Phân tích đoạn trích Tức nước vỡ bờ

0
119
Rate this post

Đề bài: Em hãy phân tích đoạn trích Tức nước vỡ bờ của nhà văn Ngô Tất Tố.

phan tich doan trich tuc nuoc vo bo

Phân tích đoạn trích Tức nước vỡ bờ
 

Bạn đang xem: Phân tích đoạn trích Tức nước vỡ bờ

I. Dàn ý Phân tích đoạn trích Tức nước vỡ bờ (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả Ngô Tất Tố.
– Giới thiệu tác phẩm Tắt đèn và đoạn trích Tức nước vỡ bờ.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh câu chuyện

– Nhà chị Dậu vốn dĩ cũng không đến nỗi đói kém, nhưng kể từ khi những đứa con ra đời, nhà thêm miệng ăn, nên ngày càng túng quẫn.
– Đến năm nay thì không thể chạy nổi suất sưu nên anh Dậu bị áp giải lên đình và bị đánh đập, bỏ đói.
– Chị Dậu đành phải bán con, bán chó, bán khoai để đóng thuế cho chồng, nhưng vẫn còn thiếu một suất sưu của em trai anh Dậu, người đã chết từ năm ngoái. Anh Dậu không được thả về, còn chị Dậu thì lâm vào tuyệt vọng, bế tắc.
– Anh Dậu bị sốt rét tưởng chết bị người ta khiêng trả về, may mắn anh hồi tỉnh, thế nhưng lần nữa người nhà lí trưởng lại đến thúc sưu, đòi bắt anh Dậu mang đi.

b. Tình thế của chị Dậu:

– Một mình chị Dậu phải đối mặt với đám cai lệ và người nhà lí trưởng, sau lưng chị là người chồng ốm yếu và hai đứa con thơ dại.
– Trong khi đó, đám quan quyền đại diện cho nhà nước và pháp luật phong kiến cậy đông thế mạnh, chèn ép ức hiếp:
+ Chúng tiến vào sầm sập với “roi song, tay thước và dây thừng”, hành động gõ đầu roi xuống đất, rồi thét của cai lệ khiến người ta không khỏi khiếp sợ và chán ghét.
+ Thấy anh Dậu sợ quá, bát cháo chưa kịp húp đã ngã lăn đùng ra bất tỉnh thậm chí tên cai lệ còn cười mỉa, khinh thường “Anh ta lại sắp phải gió như đêm qua đấy!”, coi thường sự sống chết của anh Dậu.

– Cai lệ ở đây là người đối thoại trực tiếp với chị Dậu, đồng thời cũng chính là kẻ đại diện cho cả một chế độ phong kiến bất nhân, thất đức quyết dồn con người ta vào đường cùng, cốt chỉ để lấy vài suất sưu:
+ Lời lẽ nào cũng cay nghiệt, ý tứ dọa nạt, hắn chỉ để cho chị Dậu hai sự lựa chọn một là đóng tiền sưu hai là chấp nhận để hắn đưa chồng chị đi.
+ Khi vừa đánh hơi được thấy anh Dậu còn sống, liền chạy tới luôn, không bỏ lỡ một phút giây nào.
+ Bỏ ngoài tai mọi lời van xin, giải thích trình bày, cũng không thèm xét đến cái cảnh khốn cùng của chị mà trái lại khi nghe những lời ấy chúng lại càng hết lòng nhiếc móc, mắng chửi, thậm chí là ra tay đánh người.

c. Chị Dậu đối phó với cai lệ và lũ người nhà lí trưởng để bảo vệ chồng:

* Giai đoạn 1: Van xin, năn nỉ, nhún nhường:
– Ý thức được thân phận cùng đinh mạt hạng.
– Mềm mỏng, lấy cái giọng sợ hãi, e dè, nhún nhường, nhẫn nhục, mộc mạc, biết thân biết phận để van xin một cách rất lễ phép rất nhỏ nhẹ xưng cai lệ là “ông”, lại tự xưng mình là “con”.
– Lời nói lúc thì “run run”, lúc “thiết tha”, thấy cai lệ sấn lại trói chồng thì “xám mặt” vội chạy đến đỡ tay hắn.

* Giai đoạn 2: Nói lý.
– Với bản tính tàn ác từ bao đời nay, lý gì mà cai lệ lại dễ dàng tha cho nhà chị Dậu, hắn thẳng tay đấm cho chị mấy quả vào ngực không hề thương tiếc.
– Trước nỗi lo sợ chồng mình bị bắt đi và sự phẫn nộ của một người đàn bà phải bán cả con, cả chó, cả rổ khoai trong nhà mà vẫn khốn khổ với thuế sưu, chị Dậu “hình như tức quá không thể chịu đựng được”, chị “liều mạng cự lại”.
– Chuyển sang nói lý với cai lệ, “Chồng tôi đau ốm không được phép hành hạ”. => Nói một lý lẽ rất hiển nhiên của xã hội chứ chưa hề đụng tới pháp luật.
– Thay đổi cách xưng hô của mình từ “ông-con”, sang “tôi-ông”, => Thay đổi về vị thế trong giao tiếp, chị Dậu đã dần dần bước lên đứng ở vị trí ngang hàng với tên cai lệ, với kẻ thù của mình, sẵn sàng đương đầu và chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn.

* Giai đoạn 3: Phản kháng dùng bạo lực để bảo vệ chồng:
– Nhận thấy sự hỗn hào, xấc láo của chị Dậu tên cai lệ đã thẳng tay tát đánh bốp vào mặt chị rồi lại sấn tới trói anh Dậu mang đi.
– Chị Dậu hiểu ra rằng sự van xin tội nghiệp hay lý lẽ chính đáng cũng chẳng thể lay chuyển được cái hành động bắt người độc ác của tên cai lệ, lửa giận bốc lên ngùn ngụt, chị vùng dậy “nghiến hai hàm răng: mày trói ngay chồng bà đi bà cho mày xem!”.
– Sự thách thức đến khinh bỉ trong sự xưng hô “bà-mày”.
– “chị lao vào túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa”, khiến tên cai lệ ngã “chỏng quèo” trên mặt đất, anh chàng hầu cận ông lý bị chị túm được tóc”lẳng cho một cái ngã nhào ra thềm”.
=> Chị lại toàn thắng. Bọn phong kiến tay sai, ham mê bắt bớ lúc đầu có vẻ hùng hổ, khủng khiếp ra sao, thì đến đây lại trông thật thảm hại, nhếch nhác và có phần hài hước.
– Trận chiến chỉ kết thúc anh Dậu can vợ “U nó không được thế! Người ta đánh mình không sao, chứ mình đánh người ta là phải tù phải tội”. => Lời nhắc nhở về cái lý, cái trật tự phổ biến và bất công trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ, thứ mà người nông dân không thể chống cự lại được. Thế nhưng bản thân chị Dậu lại không chấp nhận cái trật tự, cái lý ấy, chị muốn phản kháng, chị căm tức “Thà ngồi tù. Chứ không để chúng nó làm tình làm tội mãi được”.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận.

II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Tức nước vỡ bờ (Chuẩn)

Ngô Tất Tố (1893-1954), là một trong những nhà văn xuất sắc nhất trong trào lưu văn học hiện thực trước Cách mạng, ông hoạt động và chăm chỉ viết trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ khảo cứu triết học cổ văn học Trung Hoa và văn học cổ đại Việt Nam, đến viết báo, viết tiểu thuyết, truyện ngắn, dịch thuật,… Mỗi một mảng ông đều có những thành công nhất định, trong đó ở các sáng tác văn học, Ngô Tất Tố thường tập trung viết về đề tài nông thôn Việt Nam trước cách mạng và đặc biệt thành công với đề tài này. Trong đó tiểu thuyết Tắt đèn là tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp văn chương của Ngô Tất Tố, đương thời được Vũ Trọng Phụng khen tặng là “một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội…hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác tòng lai chưa từng thấy”. Tác phẩm đã phơi bày, phản ánh xã hội nông thôn đương thời một cách tập trung, điển hình nhất, khi mà nạn thuế sưu vốn là cái “di tích” sót lại từ thời trung cổ đã cạn ép đến cùng kiệt những người dân quê khốn khổ, cũng đồng thời trở thành cái dịp để bè lũ phong kiến tay sai “được” thể hiện hết chức trách làm lộ ra cái bộ mặt tàn ác, bất nhân, sự tham lam, bóc lột tàn bạo của chúng. Trích đoạn Tức nước vỡ bờ, là một trích đoạn nhỏ nằm trong tiểu thuyết Tắt đèn, kể lại cảnh chị Dậu một người phụ nữ khốn khổ vì phải chạy chọt 2 suất sưu cho chồng và em chồng, phản kháng đánh lại cả cai lệ và mấy tên lính ép thuế, vì chúng định áp giải người chồng sống dở chết dở của mình đi, khi anh vừa mới thoát khỏi cửa tử trước đó không lâu.

Chị Dậu tên thật vốn là Đào, vì lấy anh Dậu nên người ta vẫn gọi chị bằng cái tên của chồng. Ngày mới cưới nhau, anh chị chăm lo làm ăn nên gia đình cũng khấm khá, nhưng kể từ khi những đứa con lần lượt ra đời, cái Tí, rồi thằng Dần, bây giờ là đứa con mọn còn chưa dứt sữa, thế nên chị Dậu cứ phải ở nhà chăm con luôn luôn mà chẳng thể dứt ra được, tiền anh Dậu mang về cũng dần không đủ chi tiêu khi mấy đứa trẻ ngày một lớn. Vụ thuế năm nay đã tới hạn, mặc dầu còn tới 5 ngày nữa mới tới hạn nộp, nhưng đám quan sai cứ thúc ép từng hồi, kẻ nào không nộp thuế thì bị điệu ra đình làng, chịu sự tra tấn đánh đập dã man. Anh Dậu chạy vạy khắp nơi để cốt vay lấy được 2 đồng 7 tiền đóng suất thuế, nhưng khốn nỗi cảnh nghèo từ ông cậu giàu nứt đố đổ vách, đến người lạ cũng chẳng ai muốn cho anh vay, bởi họ sợ anh quỵt không trả, hoặc họ ác. Anh bị dẫn lên đình chịu tội, trước khi đi còn dặn chị Dậu qua nhà cụ Nghị Quế. Thấy chồng bị bắt đi, chị Dậu đành bỏ lại 3 đứa con ở nhà rồi chạy đi tìm cách, cuối cùng chị phải chấp nhận bán đứa con gái đầu mới lên bảy tuổi lấy một đồng bạc, lại bán thêm con chó mẹ với đàn bốn con con thêm hơn một đồng nữa, cùng với gánh khoai, góp lại vừa đủ suất sưu cho chồng. Lòng người đàn bà khốn khổ lúc ấy có gì đau đớn hơn nữa, nhưng người ta vẫn chẳng tha cho chị, những tưởng đóng xong suất sưu của chồng là hết, ngờ đâu họ còn bắt đóng cả suất sưu của người em chồng đã chết từ giữa năm ngoái, với cái lý là sổ sách thống kê từ hồi đầu năm ngoái nên không đổi được, không đóng thì anh Dậu vẫn phải ở đó. Đúng là cùng đường, tuyệt lộ, đang chưa biết xoay sở sao với suất sưu còn lại, cộng với hai đứa con một đứa khóc đòi chị, một đứa phải ẵm bồng, thì trong đêm tối người ta đem trả lại cho chị một người đàn ông gần hấp hối vì lên cơn sốt rét. Khốn khổ! May sao nhờ sự giúp đỡ của láng giềng, anh Dậu cũng hồi tỉnh, lại được bà cụ hàng xóm giúp đỡ ít gạo nấu cháo, chị Dậu cũng được một lúc đỡ lo lắng. Ấy thế xưa nay người ta vẫn bảo trời đánh tránh miếng ăn, thế mà khi bát cháo trắng vừa nguội, anh Dậu vừa định uống lấy một miếng bù cho cả ngày nhịn đói hôm qua, thì đám cai lệ đòi thuế lại ầm ầm kéo đến. Chúng mặc kệ sự văn xin nài nỉ của chị Dậu, nhất định phải giải được người đi. Nhưng với cái mạng “ốm đau rề rề” của anh Dậu lúc này mà đi thì chắc gì còn sống được đến mai, nỗi thương chồng, nỗi căm phẫn vì sự độc ác của đám lính lệ, nỗi lo lắng về suất sưu còn thuế cứ đè nặng trong tâm trí của người đàn bà tội nghiệp. Tất cả những gì chị có thể nghĩ là làm sao để cứu được chồng thoát khỏi trận bắt bớ ngày hôm nay cái đã, nhưng điều ấy dường như thật khó khăn đối với chị.

Trong khi đó, đám quan quyền đại diện cho nhà nước và pháp luật phong kiến, quả thực nhìn trông chẳng khác nào đám lưu manh đi đòi nợ thuê, chúng tiến vào sầm sập với “roi song, tay thước và dây thừng”, hành động gõ đầu roi xuống đất, rồi thét của cai lệ khiến người ta không khỏi khiếp sợ và chán ghét. Nhưng đối với đám tay chân nhân danh “phép nước” này đó là một hành động thật thích thú, là đam mê, chúng thích nhìn cái cảnh đám nông dân cùng khổ sợ run nhìn hắn bằng ánh mắt kinh hoảng, mặt mày tái mét, năn nỉ văn xin chúng. Chứ chúng nào có biết cái gọi là nhân từ hay nhân văn gì cho cam. Thấy anh Dậu sợ quá, bát cháo chưa kịp húp đã ngã lăn đùng ra bất tỉnh thậm chí tên cai lệ còn cười mỉa, khinh thường “Anh ta lại sắp phải gió như đêm qua đấy!”, rõ ràng là coi thường sự sống chết của anh Dậu. Cai lệ ở đây là người đối thoại trực tiếp với chị Dậu, đồng thời cũng chính là kẻ đại diện cho cả một chế độ phong kiến bất nhân, thất đức quyết dồn con người ta vào đường cùng, cốt chỉ để lấy vài suất sưu. Từ trong miệng hắn thốt ra lời lẽ nào cũng cay nghiệt, ý tứ dọa nạt, hắn chỉ để cho chị Dậu hai sự lựa chọn một là đóng tiền sưu hai là chấp nhận để hắn đưa chồng chị đi. Nhưng khốn nỗi, cả hai thứ việc ấy chị Dậu đều không có khả năng làm được ngay bây giờ. Có phải cai lệ và đám người nhà lí trưởng không biết tình trạng của anh Dậu đâu, rõ ràng hôm qua mới trả người ta từ đình về vì tưởng lỡ đánh chết người, thế mà hôm nay khi vừa đánh hơi được thấy anh Dậu còn sống, liền chạy tới luôn, không bỏ lỡ một phút giây nào. Những việc ích nước lợi dân khác mà cũng hăng hái như thế thì lại hay, đằng này chúng lại cứ thích cái việc dồn ép những người hạng cùng đinh như những con mồi tội nghiệp rồi ra sức mà tra khảo, định đoạt. Đó chính là bản chất tàn ác, bất nhân của bộ máy chính quyền phong kiến tay sai lúc bấy giờ. Chúng bỏ ngoài tai mọi lời van xin, giải thích trình bày, cũng không thèm xét đến cái cảnh khốn cùng của chị mà trái lại khi nghe những lời ấy chúng lại càng hết lòng nhiếc móc, mắng chửi, thậm chí là ra tay đánh người, nhưng có phải chúng chỉ đánh đàn ông đâu, đến phận nữ yếu đuối con mọn như chị Dậu chúng nó cũng chẳng thèm soi xét, những quả đấm liên tiếp rơi vào ngực chị Dậu, cả một cát tát bôm bốp vào giữa mặt người phụ nữ tội nghiệp khi cố van xin, nài nỉ.

Trước cảnh hung hãn, kinh khủng ấy của bọn lính lệ, chị Dậu chỉ còn nghĩ được một điều duy nhất là làm sao để cứu thoát chồng khỏi buổi bắt bớ ngày hôm nay. Ban đầu chị Dậu còn nghĩ đến bọn cai lệ chính là nhân danh nhà nước, đang làm việc nước, việc bị áp giải lên đình nếu thiếu sưu thuế vốn dĩ nó đã là việc từ bao lâu nay vẫn xảy ra, còn phận chồng mình lại là dạng cùng đinh mạt hạng, thì làm gì có lý lẽ nào để chối cãi. Thế nên chị đã cố mềm mỏng, lấy cái giọng sợ hãi, e dè, nhún nhường muôn đời nay của người nông dân, người phụ nữ khi thấy quan sai mà cầu xin, hòng mong cho chúng động lòng thương mà thư thả cho chồng chị. Chị Dậu đã thể hiện cái bản tính nhẫn nhục, mộc mạc, biết thân biết phận để van xin một cách rất lễ phép, rất nhỏ nhẹ xưng cai lệ là “ông”, lại tự xưng mình là “con”, cặn kẽ giải thích căn nguyên khốn khổ nhà mình, lời nói lúc thì “run run”, lúc “thiết tha”, thấy cai lệ sấn lại trói chồng thì “xám mặt” vội chạy đến đỡ tay hắn. Tuy nhiên với bản tính tàn ác từ bao đời nay, lý gì mà cai lệ lại dễ dàng tha cho nhà chị Dậu, hắn thẳng tay đấm cho chị mấy quả vào ngực không hề thương tiếc. Trước nỗi lo sợ chồng mình bị bắt đi và sự phẫn nộ của một người đàn bà phải bán cả con, cả chó, cả rổ khoai trong nhà mà vẫn khốn khổ với thuế sưu, chị Dậu “hình như tức quá không thể chịu đựng được”, chị “liều mạng cự lại”. Trước mắt chị thì giờ đây luật lệ, phép nước nó không còn quan trọng bằng tính mạng của người chồng mới được cứu về từ quỷ môn quan đêm qua nữa, chị phải cứu chồng bằng mọi cách, mọi giá. Từ một người phụ nữ yếu đuối run rẩy, tha thiết van xin, chỉ chuyển sang nói lý với cai lệ, “Chồng tôi đau ốm không được phép hành hạ”. Thực tế chị Dậu chỉ nói một lý lẽ rất hiển nhiên của xã hội chứ chưa hề đụng tới pháp luật, bởi vì chị cũng chẳng biết pháp luật là như thế nào. Đồng thời trong lúc đó, vô tình chị Dậu cũng thay đổi cách xưng hô của mình từ “ông-con”, sang “tôi-ông”, điều đó dẫn tới sự thay đổi về vị thế trong giao tiếp, chị Dậu đã dần dần bước lên đứng ở vị trí ngang hàng với tên cai lệ, với kẻ thù của mình, sẵn sàng đương đầu và chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn. Nhận thấy sự phản kháng của chị Dậu tên cai lệ đã thẳng tay tát đánh bốp vào mặt chị rồi lại sấn tới trói anh Dậu mang đi. Lúc này đây, bản thân chị Dậu hiểu ra rằng sự van xin tội nghiệp hay lý lẽ chính đáng cũng chẳng thể lay chuyển được cái hành động bắt người độc ác của tên cai lệ, lửa giận bốc lên ngùn ngụt, chị vùng dậy “nghiến hai hàm răng: mày trói ngay chồng bà đi bà cho mày xem!”. Đó là sự đột phá không tưởng nổi của chị Dậu, ngay tại lúc này chị đã chẳng còn thiết tha gì nữa, hành động và giọng nói của chị đã bộc lộ hết tất cả tâm tình của chị lúc này, chị quyết không thèm đấu lý với tên cai lệ bất nhân này nữa mà chuyển sang đấu lực, bằng sự thách thức đến khinh bỉ trong sự xưng hô “bà-mày”. Chị nói là hành động, “chị lao vào túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa”, sức khỏe của một người đàn bà lực điền 24 tuổi rõ ràng đã chiếm thế thượng phong so với một tên cai lệ hom hem, hút nhiều sái cũ. Hiệp đầu tiên chị đã chiến thắng, khiến tên cai lệ ngã “chỏng quèo” trên mặt đất. Hiệp thứ hai đám người nhà ông lý trưởng xông vào vung gậy tính đánh chị, nhưng lại bị chị túm được gậy sau một hồi du đẩy, chống cự cuối cùng anh chàng hầu cận ông lý bị chị túm được tóc”lẳng cho một cái ngã nhào ra thềm”. Chị lại toàn thắng. Bọn phong kiến tay sai, ham mê bắt bớ lúc đầu có vẻ hùng hổ, khủng khiếp ra sao, thì đến đây lại trông thật thảm hại, nhếch nhác và có phần hài hước. Trận chiến chỉ kết thúc khi cái giọng thều thào yếu ớt của anh Dậu thốt ra can vợ “U nó không được thế! Người ta đánh mình không sao, chứ mình đánh người ta là phải tù phải tội”. Câu nói ấy không chỉ là lời can mà còn là lời nhắc nhở về cái lý, cái trật tự phổ biến và bất công trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ, thứ mà người nông dân không thể chống cự lại được. Thế nhưng bản thân chị Dậu lại không chấp nhận cái trật tự, cái lý ấy, chị muốn phản kháng, chị căm tức “Thà ngồi tù. Chứ không để chúng nó làm tình làm tội mãi được”.

Dù rằng sau trận “tức nước vỡ bờ” này, chị Dậu sẽ còn phải hứng chịu nhiều tai kiếp phía sau nữa, thế nhưng sự phản kháng của này đã thể hiện rất rõ những vẻ đẹp và sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người chị Dậu. Đó là tấm lòng yêu thương chồng thiết tha sâu nặng, biết nhẫn nhục, chịu đựng, hy sinh vì gia đình, thế nhưng bản thân chị cũng không hoàn toàn là người yếu đuối, để mặc người ta chà đạp, chị vẫn có một sức sống mạnh mẽ một tinh thần phản kháng tiềm tàng, sẵn sàng bùng nổ khi thực sự quá sức chịu đựng để bảo vệ chồng con. Bên cạnh đó đoạn trích phản ánh sự tàn ác, bất nhân và cái trật tự xã hội phổ biến đầy bất công trong xã hội phong kiến đã dồn ép người nông dân vào cùng đường tuyệt lộ.

—————–HẾT—————–

Tức nước vỡ bờ là truyện ngắn xuất sắc của Ngô Tất Tố, để hiểu về số phận bất hạnh, nỗi khổ của người nông dân, đồng thời thấy được bản chất tàn bạo, vô nhân tính của giai cấp thống trị trong xã hội xưa, bên cạnh bài Phân tích đoạn trích Tức nước vỡ bờ, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ, Bộ mặt tàn ác, bất nhân của lũ tôi tớ, tay sai thực dân phong kiến trong Tức nước vỡ bờ, Phân tích nhân vật cai lệ trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ, Phân tích nghệ thuật đoạn trích Tức nước vỡ bờ trong tác phẩm Tắt đèn.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-doan-trich-tuc-nuoc-vo-bo/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp