Phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu

0
114
Rate this post

Đề bài: Phân tích bài thơ Bác ơi của nhà thơ Tố Hữu

phan tich bai tho bac oi

Văn mẫu phân tích bài Bác ơi hay, chọn lọc

Bạn đang xem: Phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu

I. Dàn ý Phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu (Chuẩn)

1. Mở bài:

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

2. Thân bài:

a. Bốn khổ thơ đầu: nỗi đau xót khi Bác ra đi
– Đau đớn, xót xa trước sự ra đi của Bác:
+ Điệp từ “tuôn”: Sự đau buồn của nhà thơ, con người và cả thiên nhiên khi Bác ra đi.
+ Hình ảnh căn nhà Bác đã ở: trống vắng, lạnh lẽo, không còn hơi ấm của Bác: chuông không reo, phòng tắt điện, buông rèm, …
+ Tố Hữu đã sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh và câu hỏi tu từ: “Bác đã …Bác ơi!”: Sự giật mình, thảng thốt, không tin là sự thật khi nghe tin Bác ra đi.

– Những cảnh vật quen thuộc trong vườn Bác vẫn nguyên vẹn: hoa thơm, bưởi chín nhưng Bác không con nữa.
– Bốn khổ thơ là nỗi đau xót, nghẹn ngào vô bờ của nhà thơ và dân tộc trước sự ra đi của Người.
– Tố Hữu đã mở rộng không gian nghệ thuật từ căn nhà của Bác đến cả đất trời, thiên nhiên để bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn của mình với Người.

b. Sáu khổ thơ tiếp: Hình tượng Bác Hồ sống và hy sinh cho dân tộc:
– Lí tưởng sống cao đẹp của Người: Bác dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cứu nước, giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
– Tình yêu của Bác dành cho mọi người, mọi nhà, cho cả vạn vật, con người khắp năm châu.
+ So sánh tình yêu của Bác “như lòng mẹ”: cao cả, rộng lớn vô cùng.
+ Bác lo cho hiện tại, cho tương lai, cho mọi kiếp người.

– Đức tính khiêm nhường của Người và tấm lòng hy sinh quên mình vì đất nước “Bác để .. lối mòn”.
– Hình ảnh Bác Hồ hiện lên rất chân thực,gần gũi, bình dị, nhưng cũng đầy cao cả, vĩ đại.

c. Ba khổ cuối: Cảm xúc của mọi người trước khi ra đi của Bác:
– Bác ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho cả dân tộc Việt Nam, nhưng vâng lời Bác dặn, cả nước nén đau thương, tiếp tục tập trung vào sự nghiệp giải phóng miền Nam.
– Tấm lòng thành kính tiễn đưa Người tới thế giới của những con người vĩ đại.
– Người sẽ mãi mãi là tấm gương chiếu rọi tâm hồn mỗi con người của dân tộc ta. Hình ảnh của Bác hoà với non sông, vững bền mãi mãi.
– Nhịp thơ dồn dập, chứa đựng cảm xúc tiếc thương với chân lý, khẳng định sự chắc chắn vào sự vững bền của non sông Việt Nam.

3. Kết bài:

– Nêu cảm xúc của bản thân.

II. Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu (Chuẩn)

“Bác ơi” là bài thơ được tác giả Tố Hữu viết sau ba ngày Bác Hồ ra đi. Cảm xúc chung toàn bài thơ là nỗi niềm tiếc thương đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, trân trọng, ngợi ca tình yêu nước thương dân của Người.

Bài thơ được mở đầu bằng tiếng khóc nấc nghẹn của nhà thơ, đó cũng là tiếng khóc thương của hàng triệu con người Việt Nam trước sự ra đi của người Cha già của dân tộc:

“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…”

Nhà thơ Tố Hữu đã điệp từ “tuôn” như muốn khẳng định sự đau xót khôn xiết của con người và cả thiên nhiên khi Bác rời xa. Nỗi đau xót ấy bao trùm lấy cả lòng người và trời đất.

Tố Hữu là một nhà thơ Cách mạng nhiệt huyết, vậy nên, ông rất gần gũi với Bác Hồ, rất thương mến người Cha già kính yêu của dân tộc. Thế nhưng, khi người Cha già ấy ra đi, Tố Hữu lại không được gần bên, nên khi vừa hay tin, ông đã “chạy về thăm Bác”.

Những cảnh vật xưa cũng vẫn nguyên đây, căn nhà sàn Bác đã ở giờ đây chẳng còn tiếng nói của Người mà trở nên trống vắng, lạnh lẽo đến vô cùng:

“Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!”

Những đồ vật bên trong đó giờ đây nằm bất động, chuông không reo, phòng tắt đèn, rèm cửa buông, những gốc cau, gốc dừa ướt lạnh sương, … tất cả đều vắng hơi ấm của Người. Đối với Tố Hữu, điều ấy thật đau đớn, thật tê tái đến nhường nào! Nhà thơ dạo bước quanh trên “lối sỏi quen” nhưng tất cả giờ đây chỉ còn là những kỉ niệm, bởi Bác Hồ đã rời xa thế giới này, thật đau đớn, thật xót xa biết bao!

Và dường như nhà thơ vẫn còn chưa tin vào sự thật ấy, ông bật lên tiếng khóc nghẹn ngào, giật mình trong thảng thốt, gọi tên Bác:

“Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời”

Mùa thu ấy thiên nhiên đều đẹp, con người đều mừng vui bởi khi đó, cả tiền tuyến còn đang trong ác liệt, cả miền Nam đang trên đà chiến thắng. Tất cả mọi người đều mơ đến ngày thống nhất Nam Bắc, Bác Hồ sẽ vào thăm miền Nam, cả miền Nam sẽ được thấy Người vẫy tay cười trong nắng mới:

“Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười”

Căn nhà Bác ở và làm việc vẫn còn nguyên đây, những cây bưởi đã ra trái ngọt, hoa nhài đã nở thơm ngát nhưng thật trống trải “còn đâu bóng Bác đi sớm hôm” nữa. Nhịp điệu thơ ở đây mang đầy sự nghẹn ngào, những câu hỏi tu từ liên tiếp được đặt ra như để biểu thị cho nỗi đau vô bờ của nhà thơ:

“Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!”

Bốn khổ thơ là những niềm tiếc thương vô hạn của nhà thơ cũng như của toàn dân Việt Nam trước sự ra đi của Người. Nỗi đau xót ấy không chỉ con người mới thấu mà thiên nhiên, trời đất đều cảm nhận được! Không gian nghệ thuật trong bốn khổ thơ được Tố Hữu mở rộng dần từ căn nhà của Bác tới thiên nhiên, miền Nam, đất trời, tất cả đang thấm thía nỗi đau xót khi Bác ra đi.

Sáu khổ thơ tiếp theo, Tố Hữu dựng lại hình tượng vị Cha già của dân tộc với tấm lòng yêu thương bao la và những phẩm chất cao đẹp.

Cả cuộc đời của Người sống với lí tưởng cao đẹp là giành lại độc lập cho đất nước, giành lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Người đã dâng hiến cả đời mình cho sự nghiệp cứu nước, nhưng tới khi mất đi, sự nghiệp ấy vẫn chưa hoàn thành, tấm lòng của Người vẫn còn “nặng thương đời” mà chưa được “thảnh thơi”:

” Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Năm canh bớt nặng nỗi thương đời”

Câu thơ cảm thán chứa đựng sự cảm phục đối với Bác cũng như nỗi xót xa cho sự vất vả của Người. Bác luôn yêu thương mọi người, yêu non sông đất nước, mọi kiếp lầm than của dân tộc, thế nên Tố Hữu đã dùng ở đây một hình ảnh ẩn dụ thật tinh tế để miêu tả điều đó:

“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người”

Hai câu thơ chứa đựng ca ngợi tình yêu nước sâu sắc và lòng thương người mênh mông Bác dành cho dân tộc Việt Nam, cho “mọi kiếp người” lầm than trên thế giới. Hai câu thơ này có lẽ là những câu thơ đặc sắc nhất, hay nhất cả bài thơ!

Khi Bác ra đi, miền Nam còn đang khói lửa, Bác ra đi không buồn mà chỉ đau xót và trăn trở cho đất nước, cho năm châu còn chưa được hoà bình. Nhà thơ đã dùng biện pháp liệt kê để kể về những nỗi “đau” mà Bác còn mang nặng và khẳng định tình yêu bao la của Bác với mọi người, mọi nhà, cho vạn vật khắp thế giới này:

“Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau…”

Lòng Bác cũng như tấm lòng của người mẹ hiền, thương đàn con thơ dại. Bác đã sống hiên ngang, vĩ đại “như trời đất của ta”, yêu thương, chăm lo cho “ngọn lúa, cành hoa”, cho “mỗi đời nô lệ”, cho trẻ em và người già.

Bác cũng dành một tình cảm sâu nặng cho các chiến sĩ nơi đầu trận tuyến. Với Bác, miền Nam là ruột thịt, luôn trong tim Bác. Bác dõi theo từng “bước trên tiền tuyền”, vui mừng khi tin thắng trận kéo về.

“Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
Bác nghe từng bước trên tiền tuyến
Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa”

Những câu thơ ở đây đều chứa chan xúc cảm, khẳng định sự yêu thương chân thành, sự mong mỏi đất nước hoàn toàn độc lập của Người. Tố Hữu khóc thương Người, nhưng cũng từ đó mà làm sống dậy tâm hồn của Người, tình yêu của Người – rộng lớn, mênh mông.

Khổ thơ tiếp theo, chúng ta thấy một loạt những từ “vui” được trải đều khắp khổ thơ:

“Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non, trái chín cành
Vui tiếng ca chung hoà bốn biển
Nâng niu tất cả, chỉ quên mình”

Nhà thơ đã làm sống dậy tâm hồn của Bác, sống dậy những mơ ước của Người. Người “nâng niu” tất cả nhưng lại “quên” đi bản thân mình. Bởi lẽ sống của Bác là lẽ sống của dân tộc, Bác đã hy sinh, đã quên mình vì cả dân tộc Việt Nam. Tâm hồn ấy, lí tưởng ấy thật cao cả, thật đáng tự hào!

Bác sống một đời giản dị, thanh bạch, khiêm nhường và hy sinh. Đến lúc Người ra đi, Người cũng chỉ có vài bộ quần áo đơn sơ đã sờn, vài đôi dép cao su mộc mạc, “chẳng vàng son”, như một bức “tượng đồng phơi lối mòn” và chỉ để lại cho chúng ta một tình yêu thương vô bờ bến, một tâm hồn trải “muôn trượng” thế gian:

“Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

Đức tính giản dị là một trong muôn vàn những đức tính tốt đẹp mà Người đã để lại cho chúng ta noi theo. Và Tố Hữu đã dựng lên hình tượng Người giản dị như thế, khiêm nhường như thế nhưng cũng thật vĩ đại, thật cao đẹp biết bao! Tình yêu thương, sự hy sinh của Người cho dân tộc sẽ mãi mãi được nhắc đến với sự trân trọng, kính yêu vô bờ!

Ba khổ cuối cùng của bài thơ, nhà thơ đặt những cảm xúc của mọi con người vào đó để bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của Người.

Người đã ra đi mãi mãi, để lại cho chúng con sự tiếc nhớ vô cùng. Thế nhưng, lời Bác dặn dò vẫn còn đó, phải nén lại đau thương để tập trung vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, để thực hiện di chúc của Người trước lúc đi xa:

“Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu!
Ra đi, Bác dặn: “Còn non nước…”
Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều”

Bác ra đi rồi, sự thành kính của chúng con tiễn đưa Người tới thế giới của những người vĩ đại. Nhưng lý tưởng Người để lại, những bài học Người đã dạy, những căn dặn Người đã nêu sẽ là “ánh hào quang đỏ” dẫn dắt chúng con “cùng nhau tiến lên”, soi sáng cho con đường của cả dân tộc.

Người sẽ mãi mãi là tấm gương hy sinh hết mình cho Tổ quốc mà chúng con nguyện noi theo. Bác đã hòa mình vào sông núi, dõi theo bước chân của chúng ta, để non sông Việt Nam sẽ vĩnh viễn vững bền:

“Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.

Nhịp thơ của những khổ thơ cuối dồn dập, vẫn là niềm tiếc thương nhưng đã nguôi ngoai phần nào, và trong đó là sự quyết tâm, khẳng định chắc chắn. Những dòng thơ cuối như kết tinh một chân lý: Yêu Bác, lòng ta càng “trong sáng hơn”, mạnh mẽ, vững vàng hơn. Ánh sáng của Người soi tỏ con người chúng ta, thanh lọc tâm hồn chúng ta, nâng tầm sức mạnh.

Cả bài thơ Bác ơi là niềm tiếc thương vô hạn của nhà thơ Tố Hữu với sự ra đi của người Cha già mà cả dân tộc kính yêu. Cuộc đời Người là sự hy sinh, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tấm lòng Người trải rộng yêu thương hết thảy mọi người. Bác ra đi, nhưng những người còn ở lại sẽ tiếp bước con đường của Người, hoàn thành di chúc và ước muốn của Người lúc còn sinh thành, đó là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài thơ là niềm xúc động dâng trào trong lòng Tố Hữu khi về thăm Người khi Người đã rời xa cùng những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời Bác. Bài thơ vừa mang nỗi xúc động vừa chứa chan tính chất hào hùng như chất liệu sử thi. “Bác ơi” xứng đáng trở thành một trong những bài thơ hay nhất trong sự nghiệp của Tố Hữu.

——————-HẾT———————-

Những bài thơ viết về Bác Hồ nhiều vô kể, thế nhưng Bác ơi của Tố Hữu vẫn là một trong những tác phẩm thành công nhất viết về Người. Cùng tìm hiểu thêm các bài viết khác như Phân tích nỗi đau xót tiếc thương Bác trong bài Bác ơi, Cảm nhận về bài thơ Bác ơi của Tố Hữu, Soạn bài Bác ơi để hiểu rõ thêm về tác phẩm đặc sắc này nhé!

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-bai-tho-bac-oi-cua-to-huu/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp