Đề bài: Anh/chị hãy Phân tích đoạn trao kỷ vật trong trích đoạn Trao Duyên, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Phân tích đoạn trao kỷ vật trong trích đoạn Trao Duyên
Bạn đang xem: Phân tích đoạn trao kỷ vật trong trích đoạn Trao Duyên
I. Dàn ý Phân tích đoạn trao kỷ vật trong trích đoạn Trao Duyên
1. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du
– Giới thiệu về đoạn trích Trao duyên
2. Thân bài:
a. Tóm tắt:
– Sau khi bán mình cứu cha và em, Kiều chờ ngày cùng Mã Giám Sinh ra đi.
– Đêm hôm trước ngày đi, nàng bồi hồi nhớ thương tình lang của mình, và tìm cách báo đáp lại ơn nghĩa cho chàng. Nhân lúc Thúy Vân thức dậy hỏi han, Kiều đã cậy nhờ em trả nghĩa cho Kim Trọng.
– Kiều đã trao duyên lại cho Thúy Vân với nỗi đau đớn khôn xiết. Nàng đã bày tỏ hết nỗi lòng với em gái bằng thái độ kính cẩn, lý do trao duyên.
=> Diễn biến tâm trạng Kiều hết sức phức tạp, bộc lộ sự đau khổ, khó khăn cũng như sự thông minh, khéo léo và uyên bác của nàng.
b. Phân tích:
– Sáu câu đầu: Kiều trao lại kỷ vật cho em (gồm chiếc vành, bức tờ mây và mảnh hương nguyền).
+ Những kỉ vật của Kiều đều là những vật đơn sơ, giản dị nhưng gợi lên quá khứ với những kỉ niệm hạnh phúc trong đoạn tình duyên ngắn ngủi của nàng.
+ “Duyên này …của chung”: Thúy Kiều tuy trao lại kỷ vật cho Vân, biến chúng thành vật “của chung” nhưng nàng không quên được tình yêu, duyên nợ của mình.
=> Cho thấy tình cảm của nàng với Kim Trọng vô cùng sâu đậm, trao duyên chỉ là việc bất đắc dĩ.
+ “Của chung”: Những tín vật tình yêu của Kiều và Kim Trọng giờ dành cho cả Vân nữa => thấp thoáng sự dằn vặt, tiếc nuối, xót xa.
+ Kiều biết rằng dù mình đã đi xa, nhưng “chút của tin” vẫn mãi là lời hẹn ước trăm năm của mình và Kim Trọng.
+ Nàng nhấn mạnh hai chữ “ngày xưa”: đoạn quá khứ đầy hạnh phúc nhưng chỉ còn là kỉ niệm. =>sự luyến tiếc của Kiều.
=> Sáu câu thơ đầu là sự giằng xé về nội tâm của Kiều. Về lý trí, nàng muốn gửi lại em mình những tín vật của tình yêu, trao gửi hết duyên phận của mình với Kim Trọng cho em, nhưng trong lòng, nàng không thể quên mối tình đầu nồng thắm.
– Tám câu tiếp: Lời dặn của Kiều cho Thúy Vân.
+ Kiều liên tiếp dùng những từ ngữ, hình ảnh gợi lên cái chết “hiu hiu gió thổi”, “hồn”, “nát thân bồ liễu”, “dạ đài”, “người thác oan”.
=> Dự cảm không lành của nàng về số phận tương lai của mình, sự đau đớn, tuyệt vọng, Kiều tưởng như mình đã chết đi oan khuất.
=> Qua đó ta thấy một tâm trạng đầy đau đớn, tuyệt vọng của Kiều trước khi ra đi, đồng thời cũng cho thấy tấm lòng thủy chung son sắt của Kiều với tình yêu dành cho Kim Trọng.
+ Kiều dặn Vân: Phải trả ơn nghĩa cho Kim Trọng thay mình, đồng thời phải giúp mình tẩy oan “Rảy xin …oan”.
=> Nỗi dằn vặt, bứt rứt không nguôi trong lòng Kiều cùng những dự cảm về tương lại bất trắc. Nàng càng nhớ thương Kim Trọng hơn bao giờ
hết, nàng ra đi vì bất đắc sĩ, vì chữ hiếu chứ không hề muốn quên đi lời hẹn thề với chàng Kim.
– Kết luận chung:
+ Mười bốn câu thơ là sự giằng xé, mâu thuẫn lớn trong lòng Kiều, nàng trao cho em kỷ vật tình yêu, mong em hoàn thành lời nguyện thề với chàng Kim Trọng nhưng trong lòng nàng là bao nhiêu chua xót, đau đớn khi phải ra đi, chia xa mối tình đầu đầy hạnh phúc.
+ Nghệ thuật: Hình ảnh thơ giàu tính biểu cảm, nghệ thuật độc thoại nội tâm được thể hiện xuất sắc làm nổi bật lên những giằng xé đau đớn tột cùng trong lòng Kiều.
3. Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề:
II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn trao kỷ vật trong trích đoạn Trao Duyên
Nếu nói về nghệ thuật khắc họa nội tâm nhân vật qua độc thoại trong thi văn có lẽ không ai có thể vượt qua Nguyễn Du, bởi ông đã xây dựng thành công trong Truyện Kiều với những đoạn độc thoại nội tâm vô cùng xuất sắc, điển hình như đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích hay đoạn trích Trao duyên. Nếu như Kiều ở lầu Ngưng Bích miêu tả nỗi đau đớn khôn nguôi của nàng khi bị lừa bán vào lầu xanh, nỗi nhớ nhà, cô đơn buồn tủi thì ở đoạn trích Trao duyên lại miêu tả bi kịch tình yêu tan vỡ, lỡ dở của Kiều. Sau những dòng mở lời cậy nhờ em gái chắp lại mối duyên cùng Kim Trọng, Thúy Kiều đau đớn trao lại cho người em những kỷ vật của tình yêu đầy ắp hạnh phúc.
Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, nàng không chỉ xinh đẹp mà còn vô cùng tài hoa. Sau một lần đi chơi tiết Thanh minh, nàng gặp Kim Trọng – một chàng trai hào hoa phong nhã và hai người vừa gặp đã yêu mến nhau ngay từ giây phút đầu tiên “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, và họ đã cùng thề nguyền dưới đêm trăng, trao cho nhau những kỷ vật định tình. Thế nhưng sóng gió bất ngờ ập tới với gia đình Kiều, nàng buộc phải bán mình cho Mã Giám Sinh để cứu lấy cha và em. Trong đêm trước ngày ra đi, nàng bồi hồi nhớ lại mối tình say đắm của mình với Kim Trọng, nhân lúc Thúy Vân thức dậy hỏi han, nàng đã cậy nhờ em gái trả nghĩa cho Kim Trọng thay mình.
Mở đầu lời cậy nhờ, Thúy Kiều đã nói lên tiếng lòng của mình trong nỗi đau đớn, sự dằn vặt, nặng nề, khó nói. Nàng mở lời với em gái của mình nhưng lại với thái độ kính cẩn như đối với bậc bề trên:
Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Nàng đau đớn bộc lộ hết nỗi lòng của mình cho em rồi bày tỏ lý do trao duyên cho em. Có thể nhận ra rằng, tâm trạng của Kiều diễn biến vô cùng phức tạp, nàng bộc lộ nỗi đau khổ, nỗi dằn vặt nhưng cũng bộc lộ sự thông minh, khéo léo vô cùng của mình.
Đến lúc Thúy Vân đã hiểu và cảm thông, Kiều mới đem từng món đồ kỉ vật ra trao lại cho em của mình:
Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người bạc mệnh ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
Từng món, từng món được Kiều đích thân trao tận tay em gái, từ “chiếc vành”, “bức tờ mây”, rồi “phím đàn”, “mảnh hương nguyền”. Tất cả những kỉ vật ấy đều gắn liền với những kỷ niệm tình yêu hạnh phúc nhất của Kiều, chúng đều vô cùng đơn sơ, giản dị nhưng chứa chan bao nhiêu là niềm vui, niềm hạnh phúc. Nhìn chúng, Kiều nhớ tới quá khứ, tới những phút giây thề nguyền bên ánh trăng trong duyên phận ngắn ngủi của nàng và chàng. Nàng trao cho em nhưng lại ngập ngừng ngắm nghía thật lâu từng món đồ ấy với sự tiếc nuối khôn nguôi. Kiều trao cho Vân kỷ vật, cùng là trao lại tình duyên của mình cho em, để Vân giúp mình trả lại nghĩa tình cho Kim Trọng. Mỗi vật kỷ niệm kia có thể với Vân chỉ là vật vô tri, nhưng với Kiều, đó là bầu trời của kỷ niệm, của yêu thương, của hạnh phúc, của lời thề nguyền đẹp đẽ nhất cuộc đời. chính vì vậy, nàng căn dặn em rằng:
“Duyên này thì giữ, vật này của chung”
“Duyên này” là chỉ mối tình của nàng với Kim Trọng, nàng chỉ giữ lại kỉ niệm, còn tín vật thì trao lại cho Thúy Vân. Từ giờ, tín vật này sẽ là “của chung”, trước là của Kiều và Kim Trọng nay thêm cả Thúy Vân nữa. Từ lúc bắt đầu ướm gửi, mở lời với Vân, Kiều vẫn luôn giữ thái độ vô cùng bình tĩnh, bình thản, bởi nàng hiểu rằng, duyên phận giữa nàng với chàng Kim từ nay đã hết. Nhưng giờ đây, khi trao đi những tín vật tình yêu, nàng chẳng thể kìm nén được cảm xúc, nỗi đau đớn, xót xa, tiếc nuối bùng lên trong lòng. Nàng trao đi duyên phận không phải vì hết yêu, không phải vì nàng quên đi lời thề, quên đi đoạn tình yêu đẹp đẽ mà là do bất đắc dĩ mà thôi.
Trao “duyên” xong, nhưng lòng Kiều càng nặng trĩu, đầy những giằng xé, những níu kéo, tiếc nuối vô cùng. Lý trí bắt nàng từ bỏ tình yêu với chàng Kim Trọng yêu thương, nhưng trái tim và tình cảm của Kiều lại không cho phép nàng làm vậy. Câu thơ:
“Dù em nên vợ nên chồng
Xót người bạc mệnh ắt lòng chẳng quên”
Đây chẳng phải là nỗi thương mình của Kiều hay sao? Nàng tự thương mình, coi mình là “người bạc mệnh” khiến cho người ta phải thương xót. Kiều trao đi tín vật nhưng trong lòng nàng chẳng thể trao lại hết đoạn tình cảm của mình ”mất người còn chút của tin”, đây sẽ mãi là ước hẹn trăm năm của nàng và chàng Kim Trọng. Kiều đã dùng dằng, đã mất công sức thuyết phục Thúy Vân để gửi lại tình yêu của mình cho em, đến lúc em nhận lời, nàng mới nhận ra lòng mình đầy mâu thuẫn. Nàng không nỡ buông bỏ tình cảm tình yêu của mình, bởi ở đây, Kiều không dùng từ “cho, tặng” mà lại là từ “giữ”, nàng không cho Vân hết tín vật mà lại là “của chung”. Thế mới hiểu, nàng chẳng đành lòng trao hết tất cả cho em mình, chỉ là nàng bất đắc dĩ phải làm như vậy mà thôi. Và điều đó cũng chứng tỏ, tình yêu của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng vô cùng thủy chung và sâu sắc. Nàng phải ra đi, nên đã trao lại duyên cho em, để em thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng, để chàng không phải hụt hẫng khi trở về đã thấy nàng rời xa, nàng thật biết lo nghĩ cho người mình yêu, thật biết đặt hạnh phúc của chàng lên trên tất cả.
Sáu câu thơ là tiếng nấc nghẹn ngào, giằng xé của Thúy Kiều khi buộc lòng phải trao đi những vật hẹn thề tình yêu của mình cho em gái. Nàng kết lại bằng hai chữ “ngày xưa” như để chấm dứt cho nỗi lòng đang thổn thức bởi dằn vặt, luyến tiếc của mình về đoạn quá khứ đầy hạnh phúc mà giờ đây chỉ còn là kỉ niệm.
Trao đi tấm duyên tình, Kiều dường như đã cảm nhận một cách thật mơ hồ về số phận tương lai của mình, chính vì vậy, nàng đã để lại lời dặn dò cho Thúy Vân rằng:
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai”
Đoạn thơ rặt những từ ngữ điểm báo chỉ sự không lành, như là sự dự cảm về cái chết. Kiều đã sử dụng một loạt những từ ngữ, hình ảnh gợi về cái chết, nào là “hiu hiu gió thổi”, “hồn”, “nát thân bồ liễu”, nào là “dạ đài”, “người thác oan”. Có người chị nào đi lấy chồng mà lại tâm sự với em gái toàn những lời lẽ không tốt lành như thế? Phải chăng đây là dự cảm của nàng cho tương lai của mình, đầy những đau khổ, tuyệt vọng. Đoạn thơ giờ đây trầm buồn, sâu lắng hơn, như lời tâm sự của Kiều. Giọng điệu thơ cứ xa xôi, phảng phất những dự cảm mơ hồ, bất an. Kiều đã tưởng mình sẽ chết, làm “người thác oan” và chẳng thể siêu thoát bởi “hồn” nàng của nặng lời thề với Kim Trọng. Phải chăng, nàng đã mơ hồ sự đoán được bi kịch của cuộc đời mình, bi kịch cô độc, đau xót? Nàng đã tưởng mình là một linh hồn, “hiu hiu” theo gió nương về cảnh sum họp của Kim Trọng, Thúy Vân, về lại để gặp người mình thương yêu. Duyên thì hết, tín vật cũng đã gửi nhưng trong lòng nàng vẫn chẳng thể quên được mối tình đầu đẹp như thơ. Nàng dằn vặt, đau đớn, tuyệt vọng bao nhiêu thì chứng tỏ tình cảm của nàng dành cho Kim Trọng càng nồng nàn, sâu sắc bấy nhiêu.
Cuối cùng, Kiều dặn lại em rằng:
“Dạ đài cách mặt khuất lời
Rảy xin chén nước cho người thác oan”
“Dạ đài” – nơi âm phủ tối tăm, cách trở âm dương đôi đường, nàng chỉ xin được một sự cảm thông nhỏ bé, tưởng nhớ của những người thân yêu mà “rảy xin chén nước” cho linh hồn bạc mệnh của mình. Kiều lo lắng, sắp xếp cho người thương xong mới nhận ra số kiếp bạc bẽo của mình. Chén nước “rảy xin” kia là nàng xin người ở lại tẩy cho mình nỗi oan khuất. Điều đó chứng tỏ rằng nàng dù chết nhưng vẫn muốn vẫn khao khát được trở lại, được trở về bên người yêu, bên tình yêu mãnh liệt của mình.
Một mặt, nàng dặn em phải thay mình đền đáp ơn nghĩa của chàng Kim thật tốt, một mặt nàng xin được tẩy oan để trở lại. Đó là sự giằng xé sâu trong tâm can của Kiều, nỗi bứt rứt, dằn vặt khôn nguôi trong lòng khi sự ra đi của nàng là bất đắc dĩ, nàng không hề quên lời thề, bởi vậy có chết đi, nàng vẫn chẳng thể siêu thoát. Có phải chăng trong đó, Kiều cũng đang dự cảm mà lo lắng, sợ hãi cho tương lai mù mịt của mình?
Mười bốn câu thơ trao kỷ vật tình yêu trong đoạn trích Trao Duyên đã cho thấy sự giằng xé nội tâm, mâu thuẫn lớn lao trong lòng Kiều. Nàng trao đi kỷ vật, mong Thúy Vân giúp mình hoàn thành lời hẹn thề với Kim Trọng nhưng nàng lại dằn vặt, đau đớn, chua xót khi phải rời xa mối tình đầu với bao nhiêu kỉ niệm đẹp đẽ. Qua bút pháp khắc họa nội tâm tài hoa của Nguyễn Du, ta thấy hiện lên một Thúy Kiều không chỉ giàu lòng vị tha mà còn vô cùng nhạy cảm, tràn đầy yêu thương. Nỗi đau đớn khi tình yêu tan vỡ và tâm trạng của Kiều cũng hiện lên vô cùng tinh tế, sinh động khiến cho người đọc cũng phải rưng rưng xúc động.
Về nghệ thuật, đoạn trích mang giá trị biểu đạt sâu sắc, hình ảnh giàu giá trị biểu cảm. Đặc biệt, nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật và độc thoại nội tâm được Nguyễn Du sử dụng vô cùng xuất sắc, làm nổi bật lên nỗi giằng xé tâm can, đau đớn tột cùng của Thúy Kiều.
Đoạn trích không chỉ là những dòng thơ miêu tả bi kịch tình yêu tan vỡ sâu lắng, giàu cảm xúc nhất trong Truyện Kiều mà còn bộc lộ cả nét tính cách, phẩm chất vô cùng cao quý của Kiều: làm tất cả những gì có thể để người mình yêu được hạnh phúc dù rằng mình phải chịu đựng đau khổ. Đoạn thơ cũng là nỗi giằng xé nội tâm gay gắt của Kiều khi buộc phải trao đi tín vật mang những kỉ niệm hạnh phúc của mình. Đồng thời nó cũng bộc lộ tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du: cảm thông trước nỗi khổ đau, giằng xé của con người cũng như khát vọng hạnh phúc và tình yêu của họ.
——————-HẾT——————–
Trao duyên là một trong những trích đoạn thể hiện rõ nhất tài năng của Nguyễn Du trong việc miêu tả, khắc họa tâm lí nhân vật, cùng với Phân tích đoạn trao kỷ vật trong trích đoạn Trao Duyên, các em có thể tìm hiểu chung về đặc sắc nội dung và nghệ thuật của bài thơ qua bài Phân tích đoạn trích Trao duyên hay tìm hiểu về những diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều khi trao duyên qua bài Phân tích diễn biến tâm trạng Thúy Kiều trong Trao duyên, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp