Phân tích đoạn cuối tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

0
132
Rate this post

Đề bài: Phân tích đoạn cuối tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

phan tich doan cuoi tac pham chiec thuyen ngoai xa

Phân tích đoạn cuối tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
 

Bạn đang xem: Phân tích đoạn cuối tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

I. Dàn ý Phân tích đoạn cuối tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần phân tích.

2. Thân bài:

a. Vẻ đẹp và ý nghĩa thực của bức ảnh đối với Phùng:
– Là một bức ảnh rất nghệ thuật, là một cảnh đắt trời cho, một vẻ đẹp toàn bích hiếm có, mà có lẽ đời nghệ sĩ khó có thể gặp lần hai.
– Thế nhưng đằng sau đó là cả một câu chuyện, cả một cuộc đời nhiều đau khổ, cả một góc khuất của xã hội lúc bấy giờ:
+ Cảnh một người đàn bà làng chài xấu xí, thô kệch bị người chồng cục súc vũ phu hành hạ, nhiếc móc không thương tiếc.
+ Cảnh đớn đau khi người phụ nữ câm lặng chịu nhục, đứa con trai chấp nhận tiếng bất hiếu để bảo vệ mẹ.
+ Là cả một câu chuyện rất dài về cuộc đời của một người đàn bà miền biển với đức hy sinh và vẻ đẹp tâm hồn trân quý.

– Bản thân Phùng khi đứng trước bức ảnh để đời ấy, anh không chỉ có cảm nhận của một người nghệ sĩ đơn thuần yêu cái đẹp, mà nó còn là một bài học, một phát hiện mới trong cuộc đời.
+ Đối với vẻ đẹp toàn bích, hiếm có của bức ảnh anh dường như lại không hài lòng, thậm chí có phần hụt hẫng và tiếc nuối.
+ Phùng “mỗi lần ngắm kỹ” bức ảnh, cái anh thật sự thấy không phải là cảnh sương sớm ban mai, mà chính là cuộc đời của một người đàn bà mưa nắng nhọc nhằn, là vẻ đẹp đạo đức của một con người có tấm lòng nhân hậu vị tha hơn tất cả.

b. Hình ảnh người đàn bà làng chài sau bức ảnh:
– Hình ảnh người đàn bà làng chài đó chính là một hình ảnh rất thực tế về con người Việt Nam sau chiến tranh: đói nghèo, khổ cực, lam lũ.
=> Nhận thức một cách rõ rệt về thực trạng cuộc sống nhân dân và những trăn trở về một giải pháp để thay đổi nó.
– Thể hiện một quan điểm trong sáng tác của tác giả ấy là “nghệ thuật vị nhân sinh”
– Nhìn ra được sự day dứt, nuối tiếc và ám ảnh của nhân vật Phùng, khi anh nhận ra rằng dường như bức ảnh nghệ thuật ấy đã quá ra rời, thậm chí làm che lấp đi những vẻ đẹp, những diễn biến trong đời sống thực tế, trở nên không thực, hào nhoáng, chia cắt, phân tầng xã hội.
– Hình ảnh “Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân chị giẫm lên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông…” là biểu hiện của dòng chảy cuộc sống, số phận của nhân vật, trở thành một trong những mảnh ghép “không ai nhớ mặt đặt tên” của xã hội.
=> Nghệ thuật xuất hiện từ cuộc sống, nhưng không phải lúc nào cuộc sống cũng có vẻ đẹp thập toàn thập mỹ lý tưởng mà chỉ có cách thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ thì mới có thể kéo gần khoảng cách giữa chúng.

3. Kết bài:

Nêu cảm nhận.

II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn cuối tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Nguyễn Minh Châu được xem là một trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Chiến tranh kết thúc, đất nước chuyển mình bước vào một chặng đường mới đầy gian lao và vất vả, những đau thương, bom đạn đã tạm lùi lại phía sau. Các tác giả thời kỳ này cũng dần dần chuyển hướng sáng tác và tìm hiểu về các đề tài mới, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước, con người có nhiều chuyển biến mới mẻ, thay vì đi sâu vào chủ nghĩa anh hùng cách mạng như những năm 60, 70. Trái lại, chủ đề đạo đức con người và số phận cá nhân của con người được chú ý nhiều hơn cả và Nguyễn Minh Châu là một trong những tác giả đã khai thác và mở đường cho đề tài này bằng nhiều tác phẩm xuất sắc. Trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, với những phát hiện, những triết lý không chỉ dành cho giới làm nghệ thuật mà còn là cho cả cuộc đời được khai mở. Ở đoạn cuối của tác phẩm, chủ yếu là những suy nghĩ trăn trở của nhân vật Phùng về những mặt trái, những đau thương vẫn ẩn chìm trong cuộc đời của nhiều con người nhỏ bé, mà đôi lúc chúng được đắp lên bằng những bức màn nghệ thuật, nếu không thực sự trải nghiệm, thấu hiểu và có cái nhìn đa diện nhiều chiều, có lẽ rằng sẽ chẳng bao giờ người ta nhận ra được.

Trước hết phải nói về bức ảnh mà Phùng chụp được nhân chuyến công tác về miền biển, có lẽ rằng với nhiều người xem nó là một bức ảnh rất nghệ thuật, đó là cảnh “Mũi thuyền in một nét mơ hồ, lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”. “Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”. Đó là một cảnh đắt trời cho, một vẻ đẹp toàn bích hiếm có, mà có lẽ đời nghệ sĩ khó có thể gặp lần hai. Thế nhưng chỉ có mỗi mình bản thân Phùng biết đằng sau đó là cả một câu chuyện, cả một cuộc đời nhiều đau khổ, cả một góc khuất của xã hội lúc bấy giờ. Bởi lẽ sau cái bức ảnh nghệ thuật được anh trưởng phòng khen ngợi, được nhiều người sành nghệ thuật trưng trong nhà, ấy là cảnh một người đàn bà làng chài xấu xí, thô kệch bị người chồng cục súc vũ phu hành hạ, nhiếc móc không thương tiếc. Đó còn là cảnh đớn đau khi người phụ nữ câm lặng chịu nhục, đứa con trai chấp nhận tiếng bất hiếu để bảo vệ mẹ. Đó còn là cả một câu chuyện rất dài về cuộc đời của một người đàn bà miền biển với đức hy sinh và vẻ đẹp tâm hồn trân quý. Bản thân Phùng khi đứng trước bức ảnh để đời ấy, anh không chỉ có cảm nhận của một người nghệ sĩ đơn thuần yêu cái đẹp, mà nó còn là một bài học, một phát hiện mới trong cuộc đời, nó khác xa những gì mà anh hằng tưởng tượng trước đó. Đối với vẻ đẹp toàn bích, hiếm có của bức ảnh anh dường như lại không hài lòng, thậm chí có phần hụt hẫng và tiếc nuối, bởi chính những gì bản thân anh trải nghiệm. Phùng – một chiến sĩ đã từng vào sinh ra tử khắp các chiến trường góp công vào việc giải phóng đất nước, lập lại hòa bình dân tộc, thế nhưng đứng trước hậu quả của chiến tranh, đứng trước cuộc đời bất hạnh khốn khổ của người đàn bà, anh lại dường như bất lực và thấy bản thân mình còn non dại, đuối lý. Những lời nói, lời bộc bạch về cái nguyên nhân mà người đàn bà phải chấp nhận chung sống với gã chồng vũ phu là vì những đứa con, vì nghèo đói, vì lòng bao dung của chị, vì cái hoàn cảnh nó bắt buộc con người phải như thế khiến người ta không khỏi lặng lại, và dường như có một cái gì đó vỡ ra. Trong tấm ảnh ấy, tấm ảnh thật đẹp, thật nghệ thuật còn ẩn chứa những triết lý sâu sắc ở đời, rằng phàm nhìn nhận việc gì cũng phải xét đến tính đa diện nhiều chiều. Bởi lẽ, Phùng và Đẩu đi chiến đấu bao năm đã quen với tư duy công bằng, phải trái rõ rệt, nhưng hai anh lại không sống trong hoàn cảnh của một người đàn bà xấu xí làm nghề chài lưới, có tận hơn chục đứa con chờ ăn, thế nên các anh không thể hiểu được nỗi khổ tâm của chị cho đến khi chị mở lòng tâm sự. Phải nói rằng đối với nhiều người khác bức ảnh chỉ đơn giản là đẹp, nhưng đối với Phùng nó không chỉ là nghệ thuật mà còn là cuộc đời, là triết lý nhân sinh của hàng triệu con người giống người đàn bà làng chài. Chính vì thế Phùng “mỗi lần ngắm kỹ” bức ảnh, cái anh thật sự thấy không phải là cảnh sương sớm ban mai, mà chính là cuộc đời của một người đàn bà mưa nắng nhọc nhằn, là vẻ đẹp đạo đức của một con người có tấm lòng nhân hậu vị tha hơn tất cả. Tiếc nuối đối với Phùng ấy là vẻ đẹp tiềm ẩn ấy không phải ai cũng có thể nhận ra, bởi nó bị ngăn cách bởi một tấm ảnh quá nghệ thuật quá đẹp, một cái đẹp “vị nghệ thuật”.

Hình ảnh người đàn bà làng chài hiện ra trong tâm trí Phùng “cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm”, đó chính là một hình ảnh rất thực tế về xã hội Việt Nam sau chiến tranh, đói nghèo, khổ cực, lam lũ vẫn đang bao trùm trên cuộc đời của rất nhiều con người giống như người đàn bà làng chài. Phùng hay chính tác giả đã nhận ra một cách rõ rệt về thực trạng cuộc sống nhân dân và những trăn trở về một giải pháp để thay đổi nó, đó là tấm lòng nhân đạo, yêu thương con người sâu sắc mà Nguyễn Minh Châu muốn truyền đạt thông qua tác phẩm của mình. Đồng thời việc Phùng từ bức ảnh nhìn thấy bóng dáng của người đàn bà làng chài, còn thể hiện một quan điểm trong sáng tác của tác giả ấy là “nghệ thuật vị nhân sinh”, tức là văn chương, nghệ thuật tất yếu cuối cùng đều là để phục vụ đời sống con người, vì con người mà nói lên những góc khuất của số phận, để từ đó cảm thông và thấu hiểu. Cũng chính từ đó ta nhìn ra được sự day dứt, nuối tiếc và ám ảnh của nhân vật Phùng, khi anh nhận ra rằng dường như bức ảnh nghệ thuật ấy đã quá ra rời, thậm chí làm che lấp đi những vẻ đẹp, những diễn biến trong đời sống thực tế, trở nên không thực, hào nhoáng, chia cắt, phân tầng xã hội khi nó được treo trong nhà những người sành về nghệ thuật, mà thực tế họ cũng chẳng hiểu được câu chuyện phía sau.

Cuối cùng hình ảnh “Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân chị giẫm lên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông…” là biểu hiện của dòng chảy cuộc sống, số phận của nhân vật, người đàn bà vẫn phải lần lữa sống cuộc đời của mình, gắn bó với gia đình, trở thành một trong những mảnh ghép “không ai nhớ mặt đặt tên” của xã hội, làm nên một cuộc đời muôn màu muôn vẻ. Cũng phiếm chỉ một xã hội với đầy rẫy những mảnh đời với nhiều hoàn cảnh khác nhau, với những nỗi đau, những bất hạnh, những hạnh phúc riêng mà chúng ta cần phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều để thấu hiểu. Nghệ thuật xuất hiện từ cuộc sống, nhưng không phải lúc nào cuộc sống cũng có vẻ đẹp thập toàn thập mỹ lý tưởng mà chỉ có cách thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ thì mới có thể kéo gần khoảng cách giữa chúng.

Đoạn kết của tác phẩm là những chiêm nghiệm của tác giả thông qua nhân vật Phùng về những triết lý nhân sinh của cuộc sống, từ một tấm ảnh mà sau đó là ẩn chứa cả một cuộc đời, một số phận với nhiều góc khuất cần thấu hiểu, cảm thông. Đồng thời tác phẩm cũng thể hiện một quan điểm mới về cách nhìn nhận cuộc đời rằng cần phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều, đồng thời chấp nhận rằng trong những cái nghịch lý vẫn luôn tồn tại những cái có lý.

—————–HẾT—————–

Trên đây là bài văn mẫu phân tích về ý nghĩa đoạn kết của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, để tìm hiểu thêm về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và khám phá những thông điệp nghệ thuật được Nguyễn Minh Châu gửi gắm trongt tác phẩm này, mời các em tham khảo thêm các bài viết Phân tích nhân vật Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích tình huống truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích Nghịch lý trong Chiếc thuyền ngoài xa.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-doan-cuoi-tac-pham-chiec-thuyen-ngoai-xa-cua-nguyen-minh-chau/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp