Phân tích đoạn thơ trong bài Việt Bắc

0
130
Rate this post

Đề bài: Bài thơ Việt Bắc là bức tranh hùng tráng, tràn đầy khí thế chiến thắng của quân dân ta. Phân tích đoạn thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu để làm sáng tỏ: “Những đường Việt Bắc của ta,…Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”.

phan tich doan tho trong bai viet bac

3 Bài văn mẫu Phân tích đoạn thơ trong bài Việt Bắc

I. Dàn ý Phân tích đoạn thơ trong bài Việt Bắc

I. MỞ BÀI

Việt Bắc không chỉ là khúc ca ân tình mà còn là bản tổng kết bằng thơ mười lăm năm cách mạng. Bên cạnh những đoạn thơ trữ tình ngọt ngào, ta lại gặp những khúc anh hùng ca tràn đầy khí thế chiến thắng của quân dân ta, mà tiêu biểu là bức tranh Việt Bắc ra quân (Ghi lại tám câu thơ đề bài).

II. THÂN BÀI

Bức tranh Việt Bắc ra quân đã được Tố Hữu miêu tả thật là hoành tráng, với hào khí ngất trời của những con người mới xuất quân mà như đã cầm chắc chiến thắng trong tay.

1. Nét tả khái quát (câu 1, 2)

Tác giả tả con đường ra trận nhưng là để nói lên khí thế dũng mãnh của những người ra trận:

Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung.

Tưởng như mặt đất cũng đang chuyển động dưới bàn chân những người chiến sĩ trong một cuộc ra quân vĩ đại từ khắp các ngả đường của căn cứ địa cách mạng.

2. Hình ảnh đoàn quân (câu 3, 4)

Hình ảnh “quân đi” rất đẹp, đẹp trong đội ngũ điệp điệp trùng trùng như một sức mạnh vô tận, đẹp trong “ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan” gợi nhớ hình ảnh đầu súng trăng treo trong thơ Chính Hữu. Cái ánh sao ở đây vừa như gần gũi thân quen với mũ nan của anh, lại như rực sáng lí tưởng trên đầu mũi súng người lính. Một hình ảnh vừa hiện thực vừa lãng mạn, gợi nhiều liên tưởng đẹp về anh bộ đội cụ Hồ.

3. Hình ảnh đoàn dân công (câu 5, 6)

Hai câu 5, 6 là hình ảnh những đoàn dân công phục vụ tiền tuyến:

Dân công đỏ đuốc từng đoàn,
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ban ngày là của địch nhưng ban đêm là của ta. Hình ảnh những đoàn dân công đỏ đuốc đi trong đêm là đúng với hiện thực. Nhưng với ánh đuốc đỏ rực ấy cùng với muôn tàn lửa bay thì lại càng lãng mạn biết bao. Có khác gì một hội hoa đăng! Còn bước chân nát đá là bước chân của những con người đạp bằng mọi chông gai để đi tới. Lấy ý từ câu ca dao “trông cho chân cứng đá mềm”, Tố Hữu đã sáng tạo nên một hình ảnh thơ vừa quen thuộc vừa mới lạ để ngợi ca sức mạnh của những con người chiến thắng.

4. Hình ảnh đoàn xe (câu 7, 8)

Hai câu cuối là hình ảnh những đoàn xe ra trận mà đèn pha bật sáng quét sạch màn sương đêm dày thăm thẳm của núi rừng Việt Bắc. Rất hiện thực mà rất lãng mạn. Đằng sau cái nghĩa thực, câu thơ còn mang nghĩa bóng tượng trưng trong một hình ảnh lạc quan phơi phới:

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Ngày mai đã lên từ ưong đêm dày thăm thẳm nhờ đèn pha bật sáng, nhờ sức người toả sáng. Bởi họ đã cầm chắc chiến thắng trong tay ngay từ khi mới xuất quân. Câu thơ để lại nhiều dư vị, dư vang về một cảnh ra quân hoành , đầy hào khí.

III. KẾT BÀI

Chỉ tám câu thơ, Tố Hữu đã dựng nên bức tranh Việt Bắc ra quân thật đẹp.

Bức tranh không chỉ làm sống dậy những ngày tháng hào hùng của quân dân ta trên căn cứ địa thần thánh, mà còn đem đến cho ta niềm tin yêu quê hương cách mạng anh hùng. Nó xứng đáng là một trong những đoạn thơ hay nhất của bài thơ Việt Bắc.

Xem thêm: Phân tích tác phẩm Việt Bắc

II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu

1. Phân tích đoạn thơ trong bài Việt Bắc, mẫu số 1:

Bức tranh “Việt Bắc ra quân” đã được Tố Hữu miêu tả thật là hoành tráng, với hào khí ngất trời của những con người mới xuất quân mà như đã cầm chắc chiến thắng trong tay.

Hai câu đầu là nét tả khái quát. Tác giả tả con đường ra trận nhưng là để nói lên khí thế dũng mãnh của những người ra trận.

Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Tưởng như mặt đất cũng đang chuyển động dưới bàn chân những người chiến sĩ trong mọi cuộc ra quân vĩ đại từ khắp các ngã đường của căn cứ địa cách mạng.

Hai câu 3, 4 là hình ảnh “quân đi” rất đẹp. Đẹp trong đội ngũ “điệp điệp trùng trùng” như một sức mạnh vô tận. đẹp trong “ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan” gợi nhớ hình ảnh “đầu súng trăng treo” trong thơ Chính Hữu. Cái ánh sao ở đây vừa như gần gũi thân quen với mũ nan của anh, lại như rực sáng lí tưởng trên đầu mũi súng người lính. Một hình ảnh thơ vừa hiện thực, vừa lãng mạn, gợi nhiều liên tưởng đẹp về anh bộ đội cụ Hồ.

phan tich bai tho viet bac

Bài văn Phân tích đoạn thơ trong bài Việt Bắc

Hai câu 5, 6 là hình ảnh những đoàn dân công phục vụ tiền tuyến:

Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ban ngày là của địch nhưng ban đêm là của ta. Hình ảnh những đoàn dân công đỏ đuốc đi trong đêm là đúng với hiện thực. Nhưng với ánh đuốc đỏ rực ấy cùng với “muôn tàn lửa hay” thì lại lãng mạn biết bao. Có khác gì một hội hoa đăng! Còn “bước chân nát đá” là bước chân của những con người đạp bằng mọi chông gai để đi tới. Lấy ý từ câu ca dao “trông cho chân cứng đá mềm”, Tố Hữu đã sáng tạo nên một hình ảnh thơ vừa quen thuộc vừa mới lạ để ngợi ca sức mạnh của những con người chiến thắng.

Hai câu cuối là hình ảnh những đoàn xe ra trận mà đèn pha bật sáng quét sạch màn sương đêm dày thăm thẳm của núi rừng Việt Bắc. Rất hiện thực mà cũng rất lãng mạn. Đằng sau cái nghĩa thực, câu thơ còn mang nghĩa bóng – nghĩa tượng trưng – trong một hình ảnh lạc quan phơi phới.

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Ngày mai đã lên từ trong đêm dày thăm thẳm nhờ đèn pha bật sáng, nhờ sức con người tỏa sáng. Bởi họ đã cầm chắc chiến thắng trong tay ngay từ khi mới xuất quân. Câu thơ để lại nhiều dư vị, dư vang về một cảnh ra quân hoành tráng, đầy hào khí.

Chỉ 8 câu thơ, Tố Hữu đã dựng lên bức tranh “Việt Bắc ra quân” thật đẹp. Bức tranh không chỉ làm sống dậy những ngày tháng hào hùng của quân dân ta trên căn cứ địa thần thánh mà còn đem đến cho ta niềm tin yêu quê hương cách mạng anh hùng. Nó xứng đáng là một trong những đoạn thơ hay nhất của bài thơ Việt Bắc.

————-HẾT BÀI 1—————

Chi tiết nội dung phần Bức tranh tứ bình trong bài Việt Bắc đã được hướng dẫn đầy đủ để các em tham khảo và chuẩn bị nhằm có hướng chuẩn bị tốt nhất cho nội dung học sắp tới. Hơn nữa, Cảm nghĩ về bài thơ Việt Bắc là một bài học quan trọng trong, do đó các em cần phải chuẩn bị Phân tích đoạn trích bài thơ Việt Bắc trước ở nhà.

2. Phân tích đoạn thơ trong bài Việt Bắc, mẫu số 2:

Bài thơ “Việt Bắc” không chỉ là khúc hùng ca hoành tráng về những người anh hùng dân tộc mà còn là bản tình ca sâu sắc, mặn nồng giữa đồng bào chiến ku với cán bộ cách mạng. Đồng thời, đó cũng là bản tổng kết lịch sử kéo dài suốt 15 năm cách mạng mà tiêu biểu là bức tranh “Việt Bắc ra quân”:

Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên

Bao trùm đoạn thơ là nỗi nhớ với tất cả niềm tự hào, nhớ những con đường chiến dịch, những đoàn quân, dân công,… Qua đó, tác giả ngợi ca sức sống mãnh liệt của đất nước, con người Việt Nam trong máu lửa chiến tranh.

Từ những thắng lợi bước đầu Phủ Thông, đèo Giang, sông Lô, Cao Lạng, quân ta đánh lên dành tự tin ở thế chủ động:

Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Hình ảnh thơ “Đêm đêm rầm rập như là đất rung” đã diễn tả sự trưởng thành, lớn mạnh nhanh chóng vượt bậc và khí thế ra trận hào hùng, ngấy trời tráng khí của bộ đội ta. Nhớ ngày nào, trong lễ xuất quân của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chỉ vỏn vẹn 34 đồng chí. Vậy mà chỉ qua mấy năm kháng chiến, quân đội của ta đã phát triển cả về lực và thế với bao sư đoàn, quân đoàn tính nhuệ, thiện chiến. Ngày cũng như đêm, đoàn quân ấy ra trận như vũ bão.

phan tich doan tho trong bai tho viet bac

Phân tích đoạn thơ Những đường Việt Bắc của ta trong bài Việt Bắc

Hình ảnh thơ “ánh sao đầu súng” vừa đậm chất hiện thực vừa dạt dào cảm hứng lãng mạn. Nơi đầu súng của người lính cụ hồ luôn người sáng ánh sao lấp lánh, cộng hưởng với ánh sao của lí tưởng Cách mạng hòa bình, niềm tin chiến thắng.

Cùng ra trận với những đoàn quân chủ lực còn có lực lượng dân công phục vụ tiền tuyến:

Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

Hình ảnh “dân công đỏ đuốc từng đoàn” thật đúng với hiện thực. Từng đoàn, từng đoàn dân công với bó đuốc trên tay rực cháy hối hả nối nhau ra trận. “Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay” là hình ảnh cường điệu, phóng đại, đậm chất lãng mạn bật lên sức mạnh phi thường của lực lượng dân công trên tiền tuyến. Đó không chỉ là biểu tượng cho sức mạnh của đoàn dân công mà còn là biểu tượng cho sức mạnh cua toàn dân tộc. Hình ảnh rực rỡ, âm hưởng câu thơ rộn rã niềm vui.

Hai câu cuối là hình ảnh đèn pha xuyên màn đêm đen thăm thảm ở rừng Việt Bắc:

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên

Những câu thơ “Nghìn đêm thăm thẳm sương dày / Đèn pha bật sáng như ngày mai” lên mang lại cảm nhận về niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai chiến thắng của dân tộc. Ánh đèn pha của ô tô kéo pháo soi sáng màn đêm dày đặc, soi đường cho các chiến sĩ nhưng đồng thời nó cũng mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Ánh sáng ấy sẽ xuyên thủng màn đêm đen để hướng tới tương lai tươi sáng, tương lai hòa bình của dân tộc.

Chỉ với 8 câu thơ, Tố hữu đã tái hiện lại chân thực, hào hùng khí thế ra trận của quân và dân ta. Toàn quân ra trận với tốc độ khẩn trương, lực lượng hùng hậu, với ý chí chiến đấu quyết tâm giành lại hòa bình cho dân tộc. Có thể nói, đây là một đoạn thơ hay và đẹp trong “Việt Bắc.

3. Phân tích đoạn thơ trong bài Việt Bắc, mẫu số 3:

Việt Bắc không chỉ là khúc ca ân tình mà còn là bản tổng kết bằng thơ 15 năm cách mạng. Bên cạnh những đoạn trữ tình ngọt ngào, ta lại gặp những khúc anh hùng ca tràn đầy khí thế chiến thắng của quân dân ta mà tiêu biểu là bức tranh ”Việt Bắc ra quân” hùng vĩ:

Những đường Việt Bắc của ta…
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Việt Bắc được Tố Hữu sáng tác vào tháng 10-1954, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, các cơ quan trung ương Đảng và chính phủ từ Việt Bắc về lại thủ đô Hà Nội. Tố Hữu cũng là một trong số những cán bộ kháng chiến từng sống gắn bó nhiều năm với Việt Bắc, nay từ biệt chiến khu để về xuôi. Bài thơ như được viết trong buổi chia tay lưu luyến đó.

Hoàn cảnh sáng tác tạo nên một sắc thái tâm trạng đặc biệt, đầy xúc động bâng khuâng. Tố Hữu đã vận dụng thành công thể thơ lục bát truyền thống, sử dụng sáng tạo cặp đại từ nhân xưng mình-ta, lối đối đáp quen thuộc của ca dao, giọng thơ tâm tình ngọt ngào, lời thơ đậm sắc thái dân gian để mở ra bao nỗi niềm nhớ thương, bao kỉ niệm về một thời kháng chiến gian khổ mà anh hùng. Qua đó nghĩa tình gắn bó thắm thiết thuỷ chung của những người kháng chiến với nhân dân, với Việt Bắc, với đất nước được bộc lộ một cách thấm thía, chân thành, cảm động.

Nếu như ở những đoạn thơ trước, Tố Hữu mang đến cho người đọc vẻ đẹp của tình nghĩa quân dân qua những kỷ niệm ngọt ngào gắn bó. Thì ở đoạn thơ này, nhà thơ đã đột ngột chuyển dòng. Không còn những dòng thơ ngọt ngào như ca dao nữa mà đoạn thơ này đã mang âm hưởng của cảm hứng sử thi hùng tráng. Đó là những hình ảnh gợi ra ấn tượng chung về sức mạnh của dân tộc trong kháng chiến, là hình ảnh của những đoàn quân ra trận vô tận điệp trùng, là hình ảnh hùng vĩ của cuộc chiến tranh nhân dân. Từ hình ảnh những đoàn dân công, là hình ảnh những đoàn xe cơ giới trên đường ra trận làm bừng sáng những đêm kháng chiến. Đó là khí thế của “40 thế kỷ cùng ra trận” ngời sáng trong trận chiến sinh tử với kẻ thù.

phan tich doan tho nhung duong viet bac cua ta

Bài Phân tích đoạn thơ trong bài thơ Việt Bắc có dàn ý

Trước hết đó là ấn tượng chung về sức mạnh của dân tộc ta trong kháng chiến với “những đường Việt Bắc của ta… đất rung”. Đọc câu thơ ta đã thấy ngay âm hưởng hết sức hùng tráng của bài ca kháng chiến vang lên từ những điệp từ “đêm đêm”, từ láy “rầm rập”. Và từ gợi tả hình ảnh “đất rung”. Những từ ấy đều là những từ được cấu tạo bởi phụ âm nổ(đ -“đêm đêm”), những phụ âm rung (r -“rầm rập”). Ấn tượng ở những câu thơ này còn được nổi bật lên bởi ý nghĩa khái quát, ý nghĩa biểu trưng của hình ảnh con đường. Khi tác giả nói “những đường Việt Bắc” đó là những con đường vừa rất thực như tác giả từng viết “đường ta rộng thênh thang tám thước”. Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên, đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên… những con đường mở ra cùng với chiến thắng của quân dân ta, nhưng cũng là con đường đầy ý nghĩa tượng trưng khái quát cả một quá trình đi lên của kháng chiến và cách mạng. Con đường đang dẫn tới thành công:

“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung”

Chúng ta có thể cảm nhận được lịch sử không chỉ còn ở trên trang thơ nữa mà chúng ta như đang hòa mình vào đoàn quân ấy. Không khí của câu thơ khiến ta hồi tưởng lại hào khí Đông A ngút trời:

“Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”

(Phạm Ngũ Lão)

Sức mạnh ấy trước hết toảra từđoàn quân hùng hậu:

”Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.”

Nhớ ngày 22.12.1944, tại cây đa Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã làm lễ xuất quân cho đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (Tiền thân của QĐND Việt Nam). Khi ấy, đội quân mới chỉ có 34 người. Vậy mà mấy năm sau từ 34 người với trang bị vũ khí thô sơ, quân đội ta đã phát triển thành tinh nhuệ với “điệp điệp trùng trùng”. Điệp ngữ “điệp điệp trùng trùng” gợi lên sự đông đảo, lớn mạnh, đoàn quân như trải dài vô tận, vươn ra khắp núi rừng Việt Bắc. Sự tinh nhuệ ấy là sức mạnh vô địch chứng tỏ sự trưởng thành của quân dân ta, đồng thời cũng cho thấy, quân đội ta đã thực sự lớn mạnh cả về chất và lượng, có thể đương đầu với mọi kẻ thù to lớn.

Tác giả sử dụng nghệ thuật tách từ “trùng điệp” thành hai từ láy trùng trùng điệp điệp để ghi lại ấn tượng về những cuộc hành quân không nghỉ của một đoàn quân đông đảo như trải dài vươn rộng trong khắp núi rừng Việt Bắc. Hình ảnh hoán dụ “ánh sao đầu súng” , “mũ nan” kết hợp với biện pháp nhân hoá “ánh sao bạn cùng mũ” vừa tả thực vừa gợi ra một vẻ đẹp thơ mộng về đoàn quân kháng chiến. Những hình ảnh này diễn tả sự sát cánh kề vai của mọi lực lượng trên đất nước Việt Nam, từ bộ đội chính quy đến dân quân du kích, từ con người đến thiên nhiên sông núi vũ trụ, tất cả hợp thành một khối đoàn kết vững vàng, có sức mạnh vũ bão. Hình ảnh đoàn quân ra trận đã được cảm hứng lãng mạn tạo nên tầm vóc vũ trụ bởi hình ảnh ánh sao đầu súng, một hình ảnh rất thực nhưng đã vụt lớn lên bởi cảm hứng lãng mạn. Ba hình ảnh: súng-sao-mũ như đi cùng nhau. Khẩu súng tượng trưng cho ý chí đánh giặc của người lính, chiếc mũ là cách nói hoán dụ để nói vềngười lính nhưng đồng thời lại để chỉ tầm vóc vươn tới sao trời của người lính. Ánh sao là hình ảnh chỉ ngôi sao trên mũ người chiến sĩ. Sao cũng là biểu tượng của tổ quốc. Người lính ra chiến trận mang theo cả tổquốc bên mình:

“Anh vào bộ đội sao trên mũ
Vẫn mãi là sao sáng dẫn đường
Em mãi là hoa thơm trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”

(Vũ Cao)

Hình ảnh “ánh sao đầu súng” gợi nhắc đến vẻ đẹp của những chiến sĩ kiên trung mà vẫn lãng mạn yêu đời trong thơ Chính Hữu:

“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”.

Nhà thơ đã dùng thước đo vũ trụ để đo tầm vóc của người chiến sĩ cách mạng. Những người chiến sĩ đang hành quân ra trận. Đó là âm hưởng của những chữ “đi”, “điệp điệp”, “trùng trùng”. Từ hình ảnh ấy Tố Hữu như dựng lên trước mắt người đọc vẻ đẹp của những đoàn binh ra trận mà như một dải ngân hà lấp lánh đang cuồn cuộn đổ về phía tiền phương.

Trong bức tranh tổng hợp về sức mạnh của dân tộc ta trong kháng chiến, Tố Hữu còn dùng một màu sáng, một màu sáng chói loà để làm bừng lên vẻ đẹp hùng vĩ của cuộc chiến tranh nhân dân, dù chỉ qua một chi tiết về đoàn dân công. Đó là hình ảnh:

“Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đã muôn tàn lửa bay”

Tô Hữu đã sửdụng những từ chỉ số nhiều “từng đoàn”, “muôn tàn lửa” kết hợp với các động từ đỏ đuốc, bước chân, nát đá, lửa bay, kết hợp với phép cường điệu “bước chân nát đá” để ca ngợi lòng nhiệt tình, sự hăng hái, sự đông đảo và sức mạnh khiến thiên nhiên phải khuất phục của những đoàn dân công. Sức mạnh bạt núi san rừng, tinh thần làm việc bất kể đêm ngày của họ khiến cho núi cao cũng phải cúi đầu, đêm tối cũng phải bừng sáng. Những đoàn xe vận tải càng làm cho không khí những con đường kháng chiến thêm phấn chấn:

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên

Tác giả sử dụng những từ chỉ số nhiều “nghìn đêm” kết hợp với các từ láy thăm thẳm để khắc hoạ những khó khăn gian nan của kháng chiến nhưng với sức mạnh và lòng quyết tâm, những đoàn xe vận tải vẫn vượt qua đêm tối, đèo cao mây mù, sương dày để vận chuyển vũ khí lương thực tới tiền tuyến. Biện pháp so sánh phóng đại “đèn pha bật sáng như ngày mai lên” vừa thể hiện khí thế sôi nổi, hào hùng, vừa bộc lộ niềm vui sướng hi vọng, tin tưởng vào tương lai tất thắng.

Tám câu thơ trên sử dụng nhiều từ láy, nhiều hình ảnh so sánh phóng đại, sử dụng một loạt những từ chỉ số nhiều, những hình ảnh giàu sức gợi, âm điệu và nhịp điệu thơ khoẻ khắn, dồn dập đã tái hiện sự hùng tráng, khí thế sôi nổi của Việt bắc trong kháng chiến. Sự hào hùng ấy biểu hiện rõ trên con đường Việt Bắc trải dài bất tận, có sự hoà hợp tiếp nối của mọi lực lượng từ bộ đội du kích, dân công đến những đoàn xe vận tải. Con đường đi đến tiền tuyến là con đường đến chiến thắng. Sức mạnh trên con đường ấy cũng đã từng được Tố Hữu nhắc đến trong bài Ta đi tới:

“Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn
Đã bước dưới mặt trời cách mạng.
Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng
Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu
Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu
Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp!”

Mọi nỗ lực của quân và dân ta nhận được sau những khó khăn gian khổ đó chính là:

Tin vui chiến thắng trăm miền

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng

Trong 4 câu thơ, tác giả đã liệt kê một loạt 8 địa danh, kết hợp với điệp từ vui, nhịp thơ nhanh, mạnh, dồn dập bộc lộ một cách sâu sắc niềm sung sướng về chiến thắng của dân tộc.

Chiến thắng ấy trải dài khắp mọi miền Tổ quốc tạo nên ngày hội chiến thắng của toàn thể dân tộc ta. Câu một là cảm xúc bao quát: “Tin vui chiến thắng trăm miền”, còn ở câu sau nhằm thể hiện sự lan toả của những tin vui khắp trăm miền ấy. Vì thế những địa danh liên tiếp xuất hiện gắn liền với các tin vui chiến thắng. Sự liệt kê các địa danh chiến thắng cũng chứa đựng những giá trị tư tưởng-nghệ thuật. Đó là sự sắp xếp nhằm làm nổi bật tin vui như bay đi trong một tốc độ “siêu tốc”. Vừa mới đó là Hòa Bình-Tây Bắc-Điện Biên, tiếp sau đã là ĐồngTháp (Nam Bộ), An Khê (Tây Nguyên), lại đã là Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

Tóm lại, chỉ với những câu thơ trên đã cho ta thấy được một bức tranh “Việt Bắc ra quân” thật đẹp với niềm vui chiến thắng của quân và dân ta trong những ngày kháng chiến chống thực dân pháp gian khổ rất hoành tráng, đầy hào khí. Qua đó, bộc lộ niềm tự hào sâu sắc của nhà thơ về sức mạnh đoàn kết vĩ đại của dân tộc. Đoạn thơ mang âm điệu sôi nổi, dồn dập, mạnh mẽ, sử dụng nhiều hình ảnh phóng đại kết hợp thể thơ truyền thống cho thấy đây là đoạn thơ tiêu biểu góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm cũng như cho phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu.

—————-HẾT—————–

Để học tốt môn Ngữ văn lớp 12 và có vốn kiến thức sâu rộng về tác phẩm chương trình học, bên cạnh bài thơ Việt Bắc, các em có thể củng cố thêm kiến thức những tác phẩm quan trọng khác qua việc tham khảo: Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, Cảm nhận về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, Phân tích truyện ngắn Vợ chồng A phủ, Phân tích tùy bút Người lái đò sông Đà.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-doan-tho-trong-bai-viet-bac/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp