Đề bài: Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm, tính cách của bé Thu trong lần gặp cha cuối cùng khi ông Sáu về thăm nhà trong tác phẩm Chiếc lược ngà
4 bài văn mẫu Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm của bé Thu trong lần gặp cha cuối cùng
1. Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm, tính cách của bé Thu trong lần gặp cha cuối cùng khi ông Sáu về thăm nhà trong tác phẩm Chiếc lược ngà, mẫu số 1:
Thái độ và hành động của bé Thu trước khi nhận ra ông Sáu là cha:
Gặp cha sau tám năm xa cách trước sự vồ vập của cha, bé Thu tỏ ra ngờ vực và hoảng sợ con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn mình như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: “Má! Má”. Đó là cuộc gặp gỡ ngoài ý muốn của Thu bởi em chờ đợi một hình ảnh khác hình ảnh người cha giống hệt tấm hình chụp chung với má.
Ba ngày phép của cha, Thu tỏ ra rất lạnh nhạt. Tình cảm của em đối với cha ngày càng xấu đi. Từ chỗ em chỉ gọi trống không với cha: “Vô ăn cơm”, “Cơm chín rồi!”. “Con nói rồi mà người ta không nghe”, hoặc “Cơm sôi rồi chắt nước giùm cái” đến chỗ em không chấp nhận sự chăm sóc của cha. Khi ông Sáu gắp một cái trứng cá bỏ vào bát cơm: “Nó liền lấy đũa xoi vào chén để rồi bất thần hất cái trứng cá ra, cơm văng tung tóe cả mâm” và cao hơn là nó đã bỏ đi: “Nó nhảy xuống xuồng, mở lòi tói, cố làm cho dậy lòi tói khua rổn rang, khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông, nó sang nhà ngoại”.
Sự phản ứng của Thu càng ngày càng quyết liệt, từ chỗ ngấm ngầm đến chỗ rõ ràng, mạnh mẽ chứng tỏ đây là cô bé ngang ngạnh, bướng bỉnh. Sự ngang ngạnh của em hoàn toàn “có lí” và không đáng trách vì em đâu có biết vết sẹo trên mặt ba là do chiến tranh, em đâu có biết người đàn ông có “Vết thẹo dài bên má phải”, “đỏ ửng”, “giần giật, trông rất dễ sợ” kia lại là người mà em trông đợi bấy lâu. Sự phản ứng của em chứng tỏ em có cá tính mạnh mẽ, có tình yêu cha sâu sắc. Tình yêu ấy đã khắc ghi trong trái tim ngây thơ ấy kiêu hãnh nên em không chấp nhận người đàn ông có sẹo là cha.
Bài văn Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm của bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà hay nhất
Chi tiết vết sẹo là một chi tiết đắt giá. Nó có giá trị lớn trong việc xây dựng tình huống, bộc lộ tình cảm cha con đồng thời có giá trị tố cáo lớn. Chiến tranh đã làm con người bị biến dạng, chiến tranh đã làm cho con không nhận ra cha, chiến tranh len lỏi tàn phá từng gia đình, tàn phá, huỷ diệt mọi lĩnh vực để đến nỗi con không nhận ra cha.
Thái độ, hành động của Thu khi nhận ra cha:
Trong buổi sáng cuối cùng trước khi chia tay, thái độ của bé Thu đã đột ngột thay đổi hoàn toàn: Thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:
Ba…a…a…ba!
Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “Ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “Ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó. “Nó nhảy thót lên ôm lấy cổ ba nó. Nó hôn tóc, hôn vai, hôn cổ, hôn cả vết thẹo dài bên má ba nó. Hai tay nó xiết chặt lấy cổ, chắc nó nghe hai tay không giữ được ba nên nó dạng cả hai chân câu chặt lấy ba, đôi vai của nó run run” chi tiết sinh động đầy kịch tính diễn tả thành công sự bùng nổ mạnh mẽ, sự đột phá dữ dội của tình cảm, bao nhiêu yêu thương mong đợi dồn nén giờ đây oà vỡ, những giọt nước mắt yêu thương xen lẫn sự hối hận và hành động ôm hôn ba của Thu.
Tính cách nhân vật bé Thu:
Tình cảm mạnh mẽ sâu sắc nhưng cũng rất dứt khoát, rạch ròi. Có nét cá tính cứng cỏi đến mức ương ngạnh nhưng vẫn là đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ.
Nghệ thuật miêu tả tâm lí của tác giả.
Cách miêu tả diễn biến tâm lí thành công: Từ chỗ Thu ngạc nhiên hoảng sợ đến lạnh lùng, cuối cùng là sự bùng nổ những yêu thương do bị dồn nén. Thể hiện được điều đó chứng tỏ tác giả am hiểu tâm lí trẻ em, yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ.
————–HẾT BÀI 1—————–
Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm, tính cách của bé Thu trong lần gặp cha cuối cùng khi ông Sáu về thăm nhà trong tác phẩm Chiếc lược ngà là một nội dung, bài học hay trong chương trình Ngữ Văn lớp 9. Các em tiếp tục theo dõi bài viết Cảm nhận tình cha con qua truyện ngắn Chiếc lược ngà cùng với phần Cảm nhận của em về nhân vật Thu trong truyện Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng để học tốt môn Ngữ Văn lớp 9 hơn.
2. Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm, tính cách của bé Thu trong lần gặp cha cuối cùng khi ông Sáu về thăm nhà trong tác phẩm Chiếc lược ngà, bài số 2:
Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn có rất nhiều những đóng góp đáng kể trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những đóng góp của ông để lại nhiều bài học ý nghĩa sâu sắc, những ý nghĩa đó đã tạo nên nhiều những giá trị lớn cho văn học Việt Nam, tiêu biểu cho những sáng tác của ông đó là tác phẩm chiếc lược ngà, và nổi bật lên đó là nhân vật bé Thu.
Chiến tranh đã làm cho khuôn mặt của ông Sáu không còn được nguyên vẹn nữa, những kí ức về người cha của mình đã được bé Thu ghi nhớ trong bức ảnh được treo trong nhà, vì đi chiến tranh nên ông Sáu đã phải chịu nhiều những mất mát đau thương và đặc biệt là trên khuôn mặt của ông đã có những vết sẹo do chiến tranh gây lên nó đã cướp đi sự nguyên vẹn và bé Thu không thể chấp nhận được điều đó khi ông Sáu nghỉ phép trở về hình ảnh về một người cha hoàn toàn khác so với ông Sáu ở ngoài chính vì vậy mà ông không chấp nhận cha của mình. Diễn biến tâm lý của câu chuyện diễn ra theo một trình tự thời gian điều đó cũng làm cho chúng ta hiểu được một phần nào đó tâm lý của những đứa trẻ và những đứa trẻ đó đã tác động mạnh đến những suy nghĩ của chúng ta, những chi tiết đó đã mang những nét đặc trưng trong hàn cảnh và trong kí ức của tuổi thơ.
Hình ảnh của người cha trong bé Thu không giống trong ảnh, nên bé Thu không chấp nhận, cô bé đã có nhiều những hành động làm cho ông Sáu đau lòng, những biểu hiện đó thể hiện qua việc, bé Thu đã hỗn xược với ông Sáu, bé Thu không chấp nhận việc ông là bố của cô, những điều đau đớn trong con người của ông Sáu cũng đã lộ ra, chi tiết sâu sắc trong tác phẩm cũng được thể hiện một cách đậm đà và sâu sắc khi những hình ảnh về bé Thu qua những diễn biến khi người cha trở về đó là những hình ảnh mang những tính chất riêng và những điều đó đã tạo nên cho con người của cô có những phản xạ riêng đó là phản xạ của những con người chưa thể chấp nhận được những điều đó, những điều đó đã làm cho ông Sáu buồn và rồi ông đã làm đủ mọi việc để bé Thu chấp nhận mình nhưng rồi điều đó cũng đã làm cho bé Thu hiểu ra.
Những bài Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm của bé Thu tuyển chọn
Hoàn cảnh do chiến tranh do vậy mà ông Sáu mới bị thay đổi khuôn mặt như vậy, rất nhiều những chi tiết đã bộc lộ được điều đó, chúng ta ngày càng có những suy nghĩ sâu sắc hơn về hình ảnh của bé Thu hiện diện trong lần gặp ông Sáu cuối cùng khi ông đi, nghe những lời giải thích từ mọi người, bé Thu mới nhận ra được những điều đó thật sự cảm thấy có lỗi với ông Sáu, nằm ân hận về những gì mình đã làm. Khi ông Sáu đi ông đã chào hỏi Thu, nhưng rồi chi tiết này đã bộc lộ được cảm hứng và lòng yêu thương của Thu trỗi dậy đó là những điều thật tuyệt vời và cô đã hình dung ra mình cần phải thể hiện được những điều đó, khi ông cất bước đi bé Thu đã cất bước gọi ba, những lời nói đó đã vang vọng trong tâm trí của ông sáu, niềm hạnh phúc đó đã được hiện diện lên trên khuôn mặt của ông Sáu.
Những hành động gây xúc động cho người đọc bởi bé Thu chạy ôm chầm lấy người cha của mình, những hành động đó đã thể hiện được tình yêu của Thu đối với cha là vô bờ bến, chỉ vì những hành động đó mà bé Thu đã mang những cảm xúc thật của mình để thể hiện lên trong con người của mình, những điều đó đã vang vọng lên trong tâm hồn của người, những hình ảnh hay và tuyệt đẹp đã thể hiện lên thật sâu sắc những hình dung đó trong đầu bé Thu lúc này là hình ảnh về người cha của mình, sự xúc động sâu sắc đã thể hiện trong bé Thu, những hình ảnh đó làm sống động lên niềm xúc động nghẹn ngào trong con người của bé Thu, hình ảnh về sự yêu thương của mình đối với cha đã vang vọng lên trong tim của Thu, hành động đó đã làm sống lên nhưng khoảnh khắc trong trái tim của người, hình ảnh mang những tính chất riêng đó là cảm xúc đặc biệt trong tâm hồn một đứa trẻ.
Hiểu được những nỗi đau mà cha mình đã phải trải qua chính vì vậy mà bé Thu thấu hiểu những điều mà mọi người đã nói với cô, điều mà cô nhận ra đó là chiến tranh đã cướp đi khuôn mặt của bố mình, sự thấu hiểu cảm thông và niềm yêu thương cô dành cho cha rất lớn, những yêu thương đó thể hiện sâu sắc trong những chi tiết cuối cùng trong tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng, những hình ảnh mang những đặc trưng riêng biệt và nó có tầm ảnh hưởng lớn và vô cùng sâu sắc, hình ảnh đẹp và xúc động khi cô ôm và hôn lên má ông Sáu hôn cả những vết thẹo, những hình ảnh đó thể hiện được tình yêu cha mình vô bến bờ.
Tình yêu và sự thay đổi tâm lý của bé Thu đã được thể hiện rất chi tiết trong truyện nó mang những ý nghĩa riêng và những thay đổi vô cùng ý nghĩa chúng ta khi đọc xong đều có cảm xúc nghẹn ngào về những thay đổi tâm lý của bé Thu.
3. Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm, tính cách của bé Thu trong lần gặp cha cuối cùng khi ông Sáu về thăm nhà trong tác phẩm Chiếc lược ngà, mẫu số 3:
Chiến tranh đã qua đi nhưng mỗi khi nhìn lại chúng ta vẫn không nguôi nỗi xót xa trước sự tàn phá ghê gớm của nó. Đã biết bao người hi sinh, đổ máu ; bao hạnh phúc bị vùi dập ; bao cuộc chia tay đẫm nước mắt. Đọc đoạn trích trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người đọc hiểu thêm về sự tàn khốc của chiến tranh. Hình ảnh cô bé Thu giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc về nỗi đau mà trẻ thơ phải chịu đựng trong cuộc chiến ác liệt : nỗi đau thiếu cha.
Bé Thu ngay từ khi xuất hiện đã để lại ấn tượng khó quên : “một đứa bé độ tám tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài trước sân nhà”. Qua cách miêu tả của tác giả, bé Thu hiện lên là cô bé đáng yêu, hồn nhiên, nhí nhảnh. Ẩn đằng sâu sự hồn nhiên đó, có lẽ ít ai biết Thu phải chịu cảnh thiếu thốn tình cảm của cha. Theo lời ông Sáu – bố em, thì ngày ông lên đường chiến đấu, đứa con gái duy nhất mới “chưa đầy một tuổi” – cái tuổi quá nhỏ để nhớ mặt cha. Điều này cũng lí giải vì sao sau bảy năm trời đằng đẵng xa cách khi nhìn thấy ông Sáu, nhìn thấy cha mình, Thu không vồ vập chạy đến ôm cổ ba mà trái lại “con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng”. Nhà văn đã sử dụng liên tiếp các từ miêu tả trạng thái tâm lí ngỡ ngàng, ngạc nhiên của bé : giật mình, tròn mắt nhìn, ngơ ngác, lạ lùng. Khi nghe ông Sáu xúc động nói : “Ba đây con”, bé Thu vẫn không nhận ra, vẫn không tin đó là ba mình : “Con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, bỗng nó tái mặt, rồi vụt chạy và kêu thét lên : “Má ! Má” “. Tác giả rất tinh tế khi miêu tả sự thay đổi trạng thái tâm lí của Thu : từ lạ lùng đến khiếp sợ. Khi đứa trẻ cảm thấy bất an, sợ hãi thì mẹ chính là nơi trú ẩn bình an nhất. Nhà văn thực sự rất am hiểu tâm lí trẻ thơ. Câu chuyện được thắt nút, tạo sự hấp dẫn, hồi hộp với độc giả : vì sao đứa bé không nhận cha ? Nguyễn Quang Sáng đã tạo được sức hấp dẫn cho tác phẩm của mình.
Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng độ căng cần thiết tạo sự dồn nén cho diễn biến tâm lí, hành động của bé Thu, bởi thời gian mà ông Sáu về phép chỉ có ba ngày ngắn ngủi. Ông Sáu càng “vỗ về” bao nhiêu, bé Thu lại càng tỏ ra bướng bỉnh bấy nhiêu. Sự xa cách đằng đẵng đứa con gái dấu yêu đã khiến ông khao khát đến cháy bỏng một tiếng gọi “ba” của con bé. Tuy vậy, bé Thu nhất định không nhận đó là ba mình. Nhà văn đã lột tả chi tiết hành động thể hiện sự “chống đối” của cô bé khi phải gọi ông Sáu vào ăn cơm. Lúc đầu bé lảng tránh “Thì má cứ kêu đi”, khi phải gọi thì nói trổng : “Vô ăn cơm !”, rồi khi ông Sáu giả vờ không nghe thấy thì con bé cũng không chịu thua, nó “đứng trong bếp nói vọng ra : “Cơm chín rồi !”. Giữa ông Sáu và bé Thu lúc này như đang xảy ra cuộc chiến ngầm. Nếu người đọc chỉ căn cứ vào các câu nói trống không và các hành động chống đối của Thu chắc hẳn sẽ nghĩ đây là một cô bé hư, thiếu lễ phép với người lớn. Song, nhìn sâu vào tình huống mà cô bé 8 tuổi đang phải trải qua chúng ta sẽ phần nào hiểu và cảm thông cho tâm trạng của bé. Cuộc sống của hai mẹ con em đang trôi đi trong những tháng ngày xa cách một “người cha” – người vốn đã có trong hình dung, tiềm thức của bé, nay lại có người xa lạ lại đến bắt em gọi bằng ba. Với bé Thu, đây thực sự là một “cú sốc tinh thần”.
Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm của bé Thu trước và sau khi nhận cha
Sự căng thẳng được đẩy lên đến cao trào khi cả hai ba con được đặt vào tình huống thử thách mới : mẹ – người “trung gian hoà giải” đi vắng, chỉ còn hai ba con ở nhà cùng với nồi cơm đang sôi. Khi không thể tự tay bắc nồi cơm xuống để chắt nước, không còn ai để cầu cứu, ông Sáu đoán chắc con bé sẽ phải gọi “ba”, nhưng dù là nhờ thì Thu vẫn nói trổng : “Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái !”. Tác giả tập trung xoáy sâu vào sự thay đổi tâm lí của bé khi nồi cơm sôi sùng sục : “Nó hơi sợ, nó nhìn xuống, vẻ nghĩ ngợi, nhắc không nổi, nó lại nhìn lên. Tiếng cơm sôi như thúc giục nó. Nó nhăn nhó muốn khóc. Nó nhìn nồi cơm rồi lại nhìn lên chúng tôi”. […] Nó loay hoay rồi nhón gót lấy cái vá múc ra từng vá nước…
“con bé đáo để thật”. Mặc dù vậy, bé Thu không phải là đứa trẻ chỉ biết “chống đối”, quậy phá, bé cũng có suy nghĩ. Khi thấy ông Sáu “gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén nó”, Thu “liền lấy đũa xới vào chén, để đó rồi bất thần hất cái trứng ra”. Từ “bất thần” như nhãn tự của câu văn, nó cho chúng ta thấy đó không phải là hành động cố tình mà phải chăng là hành động bất cẩn do đang mải suy nghĩ ? Bởi nếu phản đối, em đã hất miếng trứng ra ngay từ đầu. Nhưng do quá yêu con, quá thương con và mong mỏi một tiếng gọi “ba” ấm áp mà luôn bị chối từ nên khi con bé làm như vậy, ông Sáu đã không kiềm chế được nên đã đánh và mắng con : “Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?”. Sự bướng bỉnh, ngang ngạnh không phải là bản chất tính cách của bé Thu nên dù bị cha đánh em không “khóc, giẫy, đạp đổ cả mâm cơm” mà “gắp lại cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm rồi sang nhà ngoại, mét với ngoại và khóc ở bên đấy”.
Bé Thu là cô bé bướng bỉnh, song em thực sự là người có tình cảm, biết suy nghĩ. Nếu không như vậy, chắc hẳn em sẽ quậy đến cùng chứ không sang nhà ngoại để “khóc”. Thái độ ngang ngạnh của em với ông Sáu không làm người đọc giận, trái lại làm người đọc thấy đau xót. Sự tàn phá của chiến tranh thật ghê gớm, nó khiến cho con không nhận ra ba… Thật xót xa.
Tuy nhiên, điều mà nhà văn hướng đến không chỉ dừng lại ở đó, cái mà ông nhấn mạnh chính là tình cha con thiêng liêng, bất tử. Điều kì diệu đã xảy ra vào những phút giây cuối cùng trước khi ông Sáu chia tay gia đình lên đường chiến đấu. Trong khi mọi người đang chuẩn bị cho ba lên đường “con bé như bị bỏ rơi… vẻ mặt nó có cái gì hơi khác, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sầm tại, buồn rầu”. Bé Thu đã có sự thay đổi thái độ rõ rệt. Nhà văn miêu tả cô bé như già hơn so với tuổi “đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngúc, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa”. Người đọc hiểu rằng chắc hẳn đang có sự giằng co, day dứt trong lòng bé. Liệu bé có nhận ông Sáu làm cha ? Tiếng thét nức nở của em như trả lời cho tất cả :
“Ba…a…a…ba”, tiếng thét vỡ oà sau bao lâu câm lặng, tiếng thét của tình thương và nỗi nhớ cha da diết. Tác giả đi sâu miêu tả thanh âm thiêng liêng, kì diệu đó : “Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa”. Tình yêu với người cha sau bao năm xa cách giờ như bùng cháy : “nó vừa kên vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó… Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”. Đoạn văn có nhịp điệu nhanh thể hiện sự mạnh mẽ, dào dạt của suối nguồn tình cảm yêu thương. Hành động của bé Thu chứng tỏ em yêu và nhớ ông Sáu biết chừng nào. Câu hỏi tại sao bé Thu không nhận ông Sáu là cha đến đây đã được giải đáp : “té ra nó không nhận ba nó là vì cái vết thẹo” vì “ba không giống cái hình ba chụp với má”. Từ nhận thức ngây thơ, trong sáng của con trẻ, nhà văn đã lên tiếng tố cáo sự tàn ác của chiến tranh. Vì chiến tranh mà cha con ông Sáu phải xa cách, vì chiến tranh mà con không nhận ra ba.
Bé Thu thật đáng thương bởi giây phút nhận cha cũng là giây phút em phải chia tay ba. Hạnh phúc đến với em ngắn ngủi quá. Như ý thức được điều đó, Thu ra sức níu giữ : “hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai của nó run run”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã vượt qua các họa sĩ hay nhiếp ảnh gia để tạo dựng một cảnh chia tay đẫm nước mắt bằng ngôn từ thông qua việc lựa chọn câu chữ giàu chất tạo hình, biểu cảm. Chiến tranh khiến cho cả những đứa trẻ ngây thơ cũng phải hi sinh. Thu chấp nhận để ông Sáu ra đi và không quên kèm theo lời dặn trong nước mắt : “Ba về ! Ba mua cho con một cây lược nghe ba “. Tại sao bé không chọn một món quà nào khác mà lại chọn cây lược ? Bởi lẽ đó là vật dụng luôn gắn liền với người con gái, “hàm răng mái tóc là góc con người”. Hơn nữa những gì ta muốn lưu giữ chính là những gì sẽ gắn bó, gần gũi nhất. Không phải ngẫu nhiên tác giả đặt tên cho truyện ngắn này là Chiếc lược ngà. Chiếc lược chính là biểu tượng cao nhất của tình cảm cha con giữa ông Sáu và bé Thu, một kỉ vật thiêng liêng, bất tử.
Với cái nhìn của người từng trải, Nguyễn Quang Sáng đã làm sống dậy hình ảnh một bé Thu hồn nhiên, bướng bỉnh mà giàu tình cảm. Tinh cảm của em dành cho cha thật xúc động. Những trang văn của Nguyễn Quang Sáng thực sự là những trang văn đẫm nước mắt. Nó giúp người đọc hiểu được sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh nhưng cũng thấy được sự bất diệt của tình cảm thiêng liêng, cao quý của con người.
Câu chuyện đã khép lại mà vẫn còn văng vẳng đâu đây tiếng gọi ba đến xé lòng của bé Thu. Đó thực sự là một vang âm ám ảnh trong lòng người đọc hôm nay và mai sau…
4. Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm, tính cách của bé Thu trong lần gặp cha cuối cùng khi ông Sáu về thăm nhà trong tác phẩm Chiếc lược ngà, mẫu số 4:
Nguyễn Quang Sáng là một gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà văn – chiến sĩ. Các sáng tác của ông là những trải nghiệm sâu sắc thời chiến tranh, là những khám phá mới mẻ và ý nghĩa về những phẩm chất tốt đẹp của người lính, những tình cảm của con người. “Chiếc lược ngà” là một truyện ngắn thể hiện rất rõ điều đó. Qua việc xây dựng nhân vật bé Thu với những khúc đoạn tâm lí tinh tế, tác giả đã cho người đọc thấm thía nỗi đau mà chiến tranh đã gây ra và cảm nhận được trọn vẹn những tình cảm thiêng liêng nhất trong mỗi người.
Nhân vật bé Thu trong truyện là một cô bé hồn nhiên dễ thương nhưng cũng như bao cảnh ngộ không hiếm gặp thời chiến tranh, em chưa bao giờ được gặp ba và cất tiếng gọi ba. Chiến tranh tàn khốc, nó đã tước đoạt đi cả niềm hạnh phúc nhro bé nhất. Và như một lẽ thường tình, được gặp ba, được gọi ba, được ôm ba vào lòng là ước mơ, là khao khát, là hạnh phúc lớn nhất mà cô bé đã và đang chờ đợi.
Nhưng khi ba trở về, mọi chuyện lại không như bé Thu tưởng tượng. Khi nghe tiếng người ba gọi mình với hai cánh tay dang ra đầy đón đợi, Thu chỉ biết “trợn mắt nhìn ngơ ngác, lạ lùng” ròi bỗng nhiên “mặt nó tái đi rồi vụt chạy” chỉ vì người đàn ông ấy không giống trong bức ảnh mà nó có. Chiến tranh – nó đẫ khiến con người chia biệtc, xa cách và giờ đây nó tước đoạt đi cả niềm vui đoàn tụ.
Trong ba ngày ông Sáu ở nhà, cô bé hoàn toàn lạnh lùng và phớt lờ ông. Ông Sáu càng muốn gần con thì Thu lại càng xa cách với một thái độ ương ngạnh, bướng bỉnh. Nó phớt lờ ngay cả lời nói của mẹ, nói trống không với ba: “Vô ăn cơm”, “Cơm chín rồi!”. Những câu nói chỏn lỏn ấy của con bé như những gáo nước lạnh dội vào trái tim ấm nóng của người cha, làm vỡ vụn biết bao khát khao cháy bỏng được nghe hai tiếng thiêng liêng “Ba ơi!”. Nồi cơm sôi, nó lúng túng không biết làm thế nào, nhưng cô bé vẫn nói với ông Sáu trống không: “Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái!”. Những câu nói vô lễ ấy xuất phát từ tính cách ương ngạnh của bé Thu. Và hơn hết từ chính tình cảm, những mong đợi của đứa trẻ không biết mặt ba. Trong hình dung của cô bé, cha không có vết sẹo dài trên mặt. Và khi bị bắt buộc, nó gọi ba là người ta đầy lạnh lẽo. Cho đến lúc bị dồn vào thế bí, nó thà tự giải quyết còn hơn nhận sự giúp đỡ của ông Sáu. Nó khước từ mọi sự quan tâm chăm sóc nhỏ bé nhất của ông Sáu, được gắp cho một miếng trứng thì nó “bất thần hất cái trứng ra, cơm văng tung tóe” và sau đó giận ba, bỏ sang nhà bà vì ba đã đánh nó. Người đọc không giận bé Thu mà chỉ thấy cảm thương và xót xa. Tất cả cũng chỉ vì vết thẹo – một dấu vết của chiến tranh để lại đã là bức tường ngăn không cho đứa con nhận cha và để lại nỗi đau tê tái trong lòng một người cha. Thái độ cương quyết của cô bé thực chất là kết quả của một cá tính mạnh mẽ, là biểu hiện của tình yêu sâu thẳm trái tim, một sự ngưỡng mộ với người cha đích thực của mình.
Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm của bé Thu để lí giải được thái độ và hành động của bé với ông Sáu
Sau đêm bé Thu bỏ sang nhà bà, nó đã được bà giải thích về vết sẹo trên mặt ba và Thu đã hiểu rằng người mà nó khước từ bấy lâu nay chính là ba nó. Cô bé quay trở về nhận ba. Giây phút thu nhận ba cũng là giây phút cuối cùng ba con gặp nhau, sẽ chẳng có cuộc gặp gỡ nào nữa. Như một sợi dây vô hình của tình phụ tử đang níu giữ, con bé tới buổi tạm biệt ba với một tâm trạng hết sức đặc biệt. Vẻ mặt của nó hơi khác, không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có. Vẻ mặt buồn rầu ủ dột ấy là do ân hận, day vò hay một mối linh cảm chẳng lành sắp có thể xảy đễn. Người đọc còn bị ám ảnh bởi ánh nhìn của bé Thu. Cái nhìn ấy không ngơ ngác lạ lùng mà thực chất chứa những suy nghĩ sâu xa. Nhưng xúc động nhất là khi Nguyễn Quang Sáng miêu tả ánh mắt của bé Thu bắt gặp “đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu” của ba nó, đôi mắt mênh mông của cô bé bỗng xôn xao. Đó là biết bao xúc động, một sự đồng cảm đến kỳ lạ. Chỉ với một cái nhìn mà cô bé như đọc thấu cả những tình cảm yêu thương, những nuối tiếc và đau xót trong lòng ba nó. Chỉ có thể là tình phụ tử thiêng liêng mới làm được điều này.
Và hơn thế nữa, niềm khát khao mà tám năm nay Thu kìm nén đã bật lên từ sâu thẳm con tim. Con bé đã thét lên một tiếng gọi với một chuỗi âm thanh vừa đứt đoạn vừa nức nở: “ba….a…a…a”. Tiếng thét ấy như tiếng xé, tiếng xe đi sự tĩnh lặng và xé cả ruột gan con người. Nghe thật xót xa! Tiếng gọi ấy đã đánh thức một tình cảm thiêng liêng mà chỉ trong xa cách con người ta mới có thể hiểu hết và chỉ vào giây phút này, tất cả như vỡ òa.
Ngay sau tiếng gọi ba, con bé “nhanh như một con sóc, chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba”, “nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó”. Đó như là cách để cô bé bù đặp những nỗi đau, những tổn thương đã gây ra cho ba. Và khi cuộc chia tay sắp kết thúc “nó dang cả hau chân câu chặt lấy ba nó”. Qua hành động cuống quýt ấy ta như cảm nhận được thấy bao nhiêu níu kéo, phấp phỏng, sợ rằng ba sẽ lại đi, sẽ đi không được gặp ba nữa.
Đặc biệt, tình yêu thương cha vô bờ của bé Thu còn được thể hiện trong ước mơ mà con bé gửi cho ba “ba mua cho con một cây lược nghe ba”. Đây là một chi tiết đầy xúc động. Bởi với một người con gái, người ba không chỉ là chỗ dựa bình yên mà còn là người có thể giúp con biến mơ ước thành hiện thực. Từ mơ ước giản dị ấy của bé Thu, người đọc thấy được bao tình cảm sâu kín nơi em. Bất chấp sự khốc liệt của chiến tranh, theo thời g ian, bé Thu đang dần trưởng thành, nét nữ tính của một người con gái vẫn lặng lẽ lớn dần lên. Và chỉ khi đang được sống trọn vẹn trong tình phụ tử, cô bé mới sẻ chia cùng ba những điều tuyệt vời nhất của một người con gái. Có lẽ vì thấu hiểu điều ấy mà nơi chiến trường ông chưa bao giờ quên ước mơ của con gái, chăm chút cho chiếc lược ngà, mong mỏi đến ngày mơ ước của con thành hiện thực.
Bằng một ngòi bút sắc sảo và tràn đầy tình thương, Nguyễn Quang sáng đã khắc họa từng cung bậc tình cảm, từng trạng thái tinh vi nhất trong tâm hồn bé Thu. Từ ương ngạnh, khước từ mọi sự quan tâm tới khi vỡ lẽ, hối hận, xúc động. Diễn biến tâm trạng ấy cho ta hiểu được rõ nét tính cách bé Thu – một cô bé cá tính, giàu yêu thương. Chiến tranh khốc liệt không chỉ tàn phá bao nhiêu làng mạc, cây cối, đường phá mà nó còn để lại những vết sẹo không thể xóa đi trên gương mặt, trên hình hài mỗi người lính, để rồi trở thành bức tường vô hình ngăn cản tình cảm thiêng liêng của con người. Nhưng trên tất cả, tình phụ tử vẫn vượt lên và chiến thắng tất cả. Có hạnh phúc nào không đi liền với những vất vả, hi sinh, có niềm vui nào không phải trải qua thời gian cảm nhận và thấu hiểu. Tình cha con sâu nặng không chỉ nối kết trái tim mỗi người mà còn có sức động viên lớn lao, nâng đỡ con người trên hành trình cuộc đời. Dẫu phải chia xa nhưng tình cảm của đứa con sẽ theo người cha trên bước đường hành quân, là động lực để người lính chiến đấu. Còn với người con, tình cảm với người cha là ánh đèn soi rọi để mai này từ một cô bé ương ngạnh trở thành một cô giao liên dũng cảm. Tất cả những tình cảm ấy được khắc ghi trong kỉ vật thiêng liêng – chiếc lược ngà. Đó cũng chính là nhan đề của tác phẩm, là biểu tượng thiêng liêng của tình phụ tử, là một nốt trầm xao xuyến mà Nguyễn Quang Sáng đã để lại trong lòng mỗi trái tim người đọc.
Chiếc lược ngà không phải là tác phẩm dành cho những người đọc vội vàng. Từng dòng chữ không phải để đọc một lần rồi lướt qua mà nó có sức ngân vang sâu xa, đánh thức từng miền sâu thẳm trong trái tim con người. Ta sẽ nhớ mãi từng cung bậc tâm trạng cảm xúc của bé Thu, sẽ nhớ mãi một tình cảm giản dụ mà thiêng liêng – tình phụ tử.
——————-HẾT——————–
Ngoài nội dung trên, em có thể tham khảo bài viết khác như Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược ngà để hiểu rõ hơn về tác phẩm này.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp