Đề bài: Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng
Bạn đang xem: Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng
Bài văn mẫu Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu
I. Dàn ý Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu chung về tác giả Xuân Diệu và bài thơ Vội vàng.
– Giới thiệu 13 câu đầu bài thơ.
2. Thân bài
a. Phân tích 4 câu đầu đoạn thơ
– Viết theo thể 5 chữ, ngắn gọn, giàu giá trị biểu đạt.
– Điệp ngữ “Tôi muốn” đầu câu khẳng định cái tôi đầy chủ động của chủ thể trữ tình.
– Biện pháp điệp cấu trúc càng nhấn mạnh được khát vọng mạnh mẽ của cái tôi cá nhân…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng
1. Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, mẫu số 1 (Chuẩn):
Xuân Diệu là một nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam nói chung và phong trào thơ Mới nói riêng. Ông được xem là nhà thơ của tình yêu và tuổi trẻ, các tác phẩm của Xuân Diệu là những hồn thơ yêu cuộc đời, say mê cuộc đời, gắn bó với cuộc đời thiết tha, mãnh liệt. Xuân Diệu đã mang đến cho Thơ mới một luồng gió mới mẻ, đó là cái nồng nàn, sục sôi và một cái tôi đầy ý thức về bản thân. Bài thơ Vội vàng là một trong những bài thơ thành công nhất của ông.
Vội vàng được in trong tập Thơ thơ, là một bông hoa xinh đẹp trong vườn thơ đầy hương sắc trên văn đàn văn học Việt Nam. Bài thơ đã bộc lộ những khát khao mãnh liệt của nhà thơ trước mùa xuân, trước thời gian và tuổi trẻ. Qua tác phẩm, Xuân Diệu còn gửi đến người đọc những quan niệm nhân sinh đầy mới mẻ, sâu sắc. Trong 13 câu thơ mở đầu bài thơ, ta bắt gặp một cái tôi tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống của người thi sĩ.
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Bài thơ mở đầu bằng 4 câu thơ viết theo thể 5 chữ, cảm xúc dường như được dồn nén đến tột độ rồi bung tỏa mãnh liệt mong ước đầy táo bạo mà cũng vô cùng lãng mạn của nhà thơ. Điệp ngữ “Tôi muốn” đầu câu khẳng định cái tôi đầy chủ động của chủ thể trữ tình trước vũ trụ bao la tuyệt sắc. Biện pháp điệp cấu trúc càng nhấn mạnh được khát vọng mạnh mẽ của cái tôi cá nhân, muốn được “tắt nắng”, “buộc gió’ để níu giữ khoảnh khắc tươi mới của màu nắng, hương gió, níu giữ những tinh túy của đất trời. Đó là ước muốn được thay đổi tạo hóa, ngăn chặn bước đi của thời gian để tận hưởng trọn vẹn, “đã đầy” hương sắc của trần gian. Đứng giữa một vũ trụ xinh đẹp ấy là một cái tôi đầy mạnh mẽ, quyết liệt, táo bạo.
Không phải ngẫu nhiên mà tác giả muốn đước tắt nắng, buộc gió, không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ lại có những ước mơ táo bạo như vậy. Bởi vẻ đẹp của mùa xuân, của đất trời đã khiến nhà thơ không khỏi thổn thức, mê đắm. Một bức tranh mùa xuân rực rỡ, tươi tắn, căng tràn nhựa sống hiện ra trước mắt thi nhân.
“Của ong bướm này đây tuần trăng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi”
Điệp khúc “này đây…của” tạo nên âm hưởng tươi vui, rộn ràng, háo hức, nôn nao khi xuân về. Cảnh vật dưới con mắt của thi nhân đều trong trạng thái căng tràn sức sống, đua nhau khoe sắc, tỏa hương khi mùa xuân vào độ “chín”. Những hình ảnh gợi cảm của thiên nhiên dần hiện ra, đó là ong bướm đua nhau tìm mật hoa vào độ “tuần tháng mật”- một khoảng thời gian đẹp nhất của tình yêu đôi lứa và cũng là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Nào đâu chỉ có ong bướm, hương hoa, mùa xuân đem đến cho đồng nội một sắc xanh kì diệu “xanh rì”, cỏ đồng nội như trải thảm, khoác lên mình sắc xanh tươi mới, giàu sức sống. Những chiếc lá non trên “cành tơ” cũng kiêu hãnh phất phơ trên từng đợt gió xuân, mơ màng khiêu vũ dưới màu nắng xuân đầy trẻ trung và nhiệt huyết. Khúc nhạc tình say đắm được cất lên bởi những nàng chim bay về hội tụ “của yến anh này đây khúc tình si”.
Bằng biện pháp nghệ thuật điệp ngữ, liệt kê, sử dụng các tính từ chỉ trạng thái và những hình ảnh gần gũi, đời thường, tác giả đã khắc họa nên một bức tranh xuân về đầy sinh động, tươi đẹp, gợi cảm mà vô cùng quyến rũ. Bức tranh ấy có hoa cỏ, ong bướm, chim chóc, có màu xanh của lá, màu vàng của nắng, có ánh sáng tinh khôi qua hàng mi cong của người thiếu nữ, có hương hoa, có âm thanh rộn ràng của tiếng chim, có cả tiếng lòng mê đắm của người thi sĩ. Khắc họa bức tranh ấy, phải chăng tác giả muốn gửi gắm tới người đọc rằng cái đẹp không ở đâu xa, cái đẹp hiện hữu xung quanh chúng ta, vì vậy, hãy chắt chiu và tận hưởng, hãy trân trọng và giữ gìn.
“Mỗi buổi sáng, thần vui hằng gõ cửa”
Với Xuân Diệu, bình minh lên mỗi ngày là một niềm hy vọng, một ngày mới bắt đầu sẽ luôn là một ngày may mắn và ngập tràn niềm vui. Bởi có niềm vui nào lớn hơn là niềm vui được sống, được tận hưởng và cống hiến. Thần Niềm vui luôn đón đợi mọi người, mang hạnh phúc và tiếng cười đến nhà nhà, nơi nơi.
Tác giả cảm nhận mùa xuân bằng chính bản thể của mình, bằng cả tâm hồn và thể xác. Bởi thế mà mùa xuân ấy không chỉ được gợi ra bằng những hình ảnh mắt thấy, tai nghe mà còn bởi những rung động tinh tế của tâm hồn:
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Cái mới mẻ trong hồn thơ Xuân Diệu một lần nữa được thể hiện rõ qua hình ảnh so sánh đầy táo bạo “tháng giêng” với “cặp môi gần” kết hợp cùng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác với tính từ “ngon”. Phải hạnh phúc đến nhường nào, mê đắm đến nhường nào, Xuân Diệu mới cảm nhận được sự ngọt ngào của dòng thời gian đến như vậy. Đó là mùa xuân ngọt ngào, là dòng ngày tháng ngọt ngào, là tuổi trẻ ngọt ngào của nhà thơ. Thơ Trung đại, lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để gợi tả vẻ con người, thì Xuân Diệu lấy con người làm chuẩn mực cho cái đẹp, đây là một nét nổi bật trong tư duy đầy mới mẻ của nhà thơ. Bởi con người chính là trung tâm của văn học, của đời sống xã hội.
Vẻ đẹp của trần gian khi xuân về tựa thiên đường mê đắm hay vẻ đẹp của cuộc đời con người vào những năm tháng tuổi trẻ đã khiến nhà thơ sợ hãi thời gian trôi. Hai câu cuối đoạn thơ đột ngột vang lên đầy tiếc nuối, dư âm:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Dấu chấm câu giữa dòng thơ như một bản lề khép mở hai dòng tâm trạng. Vừa là nỗi vui sướng, hạnh phúc vô bờ trước cảnh sắc quyến rũ, quấn quýt của mùa xuân lại vừa vội vàng, lo sợ trước sự chảy trôi của thời gian nên phải “vội vàng một nửa”. Thật kì lạ! Người ta thường tiếc nuối những gì đã mất, còn với Xuân Diệu thì lại nuối tiếc những gì đang có ở hiện tại, phải chăng bởi thi nhân nhận ra rằng thời gian sẽ làm phai tàn, xóa nhòa đi tất cả.
“Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Không chờ hạ đến mới nhớ xuân, tác giả tiếc xuân ngay giữa mùa xuân, tiếc tuổi trẻ ngay khi mình còn trẻ, để rồi nhắc nhở bản thân hãy trân quý từng phút, từng giây của hiện tại. Chạy đua với thời gian, với tuổi trẻ để sống một cuộc đời đáng sống, sống một tuổi trẻ huy hoàng bởi tuổi trẻ nào được hai lần thắm lại.
Đoạn thơ với 13 câu thơ dạt dào cảm xúc, một bức tranh xuân tươi mới hiện hữu trước mắt người đọc như báo trước một tương lai đầy tốt đẹp, một tuổi trẻ đáng tự hào. Lời thơ thúc giục mỗi chúng ta hãy sống, hãy tận hưởng và trân quý những phút giây hiện tại, trân quý những vẻ đẹp quanh mình đừng để mất đi rồi mới vội vàng hối tiếc.
2. Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng, mẫu số 2 (Chuẩn)
Nhận định về nền thơ Mới giai đoạn 1932-1941 nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã đưa ra những nhận xét thú vị rằng “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, kỳ dị như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, quê mùa như Nguyễn Bính, và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Và trong một loạt các tên tuổi nổi bật ấy Hoài Thanh cũng đặc biệt chú ý đến Xuân Diệu với mấy từ thực quý “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Nói vậy để hiểu được rằng Xuân Diệu trong văn đàn Việt Nam không chỉ là một cái tên nổi bật, mà sự xuất hiện của ông chính là một sự kiện quan trọng đưa nền thơ Mới lên một tầm cao mới, không chỉ còn quanh quẩn bên những cái buồn, cái lạc lõng, hay cái sầu khổ của con người trước thế sự, mà Xuân Diệu để tâm nhiều hơn đến đời sống cá nhân, bộc lộ cái tôi cá nhân thực rõ ràng và kiên quyết, cũng thể hiện rất nồng nàn, đắm say cái cảm tình của mình với mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu, mà đôi lúc người ta vẫn không hiểu động lực nào khiến nhà thơ có chấp niệm sâu sắc đến vậy. Thơ văn lãng mạn của Xuân Diệu có phảng phất chút hương vị Pháp, nhưng hơn hết cái chất thơ Việt vẫn rất nồng đượm, người mang đến một làn gió mới cho thơ ca Việt Nam, cống hiến bằng “một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”. Nổi bật nhất trong đời thơ của Xuân Diệu có lẽ phải kể đến Vội vàng một bản giao hưởng đầy đủ những thanh âm đặc sắc nhất của tình yêu, trong đó mười ba câu thơ đầu vừa vặn thể hiện được cái tôi trữ tình mới mẻ của tác giả, đồng thời cũng bộc lộ những quan niệm, triết lý nhân sinh đầy sâu sắc mà Xuân Diệu muốn truyền tải.
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Xuân Diệu mở đầu bài thơ bằng những câu thơ ngắn, thể hiện những khao khát mãnh liệt, táo bạo và ngông cuồng chưa từng có trong thơ ca Việt Nam thời kỳ trước, đó là khao khát được khống chế cả thiên thiên tạo hóa. Điệp khúc “Tôi muốn…” càng nhấn mạnh cái khao khát mãnh liệt được “tắt nắng”, “buộc gió” hết sức phi lý và lạ lùng. Nhưng chính từ câu thơ ấy người ta mới thấy được hai cái tôi trữ tình đầy độc đáo của người nghệ sĩ, một cái tôi hết sức ngông cuồng, táo bạo, dám thách thức cả vũ trụ, tắt đi ánh nắng vốn dĩ soi chiếu cả hàng triệu năm của nhân loại, rồi lại muốn “buộc” cả những cơn gió vốn được mệnh danh là những vị thần tự do không gì có thể trói buộc. Một cái tôi nữa được bộc lộ trong 4 câu thơ này ấy là cái tôi ngây thơ, hồn nhiên và trong sáng, Xuân Diệu như một đứa trẻ, một khi đã muốn thứ gì thì phải đòi cho bằng được, dù có phần “ích kỷ” nhưng thực tế rằng có thể thông cảm được. Và hai cái tôi tưởng chừng như tác biệt ấy lại hợp lại thành một cái tôi chung của Xuân Diệu, đều cùng hướng về một ước vọng, khao khát được níu giữ lại những vẻ đẹp của thiên nhiên tạo hóa.
Muốn tắt nắng, thực tế là sợ mặt trời ngả về tây, mang theo mất cái màu nắng rực rỡ, muốn buộc gió lại, là bởi vì sợ hương gió thoảng qua nhanh quá cuốn theo hết những hương đồng nội cỏ ngào ngạt của mùa xuân. Đồng thời thông qua những câu thơ đầu tiên, người ta cũng nhận ra một triết lý sống mới trong thơ Xuân Diệu, ấy là sự nhận thức được nhưng vẻ đẹp đang hiện hữu ở trong chính cuộc sống bình thường. Đối với nhà thơ hạnh phúc không phải là việc đi tìm sự quên hay sự thoát ly khỏi khổ ải trần gian như nhiều văn nhân, mặc khách thời xưa, mà trái lại hạnh phúc đối với ông chính là nhận thức và tận hưởng chính những vẻ đẹp vốn có ở nhân thế. Bên cạnh đó tác giả cũng hiểu rõ được quy luật của tạo hóa, con người chỉ có một đời để sống rồi cũng trở về với cát bụi, chứ chẳng hề có việc luân hồi nào. Chính vì thế trước sự trôi chảy thoi đưa của thời gian, sự tuần hoàn của tạo hóa Xuân Diệu lại càng thêm trân quý cái cuộc đời ngắn ngủi mấy mươi năm của mình, lại càng thêm yêu mùa xuân, thêm tiếc nuối cái tuổi trẻ mà mình đã đi gần quá nửa. Thế nên khi nhìn thấy nắng, ngửi thấy hương hoa ngào ngạt, những thứ đại diện cho mùa xuân và tuổi trẻ, nhà thơ bỗng không kìm được mà muốn “tắt nắng”, “buộc gió” để chặn đứng bước đi của thời gian, hòng kéo dài được thêm chút nữa thời lượng của cuộc đời, được tham lam tận hưởng thêm chút nữa dư vị của mùa xuân tươi đẹp. Nhưng đây cũng chỉ là những giải pháp tức thời trong lúc người thi sĩ còn bối rối, hoang mang, chưa kịp nhìn nhận thêm những giải pháp khác mà thôi.
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.
Sau những khao khát được chặn đứng bước đi của thời gian, Xuân Diệu bắt đầu trấn tĩnh lại, đồng thời phát hiện ra bức tranh thiên nhiên mùa xuân đầy tươi đẹp, khiến thi nhân sung sướng, hạnh phúc vô cùng. Đồng thời cũng thông qua bức tranh thiên nhiên ấy tác giả cũng bộc lộ những triết lý nhân sinh sâu sắc, về mối tương quan giữa mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu, mối quan hệ hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, cũng như sự tinh tế trong việc khai thác những vẻ đẹp tiềm ẩn của tự nhiên mà trước đây con người thường không chú ý đến.
Việc tác giả sử dụng liên tục điệp khúc “này đây…” không chỉ đơn giản là liệt kê những cảnh sắc ở vườn xuân, mà còn tinh tế bộc lộ sự ngỡ ngàng, từ ngạc nhiên đến sung sướng của thi nhân trước khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, là niềm hạnh phúc tột độ khi được hòa mình vào giữa mùa xuân để tha hồ thưởng thức. Và đặc biệt rằng trong đôi mắt si tình của thi nhân, mỗi một thực cảnh mùa xuân không chỉ đơn thuần là cảnh sắc mà nó còn hàm chứa đủ những cung bậc cảm xúc của tình yêu đôi lứa. Ấy là cảnh ong bướm vờn quanh hoa, quyến luyến không rời như một cặp tình nhân trong “tuần tháng mật” ngọt ngào say đắm, là cảnh hoa khoe sắc thắm cùng với nội cỏ xanh rì, thật hài hòa như cặp đôi đã thương nhau từ rất lâu, thực thấu hiểu lẫn nhau. Rồi đó còn là cảnh lá với “cành tơ phơ phất” như đang tình tứ, âu yếm lẫn nhau. Không chỉ là những cảnh sắc tĩnh lặng, êm đềm, Xuân Diệu còn thêm vào đó một chút âm thanh rộn ràng của loài “yến anh” đang say mê, yêu đời với “khúc tình si” ngọt ngào, rạo rực làm khu vườn xuân càng thêm tràn trề sức sống.
Bài văn Phân tích 13 câu thơ đầu bài thơ Vội vàng mới nhất
Bức tranh thiên nhiên mùa xuân cũng trở nên hoàn hảo hơn với đủ hương sắc thanh vị. Nhưng nếu cảnh xuân chỉ có vậy thì vẫn chưa phải là hồn thơ Xuân Diệu bởi lẽ nó vẫn còn lạnh lẽo quá chính vì thế thi nhân đã thêm vào đó một thứ ánh sáng dìu dịu trong câu “Và này đây ánh sáng chớp hàng mi”. Thứ ánh sáng nhàn nhạt, ấm áp phủ lên tất cả hoa lá, dường như làm bừng lên sức sống của mọi vật, sưởi ấm trái tim người thi sĩ, là thứ ánh sáng thật quý giá tượng trưng cho sự sống, soi sáng tâm hồn của con người, làm bức tranh thiên nhiên thêm phần ấm áp, nồng nàn, tươi trẻ. Song song với sự xuất hiện của ánh sáng chính là sự xuất hiện của con người thông qua hình ảnh thực tình “hàng mi”. Đó có thể là hàng mi cong dài của một cô gái trẻ đang dạo bước trong vườn xuân, ánh nắng chiếu nhẹ lên hàng mi là một cảnh đầy chất thơ, mang đến cho tác phẩm sự lãng mạn thực tinh tế.
Cùng cảnh “hàng mi” ấy ta cũng có thể tưởng tượng rằng đấy là hình ảnh của chính người thi nhân đang tận hưởng mùa xuân, đang cảm nhận sự ấm áp của nắng xuân phủ lên thân thể. Nhưng dù là ở trường hợp nào ta cũng nhận thấy rằng trong bức tranh thiên nhiên của Xuân Diệu, con người dường như chỉ xuất hiện thông qua một “hàng mi”, tuy vậy nó vẫn đạt được những hiệu quả nghệ thuật ấn tượng, khi khẳng định sự hòa hợp của thiên nhiên với con người, cũng như vẻ đẹp của tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống rất đậm đà, tha thiết.
Đứng trước vẻ đẹp tuyệt vời của bức tranh thiên, Xuân Diệu càng ý thức được sự quý giá của tuổi trẻ, của mùa xuân, đồng thời thức tỉnh trong lòng một chân lý thực sâu sắc thông qua câu thơ “Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa”. Đối với nhà thơ, mỗi một ngày được thức dậy, được trông thấy ánh sáng mặt trời, trông thấy cảnh sắc thiên nhiên tràn trề sức sống chính là một niềm vui, niềm hạnh phúc nhất của đời người. Đặc biệt ở trong câu thơ cuối đoạn “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”, sự chuyển đổi cảm xúc đầy ấn tượng từ thính giác, xúc giác, thị giác, tác giả còn cảm nhận mùa xuân bằng vị giác. Đó là một cảm nhận thực trừu tượng đối với độc giả nhưng nó lại diễn tả rất tinh tế tình yêu nồng nàn, tha thiết của tác giả với mùa xuân. Xuân Diệu không chỉ đơn thuần là ngắm nhìn mà còn cảm nhận mùa xuân như một thực khách sành ăn đang tận hưởng cao lương mỹ vị, cũng giống như một kẻ si tình đang đắm say trong mối tình nhiều hy vọng. Chất Pháp lãng mạn và đầy tình tứ được bộc lộ nhiều gợi cảm trong cái cách người thi sĩ nhìn mùa xuân tựa như đôi môi căng mọng, tràn đầy sức sống của tuổi trẻ đôi mươi. Trong đó người ta cảm nhận được khao khát được tận hưởng, được ôm vào lòng cả thiên nhiên xuân sắc, là tình yêu tha thiết chảy bỏng của người nghệ sĩ đối với thiên nhiên, cuộc đời và tuổi trẻ. Xuân Diệu ví mùa xuân giống như tình yêu, cũng thấy được sự tương quan giữa con người và thiên nhiên, từ đó ông lại càng trân trọng hơn từng giây phút được sống, được tận hưởng, được hòa mình vào thiên nhiên.
Có thể thấy Xuân Diệu quả là một con người thực tế, ông không đi tìm những niềm vui ở đâu thật xa xôi, trái lại ông tập trung vào những vẻ đẹp cuộc sống đang tồn tại mỗi ngày xung quanh con người, từ đó tinh tế cảm nhận những hạnh phúc thực bình dị. Đồng thời cũng ý thức được những triết lý nhân sinh thật sâu sắc về cuộc đời, quan niệm thực sự về hạnh phúc trong đời sống mới, đưa nền văn học Việt Nam dần thoát khỏi những quan niệm xưa cũ, luôn tìm đến sự quên, sự thoát ly, rời xa nhân thế, vốn dĩ đã không còn phù hợp.
3. Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, mẫu số 3 (Chuẩn)
Trong suốt giai đoạn mà phong trào thơ mới nở rộ một cách mạnh mẽ với sự ra đời của các cây bút có sức sáng tạo, sức trẻ dường như làm lấn át cả một nền thơ cổ vốn ngự trị trên đất nước hàng ngàn năm. Trong đó người ta không thể không nhắc đến những cái tên tiêu biểu như Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Vũ Đình Liên,… mỗi người một vẻ, ai cũng tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc trên thi đàn Việt Nam lúc bấy giờ. Và Xuân Diệu đã đến, đã đem đến cho làng thơ mới một làn gió lạ, nhận luôn cái danh hiệu “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” mà Hoài Thanh đã viết những câu rất thú vị như sau: “Bây giờ khó mà nói hết được cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam hồi Xuân Diệu đến. Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy,…”. Thơ Xuân Diệu sở dĩ mới lạ là ở cái cách người xây dựng và khai thác chủ đề, giữa một loạt các nhà thơ mới như vậy, nhưng chỉ có một mình Xuân Diệu có cái giọng thơ nồng nàn, đắm say khi nói về mùa xuân về tình yêu về cuộc đời như vậy. Có thể nói rằng “Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu đắm say tình yêu, đắm say cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn, tha thiết”. Ở Vội vàng người ta thấy rõ được cái chất thơ ấy của Xuân Diệu, đặc biệt là 13 câu thơ đầu, chính là cái cách nhà thơ cảm nhận và tận hưởng bức tranh thiên nhiên, bức tranh mùa xuân, kèm theo đó là bức tranh tình yêu một cách nồng nàn và tha thiết vô cùng.
Thơ Xuân Diệu không phải ai cũng cảm nhận được cái hay của nó, bởi đôi lúc người ta thấy nó sao dồn dập, sao vội vàng và đôi khi quá đỗi “trần truồng” khiến những nhà thơ thời ấy khó chấp nhận, bởi nó mới lạ, mang âm hưởng Pháp nhưng khi đọc vào lại thấy đậm vị quê hương. Nó giống như một món ăn vị lạ, khó để nói thành lời, mà cái người ta không diễn giải được thì người ta sẽ gạt đi. Ngược lại với những ai đã yêu thơ Xuân Diệu thì lại mê lắm, và đa số ấy là những người trẻ tuổi, họ có chung một nỗi niềm muốn sống “nhanh” muốn tận hưởng cho trọn hứng của nhà thơ. Và “với một nhà thơ còn gì quý bằng sự hoan nghênh của tuổi trẻ”.
Những bài Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất
Ngay từ những dòng thơ đầu Xuân Diệu đã không ngần ngại mà bộc lộ cái niềm khao khát mãnh liệt của mình giữa cuộc đời.
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”.
Đó là những khao khát có phần ngông cuồng và táo bạo, đúng với cái cá tính của Xuân Diệu. Nhà thơ muốn “tắt nắng”, muốn “buộc gió”, muốn đi ngược lại với quy luật của đất trời, bởi trên tất cả Xuân Diệu ý thức được rằng, chẳng có màu nắng nào đẹp bằng nắng của mùa xuân, cũng chẳng có gì thanh mát, tuyệt vời như hương hoa cỏ thoảng đưa trong gió biếc. Thế nên ông nuối tiếc lắm, nếu như nắng tàn phai, nếu như gió cuốn hết hương hoa ngọt ngào, thì còn đâu cái mùa xuân tươi đẹp, xinh xẻo – thứ mà ông vẫn hằng trông đợi, khao khát và níu giữ cả cuộc đời bằng tất cả đắm say, tha thiết nữa. Chính vì thế, nhà thơ đã bộc lộ cái khát khao cháy bỏng được đi ngược lại với quy luật khắt khe của tạo hóa, vượt lên trên tầm vóc của đất trời vũ trụ để lưu lại cho đời những thứ tuyệt vời, tốt đẹp nhất. Ấy là màu nắng nhàn nhạt, êm dịu đượm sắc xuân, ấy là hương thơm diệu kỳ của muôn đóa hoa rực rỡ, đại diện cho một trời xuân đang nở rộ. Mà chính ra là Xuân Diệu đang cố “tắt nắng đi”, đang muốn “buộc gió lại” để hòng ôm ấp lấy chúng mà thưởng thức một mình, chứ đã nghĩ đến ai gì cho cam! Xuân Diệu chính là nhà thơ có cái lòng “ích kỷ” kỳ lạ lùng như thế, đi tranh giành, khao khát thứ mà hậu thế chẳng mấy người để mắt một cách cuống quýt và vội vã, khiến người ta thương mà không trách được. Có thể nói rằng, ở trong bốn câu thơ đầu người ta thấy nổi lên hai cái “tôi” rất thú vị, một cái tôi ngông cuồng, mạnh mẽ dám thách thức cả tạo hóa, đất trời để đạt được khát vọng cá nhân. Và một cái tôi cũng rất đỗi ngây thơ, hồn nhiên như một đứa trẻ, bồng bột và có những mộng tưởng rất đỗi hoang đường, nhưng lại rất trẻ trung và tràn trề sức sống. Tổng hòa hai cái tôi tưởng chừng như biệt lập ấy lại mang đến cho nhà thơ một chân dung riêng, một màu sắc riêng trong thế giới thi ca vốn lắm kẻ nhân tài này.
Sau 4 câu thơ mở đầu, bộc lộ khát vọng mãnh liệt, nồng nàn của nhà thơ về mùa xuân thì 9 câu thơ tiếp theo chính là bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong đôi mắt tình tứ của Xuân Diệu.
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Bức tranh thiên nhiên mùa xuân của một con người yêu mùa xuân như Xuân Diệu quả thực có những cái tinh tế, những cái đẹp khác với người thường. Nhà thơ cảm nhận mùa xuân thông qua nhiều giác quan, để đưa ra những nét vẽ chân thực và sống động và cũng có một sự logic nhất định. Đồng thời thông qua âm điệu của bài thơ, cùng với điệp khúc “Này đây…” người ta dễ dàng liên tưởng đến đến một khúc ca mùa xuân với những âm điệu rộn ràng, mà tác giả là người có tâm hồn khoáng đạt, đắm say với từng lời ca. Mở đầu người ta thấy bức tranh thiên nhiên hiện lên với hình ảnh bướm dập dờn tung cánh khoe điệu vũ, ong thì mải miết kiếm tìm mật ngọt, thứ vốn là kết tinh quý giá của tự nhiên. Và nếu đã có ong, có bướm, lại có cả mật ngọt thì dĩ nhiên hình ảnh hoa cỏ rực rỡ, và “đồng nội xanh rì” mở ra không gian thiên nhiên rộng lớn là không thể nào thiếu được. Đã có hoa, thì đâu thể thiếu lá để tô điểm thêm cho bức tranh được hoàn chỉnh, hình ảnh “lá của cành tơ phơ phất”, người ta thấy một cái gì đó mềm mại lắm, tươi trẻ lắm, gợi ra một mùa xuân vừa mới chớm, rất tình tứ và gợi cảm. Về phần hình là vậy, về phần âm thanh, Xuân Diệu đã rất tinh tế khi chọn “khúc tình si” của yến anh – vốn là loài chim tượng trưng cho mùa xuân làm bản nhạc đệm cho bức tranh thiên nhiên thêm rộn ràng. Thế nhưng tất cả sẽ thật ảm đạm, nếu thiếu đi cái ánh sáng, cái màu nắng nhàn nhạt của đất trời lúc vào xuân. Xuân Diệu viết “Và này đây ánh sáng chớp hàng mi”, ánh sáng chớp hàng mi là gì sao nghe lạ quá, nhưng đứng dưới cương vị của nhà thơ, đó là thứ ánh sáng tuyệt vời và ấm áp, tươi đẹp biết bao, để người ta không nỡ lòng tránh đi mà đứng ngay giữa đất trời để tận hưởng cảm giác nắng bao trùm thân thể, thấy được nắng xuyên qua rèm mi buông. Không quá gắt, không quá chói như nắng hạ, cũng không ảm đạm, ưu sầu như đông, đó là thứ ánh sáng vừa đủ mỹ lệ, vừa đủ ấm áp làm tôn lên vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong lòng tác giả. Xuân Diệu vẽ vài nét vậy thôi, thế nhưng người ta đã liên tưởng đến một khu vườn đậm sắc, đậm hương với những gam màu tươi trẻ, với những âm thanh rộn ràng, và với cả thứ ánh sáng ấm áp, dịu dàng đáng khao khát. Có thể nói rằng xuân đẹp như thế, thì có tiếc gì mà người ta không khao khát, không ước vọng chứ.
Và dĩ nhiên rằng trong thơ của Xuân Diệu thì chẳng thể nào thiếu vắng đi dáng hình của tình yêu được, bởi thiếu tình yêu thì dường như bức tranh thiên nhiên mùa xuân vốn đại diện cho tuổi trẻ cũng trở nên nhạt nhòa, thiếu sức sống. Cái tài của Xuân Diệu ấy là lồng ghép ba từ “tuổi trẻ” “mùa xuân” và “tình yêu” vào trong một ý thơ, người ta không cần đọc nhiều nhưng cũng đã thấy đủ cả ba yếu tố ấy. Xuân Diệu luôn để cho bức tranh của mình được tương xứng, sự vật nào cũng có đôi có cặp và phát ra những dấu hiệu của tình yêu của tuổi trẻ. Ví như ong thì dĩ nhiên là đi đôi với bướm, và nhà thơ gợi ra yếu tố tình yêu trong cụm “tuần tháng mật” tức là chỉ khoảnh khắc ngọt ngào hạnh phúc nhất của những đôi lứa yêu nhau đắm say. Hoặc là hoa thì cũng thành một cặp với “đồng nội xanh rì”, rất tương xứng, gam màu rực rỡ của hoa lá kết hợp với màu xanh bát ngát của đồng nội cỏ, gợi ra nghĩ đến một tình yêu vừa dịu dàng, êm đềm, vừa có những xúc cảm cháy bỏng, nồng nàn. “Lá của cành tơ phơ phất” ta lại nghĩ đến những con người trẻ tuổi, đang theo đuổi tình yêu, kẻ quyến rũ, lả lướt người trầm mê đắm đuối, cũng rất có phong vị yêu đương. Đến “yến anh” thì đã quá rõ ràng, bởi chúng vốn đã là một cặp tình nhân chung thủy, biết bao đời nay người ta vẫn thường ca ngợi, khía cạnh tình yêu ở đây lại được bộc lộ qua âm sắc của “khúc tình si”, ngọt ngào, sâu sắc và đầy đắm say. Cuối cùng đến câu “Và này đây ánh sáng chớp hàng mi”, câu thơ mang đến cho chúng ta nhiều liên tưởng thú vị? Ta cứ tạm phân ra hai trường hợp, nếu người có rèm mi ấy là một cô gái xuân sắc, đang độ đôi mươi, thì chắc hẳn là người mà Xuân Diệu hằng để ý, hằng khao khát một tình yêu tuyệt vời. Hoặc nếu như là nhà thơ, thì có lẽ rằng tình yêu của ông chính là mùa xuân, chính là cuộc đời tươi trẻ đang hằng hiện trước mắt. Và có lẽ đúng thế thật tình yêu trong thơ của Xuân Diệu không chỉ hữu hạn trong tình yêu đôi lứa, mà nó còn là tình yêu với thiên nhiên, với cây cỏ, tình yêu với cuộc đời với tuổi trẻ một cách sâu sắc và thấm thía. Thế nên khi thấy Xuân Diệu tiếc nuối, khao khát thì thường thấy những thứ ấy trở đi trở lại trong thơ ông. Nhận định này có thể dễ dàng chứng minh qua hai câu thơ cuối đoạn “Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa/ Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Tôi biết có rất nhiều người, mỗi buổi sớm thức dậy đối với họ là sự mệt mỏi đang đón chờ, công việc và áp lực cuộc sống chồng chất, người ta đôi lúc chỉ muốn được nhắm mắt thêm chút nữa. Nhưng Xuân Diệu thì khác, ông có một trái tim nhiệt huyết, nồng nàn, một niềm tin yêu vào cuộc sống, thế nên đối với ông mỗi một buổi sáng đã là một niềm vui quý giá, và cái người ta cần làm là tận hưởng nó cho thỏa sức. Bên cạnh đó niềm khao khát mãnh liệt của nhà thơ với mùa xuân cũng tương tự như cái cách mà người trẻ theo đuổi tình yêu vậy, rất nồng nàn, rất đắm say thế nên tháng Giêng tháng của mùa xuân nó cũng hấp dẫn, căng tràn sức sống như đôi môi ngọt ngào căng mọng của thiếu nữ độ hai mươi vậy.
Như vậy có thể thấy trong 13 câu thơ đầu Xuân Diệu vừa bộc lộ cái tôi cá nhân đặc biệt của mình đồng thời cũng bày tỏ nỗi lòng khao khát mãnh liệt về mùa xuân tình yêu và tuổi trẻ thông qua bức tranh khung cảnh mùa xuân đầy đủ hương, sắc, vị. Thông qua đó tác giả còn cho chúng ta nhận ra một chân lý rằng cái đẹp của tạo hóa luôn ngự trị ở xung quanh chúng ta, chứ không phải là một chốn thần tiên, cõi phật nào cả, vấn đề là con người có đủ tình yêu, sự tinh tế để cảm nhận và tận hưởng chúng hay không mà thôi.
4. Phân tích 13 câu đầu bài Vội vàng của Xuân Diệu, mẫu số 4 (Chuẩn):
Xuân Diệu là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ. Đây cũng là ba chủ đề chính trong sự nghiệp thơ ca của ông trước cách mạng tháng Tám. Với mười ba câu thơ đầu tiên trong bài thơ “Vội vàng”, 8, thể hiện một cái tôi yêu đời, yêu cuộc sống đến mãnh liệt.
Có thể nói trong thơ ca trung đại ít có nhà thơ nào dám khẳng định cái tôi cá nhân của mình một cách táo bạo, và đến với phong trào Thơ mới, cái tôi Xuân Diệu đã bộc lộ một cách vô cùng độc đáo:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”.
Mùa xuân là mùa tươi đẹp nhất trong năm cũng như tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Bốn dòng thơ ngũ ngôn như lời đề từ của bài thơ, khẳng định ước muốn đoạt quyền tạo hóa của thi nhân. Xuân Diệu muốn ngăn cản bước đi của thời gian để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nhất, đáng nhớ nhất. Thi sĩ khao khát giữ lại ánh nắng để “màu đừng nhạt mất”, giữ lại gió để cuộc sống luôn tràn ngập sắc hương. Khao khát “tắt nắng”, “buộc gió” thể hiện ý thức làm chủ thiên nhiên của con người. Điều này vừa hợp lí bởi nhà thơ “yêu tha thiết cái chốn nước non lặng lẽ này” (Hoài Thanh) nhưng cũng vừa vô lí và không thể thực hiện được bởi con người làm sao có thể cưỡng lại được quy luật của tạo hóa, làm sao nắm bắt, điều khiển được những thứ vốn là mỏng manh, ngắn ngủi, không tồn tại được mãi mãi. Chúng ta chỉ có thể thực hiện được những ước muốn đó khi có phép nhiệm màu. Đồng thời khao khát này cũng thể hiện sự ham sống bồng bột đến mãnh liệt và quan niệm về thời gian của ông. Thời gian tuyến tính một chiều, khi đã trôi qua rồi thì không trở lại nên nhà thơ có khao khát giữ nắng, giữ gió để tận hưởng hết vẻ đẹp của đất trời.
Bài văn Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu tuyển chọn
Ý thơ như trào dâng theo cảm xúc ở thể ngũ ngôn đã lột tả được ước muốn chân thành mà táo tạo của “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Đặc biệt, sự xuất hiện của chủ thể trữ tình, của cái tôi cá nhân đã thoát ra khỏi những hệ thống các quy ước, ràng buộc của văn học trung đại. Nhân vật trữ tình xưng “tôi” một cách đầy tự tin và quyết đoán. Cái tôi cá nhân ấy không ẩn sau cái “ta” chung của cộng đồng, dân tộc mà nó đứng riêng lẻ đầy khí chất bởi với Xuân Diệu, cái tôi là lẽ sống:
“Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất
Không có chi bạn bè nổi cùng ta”.
(Hy Mã Lạp Sơn )
Sự lặp lại về cấu trúc và hình thức ở các câu thơ 1 – 3, câu thơ 2 – 4 cùng tiết tấu câu thơ nhanh, dồn dập đã thêm một lần nữa tô đậm ước muốn đoạt quyền tạo hóa của Xuân Diệu.
Nếu các nhà thơ trung đại gửi lòng mình vào chốn bồng lai tiên cảnh thì Xuân Diệu lại phát hiện ra một thiên đường trên mặt đất có ngay trong tầm tay với của con người:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.
Những dòng thơ tiếp theo là sự lí giải nguyên nhân vì sao nhà thơ lại muốn “tắt nắng”, “buộc gió”. Con mắt “xanh non”, “biếc rờn” của thi sĩ về mùa xuân đã nhận ra vẻ đẹp của cuộc đời, thiên nhiên với những thực đơn phong phú. Mùa xuân của ong bướm, cỏ cây, hoa lá, mùa xuân của tạo vật tràn trề nhựa sống. Mùa xuân được phát hiện bằng vẻ đẹp của tháng giêng với những gì tinh túy nhất. Có thể nói đó là bức tranh tuyệt đẹp, là khu vườn tình ái đầy hương sắc của mùa xuân trên mặt đất. Chỉ có Xuân Diệu mới có thể nhìn thấy được “tuần tháng mật” của ong bướm, thấy được sắc màu xanh non của cành tơ với những chiếc lá đang “phơ phất”. Tất cả vẻ đẹp căng tràn, tươi nguyên ấy như được trưng bày ra trước mắt nhà thơ và bạn đọc qua điệp từ “này đây”. Chỉ có người thi sĩ ấy mới thấy được những bông hoa của đồng nội và nghe được khúc tình si của chim yến, chim anh. Và cũng chỉ có ông mới cảm nhận được: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.
Mùa xuân đẹp và quyến rũ như đôi môi người thiếu nữ và tháng giêng là tháng đẹp nhất của mùa xuân. Tác giả sử dụng từ “ngon” để thể hiện một khát khao, một cảm nhận riêng đến lạ lùng mà ta chỉ có thể bắt gặp ở Xuân Diệu. Ông như người họa sĩ tài năng đang đứng trước bức tranh thiên nhiên tươi đẹp để chỉ cho chúng ta thấy vẻ tươi non, nõn nà của mùa xuân. Mùa xuân đẹp và tình tứ, vạn vật đều có đôi, gắn bó, quấn quýt với nhau một cách thân thiết. Lứa đôi gắn bó với nhau trong sự ngọt ngào, say đắm, hương gắn kết với hoa để khoe sắc trên đồng nội “xanh rì”. Những cánh yến anh trên bầu trời đang chao liệng để gửi gắm lời yêu thương cho nhau mỗi độ xuân về.
Tác giả đã lấy con người làm chuẩn mực cho cái đẹp để nét vẽ của mình in sâu trong tâm trí người thưởng thức. Thiên đường, bữa tiệc của thiên nhiên có ngay trong cuộc sống này, có ngay trong tầm tay với của con người. Đoạn thơ như một bản đàn du dương mà Xuân Diệu sử dụng để “đốt cảnh bồng lai và đưa ai ấy về hạ giới” (Hoài Thanh), về với nơi ngự trị của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ. Biện pháp liệt kê khiến những vẻ đẹp của mùa xuân được phơi bày một cách sinh động và chân thực.
Có thể nói, chỉ với Xuân Diệu, vẻ đẹp của mùa xuân mới hiện lên nguyên vẹn và tươi non đến thế. Sự sống như bày ra một bữa yến tiệc mà mỗi chúng ta là một vị khách được mời đến tham dự. Nhà thơ đã “say đắm với tình yêu, hăng hái với mùa xuân, thả mình bơi trong ánh nắng, rung động với bướm chim” (Thế Lữ). Ông đã thức tỉnh tất cả các giác quan để nếm vị ngọt, mùi thơm nồng nàn của mùa xuân và sự sống “mơn mởn”. Đôi mắt tinh tế của Xuân Diệu đã nhìn thấy sức sống tươi mới, một sức trẻ khỏe khoắn, một mùa xuân phơi phới làm mê đắm lòng người. Nhà thơ có ước muốn níu giữ tất cả vị “ngon” của tình yêu và mùa xuân khi nó đang trong thời kì hương sắc nhất.
Xuân Diệu đang chìm đắm trong thế giới diệu kì của nhân gian, vũ trụ thì chợt bừng tỉnh:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
Tác giả đặt mình trong hai trạng thái nửa “sung sướng” mãn nguyện nửa “vội vàng”, xót xa. Dấu chấm ngăn cách giữa dòng thơ tạo nên hai câu đặc biệt. Thi sĩ nhận ra vẻ đẹp vô giá của cuộc đời nhưng ngay lập tức cũng biết rằng thời gian là không chờ đợi. Dấu chấm làm mạch cảm xúc bị đứt đoạn, Xuân Diệu đang ngây ngất trong thiên đường mùa xuân thì chợt nhận ra cuộc đời con người rất ngắn ngủi và mỏng manh. Đang ở trong khu vườn trần thế đầy tình tứ mà Xuân Diệu đã lo sợ cuống cuồng những vẻ đẹp sẽ tan biến, mất đi trong hư vô mà không đọng lại chút dư âm. Nhà thơ muốn chạy đua với thời gian, muốn hòa tan mình vào thiên nhiên để trường tồn cùng thời gian.
Mùa xuân đã trở thành người bạn tri âm của Xuân Diệu, luôn được Xuân Diệu chào đón bằng tình yêu nồng nhiệt trong bất cứ hoàn cảnh nào:
“Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé
Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa
Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa
Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng”.
(Xuân không mùa)
Đây là mùa để ấp ủ, gieo mầm gặp gỡ, giao hòa của vạn vật và là nơi nảy nở tình yêu của mỗi cá thể. Ông quan niệm rằng: “Tình không tuổi và xuân không ngày tháng” (Xuân không mùa) nhưng cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc, hoa nở rồi cũng tàn theo quy luật của tạo hóa. Dường như biết trước được quy luật khắc nghiệt ấy nên Xuân Diệu “không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Nhà thơ đã nhận ra được bước đi vô tình mà tàn nhẫn của thời gian nên ông không chờ một điều gì đó qua đi mới cảm thấy hối tiếc, ông không đợi mùa xuân đi hết chặng đường của mình rồi mới nhớ thương, tiếc nuối.
Ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân qua mười ba câu đầu bài thơ “Vội vàng”, Xuân Diệu đã khẳng định rằng không nơi nào đẹp hơn khu vườn trần thế ở mặt đất. Những vần thơ của ông là “nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này” (Hoài Thanh). Được sống là niềm hạnh phúc, khát khao lớn nhất của mỗi chúng ta, vì vậy, chúng ta cần biết trân trong sự sống và có thái độ sống tích cực.
5. Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, mẫu số 5 (Chuẩn)
Xuân Diệu là một nghệ sĩ đa tài – viết văn, làm thơ, phê bình, nghiên cứu văn học,… nhưng để lại nhiều thành tựu nổi bật hơn cả vẫn là thơ ca. Xuân Diệu là một trong số những nhà thơ xuất sắc của phong trào Thơ mới với những vần thơ rạo rực niềm yêu đời, thiết tha với cuộc sống, luôn thể hiện một khát vọng “vô biên và tuyệt đích” và một quan niệm nhân sinh mới mẻ. Và có lẽ, nét đặc sắc ấy trong thơ Xuân Diệu được thể hiện rõ nét qua mười ba câu đầu của bài thơ “Vội vàng”.
Mở đầu đoạn thơ với bốn câu thơ được viết bằng thể thơ năm chữ tác giả Xuân Diệu đã bộc lộ khát khao cháy bỏng muốn lưu giữ những vẻ đẹp của cuộc sống, của thiên nhiên.
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Với nghệ thuật điệp ngữ “tôi muốn” được lặp lại hai lần cùng với thể thơ năm chữ, nhịp thơ nhanh, dứt khoát, bốn câu thơ đã thể hiện ước ao, khát vọng cháy bỏng của Xuân Diệu. Ước muốn của thi sĩ đấy chính là “tắt nắng”, là “buộc gió” để giữ lại màu, lại hương cho cuộc đời. Ước muốn “tắt nắng”, “buộc gió” ấy của nhà thơ tưởng chừng như vô lí bởi nắng, gió là những cái thuộc về tự nhiên làm sao con người có thể níu giữ nó lại, thế nhưng, với Xuân Diệu thì hoàn toàn có thể, bởi với ông, nắng và gió chính là biểu tượng cho những vẻ đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống. Ước muốn ấy của nhà thơ xét đến cùng là ước muốn được lưu giữ hương sắc, lưu giữ mãi những vẻ đẹp của thiên nhiên của cuộc sống, để chúng không bị tàn phai theo bước chuyển của thời gian.
Hướng dẫn lập dàn ý và Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu
Nếu bốn câu thơ đầu, tác giả bày tỏ khát khao mãnh liệt, cháy bỏng của mình thì trong bảy câu thơ tiếp theo của đoạn thơ, tác giả vẽ lên trước mắt bạn đọc “bức tranh thiên đường trên mặt đất”.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Điệp ngữ “này đây” được lặp lại năm lần như một lời mời gọi, dường như tất cả mọi thứ cứ đang bày, đang phô diễn, đang mời mọc. Và để rồi, đằng sau điệp từ ấy, từng hình ảnh, từng gam màu của bức tranh thiên nhiên, của “bữa tiệc trần gian” của thế gọi nhau hiện ra. Bức tranh ấy được tạo nên bởi những hình ảnh vui tươi, tràn đầy sức sống tươi mới, tình tứ với biết bao niềm hân hoan, hạnh phúc, đó là “ong bướm” đang “tuần tháng mật”, là “đồng nội xanh rì”, “là cành tơ phơ phất”, là “yến anh” với khúc nhạc tình si. Tất cả những hình ảnh ấy quyện hòa vào nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống, tất cả như căng tràn sinh lực và sự sống. Đồng thời, đó còn là một bức tranh mùa xuân với sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh, màu sắc và âm thanh, dường như mỗi hình ảnh, mỗi sự vật trong bức tranh ấy đều hiện lên sự tình tứ, quyến luyến để bức tranh mùa xuân như một “vườn tình”, vườn yêu, đầy ngọt ngào và hạnh phúc. Đặc biệt, trong đoạn thơ, tác giả không chỉ nhìn thiên nhiên bằng mắt và lắng nghe âm thanh bằng tai, bức tranh thiên nhiên ấy còn được tác giả cảm nhận bằng cả vị giác qua hình ảnh so sánh độc đáo.
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Xuân Diệu đã nhân hóa thiên nhiên và xem thiên nhiên như một người tình để ông ái ân, tình tứ. Hình ảnh so sánh táo bạo, độc đáo này đã thêm một lần nữa cho chúng ta thấy tình yêu, sự gắn bó của nhà thơ với thiên nhiên, với cuộc sống. Như vây, chỉ với bảy câu thơ nhưng Xuân Diệu đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên thật đẹp ngay giữa chốn trần gian và với Xuân Diệu, thiên đường không ở đâu xa xôi mà nó có ngay trên mặt đất này. Và đây cũng chính là quan niệm nhân sinh mới mẻ của Xuân Diệu. Đồng thời, qua đây cũng giúp lí giải vì sao trong bốn câu thơ mở đầu bài thơ Xuân Diệu lại có những ước muốn, khát khao cháy bỏng và mãnh liệt đến như vậy.
Trước vẻ đẹp của “thiên đường trên mặt đất”, dường như nhà thơ không thể giấu nổi nỗi lòng mình mà phải thốt lên rằng.
Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Câu thơ như bị ngắt thành hai vế đứt quãng, cái tôi nhà thơ sung sướng trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống nhưng niềm sung sướng ấy thật chóng vánh để lại sau đó là một nốt ngừng với cảm giác “vội vàng một nửa’. Vội vàng, lo lắng bởi có lẽ hơn ai hết, Xuân Diệu cảm nhận thấy sự chảy trôi của thời gian, sự mỏng manh, ngắn ngủi của kiếp người nên ông phải sống vội vàng để tận hưởng những vẻ đẹp nơi đây.
Tóm lại, mười ba câu đầu bài thơ “Vội vàng’ đã đưa đến cho chúng ta quan niệm nhân sinh mới mẻ của Xuân Diệu. Với Xuân Diệu, thiên đường không ở đâu xa xôi mà nó hiện hữu ngay trên mặt đất, ngay giữa chốn trần gian.
——————–HẾT——————–
Vội vàng là bài thơ quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 11, để củng cố kiến thức bài học, bên cạnh bài Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng, các em có thể tham khảo thêm: Vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống trong bài thơ Vội vàng, Triết lí nhân sinh trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, Phân tích khổ thơ đầu trong bài Vội vàng để làm sáng tỏ nhận định, Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp