Đề bài: Phân tích con đường tha hoá của Chí Phèo
Bạn đang xem: Phân tích con đường tha hoá của Chí Phèo
Phân tích con đường lưu manh hóa của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao
I. Dàn ý Phân tích con đường tha hoá của Chí Phèo
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao và hành trình tha hóa của Chí Phèo.
2. Thân bài
a. Giới thiệu khái quát về nhân vật Chí Phèo
– Hoàn cảnh xuất thân.
– Tóm tắt sơ lược những sự kiện chính trong cuộc đời nhân vật.
b. Phân tích con đường tha hóa về nhân hình, nhân tính của Chí Phèo
– Cuộc đời của Chí Phèo trước khi vào tù
+ Là anh canh điền lương thiện, chất phác, thật thà làm thuê cho nhà Bá Kiến
+ Vì một cơn ghen, Chí Phèo bị Bá Kiến đẩy vào cảnh tù tội.
– Sự tha hóa về nhân hình và nhân tính của Chí Phèo sau khi ra tù
+ Sự thay đổi về ngoại hình: “Cái đầu trọc lốc, hàm răng cạo trắng hớn, cái mặt thì câng câng đầy những vết sứt sẹo, hai con mắt gườm gườm”
+ Sự tha hóa về nhân tính: trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, chuyên đi rạch mặt ăn vạ, là công cụ đem thuê chém mướn của Bá Kiến.
c. Ý nghĩa của con đường tha hoá của Chí Phèo
– Thể hiện rõ bút pháp xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình.
– Thể hiện cái nhìn sâu sắc, sự cảm thông, xót thương của nhà văn Nam Cao đối với số phận của người nông dân.
– Là tiếng nói lên án, phê phán xã hội phong kiến mục nát đẩy người nông dân vào bước đường cùng và con đường lưu manh hóa.
3. Kết bài
Khẳng định tài năng của nhà văn Nam Cao và tấm lòng của ông đối với bi kịch tha hóa của người nông dân.
II. Bài văn mẫu Phân tích con đường tha hoá của Chí Phèo
Trong nền văn học Việt Nam giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, sự xuất hiện hình tượng nhân vật Chí Phèo đã tạo nên một tiếng vang lớn đối với sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nam Cao nói riêng và đối với mảnh đất viết về số phận của người nông dân nói chung. Qua tác phẩm “Chí Phèo”, bằng tài năng trong việc xây dựng tình huống truyện và nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, tác giả đã phác họa thành công cuộc đời của nhân vật với ảm ảnh về con đường tha hóa về nhân hình, nhân tính và tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.
Là nhân vật chính của tác phẩm, Chí Phèo hiện lên với số phận đáng thương, bất hạnh – mẫu số chung của tầng lớp nông dân trong xã hội phong kiến. Nguồn gốc ra đời của Chí gắn liền với câu chuyện về “cái lò gạch cũ”. Ngay từ khi mới chào đời, hắn đã bị bỏ rơi “trần truồng, xám xịt”, đứa trẻ không cha, không mẹ lớn lên từng ngày qua một hành trình lúc thì bị đem cho, lúc thì bị đem bán. Đến khi trưởng thành, Chí trở thành anh canh điền làm thuê trong nhà Bá Kiến với sự lương thiện, tự trọng. Những tưởng cuộc đời cứ thế trôi qua, nhưng chỉ vì ghen tuông, Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào con đường tù tội, mở ra những chuỗi ngày đen tối bị tha hóa về nhân hình và nhân tính của người nông dân hiền lành, chất phác.
Trước khi trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” – một kẻ say sống cùng tiếng chửi và nghề rạch mặt ăn vạ, Chí Phèo vốn là người “hiền như đất”. Dù là đứa trẻ mồ côi, nghèo khó, “không một tấc đất cắm dùi” nhưng y vẫn luôn ý thức về lòng tự trọng, khi bị bà ba gọi lên bóp chân, Chí nhận thức được rằng đó là một việc làm “không chính đáng” và “Hắn thấy nhục hơn là thích”. Đồng thời, anh canh điền còn có ước mơ về một mái ấm gia đình nho nhỏ với những niềm hạnh phúc giản đơn, bình dị: “Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng bỏ lại một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”, nhưng rồi, xã hội phong kiến đã đẩy người nông dân bước vào con đường tha hóa và trượt dài trên hành trình đó khi chỉ mới hai mươi tuổi.
Sau bảy, tám năm ở tù, Chí trở về làng với sự thay đổi về nhân hình lẫn nhân tính. Nhà tù thực dân chính là cánh cửa mở ra chuỗi ngày đen tối trong cuộc đời hắn. Nhà văn Nam Cao đã sử dụng ngòi bút đậm chất hiện thực để phác họa chân dung của Chí Phèo từ khuôn mặt đến hình dáng: “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết!” và “Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông thầy tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế . Trông gớm chết!”. Tuy nhiên, sự thay đổi về nhân hình không hề đáng sợ bằng sự tha hóa về nhân tính. Anh canh điền lương thiện ngày nào giờ đây luôn chìm ngập trong những cơn say cùng những cử chỉ, hành động hung hãn. Đáng buồn hơn, hắn trở thành tay sai đắc lực, công cụ “đâm thuê chém mướn” cho cụ Bá – người đã hủy hoại cuộc đời hắn, tước đoạt quyền làm người và đẩy hắn vào con đường tha hóa. Giấc mơ về mái ấm gia đình đã bị lãng quên cho đến khi Chí gặp Thị Nở. Bát cháo hành cùng sự săn sóc, yêu thương của thị đã đánh thức phần người lương thiện còn lại trong tâm hồn của con quỷ dữ, nhưng đến cuối cùng, hắn vẫn không thể vượt thoát tấn bi kịch tha hóa dax bủa vây bao phủ lên cuộc đời hắn. Sự cự tuyệt của người đàn bà xấu xí, “ma chê quỷ hờn” đã dập tắt ánh sáng le lói của những giấc mơ về mái ấm gia đình và giúp Chí hiểu rõ cánh cửa của loài người đã hoàn toàn khép lại. Bằng cảm quan hiện thực, nhà văn Nam Cao đã đẩy bi kịch tha hóa lên đỉnh điểm qua việc chối từ, cự tuyệt quyền làm người của Chí. Và rồi, Chí Phèo chết trong đau đớn khi tự kết liễu đời mình và đâm chết Bá Kiến.
Qua con đường tha hóa của Chí Phèo, chúng ta có thể thấy được bút pháp xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình của tác giả Nam Cao. Là nhà văn có cảm quan hiện thực sâu sắc, nhà văn đã nhận ra sự tha hóa mang tính quy luật của số phận người nông dân nghèo trong xã hội thực dân nửa phong kiến với cái nhìn sâu sắc cùng sự cảm thông, xót thương. Nam Cao đã thay đổi thời gian nghệ thuật thông thường, chọn thời điểm trần thuật sau khi Chí Phèo đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, đưa chi tiết tiếng chửi lên đầu để gợi lên nỗi ám ảnh trong lòng độc giả về bi kịch trong những cơn say của một con người bị tha hóa và không còn được xã hội đón nhận. Qua đó, ông đã gián tiếp lên án, phê phán xã hội phong kiến mục nát đẩy người nông dân vào bước đường cùng và con đường lưu manh hóa.
Như vậy, bằng tài năng trong việc xây dựng hình tượng nhân vật và miêu tả tâm lí nhân vật, nhà văn Nam Cao đã đem đến một cái nhìn tiến bộ và khám phá mới mẻ về bi kịch của người nông dân. Thông qua tác phẩm Chí Phèo, chúng ta có thể thấy được đôi mắt tình thương của tác giả khi nhìn nhận những góc khuất bên trong cuộc sống của những con người vốn lương thiện nhưng bị xã hội phong kiến mục nát, thối rữa đẩy vào bước đường cùng và nỗi đau bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người.
—————– HẾT ——————-
Chí Phèo vốn là anh canh điền hiền lành, lương thiện nhưng trước sự bức ép tàn nhẫn của giai cấp thống trị mà tha hóa, biến chất, trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại. Bên cạnh bài Phân tích con đường tha hoá của Chí Phèo, các em có thể đón đọc thêm những bài văn khác trong loạt bài văn hay lớp 11 như: Hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo, Bi kịch tha hóa của nhân vật Chí Phèo, Phân tích quá trình tha hoá và thức tỉnh của Chí Phèo, Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao qua Chí Phèo,…
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp