Đề bài: Phân tích bài thơ Mây và sóng của Ta-go
3 Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Mây và sóng của Ta-go
Bạn đang xem: Phân tích bài thơ Mây và sóng
1. Phân tích bài thơ Mây và sóng của Ta-go, mẫu số 1:
Trong kho tàng văn học của nhân loại đã có biết bao tác phẩm viết về tình cảm gia đình. Ta đã biết những tác phẩm như Bếp lửa, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Con cò… Bên cạnh những tác phẩm rất quen thuộc đó còn có bài thơ Mây và sóng của Ta-go – một tác phẩm thơ nói lên tình mẫu tử bao la, rộng lớn của một đại thi hào Ấn Độ.
Trò chơi của những người sống trên mây và sóng thật thú vị, không gì tả nổi, hấp dẫn đến lạ kì:
“Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”
“Bọn tớ ca hát từ sáng sớm đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao”.
Thiên nhiên bao la, rộng lớn đang mở ra trước mắt em bé. Được chơi với mây, với vầng trăng bạc, ngao du nơi này nơi nọ đối với em bé là cả một niềm vui thích, rồi được chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Hẳn rằng em bé sẽ không bỏ lỡ cơ hội đó qua đi, em đã hỏi:
Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”.
Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”.
Những bài Phân tích bài thơ Mây và sóng của Ta-go hay nhất
Đó là một điều thật dễ hiểu, dù sao em bé vẫn chỉ là một em bé mà thôi. Nhưng đúng lúc này hình ảnh người mẹ lại hiện lên trong tâm trí em:
“Mẹ mình đang đợi ở nhà” – con bảo – “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”
Con bảo: “Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”.
Em đúng là một đứa bé ngoan, lời từ chối của em thật ngây thơ, trong sáng đến mức khiến cho họ phải mỉm cười, nhảy múa rồi lướt qua. Chính mẹ em bé, tình yêu thương của mẹ dành cho em đã trở thành sợi dây vô hình buộc chặt em bé ở lại, buộc chặt tâm trí em với lòng mẹ.
Cũng chính vì điều đó mà những trò chơi sáng tạo của em bé thú vị chẳng kém trò chơi của những người sống trên mây và sóng:
Con là mây và mẹ sẽ là trăng.
Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm.
Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ,
Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.
Mây, trăng, sóng, bờ biển đều đã thể hiện lên trò chơi của em nhưng trong đó lại có cả mẹ. Ở đây, thiên nhiên rộng lớn, kì ảo, thơ mộng vẫn hiện lên. Nó còn hiện lên đậm nét hơn nữa qua tình cảm của em bé với mẹ. Em sẽ lấy đôi tay choàng lên người mẹ. Rồi sẽ lăn, lăn, lăn mãi cùng tiếng cười vỡ tan vào lòng mẹ. Tình cảm ấy thật sâu đậm, thật thiết tha. Và chắc chắn rằng nó sẽ kéo dài từ bình minh đến tối.
Nổi bật hẳn lên trong phần hai cũng như là một điểm nhấn cho toàn bộ tác phẩm chính là câu thơ và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào. Tại sao em bé lại nói như vậy, đó là bởi em tin chắc rằng tình cảm giữa em và người mẹ sẽ ở khắp mọi nơi, mọi chốn. Tình cảm ấy sâu sắc đến mức không ai có thể hiểu hết được. Tình mẫu tử là thiêng liêng, bất diệt, hoà cả vào trong thiên nhiên bao la, thơ mộng.
Với kết cấu lặp lại giữa hai phần nhưng tác phẩm không vì thế mà trở nên nhàm chán. Ngược lại, tác phẩm càng thêm sức lôi cuốn bởi tác giả Ta-go đã khéo léo tạo ra thêm thử thách thứ hai cho em bé. Chính điều đó đã tạo ra tình cảm mẫu tử trong bài thơ này, một tình cảm trong gian lao, thử thách càng thêm bền chặt. Cùng với đó, Ta-go đã tinh thế chọn ra những hình ảnh mây, trăng, sóng, bờ biển để làm biểu tượng cho thiên nhiên. Những hình ảnh biểu tượng đó được nhân hoá lên có tâm hồn, tiếng nói khiến cho chúng thêm phần sống động trước mắt người đọc. Giọng điệu thiết tha, sâu sắc của một người con với mẹ của mình.
Tác phẩm Mây và sóng của Ta-go tựa như một bài ca. Bài ca ấy cho người đọc thấu hiểu rằng tình mẫu tử là thiêng liêng, bất diệt. Đồng thời nó cũng nhắc nhở mỗi người trong chúng ta về cuộc đời bao giờ cũng có những cám dỗ, điều quan trọng là ta phải biết vượt qua nó. Một trong những động lực giúp ta biết vượt qua chính là tình cảm của người mẹ dành cho ta. Với những điều đó, tác phẩm đã để lại những tình cảm sâu đậm trong lòng người đọc.
2. Phân tích bài thơ Mây và sóng của Ta-go, mẫu số 2:
Ra-bin-đra-nát Ta-go (1861-1941) là nhà thơ hiện đại lớn nhất của văn học Ấn Độ giai đoạn đầu thế kỉ XX. Ông sinh trưởng ở Can-cút-ta, bang Ben-gan, trong một gia đình quý tộc. Tago có năng khiếu bẩm sinh nên ông làm thơ rất sớm. Suốt cuộc đời, ông hăng hái tham gia các hoạt động chính trị và có đóng góp to lớn cho xã hội trong nhiều lĩnh vực.
Ta-go đã để lại một sự nghiệp sáng tác đồ sộ gồm 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 bộ tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bút kí, luận văn, diễn văn, thư tín cùng rất nhiều ca khúc và hơn 1500 bức họa. Với tập Thơ Dâng, ông là nhà thơ đầu tiên của châu Á được vinh dự nhận giải thưởng Nô-ben văn học năm 1913. Thơ Ta-go đề cao tinh thần dân tộc, dân chủ, đậm đà tính nhân văn và tính trữ tình, lãng mạn, chứa đựng những triết lí tinh tế, sâu sắc của phương Đông.
Mây và sóng (bản dịch của Nguyễn Khắc Phi) lúc đầu được viết bằng tiếng Ben-gan, in trong tập thơ Si-su (Trẻ thơ), xuất bản năm 1909, sau đó Ta-go tự dịch ra tiếng Anh và in trong tập Trăng non, xuất bản năm 1915.
Bài Phân tích bài thơ Mây và sóng của Ta-go ngắn gọn
Với hình thức đối thoại lồng trong lời kể của em bé, qua những hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng, bài thơ Mây vờ sóng của Tago đã ngơi ca tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.
Bài thơ là lời kể hồn nhiên, chân thành của em bé với mẹ về những cuộc đối thoại tưởng tượng giữa em và các nhân vật sống trên mây và trong sóng. Mặc dù người mẹ không xuất hiện, không phát ngôn nhưng đối tượng để bày tỏ tình cảm của em bé chính là Mẹ.
Bài thơ gồm hai cảnh. Cảnh một: mây rủ bé đi chơi xa. Cảnh hai: sóng rủ bé đi chơi xa. Bé tưởng tượng ra hai cảnh. Tưởng tượng mà rất thực.
Em bé từ chối lời rủ rê của mây. Em ở nhà và bày ra trò chơi làm mây với mẹ (mẹ làm mặt trăng). Em bé từ chối lời rủ rê của sóng. Em ở nhà và bày ra trò chơi làm sóng với mẹ (mẹ làm mặt biển). Nhân hóa mây và sóng thành con người, tác giả có dụng ý nói lên sự hòa hợp, gắn bó giữa thiên nhiên với con người.
Hai cảnh là hai lời thoại. Mỗi lời thoại là một đợt sóng cảm xúc trào dâng trong lòng em bé, lần sau cao hơn lần trước. Đây không phải là sự thổ lộ tình cảm bình thường mà là sự thổ lộ tình cảm trong tình huống có thử thách. Phải trải qua những thử thách khác nhau thì tình thương yêu mẹ của em bé mới được thể hiện trọn vẹn.
3. Phân tích bài thơ Mây và sóng của Ta-go, mẫu số 3:
Hãy lắng nghe tiếng thơ ngọt ngào như tiếng hát của Ta-go, đại thi hào của Ấn Độ. Năm 1913, với tập “Thơ Dâng”, ông được giải thưởng Nô-ben về văn chương. Thơ của Ta-go là “bài ca về tình nhân ái”, là “ước mơ và khát vọng về tự do, hạnh phúc”. Thế giới thơ của Ta-go đã dành cho “miền thơ ấu” một vị trí ấm áp và sang trọng, hồn nhiên và đậm đà.
Bài thơ “Mây và Sóng” nói về tình yêu mẹ và mơ ước kì diệu của tuổi thơ. Nó là bài thơ kiệt tác rút trong tập “Trăng non” (1915) của thi hào. Bài thơ mang sắc điệu trữ tình như một khúc đồng dao thể hiện niềm giao cảm thần tiên của tâm hồn tuổi thơ với mây và sóng, với thiên nhiên kì diệu.
Em bé ngước mắt nhìn trời xanh, lắng nghe mây trên chín tầng cao vẫy gọi. Mây ân cần rủ em bé cùng du ngoạn “giỡn với sớm vàng”, và đùa “cùng trăng bạc” từ bình minh đến lúc trăng lên. Mây được nhân hóa, có gương mặt, nụ cười và giọng nói thủ thỉ tâm tình:
“Họ bảo: Chúng ta vui chơi từ tinh mơ đến tối ngày,
Chúng ta giỡn với sớm vàng rồi lại đùa cùng trăng bạc”.
Phân tích bài thơ Mây và sóng của Ta-go để làm nổi bật vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng
Cuộc đối thoại giữa mây với em bé không chỉ nói lên tâm hồn bay bổng hồn nhiên của tuổi thơ mà còn khẳng định, ngợi ca tình yêu mẹ của tuổi thơ rất đẹp và mãnh liệt:
“Mẹ đợi tôi ở nhà, tôi có lòng nào bỏ được mẹ tôi”.Yêu mẹ hiền, yêu mái nhà êm ấm… là những tình cảm trong sáng, đằm thắm của em bé. Có gì hạnh phúc hơn khi được sống bên mẹ hiền:
“Con làm mây nhé, mẹ làm mặt trăng
Hai tay con ôm mặt mẹ, còn mái nhà ta là trời xanh”.
Trí tường tượng diệu kì và tình yêu thiếu nhi nồng nàn của Ta-go đã sáng tạo nên vần thơ đẹp nói về hạnh phúc tuổi thơ, ở đây, tình mẫu tử được nâng lên ngang tầm với vũ trụ!
Ngắm mây bay… rồi em bé nghe sóng reo, sóng hát. Sóng như sứ giả của đại dương xa vời đến với em bé. Sóng reo rì rầm. Sóng vẫy gọi chào mời em bé. Tuổi thơ nào mà chẳng khao khát, ước mơ? Sóng thủ thỉ cùng em về một cuộc viễn du: “Chúng ta ca hát sớm chiều, chúng ta đi mãi mãi”. Và rồi cứ đi đến bờ biển… sóng sẽ cuốn con đi đến mọi bến bờ, mọi chân trời xa lạ… Mơ ước muốn đi xa, nhưng em bé lại đắn đo băn khoăn: Nhưng đến tối, mẹ tôi nhớ thì sao?”. Sóng liếm vào bãi cát rồi lại rút ra xa, lại vỗ vào… Em bé bâng khuâng nhìn theo con sóng xa vời trên trùng dương:
“…tôi làm thế nào mà rời mẹ tôi được?
Họ bèn mỉm cuời, và nhảy nhót, họ dần đi xa…,”
Mơ ước được đi xa, nhưng rồi em bé lại băn khoăn, lưỡng lự. Em đã không thể đi du ngoạn cùng mây (bay cao) nên em cũng không thể đi chơi với sóng (đi xa). Với em chỉ có mẹ hiền yêu thương, nguồn vui ấm áp cao cả, thiêng liêng mà tạo hóa đã dành cho phần hơn: tình mẫu tử. Em mơ ước đến với mọi chân trời góc biển, nhưng em không nỡ để mẹ nhớ, mẹ buồn. Trong hiện tại, em không thể nào “rời mẹ” trong khoảnh khắc. Niềm vui về mẹ hiền cứ chói ngời mãi hồn em thơ:
“Con làm sóng nhé, mẹ làm mặt biển
Con lăn, lăn như làn sóng vỗ, tiếng con cười giòn tan vào gối mẹ.
Và không ai trên đời này biết được là mẹ con ta đang ở đâu”.
Câu thơ “Con làm sóng nhé, mẹ làm mặt biển” là một câu thơ hàm nghĩa, giàu tính triết lí. Không có biển thì không có sóng. Có biển mới có sóng, cũng như có mẹ mới có em thơ. Lúc sóng vỗ cũng là lúc biển reo, biển hát. Lúc “con cười giòn tan vào gối mẹ” là lúc mẹ hạnh phúc. Vì thế, con ngoan, vui chơi là mẹ hạnh phúc. Nhà thơ mượn sóng và biển để nói cùng tuổi thơ gần xa với bao điều.
Tính độc đáo của bài thơ là hai mẩu đối thoại giữa em bé với mây, giữa em bé với sóng, đan xen vào lời con thủ thỉ với mẹ hiền. Một bài thơ trong sáng, hồn hậu của Ta-go nói về miền ấu thơ. Yêu thiên nhiên, sống hồn nhiên, thích phiêu lưu mạo hiểm, trí tưởng tượng phong phú, hiếu thảo… là đời sống tinh thần và tâm hồn tuổi thơ. Em bé được nói trong “Mây và Sóng” rất yêu thương mẹ hiền.
“Mây và Sóng” là một bài thơ hay nói về hạnh phúc tuổi thơ. Hình tượng sóng, mây và mẹ thấm đượm vẻ đẹp nhân văn về chủ đề ấy.
——————-HẾT——————–
Tiếp nối bài Phân tích bài thơ Mây và sóng, các em có thể tìm hiểu chi tiết hơn về tác phẩm qua việc tham khảo: Phân tích tình mẫu tử trong bài Mây và sóng của Ta-go, Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng, Cảm nhận về bài thơ Mây và sóng, Bình giảng bài thơ Mây và sóng.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp