Phân tích cuộc gặp gỡ của chị Hoài với mọi người trong truyện Mùa lá rụng trong vườn

0
124
Rate this post

Đề bài: Phân tích cuộc gặp gỡ của chị Hoài với mọi người trong truyện Mùa lá rụng trong vườn

phan tich cuoc gap go cua chi hoai voi moi nguoi trong truyen mua la rung trong vuon

Phân tích cuộc gặp gỡ của chị Hoài với mọi người trong truyện Mùa lá rụng trong vườn
 

Bạn đang xem: Phân tích cuộc gặp gỡ của chị Hoài với mọi người trong truyện Mùa lá rụng trong vườn

I. Dàn ý Phân tích cuộc gặp gỡ của chị Hoài với mọi người trong truyện Mùa lá rụng trong vườn

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề cần phân tích.
 

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh và phẩm cách của chị Hoài:
– Chị Hoài từng là con dâu của ông Bằng, là vợ của người con trai cả tuy nhiên anh đã hy sinh trong kháng chiến.
– Chị Hoài đã đi thêm bước nữa, đã có gia đình riêng hạnh phúc và 4 đứa con ngoan ngoãn, mối quan hệ giữa chị và gia đình chồng cũ cũng trở nên thưa thớt dần, đã có đến 9 năm mọi người không hề gặp mặt nhau.
– Chị Hoài là một người con dâu, một người chị dâu biết đối nhân xử thế, sống chan hòa với mọi người, được mọi người yêu mến và quý trọng, dù đã đi lấy chồng khác, thế nhưng chị vẫn dõi theo nhịp của gia đình chồng cũ, vẫn nắm bắt sự chuyển biến của từng cá nhân trong gia đình.
– Lối sống nhân hậu, thủy chung của chị không chỉ được gia đình ông Bằng yêu thương mà kể cả chồng hiện tại và những đứa con cũng rất thấu hiểu, cảm thông.

b. Cuộc gặp gỡ với những người em chồng:
– Phượng thoạt đầu dè dặt, nửa mừng nửa lo, sau khi xác định thì đã không kìm nén được vui sướng mà quay ngoắt về sau gọi một loạt các anh em ra đón người chị dâu cũ đến thăm chiều 30 “Chị Hoài, chị Hoài lên! Anh Đông, chị Lý, anh Luân ơi!”.
– Cuộc gặp gỡ đã diễn ra một cách vui vẻ và hạnh phúc ngập tràn, Phượng thì “sôi nổi, nồng hậu” xách tay nải giúp, Lý thì ôm chầm lấy người phụ nữ đã từng là dâu trưởng nức nở trong tiếng nói, Luận thì kể việc chị Hoài đã gần 10 năm không lên Hà Nội một cách bùi ngùi.
=> Cuộc gặp gỡ thật xúc động, đáng nhớ vào chiều cuối năm, một cuộc đoàn tụ bất ngờ của những con người đã chia xa hàng chục năm trời, thưa tin tức.
– Họ đã hòa vào câu chuyện một cách thật tự nhiên, trò chuyện sôi nổi về những chuyện sinh hoạt trong cuộc sống, chị Hoài tâm sự chuyện gặt cấy, rỡ khoai tây, còn mọi người mỗi người góp một câu, không ai kiêng dè mà thẳng thắn bộc lộ tính cách của mình. => Bộc lộ sự gắn bó, sợi dây tình cảm không bao giờ đứt đoạn của chị Hoài dành cho gia đình chồng cũ.
– Cảnh chị Hoài mở tay nải đem ra từng món quà quê lại càng khiến người ta thấy yêu thương và cảm phục tấm lòng nhân hậu thủy chung son sắt của chị, và cả tấm chân tình đáng giá của chồng và con chị Hoài.

b. Cảnh hội ngộ của chị Hoài với người cha chồng cũ:
– Ông Bằng đã nghe tin chị Hoài về từ ở trên tầng, nhưng đến giờ cúng ông mới xuống nhà, ông cố bước thật ngay ngắn và chỉnh tề, bày ra một trạng thái tốt nhất để đón người con dâu mà ông hằng yêu quý.
– Chị Hoài khi nhìn thấy ông Bằng xuất hiện không nén nổi nỗi vui mừng và xúc động khi gặp lại người cha chồng sau chín năm xa cách chị đã hành động như một đứa trẻ “chị lao về phía ông Bằng, quên cả đôi dép, đôi chân to bản, gót nứt nẻ thâm đen, giẫm trên nền đá lạnh, kịp hãm lại khi cách ông già khoảng hai hàng gạch hoa”.
– Ông Bằng thì “thoáng có chút ngơ ngẩn”, vì xúc động mà “mắt ông chớp liên hồi, môi ông lật bật không thành tiếng, có cảm giác ông sắp khóc òa”.
=> Bộc lộ được rõ tình cảm gắn bó tha thiết giữa chị và gia đình chồng cũ. Sự xuất hiện của chị Hoài đã làm vơi bớt đi những nỗi buồn nỗi cô đơn của ông Hoài trước cảnh nhà thay đổi, trong cuộc đấu tranh gìn giữ các giá trị truyền thống, đồng thời là niềm an ủi, khiến ông có niềm tin hơn về việc các mối quan hệ gia đình sẽ được hàn gắn tốt đẹp.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung.

II. Bài văn mẫu Phân tích cuộc gặp gỡ của chị Hoài với mọi người trong truyện Mùa lá rụng trong vườn

Ma Văn Kháng là một trong những cây bút nổi trội giàu sức sáng tạo của nền văn học Việt Nam giai đoạn sau kháng chiến chống Mỹ thành công. Sau khi hòa bình được lập lại, đặc biệt là vào giai đoạn đất nước chuyển từ nền kinh tế lạc hậu, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, có nhiều đổi mới, Ma Văn Kháng đã tinh tế, nhanh nhạy nắm bắt được sự thay đổi trong tâm lý của những người dân Việt Nam lúc bấy giờ trước sự chuyển giao lớn mang tính thời đại của đất nước để cho ra đời những tác phẩm hay trong đó tiêu biểu nhất là tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn. Tác phẩm viết về sự đổi thay và rạn nứt trong mối quan hệ của những con người trong một gia đình nề nếp gia phong, đồng thời dấy lên mối lo ngại về sự mai một của các truyền thống văn hóa dân tộc. Trong đoạn trích từ chương 2 của tác phẩm, cuộc gặp gỡ của chị Hoài một nhân vật đặc biệt với gia đình ông Bằng ngay chiều 30 tết đã để lại trong lòng độc giả nhiều xúc cảm.

Cuộc gặp gỡ của chị Hoài với gia đình ông Bằng đặc biệt bởi lẽ chị Hoài từng là con dâu của ông Bằng, là vợ của người con trai cả tuy nhiên anh đã hy sinh trong kháng chiến. Về sau chị Hoài đi thêm bước nữa, đã có gia đình riêng hạnh phúc và 4 đứa con ngoan ngoãn, mối quan hệ giữa chị và gia đình chồng cũ cũng trở nên thưa thớt dần, đã có đến 9 năm mọi người không hề gặp mặt nhau bởi vì ai cũng có cuộc sống riêng. Thế nhưng chị Hoài là một người con dâu, một người chị dâu ăn ở tốt, biết đối nhân xử thế, sống chan hòa với mọi người, thế nên từ ngày làm dâu nhà ông Bằng chị đã luôn được mọi người yêu mến và quý trọng. Sau này dù đã đi lấy chồng khác, thế nhưng chị vẫn dõi theo nhịp của gia đình chồng cũ, vẫn nắm bắt sự chuyển biến của từng cá nhân trong gia đình, đồng thời thường xuyên viết thư từ thăm hỏi bố chồng cũ. Lối sống nhân hậu, thủy chung của chị không chỉ được gia đình ông Bằng yêu thương mà kể cả chồng hiện tại và những đứa con cũng rất thấu hiểu, cảm thông, điều đó bộc lộ qua việc những đứa con của chị đòi thêm thăm nhà ông Bằng, làm bột sắn dây, chồng chị gói giò cho chị mang đi làm quà,… Đặc biệt nhất là chuyện dù là chiều 30 tết cuối năm thế nhưng vẫn rất vui vẻ tiễn chị lên Hà Nội thăm gia đình chồng cũ. Về phía gia đình nhà ông Bằng mọi người nhung nhớ chị đến mức, dù đã chín năm xa cách, thế nhưng những ngày cuối năm trong cuộc trò chuyện của mọi người vẫn có bóng hình và câu chuyện về chị. Để đến khi thấy dáng của một người đàn bà tay xách nách mang, trạc tuổi 50 mà vẫn trẻ trung xinh đẹp gõ cửa nhà họ đã bất ngờ và vô cùng xúc động. Phượng thoạt đầu dè dặt, nửa mừng nửa lo mình nhận nhầm người chị dâu, sau khi xác định thì đã không kìm nén được vui sướng mà quay ngoắt về sau gọi một loạt các anh em ra đón người chị dâu cũ đến thăm chiều 30 “Chị Hoài, chị Hoài lên! Anh Đông, chị Lý, anh Luận ơi!” Đó là sự xúc động khó tả của cô em chồng với niềm mong nhớ và yêu thương người chị dâu đẹp người, tốt nết mà cả gia đình muốn níu chị lại nhưng lại không dám. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra một cách vui vẻ và hạnh phúc ngập tràn, Phượng thì “sôi nổi, nồng hậu” xách tay nải giúp, Lý thì ôm chầm lấy người phụ nữ đã từng là dâu trưởng nức nở trong tiếng nói, Luận thì kể việc chị Hoài đã gần 10 năm không lên Hà Nội một cách bùi ngùi. Đó là một cuộc gặp gỡ thật xúc động, đáng nhớ vào chiều cuối năm, một cuộc đoàn tụ bất ngờ của những con người đã chia xa hàng chục năm trời, thưa tin tức. Ấy rồi, những tưởng họ sẽ bỡ ngỡ, bối rối sau nhiều năm không gặp gỡ, thế nhưng với một người đàn bà chu toàn và vui vẻ như chị Hoài, điều đó đã không xảy ra bởi lẽ dù ở xa nhưng chị vẫn theo sát từng sự kiện, con người trong gia đình, vẫn gắn bó như những ngày còn làm dâu nhà ông Bằng. Cộng với tình cảm thân thiết của những người em chồng cũ, họ đã hòa vào câu chuyện một cách thật tự nhiên, trò chuyện sôi nổi về những chuyện sinh hoạt trong cuộc sống, chị Hoài tâm sự chuyện gặt cấy, rỡ khoai tây, còn mọi người mỗi người góp một câu, không ai kiêng dè mà thẳng thắn bộc lộ tính cách của mình. Mọi người hỏi tình hình công tác của chị Hoài, chị Hoài hết hỏi thăm ông, lại hỏi chuyện của cô Phượng, rồi đến những người như ông thợ mộc, chú Đông tóc bạc, cháu Dư, cô Lý,… Điều đó bộc lộ sự gắn bó, sợi dây tình cảm không bao giờ đứt đoạn của chị Hoài dành cho gia đình chồng cũ, dù đã trải qua bao nhiêu năm thế nhưng chị vẫn biết và thấu hiểu cuộc sống của các thành viên trong gia đình như một người thân vẫn ở trong nhà này. Điều đó đã đem đến cho mọi người, đặc biệt là cô Phượng và ông Bằng những niềm cảm động sâu sắc. Đặc biệt, cảnh chị Hoài mở tay nải đem ra từng món quà quê lại càng khiến người ta thấy yêu thương và cảm phục tấm lòng nhân hậu thủy chung son sắt của chị, và cả tấm chân tình đáng giá của chồng và con chị Hoài.

Sau cuộc gặp gỡ với những người em chồng, đoạn trích còn để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng người đọc với cảnh hội ngộ của chị Hoài với người cha chồng cũ, người đàn ông đang khổ sở vì những vết nứt của mối quan hệ trong gia đình. Nếu với những người em chồng là cuộc gặp mặt sôi nổi, vui mừng, thì với ông Bằng lại là cuộc gặp mặt đầy ngậm ngùi và xúc động sâu sắc. Ông Bằng đã nghe tin chị Hoài về từ ở trên tầng, nhưng đến giờ cúng ông mới xuống nhà, ông cố bước thật ngay ngắn và chỉnh tể, bày ra một trạng thái tốt nhất để đón người con dâu mà ông hằng yêu quý. Còn bản thân chị Hoài khi nhìn thấy ông Bằng xuất hiện, khác hẳn cái dáng vẻ chững chạc của một người đàn bà 50 tuổi, không nén nổi nỗi vui mừng và xúc động khi gặp lại người cha chồng sau chín năm xa cách chị đã hành động như một đứa trẻ “chị lao về phía ông Bằng, quên cả đôi dép, đôi chân to bản, gót nứt nẻ thâm đen, giẫm trên nền đá lạnh, kịp hãm lại khi cách ông già khoảng hai hàng gạch hoa”. Còn ông Bằng thì “thoáng có chút ngơ ngẩn”, vì xúc động mà “mắt ông chớp liên hồi, môi ông lật bật không thành tiếng, có cảm giác ông sắp khóc òa”. Cuộc gặp gỡ có phần hơi cường điệu của chị Hoài và ông Bằng đã bộc lộ được rõ tình cảm gắn bó tha thiết giữa chị và gia đình chồng cũ, cũng như hình ảnh của chị trong trái tim những người trong gia đình luôn sâu sắc, trong ngôi nhà ấy vẫn luôn dành cho chị một vị trí quan trọng, là cầu nối tình cảm giữa các thành viên, chị về thăm nhà đã nhân dịp lấp lại các lỗ hổng. Sự xuất hiện của chị Hoài đã làm vơi bớt đi những nỗi buồn nỗi cô đơn của ông Hoài trước cảnh nhà thay đổi, trong cuộc đấu tranh gìn giữ các giá trị truyền thống, đồng thời là niềm an ủi, khiến ông có niềm tin hơn về việc các mối quan hệ gia đình sẽ được hàn gắn tốt đẹp.

Có thể nói rằng cuộc gặp gỡ của chị Hoài và các thành viên trong gia đình đã củng cố thêm những niềm tin vào sự vững chãi của các gia đình trong lúc đất nước có nhiều biến đổi, làm cho ngày cuối năm có thêm nhiều ý nghĩa sum họp và niềm vui ngập tràn trước thềm năm mới. Bộc lộ tấm lòng trân trọng của tác giả trước những mối quan hệ tình cảm gắn bó thủy chung sâu sắc giữa con người với nhau trong thời đại mới, tâm lý con người có nhiều thay đổi.

————————HẾT—————————

Bài Phân tích cuộc gặp gỡ của chị Hoài với mọi người trong truyện Mùa lá rụng trong vườn đã phân tích những khía cạnh căn bản và ý nghĩa của cuộc gặp gỡ giữa chị Hoài và các thành viên trong gia đình ông Bằng. Để tìm hiểu thêm về tác phẩm mời các em tìm đọc thêm bài viết Soạn bài Mùa lá rụng trong vườn, Sơ đồ tư duy Mùa lá rụng trong vườn, Phân tích truyện Mùa lá rụng trong vườn, Tóm tắt Mùa lá rụng trong vườn .

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-cuoc-gap-go-cua-chi-hoai-voi-moi-nguoi-trong-truyen-mua-la-rung-trong-vuon/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp