Phân tích đoạn kết tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt

0
58
Rate this post

Đề bài: Phân tích đoạn kết tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt

phan tich doan ket tac pham hon truong ba da hang thit

Phân tích đoạn kết tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt

Bạn đang xem: Phân tích đoạn kết tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt

I. Dàn ý Phân tích đoạn kết tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần phân tích.

2. Thân bài

a. Sơ lược cốt truyện:
– Trương Ba là một người đàn ông hiền lành, chăm chỉ, khéo léo, ưa thích những công việc chăm sóc vườn tược, uống trà, đặc biệt là có tài chơi cờ rất hay.
– Biến cố đã xảy ra khi Nam Tào, Bắc Đẩu vì lơ là chức trách mà gạch nhầm tên Trương Ba trong sổ tử, khiến ông phải chịu chết oan.
– Đế Thích vì thương xót Trương Ba chết oan, lại tiếc một người bạn chơi cờ hợp ý, thế nên ông đã bàn với Nam Tào, Bắc Đẩu cho Trương Ba sống lại, nhập hồn vào xác anh hàng thịt mới chết.
– Bi kịch thực sự bắt đầu khi mà một tâm hồn thanh cao, quen nếp sống tao nhã lại phải chung đụng cùng với cái xác đồ tể, vốn quen những việc tàn sát, dung tục.
=> Điều đó đã mang đến cho cả hai gia đình, hai người vợ, những đứa con, đứa cháu bao nhiêu rắc rối và đau khổ, cuối cùng dẫn tới bước đường tan nát.
– Vì quá uất ức và bức bối khi phải chung đụng với cái xác thịt đui mù mà mình căm ghét, nên Trương Ba đã có một cuộc tranh cãi nảy lửa với cái xác.
=> Trương Ba lại càng nhận ra mình đuối lý, nhận ra bản thân mình đang dần bị chi phối bởi những thú vui, những ham muốn của cái xác. Tất cả đều được xác hàng thịt vạch trần bằng giọng điệu mỉa mai, khích bác, lý lẽ sắc bén khiến Trương Ba vô cùng đau khổ và tuyệt vọng.
– Bị chính những người thân trong gia đình chối bỏ, những lời bộc bạch của con dâu đã khiến Trương Ba hoàn toàn thức tỉnh.
=> Cuối vở kịch ông kiên quyết lựa chọn rời khỏi xác hàng thịt và biến mất hoàn toàn, dù Đế Thích cố níu kéo khi ngỏ lời muốn ông nhập vào xác của cu Tị, thế nhưng Trương Ba đã từ chối, ông cầu xin cho thằng bé được sống lại còn bản thân mình thì sẽ vĩnh viễn biến mất.

b. Ý nghĩa của cái kết:
– Sự ra đi vĩnh viễn của Trương Ba cũng chính là một cách để ông “sống”, sống trong lòng những người ở lại.
– Giải quyết tất cả những mâu thuẫn đang xảy ra trong gia đình ông, giải thoát mọi người khỏi đau khổ.
– Sự ra đi của ông đã để lại trong lòng những người thân những ấn tượng tốt đẹp về một người chồng, người cha, người ông hiền lành, sống trong sạch, thanh cao, giỏi chơi cờ, tỉ mẩn, khéo léo.
=> Trương Ba không chỉ để lại những ký ức tốt đẹp, mà bản thân ông còn là một tấm gương đạo đức sáng ngời cho con cháu, gieo vào lòng những mầm non như cái Gái những tư tưởng tốt đẹp, trở thành người kế thừa những giá trị đạo đức ấy mãi về sau này.
– Cái kết này còn khẳng định một chân lý rằng con người ta không thể sống mà hồn một đằng, xác một nẻo được, sống hoàn toàn, sống thật sự chỉ khi giữa xác và hồn có sự thống nhất biện chứng với nhau.
– Chi tiết Trương Ba nhường lại cơ hội sống cho cu Tị cũng lại thể hiện một vẻ đẹp đạo đức khác ở con người ông ấy là vẻ đẹp của tấm lòng cao thượng, bao dung.
– Chi tiết Đế Thích ngỏ lời cho Trương Ba nhập vào xác cu Tị cũng lại mà một chi tiết kịch mang đầy tính nhân văn thể hiện cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa phần hồn – phần nhân cách thanh cao, đẹp đẽ và phần xác – tầm thường, dung tục, cuối cùng phần nhân cách đã chiến thắng, giữ lại được những giá trị đạo đức tốt đẹp, thể hiện khát khao hoàn thiện phẩm giá, nhân cách của con người bao thế hệ.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận.

II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn kết tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt

Lưu Quang Vũ (1948-1988), là một nhà thơ, nhà soạn kịch nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam. Dù bước chân vào nghiệp viết kịch khá muộn và chỉ có một khoảng thời gian sáng tác ngắn kéo dài khoảng mười năm, thế nhưng Lưu Quang Vũ đã để lại cho nền văn học, sân khấu của nước nhà khoảng 50 tác phẩm kịch nói khác nhau. Môi một tác phẩm đều để lại trong lòng độc giả, khán giả những ấn tượng sâu sắc, bởi nó phản ánh rất chân thực những vấn đề hiện đang diễn ra trong xã hội, cùng với đó là những bài học nhân sinh, những tư tưởng mới mẻ mà tác giả gửi gắm trong các tác phẩm của mình. Hồn Trương Ba da hàng thịt là một trong những tác phẩm kịch nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ, từng được công diễn lại nhiều lần trên các sân khấu kịch lớn nhỏ trên khắp cả nước, nhận được sự hưởng ứng, yêu thích nhiệt liệt từ khán giả, sau còn được dựng lại thành những bộ phim ngắn. Đây là một tác phẩm có nhiều ý nghĩa và giáo dục sâu sắc, thức tỉnh một cơ số rất nhiều con người đang sống cuộc đời mơ hồ, bị thao túng bởi những thứ phù phiếm dung tục, không được sống đúng với bản ngã của mình. Đặc biệt là ở đoạn kết bi kịch của vở kịch đã cho độc giả nhiều những ý nghĩa, bài học nhân sinh sâu sắc.

Trương Ba là một người đàn ông hiền lành, chăm chỉ, khéo léo, ưa thích những công việc chăm sóc vườn tược, uống trà, đặc biệt là có tài chơi cờ rất hay. Chính vì nghe danh tài chơi cờ của Trương Ba mà Đế Thích đã tìm xuống đối cờ và trở thành một người bạn tri kỉ của ông. Tuy nhiên, trong một lần Đế Thích có việc đi vắng, thì biến cố đã xảy ra, Nam Tào, Bắc Đẩu vì lơ là chức trách mà gạch nhầm tên Trương Ba trong sổ tử, khiến ông phải chịu chết oan. Đến khi Đế Thích về thì đã không thể vãn hồi, Đế Thích vì xót Trương Ba chết oan, lại tiếc một người bạn chơi cờ hợp ý, thế nên ông đã bàn với Nam Tào, Bắc Đẩu cho Trương Ba sống lại, nhập hồn vào xác anh hàng thịt mới chết. Những tưởng Trương Ba sẽ được sống một cuộc đời mới và mọi sai lầm được sửa chữa, thế nhưng lúc này đây bi kịch mới thực sự bắt đầu khi mà một tâm hồn thanh cao, quen nếp sống tao nhã lại phải chung đụng cùng với cái xác đồ tể, vốn quen những việc tàn sát, dung tục. Điều đó đã mang đến cho cả hai gia đình, hai người vợ, những đứa con, đứa cháu bao nhiêu rắc rối và đau khổ, cuối cùng dẫn tới bước đường tan nát. Vì quá uất ức và bức bối khi phải chung đụng với cái xác thịt đui mù mà mình căm ghét, nên Trương Ba đã có một cuộc tranh cãi nảy lửa với cái xác. Những tưởng lý lẽ của mình sẽ át được sự ngu ngốc, dung tục của cái xác thế nhưng càng tranh luận Trương Ba lại càng nhận ra mình đuối lý, nhận ra bản thân mình đang dần bị chi phối bởi những thú vui, những ham muốn của cái xác. Dường như cái xác đang làm tâm hồn ông ngày một suy đồi, khuất phục trước những cám dỗ, khi ông bắt đầu ham ăn thịt, uống rượu, không còn tha thiết gì với thú chơi cờ, trở nên vũ phu cục súc khi tát con trai chảy cả máu mồm. Đặc biệt thứ làm Trương Ba xấu hổ và căm giận nhất là bản thân lại thèm khát cả thú vui nhục dục khi đứng trước người vợ của hàng thịt. Tất cả đều được xác hàng thịt vạch trần bằng giọng điệu mỉa mai, khích bác, lý lẽ sắc bén khiến Trương Ba vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. Nhưng bi kịch không chỉ dừng ở việc Trương Ba nhận thức được sự thay đổi đáng sợ của mình, mà còn nằm ở việc ông bị chính những người thân trong gia đình chối bỏ, khi vợ ông đòi bỏ đi biệt xứ, đứa cháu gái ông yêu quý nhất thì khóc lóc nghiêm cấm ông đụng vào vườn tược của ông nội nó, không chịu nhận ông là ông nội, người con trai thì đòi bán vườn để mở sạp thịt lợn, người con dâu dù không phải là người ruột thịt nhất nhưng dường như lại thấu hiểu tất cả, những lời bộc bạch của con dâu đã khiến Trương Ba hoàn toàn thức tỉnh. Cuối vở kịch ông kiên quyết lựa chọn rời khỏi xác hàng thịt và biến mất hoàn toàn, dù Đế Thích cố níu kéo khi ngỏ lời muốn ông nhập vào xác của cu Tị, thế nhưng Trương Ba đã từ chối, ông cầu xin cho thằng bé được sống lại còn bản thân mình thì sẽ vĩnh viễn biến mất.

Cái kết bi kịch nhưng thực tế đó là một cái kết hợp lý nhất để giải quyết tất cả những rắc rối đang xảy ra trong hai gia đình, đồng thời cũng chấm dứt chuỗi ngày sống trong đau khổ, cắn rứt của Trương Ba. Sự ra đi vĩnh viễn của Trương Ba cũng chính là một cách để ông “sống”, sống trong lòng những người ở lại, đồng thời bảo vệ cho phần hồn cao khiết, trong sáng của mình khỏi những cám dỗ dung tục của xác thịt. Đồng thời, cái kết khi Trương Ba rời đi đã giải quyết tất cả những mâu thuẫn đang xảy ra trong gia đình ông, giải thoát mọi người khỏi đau khổ. Có thể nói rằng lựa chọn chết thực sự của Trương Ba là một hành động sáng suốt, đạo đức và đầy tính nhân văn, khi bản thân ông đã nhận thức được một điều rằng, không thể vì sự ích kỷ muốn tồn tại, muốn sống mà làm ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh, kéo họ vào vòng đau khổ cùng mình, đặc biệt đó lại là những người ông hằng yêu quý trân trọng. Sự ra đi của ông đã để lại trong lòng những người thân những ấn tượng tốt đẹp về một người chồng, người cha, người ông hiền lành, sống trong sạch, thanh cao, giỏi chơi cờ, tỉ mẩn, khéo léo. Cái gái lúc ông tồn tại trong xác hàng thịt thì một mực không chịu thừa nhận ông, nó căm ghét và xa lánh cái người thô lỗ, cục cằn trước mắt. Thế nhưng đến khi ông thực sự rời đi rồi, thì nó lại dễ dàng chấp nhận mọi chuyện, nó mãi nhớ về một người ông đạo đức, hiền lành, hết lòng yêu thương nó, đồng thời trân trọng tất cả những kỷ vật, những thứ mà sinh thời ông yêu quý, từ quả na, cái cây, khóm hoa,… Có thể nói rằng Trương Ba không chỉ để lại những ký ức tốt đẹp, mà bản thân ông còn là một tấm gương đạo đức sáng ngời cho con cháu, gieo vào lòng những mầm non như cái Gái những tư tưởng tốt đẹp, trở thành người kế thừa những giá trị đạo đức ấy mãi về sau này. Như vậy bản thân Trương Ba chết mà lại là “sống”, sống theo một cách khác tốt đẹp hơn, bởi lẽ không phải cứ tồn tại trên đời bằng da bằng thịt mới thực sự là sống. Đặc biệt cái kết này còn khẳng định một chân lý rằng con người ta không thể sống mà hồn một đằng, xác một nẻo được, sống hoàn toàn, sống thật sự chỉ khi giữa xác và hồn có sự thống nhất biện chứng với nhau.

Chi tiết Trương Ba nhường lại cơ hội sống cho cu Tị cũng lại thể hiện một vẻ đẹp đạo đức khác ở con người ông ấy là vẻ đẹp của tấm lòng cao thượng, bao dung, ông đã khiến một người mẹ sắp mất con một lần nữa được ôm đứa con yêu dấu vào lòng, khiến một đứa trẻ chết yểu có cơ hội một lần nữa sống một cuộc đời tốt đẹp đầy hứa hẹn. Không chỉ vậy chi tiết Đế Thích ngỏ lời cho Trương Ba nhập vào xác cu Tị cũng lại mà một chi tiết kịch mang đầy tính nhân văn thể hiện cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa phần hồn – phần nhân cách thanh cao, đẹp đẽ và phần xác – tầm thường, dung tục, cuối cùng phần nhân cách đã chiến thắng, giữ lại được những giá trị đạo đức tốt đẹp, thể hiện khát khao hoàn thiện phẩm giá, nhân cách của con người bao thế hệ.

Tuy Trương Ba đã vĩnh viễn rời khỏi thế gian, thế nhưng cái kết của hàng loạt những bi kịch xảy ra lại là một cái kết hợp lý đem lại sự thỏa mãn cho người xem. Đồng thời cũng nổi bật được một số tư tưởng nhân văn và Lưu Quang Vũ muốn truyền đạt trong tác phẩm bao gồm vẻ đẹp của tấm lòng đạo đức cao thượng không vì lối sống vị kỷ mà để ảnh hưởng tới người khác, hay nhận thức về việc sống thật sự, sự gắn kết biện chứng giữa hồn và xác, cuối cùng là một phương thức “sống” mới, đó chính là sống trong trái tim và ký ức của những người hằng thương yêu.

————————HẾT—————————

Bài viết là những nhận xét căn bản về cái kết của vở kịch nổi tiếng Hồn Trương Ba da hàng thịt, để tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm mời các em tham khảo các bài viết sau Phân tích truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Tư tưởng và ý nghĩa phê phán trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Thông điệp Lưu Quang Vũ gửi đến người đọc qua đoạn trích Hồn Trương Ba- Da hàng thịt, Phân tích đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-doan-ket-tac-pham-hon-truong-ba-da-hang-thit/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp