Phân tích chất lãng mạn trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam

0
130
Rate this post

Phân tích chất lãng mạn trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam để thấy được chất thơ nhẹ nhàng, chất trữ tình nồng đượm truyện ngắn Hai đứa trẻ, qua đó cũng thấy được đặc điểm văn chương Thạch Lam: nhẹ nhàng, tinh tế, giàu cảm xúc và luôn hướng tới những thứ thanh cao, tốt đẹp.

Đề bài: Phân tích chất lãng mạn trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Phân tích chất lãng mạn trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Phân tích chất lãng mạn trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Gợi ý cho các em:

Dàn ý phân tích chất lãng mạn trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Để có thể làm tốt Phân tích chất lãng mạn trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam, các em nên bám sát dàn ý dưới đây nhé:

1. Mở bài

– Hai đứa trẻ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Thạch Lam thể hiện rõ phong cách văn chương của ông, dẫu rằng đây là một câu chuyện phản ánh hiện thực cuộc sống khắc nghiệt, nghèo nàn tăm tối nơi phố huyện của những kiếp người tàn, thế nhưng người ta vẫn luôn thấy phảng phất trong tác phẩm là chất thơ, chất trữ tình lãng mạn, điều đó khiến cho tác phẩm trở nên nhẹ nhàng, sâu lắng để lại những ấn tượng khó phai trong lòng độc giả.

2. Thân bài

* Chất lãng mạn trong bức tranh thiên nhiên trong cảnh chiều tàn:

– Âm thanh “tiếng trống thu không”, “từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”, tiếng muỗi vo ve, kéo theo một loạt các âm thanh như tiếng chó sủa, tiếng ếch nhái, tiếng đàn bầu, tiếng trống cầm canh.

=> Tạo cảm giác chậm rãi, yên ắng, mang đến cảm giác buồn man mác.

– Màu sắc:

+ Màu đỏ trong “phương tây đỏ rực như lửa cháy” khi ánh hoàng hôn buông xuống rồi dần dịu lại bằng một màu hồng phơn phớt của “những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”.

+ Lũy tre làng “đen lại và cắt hình rõ rệt trên bầu trời”.

=> Làm hiện rõ sự thay đổi của thời gian và cảnh sắc làng quê Việt Nam trong khoảnh khắc chuyển giao giữa ngày và đêm một cách tinh tế và nhẹ nhàng.

– Cách miêu tả âm thanh và màu sắc của Thạch Lam tạo nên một bức tranh thiên nhiên phố huyện đầy lãng mạn mà không làm mất đi cái hiện thực về một làng quê nghèo khó, tối tăm, tàn tạ.

* Chất lãng mạn trong bức tranh tâm hồn Liên:

– Vẻ đẹp của một tâm hồn tinh tế nhạy cảm:

+ “Thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”

+ Ngửi thấy”một thứ mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá…”, nhưng trong tâm hồn tươi đẹp và lãng mạn của Liên thì đó lại là thứ mùi quen thuộc, gắn bó vô cùng của nơi phố huyện nghèo khó mà chị đã sinh sống suốt mấy năm, đó “là mùi riêng của đất, của quê hương”.

– Vẻ đẹp của tâm hồn nhân hậu yêu thương con người, đồng cảm sâu sắc với những kiếp người tàn nơi phố huyện.

* Chất lãng mạn trong cảnh chờ tàu:

– Chuyến tàu ấy mang đến một thứ ánh sáng khác hẳn với những thứ ánh sáng leo lét, lốm đốm, buồn chán nơi phố huyện.

→ Ánh sáng của con tàu chính là đại diện cho niềm hy vọng thoát khỏi cuộc sống bế tắc, tối tăm, là khát khao đổi đời của những số phận cơ cực.

– Với Liên chuyến tàu đêm vừa là niềm hy vọng, vừa gợi lại cho Liên những ký ức tươi đẹp về một cuộc sống sung sướng ở thủ đô, mà theo như chị thì “con tàu như đã mang một chút thế giới khác đi qua”, khác hẳn cái làng quê tối tăm, nghèo nàn này.

* Chất lãng mạn đến từ cách sử dụng ngôn từ, giọng điệu:

– Giọng văn đầy chất thơ, giàu tính nhạc và sự kết hợp tinh tế trong cách miêu tả, sử dụng hình ảnh

– Cách hành văn chậm rãi, suy tư với màu sắc u buồn lãng mạn, làm nổi bật lên chủ đề của tác phẩm.

3. Kết bài

– Có thể nói rằng văn chương của Thạch Lam là sự kết hợp hoàn hoàn hảo giữa hai yếu tố lãng mạn và hiện thực, trong tác phẩm của ông những cái nghèo, cái khổ hiện lên rõ ràng nhưng không quá gay gắt, khủng khiếp mà thay vào đó nó lại được lãng mạn hóa bằng những niềm tin, những hy vọng tốt đẹp của con người khiến chúng trở nên day dứt, nhân văn hơn cả, dễ dàng chậm rãi thấm sâu vào tâm hồn người đọc.

Bài văn mẫu Phân tích chất lãng mạn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ hay nhất

Nhận xét về tác phẩm của Thạch Lam nhà văn Hoàng Đạo đã từng nói “Có thể 20 năm nữa người ta sẽ quên tôi và anh trai tôi Nhất Linh, thế nhưng 50 năm nữa, người ta vẫn còn nhắc tới em tôi, Thạch Lam”. Bởi cái còn lại ở đời của Thạch Lam chính là tình cảm nhân đạo, niềm khát khao truy tìm những vẻ đẹp lẩn khuất nơi tâm hồn của con người và cuộc sống là tấm lòng thiết tha nâng đỡ cái tốt đẹp trong đời. Thạch Lam có phong cách viết truyện khác biệt, truyện của ông thường không có cốt truyện, mà chủ yếu tập trung miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật bằng những xúc cảm mơ hồ và tinh tế. Hai đứa trẻ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Thạch Lam thể hiện rõ phong cách văn chương của ông, dẫu rằng đây là một câu chuyện phản ánh hiện thực cuộc sống khắc nghiệt, nghèo nàn tăm tối nơi phố huyện của những kiếp người tàn, thế nhưng người ta vẫn luôn thấy phảng phất trong tác phẩm là chất thơ, chất trữ tình lãng mạn, điều đó khiến cho tác phẩm trở nên nhẹ nhàng, sâu lắng để lại những ấn tượng khó phai trong lòng độc giả.

Chất lãng mạn trong Hai đứa trẻ xuất phát từ nhiều khía cạnh, trước hết là mở đầu với bức tranh phong cảnh thiên nhiên khi chiều tàn nơi phố huyện. Cảnh chiều tàn được bắt đầu bằng một âm thanh rất độc đáo, “tiếng trống thu không”, hồi trống báo hiệu chiều tàn, tiếng trống ấy không dứt khoát mà cứ chậm rãi “từng tiếng một vang ra”, mang đến một cảnh chiều tàn yên bình, lặng lẽ. Sau tiếng trống thu không gọi chiều tối ấy, người ta thấy được sự chuyển động chậm rãi, êm đềm của thời gian như những thước phim quay chậm, mọi thứ cứ lặng lẽ trôi qua, kéo theo cả sự xuất hiện của những âm thanh nhỏ bé, rời rạc khiến chiều tàn nơi phố huyện vốn đã yên tĩnh nay lại càng trở nên hiu hắt. Đó là những tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái kêu ngoài đồng xa, đêm đến là tiếng chó sủa ngập ngừng văng vẳng, tiếng bật của đàn bầu, tiếng đoàn tàu vụt qua, tiếng trống cầm canh quạnh quẽ,…. Tất cả đã đem đến một phố huyện yên ắng, bao trùm trong bóng tối hiu hắt, dường như trước cảnh tối tăm của phố huyện, thì những âm thanh ấy lại càng tô đậm thêm cái tĩnh lặng, buồn bã của nơi đây. Không chỉ ở âm thanh, cảnh chiều tàn còn bắt đầu bằng những mảng màu và nét vẽ thơ mộng và tinh tế, đó là màu đỏ trong “phương tây đỏ rực như lửa cháy” khi ánh hoàng hôn buông xuống rồi dần dịu lại bằng một màu hồng phơn phớt của “những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”. Trong cảnh hoàng hôn ấy, ta thấy được sự dịch chuyển rất nhẹ nhàng và chậm rãi của màu sắc, tượng trưng cho sự dịch chuyển chậm rãi của thời gian lúc chiều tàn. Thạch Lam không viết về một khoảng thời gian xác định nào cả, cũng không đi vào miêu tả chi tiết cảnh chiều tối thế nhưng với những câu văn giàu sức gợi, thế nhưng chính những nét vẽ tinh tế về một lũy tre làng “đen lại và cắt hình rõ rệt trên bầu trời”đã làm hiện rõ sự thay đổi của thời gian và cảnh sắc làng quê Việt Nam trong khoảnh khắc chuyển giao giữa ngày và đêm một cách tinh tế và nhẹ nhàng. Những phác họa về một hoàng hôn lịm tắt, bóng tối dần bao phủ xóm làng bằng những âm thanh thưa thớt, những mảng màu thi vị, những sự biến đổi nhẹ nhàng của cảnh vật đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên phố huyện đầy lãng mạn mà không làm mất đi cái hiện thực về một làng quê nghèo khó, tối tăm, tàn tạ.

Không chỉ ở bức tranh thiên nhiên nơi phố huyện mà chất lãng mạn của Hai đứa trẻ còn len lỏi trong chính bức tranh tâm hồn của nhân vật chính, đó là Liên một cô bé mới lớn, có cuộc sống vất vả nơi phố huyện nghèo khó. Qua ngòi bút của Thạch Lam ta thấy ở cô bé hiện lên nhiều vẻ đẹp rất trữ tình, đó là sự tinh tế, nhạy cảm của Liên trước những thay đổi của thiên nhiên trong cảnh chiều tàn. Trước chiều tàn ở phố huyện, nó có thể đã quá đỗi quen thuộc với nhiều người thế nhưng với Liên cô luôn có những xúc cảm mơ hồ, dường như cái tối tăm, mịt mờ của chiều tối đang từng chút từng chút một thấm dần vào tâm hồn Liên, khiến cô”thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Liên còn tinh tế cảm nhận được cái mùi khó chịu “một thứ mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá…”, nhưng trong tâm hồn tươi đẹp và lãng mạn của Liên thì đó lại là thứ mùi quen thuộc, gắn bó vô cùng của nơi phố huyện nghèo khó mà chị đã sinh sống suốt mấy năm, đó “là mùi riêng của đất, của quê hương”. Không chỉ tinh tế, nhạy cảm người ta còn nhận thấy vẻ đẹp khác trong tâm hồn của Liên, đó là tấm lòng nhân hậu, yêu thương, đồng cảm sâu sắc với những kiếp người tàn nơi phố huyện. Sự ái ngại, ân cần đối với hoàn cảnh của mẹ con chị Tí, sự tội nghiệp, thương cảm với những đứa trẻ không quen biết, sự thấu hiểu cảm thông với bà cụ Thi,… và có lẽ chính những điều này khiến tâm hồn Liên luôn có một nỗi buồn sâu sắc, trước là buồn vì cảnh sắc ngày tàn, sau là buồn cho những kiếp người tàn nơi làng quê nghèo nàn tối tăm, cũng chính là nỗi buồn cho số phận tăm tối, bế tắc của bản thân.

Một trong những chi tiết mà chất lãng mạn được thể hiện rõ nữa đó chính là cảnh chờ tàu của hai chị em Liên và những con người nơi phố huyện. Nếu như trong suốt câu chuyện người ta thấy rằng phố huyện nghèo bị bao trùm bởi một màu tối tăm, yên ắng, thì chuyến tàu chính là điểm sáng, đã khuấy động cả làng quê nghèo khó và cả tâm hồn của những con người nơi đây. Sự lãng mạn thể hiện ở ý nghĩa của chuyến tàu đêm, tại sao những con người nơi đây lại khát khao mong mỏi chuyến tàu ấy đến vậy? Bởi một lẽ chuyến tàu ấy mang đến một thứ ánh sáng khác hẳn với những thứ ánh sáng leo lét, lốm đốm, buồn chán nơi phố huyện, ánh sáng của con tàu chính là đại diện cho niềm hy vọng thoát khỏi cuộc sống bế tắc, tối tăm, là khát khao đổi đời của những số phận cơ cực. Với Liên chuyến tàu đêm vừa là niềm hy vọng, vừa gợi lại cho Liên những ký ức tươi đẹp về một cuộc sống sung sướng ở thủ đô, mà theo như chị thì “con tàu như đã mang một chút thế giới khác đi qua”, khác hẳn cái làng quê tối tăm, nghèo nàn này.

Ngoài những điều kể trên chất lãng mạn trong tác phẩm còn thể hiện ở giọng văn đầy chất thơ, giàu tính nhạc và sự kết hợp tinh tế trong cách miêu tả, sử dụng hình ảnh của Thạch Lam. Ngôn từ mà Thạch Lam sử dụng không quá cầu kỳ kiểu cách, ông luôn tôn trọng những gì chân thực, giản dị bằng cách hành văn chậm rãi, suy tư với màu sắc u buồn lãng mạn, làm nổi bật lên chủ đề của tác phẩm là cuộc sống của những con người nơi phố thị nghèo nàn và lòng trân trọng những tâm hồn đáng quý, những hy vọng dẫu mơ hồ mong manh của những số phận cùng khổ, bế tắc.

Truyện ngắn Hai đứa trẻ chính là kết tinh những tình cảm nhân đạo của một nhà văn lớn, luôn khát khao đi tìm cái đẹp ẩn giấu, để cho đời những cung bậc cảm xúc, yêu thương, ấm áp. Đó cũng là nỗ lực của Thạch Lam trong công cuộc biến văn chương trở thành thứ khí giới thanh cao và đắc lực, vừa tố cáo thế giới rắc rối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn. Có thể nói rằng văn chương của Thạch Lam là sự kết hợp hoàn hoàn hảo giữa hai yếu tố lãng mạn và hiện thực, trong tác phẩm của ông những cái nghèo, cái khổ hiện lên rõ ràng nhưng không quá gay gắt, khủng khiếp mà thay vào đó nó lại được lãng mạn hóa bằng những niềm tin, những hy vọng tốt đẹp của con người khiến chúng trở nên day dứt, nhân văn hơn cả, dễ dàng chậm rãi thấm sâu vào tâm hồn người đọc.

*********

Trên đây là dàn ý và Bài văn mẫu Phân tích chất lãng mạn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ hay nhất. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích để các em phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ đạt điểm cao.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-chat-lang-man-trong-tac-pham-hai-dua-tre-cua-thach-lam/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp