Phân tích bi kịch của Hồn Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt

0
188
Rate this post

Đề bài: Phân tích bi kịch của Hồn Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt

phan tich bi kich cua hon truong ba trong vo kich hon truong ba da hang thit

Phân tích bi kịch của Hồn Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt

Bạn đang xem: Phân tích bi kịch của Hồn Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt

I. Sơ đồ tư duy Phân tích bi kịch của Hồn Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt (Chuẩn)

so do tu duy phan tich nhan vat truong ba

II. Dàn ý Phân tích bi kịch của Hồn Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và nhân vật Trương Ba.

2. Thân bài

* Khái quát về nhân vật Trương Ba:
– Trương Ba là một người làm vườn liền lành, chăm chỉ, có tài chơi cờ giỏi.
– Vì sự tắc trách của Nam Tào mà Trương Ba bị chết oan
– Sống lại trong thân xác người hàng thịt.

* Bi kịch của Trương Ba:

– Bi kịch sống không được là mình:
+ Phải sống nương nhờ trong thân xác của anh hàng thịt.
+ Sự kết hợp chắp vá, khập khiễng
+ Trương Ba phải sống hai cuộc sống hoàn toàn trái ngược nhau: Cuộc sống của người làm vườn và cuộc sống của một anh đồ tể.
→ Con người vốn là tổng thể hài hòa giữa phần hồn và xác, thế nhưng Trương Ba lại không được sống là mình toàn vẹn.

– Bi kịch bị tha hóa nhân cách:
+ Trước đây, Trương Ba là một người làm vườn chăm chỉ, khéo léo.
+ Từ khi sống trong thân xác người hàng thịt, Trương Ba dần trở nên thô lỗ, vụng về, ham muốn những thứ vật chất tầm thường.
+ Dần mất đi sự bình tĩnh, nhã nhặn vốn có mà trở nên bạo lực, nóng nảy. Trong cơn tức giận vì anh con trai không nghe lời, Trương Ba đã mượn sức mạnh của anh hàng thịt để đánh con đến “tóe máu mồm, máu mũi”.
→ Trương Ba đau đớn, dằn vặt khi nhận ra sự thay đổi của chính mình.

– Bi kịch bị người thân từ chối:
+ Người vợ vì thất vọng, ghen tuông mà muốn bỏ nhà ra đi.
+ Cái Gái- đứa cháu mà Trương Ba yêu quý nhất cũng kiên quyết không chịu thừa nhận, thậm chí còn xua đuổi và gọi ông là lão đồ tể.
+ Chị con dâu cũng không khỏi thất vọng khi thấy “thầy một đổi khác dần
+ Bác Trưởng Hoạt không muốn chơi cờ với Trương Ba vì nước cờ của ồng trở nên ti tiện, nhỏ nhen giống như bản chất của người hàng thịt.
→ Nhận thức được tất cả bi kịch của bản thân, Trương Ba ý thức sâu sắc rằng “không thể sống bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo được”.

* Quyết định của Trương Ba:
– Trả lại xác hàng thịt cho hồn người hàng thịt.
– Trao lại cơ hội sống của mình cho cu Tị
– Trương Ba ra đi mãi mãi

* Bài học:
– Toàn bộ bi kịch của Trương Ba đã phản ánh được mâu thuẫn giữa con người bên trong và con người bên ngoài, giữa những giá trị tinh thần cao đẹp và nhu cầu vật chất chính đáng.
– Để hạnh phúc, con người cần dung hòa được giữa nhu cầu vật chất và khát vọng tinh thần.

3. Kết bài

Cảm nhận chung

III. Bài văn mẫu Phân tích bi kịch của Hồn Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt (Chuẩn)

Lưu Quang Vũ là “ngôi sao sáng” của sân khấu kịch Việt Nam. Những tác phẩm của ông không chỉ phản ánh được những sự kiện nóng bỏng mang tính thời sự mà qua đó ông còn gửi gắm những quan niệm, triết lí nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, con người. Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch thành công nhất của Lưu Quang Vũ, thông qua việc tái hiện bi kịch của nhân vật Trương Ba khi phải sống “nương nhờ” trong thân xác người hàng thịt, Lưu Quang Vũ đã gợi ra những suy ngẫm sâu sắc về mối quan hệ giữa con người bên trong và con người bên ngoài, giữa nhu cầu vật chất và tinh thần.

Trương Ba vốn là một người làm vườn liền lành, chăm chỉ lại có tài chơi cờ giỏi nên được mọi người yêu quý, kính trọng. Cũng nhờ tài chơi cờ mà ông kết bạn được với Đế Thích- vị tiên cờ trên thiên đình. Thế nhưng, vì sự tắc trách của Nam Tào, Trương Ba bị gạch nhầm tên khỏi sổ tử. Để sống lại, Trương Ba buộc phải sống nương nhờ trong thân xác người hàng thịt. Từ khi sống lại, Trương Ba dần trở nên thay đổi trong mắt mọi người bởi xác người hàng thịt tuy chỉ là một thể xác âm u, đui mù nhưng lại có những tính cách và nhu cầu riêng. Trương Ba bị cái xác chi phối và dần trở nên tham lam, thô tục và có những ham muốn không đúng đắn. Sự thay đổi của Trương Ba không chỉ làm cho người thân, bạn bè trở nên thất vọng mà chính bản thân ông cũng vô cùng đau khổ trước bi kịch của bản thân.

Trước hết, bi kịch của Trương Ba là bi kịch không được sống là mình. Để sửa chữa sai lầm, Nam Tào, Bắc Đẩu đã làm theo lời khuyên của Đế Thích, đó là để cho hồn Trương Ba sống lại trong thân xác của anh hàng thịt mới chết. Sự kết hợp này ban đầu đã là sự chắp vá khập khiễng, bởi Trương Ba và xác người hàng thịt là hai người khác nhau cả về cuộc sống, tư tưởng và tính cách. Được sống lại ngỡ là một cơ hội nhưng thực chất lại chính là mầm mống cho tất cả bi kịch của Trương Ba sau này.

Trương Ba được sống lại nhưng phải sống trong thân xác của người khác, bên cạnh cuộc sống làm vườn, chơi cờ của mình, Trương Ba còn phải sống cuộc sống đầy thị phi của anh hàng thịt. Con người vốn là tổng thể hài hòa giữa phần hồn và xác, thế nhưng Trương Ba lại không được sống là mình toàn vẹn.

Trong những ngày sống trong thân xác người hàng thịt, bị cái xác chi phối, Trương Ba dần đổi khác. Kể từ đây, Trương Ba phải đối mặt với một bi kịch khác đau đớn hơn, đó chính là sự tha hóa về nhân cách. Trước đây, Trương Ba là một người làm vườn chăm chỉ, khéo léo, một người chồng, người cha mẫu mực, một người ông yêu quý cháu và một người bạn chơi cờ tài giỏi, thấu tình đạt lí của bác Trưởng Hoạt. Thế nhưng, từ khi sống trong thân xác người hàng thịt, Trương Ba dần trở nên thô lỗ, vụng về, đôi chân to bè của ông “giẫm nát lên cả cây sâm quý mới ươm”, ông cũng dần quen thuộc với cuộc sống xô bồ, thị phi của người hàng thịt. Trước sự chi phối của cái xác, con người nhân hậu, trong sạch của Trương Ba dần thay đổi, ông trở nên tham lam, thô tục trong ăn uống, có những cảm giác không đúng đắn với vợ người hàng thịt. Hơn nữa, Trương Ba dần mất đi sự bình tĩnh, nhã nhặn vốn có mà trở nên bạo lực, nóng nảy. Trong cơn tức giận vì anh con trai không nghe lời, Trương Ba đã mượn sức mạnh của anh hàng thịt để đánh con đến “tóe máu mồm, máu mũi”. Trương Ba cũng đau đớn, bất lực khi cảm nhận được sự thay đổi của bản thân mình mà thốt lên rằng: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta”.

Sự thay đổi của Trương Ba khiến cho người thân cảm thấy thất vọng, xa lánh vì ông không còn là ông của trước kia nữa. Sự chối từ, xa lánh của người thân đẩy Trương Ba vào bi kịch bị từ chối. Người vợ vì thất vọng, ghen tuông mà muốn bỏ nhà ra đi. Cái Gái- đứa cháu mà Trương Ba yêu quý nhất cũng kiên quyết không chịu thừa nhận, thậm chí còn xua đuổi và gọi ông là lão đồ tể. Ngay cả chị con dâu, người yêu quý và hiểu Trương Ba nhất cũng không khỏi thất vọng: “Thầy bảo con cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy…mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa”. Bác Trưởng Hoạt không muốn chơi cờ với Trương Ba vì nước cờ của ồng trở nên ti tiện, nhỏ nhen giống như bản chất của người hàng thịt.

Nhận thức được tất cả bi kịch của bản thân, Trương Ba ý thức sâu sắc rằng “không thể sống bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo được”. Sau tất cả những đau đớn, dằn vặt, cuối cùng Trương Ba đã lựa chọn cái chết như một cách giải thoát mọi đau khổ, ông trả xác người hàng thịt cho hồn người hàng thịt, trả lại anh hàng thịt nguyên vẹn cho vợ anh ta. Trương Ba từ chối cơ hội được sống tiếp, bởi ông hiểu rằng nếu sống trong thân xác của cu Tị cũng chỉ là lấy bi kịch này thay cho bi kịch khác. Ông xin Đế Thích trao lại cơ hội sống cho cu Tị còn bản thân mình sẽ ra đi.

Toàn bộ bi kịch của Trương Ba đã phản ánh được mâu thuẫn giữa con người bên trong và con người bên ngoài, giữa những giá trị tinh thần cao đẹp và nhu cầu vật chất chính đáng. Mâu thuẫn này tồn tại trong mỗi con người, nếu không thể giải quyết mâu thuẫn ấy, con người sẽ rơi vào những bi kịch đau khổ. Để hạnh phúc, con người cần dung hòa được giữa nhu cầu vật chất và khát vọng tinh thần.

Thông qua bi kịch của nhân vật Trương Ba, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã mang đến cho người đọc những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, con người. Để sống một cuộc đời ý nghĩa, con người cần tôn trọng những nhu cầu vật chất chính đáng nhưng không để nó lấn át mà cần phải hướng đến những giá trị tinh thần tốt đẹp. Biết cân bằng cuộc sống và hoàn thiện bản thân là thông điệp nhân sinh quý giá mà vở kịch mang lại.

—————HẾT——————–

Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch giàu giá trị của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Tìm hiểu chi tiết về vở kịch, bên cạnh bài Phân tích bi kịch của Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, các em không nên bỏ qua: Phân tích xung đột kịch trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt, Phân tích giá trị nhân văn trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Phân tích nhân vật Trương Ba trong đoạn trích Hồn Trương Ba da hàng thịt, Phân tích đoạn kết tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-bi-kich-cua-hon-truong-ba-trong-vo-kich-hon-truong-ba-da-hang-thit/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp