Phân tích bài thơ Tảo giải (Hồ Chí Minh)

0
63
Rate this post

Đề bài: Phân tích bài thơ Tảo giải (Hồ Chí Minh)

phan tich bai tho tao giai ho chi minh

Bài làm:

Bạn đang xem: Phân tích bài thơ Tảo giải (Hồ Chí Minh)

Những sáng tác thơ ca của Hồ Chí Minh luôn thể hiện phong thái ung dung, lạc quan, ý chí kiên cường và niềm tin vào tương lai cách mạng. Đặc điểm này đã tạo nên một phong cách nghệ thuật độc đáo của Người. Tập thơ “Nhật kí trong tù” nói chung và bài thơ “Tảo giải” nói riêng là minh chứng tiêu biểu cho điều đó.

“Tảo giải” hay còn gọi là “Giải đi sớm”. Bài thơ được sáng tác trên con đường Bác Hồ bị chuyển từ nhà lao này tới nhà lao khác của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Phải chịu cảnh ngục tù khổ cực nhưng người chiến sĩ ấy vẫn hướng tâm hồn mình ra thế giới bên ngoài để giao hòa cùng thiên nhiên, cảnh vật.

Khung cảnh chuyển lao được tác giả tái hiện thật khắc nghiệt:

“Nhất thứ kê đề dạ vị lan,
Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san”.

(Gà gáy một lần đêm chửa tan,
Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn)

Đó là bức tranh thiên nhiên vào lúc nửa đêm vì gà mới chỉ gáy có một lần. Trong khi mọi người còn đang say giấc ngủ thì Bác lại bị áp giải chuyển lao. Ba từ “dạ vị lan” đã diễn tả một không gian quạnh hiu, thanh vắng, tiếng gà gáy vang lên một lần rồi cũng chìm vào đêm tĩnh mịch. Bác bị giải đi từ rất sớm, trong hoàn cảnh đó người tù không thể tránh được sự mỏi mệt, tái tê khi phải chịu cảnh tù đày. Thời gian đang là quá nửa đêm nên những “chòm sao” còn tỏa ánh sáng trên bầu trời cao rộng. Không gian mùa thu đã bớt đi phần lạnh lẽo, đìu hiu nhờ có sự xuất hiện của “chòm sao”. Hình ảnh “chòm sao” hiện lên thật sinh động. Nó như xóa tan đi màn đêm đen tối nơi đất khách. “Chòm sao” cũng là biểu tượng cho ánh sáng cách mạng và niềm tin vào con đường giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh. Hình ảnh này vừa hiện thực lại vừa lãng mạn. Tuy nhiên bản dịch thơ chưa làm sáng tỏ được thời gian mùa thu và sự hiểm trở của đèo núi gập ghềnh ở bản phiên âm. Bút pháp tả cảnh của Bác vô cùng tinh tế khi Người chỉ gợi chứ không tả, Người gợi ra tiếng gáy của gà để ám chỉ thời gian mình bị giải đi. Người đã đặc tả bức tranh thiên nhiên trên con đường chuyển lao bằng điểm nhìn từ gần đến xa, từ chòm sao,vầng trăng đến đỉnh núi. Vẻ đẹp của ánh trăng, chòm sao đã được Bác phát hiện và trân trọng. Thiên nhiên như trở thành người bầu bạn của Bác trên con đường gian nan ấy.

Trong hoàn cảnh như vậy, hình ảnh con người hiện lên thật khí phách, oai hùng. Đó là tư thế của người làm chủ hoàn cảnh:

“Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng,
Nghênh diện thu phong trận trận hàn”.

(Người đi cất bước trên đường thẳm
Rát mặt đêm thu trận gió hàn).

Con đường chuyển lao không chỉ xa xôi, cách trở mà nó còn trở nên giá rét, hoang vắng bởi gió thu. Nhưng người tù đã vượt lên trên hoàn cảnh để trở thành một “chinh nhân”. “Chinh nhân” được hiểu là “người đi”, người chiến sĩ ra đi vì chính nghĩa, vì tổ quốc để mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Từ “trận trận hàn” vang lên thật rắn rỏi khiến chúng ta liên tưởng đến những cơn gió mùa thu vô cùng lạnh lẽo. Người tù bị giải đi khi trời đất còn chưa rạng đông nên cái lạnh càng thấu da, thấu thịt. Bác không trốn tránh sự khắc nghiệt ấy mà còn “nghênh diện”, đối mặt với nó. Tâm thế đó như một sự thách thức với khó khăn, thử thách. Điệp từ “chinh” trong câu thơ thứ ba đã thể hiện một bản lĩnh phi thường cùng tinh thần lạc quan ở con người Bác. Bản dịch thơ chưa dịch sát nghĩa tư thế “nghênh diện” nhưng cũng phần nào diễn tả được sự oai hùng, làm chủ hoàn cảnh của Bác. Ý chí, nghị lực kiên cường luôn giúp người chiến sĩ cách mạng vượt qua mọi khó khăn, gian nan. Đó cũng là tinh thần “thép” mà Bác nhắc tới trong bài thơ “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”:

“Hiện đại thi trung ưng hữu thiết,
Thi gia dã yếu hội xung phong”

(Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong)

Cảnh vật biến chuyển theo sự vận động của thời gian nên ở khổ thơ II bóng tối đã nhường chỗ cho ánh sáng:

“Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng,
U ám tàn dư tảo nhất không.
Noãn khí bao la toàn vũ trụ,
Hành nhân thi hứng hốt gia nồng”.

(Phương đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối đến tàn, quét sạch không;
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng)

Phương đông đã chuyển từ màu trắng sang màu hồng đầy rạng rỡ và tươi vui. Đó là màu hồng của sự tinh khôi, thanh khiết. Bóng tối đã lùi xa để ánh sáng ngập tràn toàn không gian. Trời đã sáng hẳn và không có dấu vết nào còn sót lại của màn đêm tăm tối. Màu hồng ấy đã mang đến hơi ấm cho thiên nhiên, cảnh vật, bao trùm lên cả vũ trụ rộng lớn. Hơi ấm của ánh sáng đã khiến tạo vật và con người tràn đầy sức sống. Nó có sức mạnh xóa tan đi mệt mỏi, sự cô đơn, lẻ loi của người tù và sự lạnh lẽo của màn đêm. Nó khiến “thi hứng” sẵn có của người chiến sĩ thêm dâng cao.

Câu thơ cuối khắc họa tư thế ung dung, tự tại của người tù. Từ một “chinh nhân” Bác trở thành “hành nhân”. “Hành nhân” có nghĩa là người đi, đến đây ta nhận thấy tâm thế của nhân vật trữ tình nhẹ nhàng, thư thái hơn. Bác đã quên hết những gông cùm, xiềng xích để mở lòng đón nhận bức tranh thiên nhiên tươi đẹp. Chính sự thay đổi của tạo vật đã khiến Bác có cảm xúc mạnh mẽ để nảy sinh hứng thú làm thơ. Cảnh vật nên thơ đã tác động mạnh mẽ vào tâm hồn của Bác. Bác không còn là một tù nhân mà trở thành một thi nhân. Con người chiến sĩ và con người thi sĩ đã hòa làm một. Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và yếu tố hiện đại cùng chất “thép” đã tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm.

Có thể thấy trong tác phẩm hình tượng thơ có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ màn đêm tăm tối ra buổi bình minh tươi sáng, từ sự lạnh lẽo đến ấm áp. Phải là một người yêu thiên nhiên thì Bác mới cảm nhận được sự biến chuyển tinh tế của thiên nhiên và coi thiên nhiên như người bạn tâm giao của mình. Hình ảnh Bác hiện lên hiện lên qua bài thơ thật hiên ngang, tràn đầy sự lạc quan. Bác luôn có niềm tin vào con đường cách mạng và luôn vượt lên, làm chủ mọi hoàn cảnh dù có phải trải qua bao khó khăn, khắc nghiệt.

Sau khi đã Phân tích bài thơ Tảo giải (Hồ Chí Minh) các em có thể đi vào Bình giảng bài thơ Tảo giải hoặc tham khảo Phân tích bài thơ Bên kia sông Đuống nhằm củng cố kiến thức của mình.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-bai-tho-tao-giai-ho-chi-minh/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp