Phân tích đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích để làm nổi bật tâm trạng của người con gái trên bước đường lưu lạc

0
113
Rate this post

Đề bài: Phân tích đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích để làm nổi bật tâm trạng của người con gái trên bước đường lưu lạc

phan tich doan tho kieu o lau ngung bich de lam noi bat tam trang cua nguoi con gai tren buoc duong luu lac

Phân tích đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích để làm nổi bật tâm trạng của người con gái trên bước đường lưu lạc

Bạn đang xem: Phân tích đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích để làm nổi bật tâm trạng của người con gái trên bước đường lưu lạc

Bài làm:

Trong nền văn học trung đại Việt Nam, Nguyễn Du là một đại thi hào với tài hoa kiệt xuất và tấm lòng nhân ái vĩ đại. “Truyện Kiều” là tác phẩm tiêu biểu của ông, có tên gọi khác là “Đoạn trường tân thanh”. Trong tác phẩm truyện thơ nổi tiếng này, Nguyễn Du đã khắc họa hình tượng nhân vật Vương Thúy Kiều, một cô gái mà “người sao hiếu nghĩa đủ đường” nhưng số phận đầy truân chuyên đau khổ, trong một xã hội phong kiến thối nát bị chi phối bởi thế lực của đồng tiền. Một trong những đoạn thơ đặc sắc miêu tả tâm trạng của người con gái đó trên bước đường lưu lạc là đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

Đoạn thơ trên viết về tình cảnh của nàng Kiều sau khi bị Mã Giám Sinh lừa mua về lầu xanh của mụ Tú Bà. Vì Kiều phản kháng quyết liệt, Tú Bà đành đem Kiều ra giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, một nơi hoang vắng, xa thôn xóm, làng mạc. Cảnh vật nơi này thật buồn tẻ:

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia

Ngay câu thơ mở đầu, nhà thơ Nguyễn Du đã xót xa nói về tình cảnh của Kiều qua hai chữ “khóa xuân”. Người con gái nào cũng có một tuổi xuân phơi phới tươi đẹp, tràn đầy hạnh phúc và hi vọng. Nhưng tuổi xuân của Kiều đã bị khóa lại, mất tự do, những nỗi đau trong số phận bắt đầu ập đến cuộc đời nàng. Phong cảnh lầu Ngưng Bích thật buồn, đó cũng là sự thể hiện xuất sắc của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình: non thì xa mà trăng thì gần, lại thêm bốn bề cảnh vật mênh mông, trống trải, chẳng có một dấu tích của con người. Phóng tầm mắt xa hơn, chỉ thấy vài cồn cát, cùng bụi cuốn lên theo gió bay. Cảnh càng hùng vĩ, bao la thì tâm trạng người con gái càng lẻ loi, đáng thương, vì hình ảnh của nàng trở nên nhỏ bé quá. Cách thức kết hợp từ ngữ, hình ảnh như: non xa với trăng gần, rồi cát vàng, bụi hồng… đã liệt kê ra một cảnh tượng có phần ngổn ngang, trống trải như nỗi lòng của Kiều trong lúc này. Đó chính là một nét tâm trạng của Kiều trên bước đường lưu lạc, khơi gợi ở người đọc niềm trắc ẩn và xót thương trước cảnh ngộ ngang trái mà nàng phải chịu.

Từ cách miêu tả phong cảnh để thể hiện nội tâm nhân vật ở những câu thơ trên, nhà thơ chuyển sang trực tiếp thể hiện nỗi đau của nhân vật trong cảnh tình này:

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

Từ láy “bẽ bàng” miêu tả nỗi chua xót, sầu khổ của người con gái ngây thơ, giàu lóng tự trọng, nhưng lại bị chà đạp nhân phẩm, đến nỗi định giải thoát bản thân bằng cái chết nhưng cũng không thể. Đó cũng là tình cảnh đơn độc, kêu trời không thấu, kêu đất, đất không hay, chỉ có áng mây buổi sớm, ngọn đèn khuya làm bạn, thui thủi lo âu. Chỉ bằng một vài từ đơn sơ như thế, nhưng nhà thơ đã làm hiện lên tất cả những đắng cay của nàng Kiều một cách thật tinh tế. Và Nguyễn Du cũng lý giải nỗi buồn ngày một đậm sâu của Kiều, ấy là bởi “nửa tình nửa cảnh” làm cho cõi lòng Kiều thêm đau khổ. Tú Bà khi giam lỏng nàng ở đây có lẽ cũng là để khiến nàng bị nỗi buồn dày vò, để thực hiện âm mưu của mụ, muốn đẩy Kiều vào lầu xanh, sống kiếp ô nhục. Thật đáng thương cho nàng!

Trong những ngày tháng đen tối đầy lo sợ ở nơi chốn lầu Ngưng Bích, Kiều không chỉ xót xa thương thân, mà cõi lòng nàng vẫn ngập tràn niềm thương nhờ những người thương yêu nhất của mình:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai

Cụm từ “dưới nguyệt chén đồng” gợi nhắc tới kỷ niệm Kiều và Kim Trọng từng uống chén rượu đồng tâm, thề nguyền dưới trăng. Một mối tình đẹp và trong sáng đến vậy, mà vì chữ hiếu, Kiều đành lòng phụ tấm tình của chàng Kim. Đó là nỗi ân hận và áy náy khôn nguôi của nàng, thế nên nhà thơ dành bốn dòng thơ trên để thể hiện nỗi nhớ Kim Trọng của Kiều. Nguyễn Du rất tinh tế khi dùng từ “tưởng”, bởi từ này vừa đề cập đến nỗi nhớ nhung, vừa thể hiện sự cách xa đằng đẵng giữa nàng và chàng Kim. Bút pháp miêu tả tâm lý của nhà thơ còn sâu sắc ở chỗ ông để cho Kiều thấu hiểu tấm lòng của chàng Kim: hẳn là từ khi Kiều ra đi, chàng trở lại bên vườn Thúy với nỗi đau đớn của mối tình lỡ làng, mong đợi tin nàng, nhưng “tin sương” mãi chẳng đến, chàng hẳn vò võ theo ngày tháng mãi chẳng nguôi buồn. Chính vì vậy, Kiều cứ mãi dày vò bản thân, rồi tự nhìn vào trái tim mình, nàng thấy được tình cảnh bơ vơ nơi chân trời của chính bản thân, vừa lạc loài, vừa lênh đênh chưa biết về đâu, và mối tình với chàng Kim vẫn còn vẹn nguyên ở đó, mà đại thi hào gọi là “tấm son” thắm thiết, mãi không phai đi được, dù chẳng biết bao giờ mới được gặp lại người xưa. Nàng Kiều là người con gái chí tình chí nghĩa như thế đấy, vẻ đẹp tâm hồn nàng khiến cho độc giả vừa kính phục, vừa xót thương. Đó cũng là tài năng miêu tả của nhà thơ khi làm nổi bật không phải chỉ tâm trạng mà còn là phẩm chất của Kiều.

Kiều còn là người con hiếu thảo trong nỗi lòng xót xa hướng về cha mẹ nay đã tuổi già sức yếu:

Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm…

Ta chú ý cách dùng từ của Nguyễn Du: nếu như ông dùng chữa “tưởng” để thể hiện nỗi nhớ người yêu của Kiều, thì lại dùng từ “xót” khi nàng nhớ cha mẹ, bởi từ “xót” bao hàm trong đó nỗi thương cảm, lo âu của người con ở xa hướng về các bậc sinh thành. Mà nàng biết là họ đang “tựa cửa hôm mai” để trông ngóng đứa con xa đã bặt tin tức từ hôm lên kiệu hoa ra đi trong nước mắt. Có một điểm tài hoa của Nguyễn Du là cách ông dùng bút pháp ước lệ và điển tích điển cố của văn học cổ. Vốn dĩ bút pháp ước lệ dễ dẫn tới tính tượng trưng, khách sáo, như đại thi hào đã sử dụng các yếu tố đó hết sức tự nhiên và biểu cảm, miêu tả rất thực những nỗi niềm cảm xúc của nhân vật trữ tình. Đó là hình ảnh “quạt nồng ấp lạnh’, “sân Lai”, “gốc tử”… để gợi tình thương của Kiều với cha mẹ, và nỗi nhớ da diết mái nhà xưa của nàng. Kiều đã bán mình chuộc cha, nhưng nàng nào nghĩ nhiều tới phận mình. Những cảm nghĩ trước tiên, nàng đều hướng tới người thân ở nơi xa. Đó chính là con người của Kiều, vốn gắn với đức hi sinh âm thầm và cao cả… Và dù phải đi bước đường lưu lạc khổ đau, nàng vẫn không thay đổi, vẫn là nàng Kiều “hiếu nghĩa đủ đường” mà bị tạo hóa ghét ghen nên phải truân chuyên, lận đận.

Trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, có lẽ tám dòng thơ cuối mới là tám dòng đặc tả sâu sắc nhất về tâm trạng của Thúy Kiều khi lưu lạc đến lầu Ngưng Bích:

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Nét nghệ thuật chủ yếu của đoạn thơ này là bút pháp tả cảnh ngụ tình, tức là mỗi chi tiết tả cảnh đều có hàm nghĩa một nét cảm xúc của nhân vật trữ tình là nàng Kiều. Chúng ta có thể thấy điều đó qua điệp từ “Buồn trông” láy đi láy lại trong bốn cặp câu thơ lục bát. Cách dùng điệp từ như thế vừa tạo nhạc điệu cho câu thơ lục bát, vừa cho thấy cái nhìn cảnh vật của Kiều là cái nhìn thấm đẫm tâm trạng. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du cũng từng viết rằng: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu. Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ…”. Nên cảnh vật xung quanh Kiều thường được ông lồng vào đó bức tranh tâm lý của nàng.

Tám dòng lục bát vẽ lên bốn bức tranh phong cảnh rất nên thơ, mang một vẻ đẹp riêng của thiên nhiên, vừa hùng tráng, vừa thi vị. Bức tranh đầu tiên là cảnh “cửa bể” mênh mông trong chiều hôm, trên sóng nước là con thuyền với cánh buồm thấp thoáng đi về xa xăm. Người Trung Quốc cổ thường di chuyển bằng thuyền, nên nỗi nhớ quê của họ cũng thường gửi trên những con thuyền rời bến, cưỡi sóng gió đi về nơi xa. Trong giây phút ngắm cánh buồm hiền từ trôi về phía cuối trời, hẳn tâm trạng Kiều là nỗi nhớ nhung và khao khát trở lại mái nhà xưa. Đó là tâm trạng luôn canh cánh của người con gái lưu lạc đáng thương.

Rồi nhà thơ miêu tả trên ” ngọn nước mới sa” đầy bất trắc là mấy cánh hoa bọt bèo trôi nổi chẳng biết sẽ về đâu. Bức tranh đẹp thì đẹp thật mà sao buồn đến thế, bởi hoa trôi trên sóng từ lâu đã gợi cho người ta hình dung về thân phận của người con gái lênh đênh, trôi giạt giữa dòng đời. Nhìn hoa trôi trong giây phút đó, nàng Kiều liên tưởng tới sự bất hạnh và nỗi niềm của người hồng nhan bạc phận, chẳng biết sẽ còn bao khổ đau chở đợi ở phía trước. Những linh cảm về cuộc đời lạc loài trôi nổi luôn dày vò nàng, như một thứ định mệnh tất yếu không làm sao thoát khỏi.

Nguyễn Du còn miêu tả ở một phía khác của lầu Ngưng Bích là sự hoang vắng đến rợn ngợp. Đó là cảnh “nội cỏ rầu rầu”, “một màu xanh xanh”. Từ láy “rầu rầu” khiến cho cỏ úa héo như lòng người, chẳng có một chút sức sống và sự tươi mới. Màu ‘xanh xanh” chứ không phải là “xanh tươi” càng nhấn mạnh ấn tượng về sự mù mịt. Tựa như trên khắp mặt đất này chẳng có một lối đi cho Kiều. Nàng cứ ở đó, trước lầu Ngưng Bích mà lo nghĩ về số phận khổ đau, bế tắc, không tìm được lối đi, chẳng ai cứu giúp. Đến đây, thì chẳng hề nói quá, ta có thể thấy được sự xót thương nghẹn ngào mà nhà thơ dành cho nàng…

Ý thơ tả cảnh ngụ tình bộc lộ ra rõ hơn cả trong hai câu lục bát cuối đoạn. Cảnh thiên nhiên trở nên khác biệt so với ba cặp câu lục bát phía trên nó, bởi đây là một cành tượng dữ dội, với “gió cuốn mặt duềnh” và âm thanh tiếng sóng “ầm ầm” như thể bão tố đang kéo về quanh lầu Ngưng Bích, vây quanh ghế ngồi của nàng Kiều. Mà nàng thì mới nhỏ bé, đơn độc làm sao. Đó chính là điềm dự báo về những sóng gió cuộc đời đang vây quanh nàng Kiều. Tâm trạng của người con gái trên đường lưu lạc ấy tràn ngập lo âu, chua xót…

Xét về nghệ thuật thơ lục bát, thì Truyện Kiều nói chung đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” nói riêng đã đạt tới đỉnh cao của thể loại Truyện thơ Nôm. Ngòi bút tả cảnh, tả tâm lý và cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh vô cùng tinh tế góp phần miêu tả tâm trạng của nàng Kiều một cách rất tự nhiên và đặc sắc. Từ đó, đại thi hào Nguyễn Du không chỉ bộc lộ tài hoa văn chương xuất sắc của mình, mà còn bộc lộ một tấm lòng yêu thương con người, ngòi bút nhân đạo vô cùng cao cả. Ông không chỉ xót thương nỗi đau của Kiều, mà còn ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của nàng. Và từ đó, ngơi ca con người dù bị vùi dập mà vẫn giữ được nét đẹp trong tâm hồn của mình.

——————-HẾT—————–

Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn trích thể hiện rõ nhất tài năng khắc họa tâm lí nhân vật của Nguyễn Du, bên cạnh bài Phân tích đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích để làm nổi bật tâm trạng của người con gái trên bước đường lưu lạc, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích tám câu thơ cuối trong bài Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích tâm trạng của Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-doan-tho-kieu-o-lau-ngung-bich-de-lam-noi-bat-tam-trang-cua-nguoi-con-gai-tren-buoc-duong-luu-lac/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp