước tập thể và cơ quan, đơn vị mình để người khác học tập và làm theo…

Trên cơ sở nắm vững nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đối chiếu với chức trách, nhiệm vụ được giao, mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức phải thường xuyên “tự soi mình”, “tự sửa chính bản thân mình”, tự phấn đấu, học tập; coi đó là công việc thường xuyên, hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ quan, đơn vị.

Ba là, thông qua đợt học tập, sinh hoạt chính trị, cần phải tiến hành tổng kết và nhân rộng những điển hình tiên tiến trong các cơ quan, đơn vị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; kết hợp chặt chẽ giữa xây đi đôi với chống.

Song song với việc giáo dục, tuyên truyền mọi cán bộ, đảng viên, công chức nêu cao ý thức trách nhiệm trong học tập Chỉ thị, cần phải tích cực tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, phát hiện các tấm gương điển hình tiên tiến, mẫu mực trong học tập, trong từng việc làm cụ thể, có sức ảnh hưởng lớn, làm cơ sở để tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương “người tốt, việc tốt” trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời phải gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức hằng quý, hằng năm và cả nhiệm kỳ, để kịp thời rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng cơ quan, đơn vị với phương châm sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ. Chúng ta đều biết, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức là những người đại diện cho Đảng, Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ ở cơ quan công quyền, thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, rất dễ xảy ra quan liêu, tiêu cực, tham nhũng. Vấn đề xây dựng những chuẩn mực trong thực thi công vụ, cũng như xác định trách nhiệm, nghĩa vụ, thẩm quyền của cán bộ, đảng viên, công chức là vô cùng quan trọng và cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Bốn là, thường xuyên xây dựng ý thức, trách nhiệm, thái độ và phương pháp học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, công chức trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Để phát huy tốt việc học tập, cần phải xây dựng cho được ý thức, trách nhiệm, thái độ và phương pháp học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, công chức trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, đưa những nội dung học tập thành những việc làm thiết thực và tự giác của mỗi người. Bên cạnh đó, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải tự soi lại mình, đối chiếu với những nội dung học tập của bản thân để bổ sung, sửa chữa những mặt còn hạn chế, thiếu sót, đồng thời tiếp tục phát huy, nhân rộng những mặt mạnh, tích cực. Tuy nhiên, để chỉ ra những khuyết điểm cần sửa chữa, những tác phong đạo đức không phù hợp thì cần phải đổi mới cả trong nhận thức và hành động cách mạng. Tuyệt đối không có tư tưởng bảo thủ, trì trệ, ỷ lại, dựa dẫm vào tổ chức. Do đó, xây dựng ý thức, trách nhiệm, thái độ và phương pháp đúng trong học tập Chỉ thị là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức hiện nay.

Năm là, nâng cao ý thức tự học tập, tự nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức một cách thường xuyên, liên tục.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ cốt yếu, thường xuyên đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức trong việc học tập Chỉ thị. Phải nhận thức rõ rằng, việc học tập không thể là ngày một ngày hai, hay chỉ tiến hành trong một hoặc hai năm, mà là việc làm lâu dài và cần được thực hiện trong suốt sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Việc tự học tập để nâng cao nhận thức cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Các nội dung tự học tập cần được đưa vào sinh hoạt chi bộ và trở thành nền nếp hằng tháng, hằng quý, hằng năm theo kế hoạch của từng chi bộ và cá nhân cụ thể. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thiết phải xây dựng thói quen, ý thức tự giác trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nguyễn Huy Đại

Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh,

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/nhung-giai-phap-de-thuc-hien-chi-thi-05-ct-tw/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp