Đề bài: Phân tích cái hay trong văn bản Một thứ quà của lúa non – Cốm
Phân tích cái hay trong văn bản Một thứ quà của lúa non – Cốm
Bạn đang xem: Phân tích cái hay trong văn bản Một thứ quà của lúa non – Cốm
I. Dàn ý Phân tích cái hay trong văn bản Một thứ quà của lúa non – Cốm (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả Thạch Lam – nhà văn nổi tiếng với những tập tùy bút và truyện ngắn thấm đẫm phong vị của hương đồng gió nội
– Giới thiệu tác phẩm “Một thứ quà của lúa non – Cốm” và cái hay cái đẹp của văn bản.
2. Thân bài
– Cái hay về nội dung tác phẩm: Thạch Lam xem Cốm như là một món ăn mang đậm nét văn hóa của người Hà thành nói riêng và người Việt nói chung.
+ Sinh ra từ sự nuôi dưỡng của trời đất nhưng nhờ bàn tay chế biến của con người, Cốm mới trở thành thức quà đặc biệt thơm ngon.
+ Cốm lay động tâm hồn người thưởng thức không chỉ bởi màu sắc bắt mắt mà còn bởi hương thơm dìu dịu, mùi vị đặc trưng không thể trộn lẫn…(Còn tiếp)
>> Xem đầy đủ Dàn ý Phân tích cái hay trong văn bản Một thứ quà của lúa non – Cốm tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích cái hay trong văn bản Một thứ quà của lúa non – Cốm (Chuẩn)
Nếu Nam Cao nổi bật với chất văn hiện thực, phê phán thì Thạch Lam lại đi vào lòng người với những áng văn nhẹ nhàng, thấm đẫm chất thơ. Một trong những tác phẩm tiêu biểu, góp phần làm nên tên tuổi của ông trên văn đàn nghệ thuật đó là “Một thứ quà của lúa non – Cốm”. Cái hay của tác phẩm được Thạch Lam khéo léo biểu hiện qua những cảm nhận thi vị của ông về Cốm cùng nghệ thuật sử dụng ngôn từ khéo léo uyển chuyển.
Nhắc đến Hà Nội, hẳn người ta sẽ nghĩ ngay đến những hàng bằng lăng tím tô điểm cả một vùng trời, đến mùa thu với làn gió se se lành lạnh, đến Hồ Tây lộng gió mỗi trời chiều. Thế nhưng Thạch Lam lại khác, ông yêu Hà Nội không chỉ với quang cảnh thân quen, trìu mến mà yêu cả những thức quà thân thuộc nơi đây. Một trong số đó chính là Cốm. Với ông, Cốm là món ăn mang đậm nét văn hóa của người Hà Thành nói riêng và người Việt nói chung.
Mở đầu tác phẩm, Thạch Lam đã đưa người đọc bước vào một không gian quen thuộc của làng quê Việt Nam với làn gió thu, với hồ sen và lúa non. Tất cả những sự vật ấy được nhắc đến như để làm nền cho sự xuất hiện của một thức quà thanh thanh, dìu dìu, ấy chính là cốm. Bằng sự quan sát tinh tế và trí tưởng tượng phong phú, Thạch Lam đã so sánh cốm tựa như “giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị mùi hoa cỏ”. Hạt cốm được nâng niu, ôm ấp trong lòng những bông lúa non, được nuôi dưỡng bởi sinh khí của trời đất, bởi vậy mà nó trở nên trắng thơm, tròn trịa và phảng phất phong vị của hương đồng gió nội. Trong cái nhìn của tác giả, cốm được xem là “cái chất quý trong sạch của trời”, là thức quà đặc biệt mà trời đất ban tặng cho con người.
Sinh ra từ sự nuôi dưỡng của trời đất nhưng nhờ bàn tay chế biến của con người, Cốm mới trở thành thức quà đặc biệt thơm ngon. Những cô gái Làng Vòng với sự khéo léo, tỉ mỉ, tinh tế và một bí mật chế biến nào đó đã làm cho cốm trở nên ngon hơn mà không làm mất đi hương vị đặc trưng vốn có của nó. Cốm Làng Vòng đi đâu cũng nức tiếng khắp cả 36 phố phường ấy là nhờ “một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn” được truyền từ đời này qua đời khác. Thạch Lam không đi sâu miêu tả từng chi tiết mà khéo léo làm nổi bật vẻ đẹp của cốm qua sự tài hoa của người làm cốm. Phải trân quý từng hạt cốm như từng hạt sữa trắng thơm thanh khiết thì những nghệ nhân làng Vòng mới có thể làm ra thức quà hấp dẫn, ngọt thơm như vậy.
Với nhà văn, cốm vừa là một thức quà của trời đất, lại vừa mang trong mình giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Nó là “thức quà đặc biệt riêng của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam”. Với sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa, Thạch Lam đã cho người đọc biết thêm về giá trị của cốm trong ngày siêu tết. Không có một thức quà nào trong sạch, mát lành hơn cốm cho ngày trọng đại nhất của một năm và của cả một đời người. Từ đó, ông cũng bày tỏ một chút buồn thương khi những phong tục tập quán quen thuộc của người Việt đang bị mất dần. Và đến hiện tại, mấy ai còn biến đến cốm – như là một thức quà của lúa non, của trời đất?
Đi từ cách thức chế biến, Thạch Lam đưa người đọc đến cách thưởng thức cốm sao cho đúng, cho ngon. Bởi lẽ “Cốm không phải là thức quà của người vội, ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ “. Bởi có như vậy, ta mới có thể cảm nhận được hết : cái tươi mát của lá non, cái chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc; thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ.
Quả thật, phải là một người yêu quê hương tha thiết, yêu cái hương cốm nồng nàn mà dìu dịu thì tác giả Thạch Lam mới có được những cảm nhận tinh tế đến như vậy. Cái hay của tác phẩm không chỉ nằm ở nội dung mà còn ẩn dụ bên trong hình thức nghệ thuật độc đáo. Tùy bút “Một thứ quà của lúa non” hiện lên với dào dạt chất thơ. Nhà văn Thạch Lam đã sử dụng một lối viết uyển chuyển, ngôn ngữ tự nhiên sinh động như đang thủ thỉ, tâm tình. Trong từng câu văn, hình ảnh đẹp đẽ của thiên nhiên đất trời hiện lên đẹp đẽ và thi vị. Chính hình thức nghệ thuật cũng chính là điểm đặc biệt khiến cho tác phẩm ở lại lâu với lòng người như vậy.
Với cái hay cả về nội dung lẫn nghệ thuật, tùy bút “Một thứ quà của lúa non – Cốm” đã cho thấy một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu con người và yêu những gì bình dị của nhà văn Thạch Lam.
——————HẾT—————-
Trên đây chúng tôi đã giới thiệu đến các em bài Một thứ quà của lúa non, để cảm nhận được hết những nét đặc sắc cũng như giá trị của tác phẩm, các em có thể tham khảo thêm: Soạn bài Một thứ quà của lúa non: Cốm, Phân tích cái hay trong văn bản Một thứ quà của lúa non – Cốm, Cảm nhận khi đọc bài Cốm – một thứ quà của lúa non của Thạch Lam.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp