Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

0
126
Rate this post

Đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

phan tich gia tri nhan dao cua doan trich tinh canh le loi cua nguoi chinh phu

Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Bạn đang xem: Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

I. Dàn ý Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Chuẩn)

1. Mở bài:

Giới thiệu về tác phẩm Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.

2. Thân bài:

a. Khái quát:
– Đoạn trích thuộc tác phẩm Chinh phụ ngâm
– Đoạn trích là tâm trạng cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ và khao khát hạnh phúc của nàng.

b. Giá trị nhân đạo của đoạn trích

– Giá trị nhân đạo là giá trị truyền thống của dân tộc ta thể hiện qua: cảm thông, thương xót số phận, đồng tình với ước mơ, khát khao và tố cáo chiến tranh, xã hội phong kiến.

– Cảm thông và xót thương trước số phận của người chinh phụ:
+ Thể hiện thông qua việc miêu tả lại tình cảnh cô đơn, lẻ loi của người phụ nữ.
+ Nỗi trăn trở của người vợ có chồng đi chiến trận “Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước/ Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen”
+ Nỗi bồn chồn, lo lắng của người vợ thể hiện qua các hành động lặp lại: đứng, ngồi, đi.
+ Nỗi bi ai, đau khổ trào dâng trong lòng: “Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi” mà chẳng thể thổ lộ cùng ai.
+ Người chinh phụ làm gì cũng gắng “gượng” trong nước mắt “lệ châu chan”: “gượng” soi gương, “gượng” đàn, “gượng” đốt hương.

– Trân trọng với ước mơ, khát vọng tình yêu, hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ:
+ Thông qua việc miêu tả tâm trạng cô đơn, nỗi nhớ chồng của người chinh phụ thể hiện khát khao tình yêu, hạnh phúc của người phụ nữ.

– Tố cáo chiến tranh phi nghĩa:
+ Không lên tiếng chỉ trích thẳng thắn nhưng thông qua tình cảnh của người chinh phụ lên án xã hội phong kiến với chiến tranh phi nghĩa gây ra chia cắt, đau khổ cho con người, đặc biệt là người phụ nữ.

3. Kết bài:

– Khẳng định lại ý nghĩa của giá trị nhân đạo.

II. Bài văn mẫu Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Chuẩn)

Thân phận những người phụ nữ trong xã hội xưa rất nhỏ bé. Họ bị coi thường, bị khinh rẻ và hầu như không bao giờ xuất hiện trong những áng văn thơ. Nhưng đến thế kỉ thứ XVIII, hình ảnh người phụ nữ xuất hiện liên tục trong các bài thơ của Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan với cảm hứng nhân đạo sâu sắc. Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn là một trong những tác phẩm hay nhất viết về người phụ nữ. Trong đó, đặc sắc nhất phải kể đến đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ. Đoạn trích không chỉ thành công tái hiện nỗi cô đơn, sầu muộn và khát khao hạnh phúc của người chinh phụ mà qua đó còn thể hiện được giá trị nhân đạo sâu sắc.

Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ được trích trong tác phẩm Chinh phụ ngâm. Tác phẩm ra đời khi mà hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ xuất hiện quanh kinh thành Thăng Long và Đặng Trần Côn đã “cảm thời thế mà làm ra” tác phẩm xuất sắc này. Đoạn trích là tâm trạng của người chinh phụ khi một mình mòn mỏi đợi chờ người chồng của mình nơi chiến trận. Không chỉ vậy nó còn chứa đựng cả khao khát hạnh phúc của người phụ nữ và hơn cả là tấm lòng nhân đạo của nhà thơ.

Tinh thần nhân đạo là một giá trị truyền thống của dân tộc ta. Nó được thể hiện thông qua sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với những con người có số phận bất hạnh mà còn là sự đồng tình, ngợi ca những khát khao, mong ước của họ về tình yêu, hạnh phúc, đồng thời nó còn là tiếng nói tố cáo tội ác của chiến tranh phi nghĩa. Trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, ta có thể thấy rõ được sự đồng cảm, thương xót của nhà thơ đối với người chinh phụ. Bởi thế nên ông mới có thể thấu hiểu được từng cảm xúc, rung động nhỏ bé cũng như nỗi cô đơn vô cùng của người phụ nữ khi phải xa chồng:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?”

Những dòng thơ đầu tiên là nỗi trăn trở của người vợ khi có chồng chiến trận nơi xa. Nàng trằn trọc khôn cùng, không sao ngủ được. Cuộc chiến đã khiến người chồng của nàng phải đi xa, còn nàng thì phải âm thầm mòn mỏi chịu đựng trong mong nhớ. Bao nhiêu bước chân của nàng dạo quanh “hiên vắng” là bao lần nàng bồn chồn, lo lắng khi không nhận chút tin tức nào của chồng. Nàng bồn chồn tới mức lặp đi lặp lại những hành động đứng rồi ngồi, ra ngoài rồi lại bước vào trong. Những hành động ấy vô nghĩa đó thể hiện chính xác những cảm xúc trong lòng của nàng: mong ngóng, bồn chồn, lắng lo. Nàng ngóng trông tin tức của chồng nhưng đáp lại chỉ là vô vọng. Chỉ có mình cùng ngọn đèn khuya leo lắt giữa đêm khiến cho người chinh phụ ấy càng thêm cô quạnh. Lời thơ như tiếng ngậm ngùi, thở than của người phụ nữ với niềm chua xót, bi ai trào dâng trong lòng:

“Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi”.

Nỗi đau xót, nhớ thương, bi ai ấy chẳng ai có thể thấu hiểu được hơn nàng. Giờ đây, ngồi trong đêm khuya thanh vắng nghe tiếng gà gáy sáng, nhìn bóng “hoè phất phơ rủ bóng” càng khiến cho tâm trạng của nàng cô đơn hơn bao giờ hết. Vẻ vắng lặng, tĩnh mịch của đêm tối như càng tô đậm hơn nỗi cô độc của nàng:

“Gà eo óc gáy sương năm trống
Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”

Trong hoàn cảnh ấy, người chinh phụ càng thấm thía hơn nỗi sầu thương trong lòng mình. Mỗi giờ, mỗi phút lại tưởng chừng như cả tháng năm “đằng đẵng” đang trôi qua. Từ láy “đằng đẵng” được đặt trong câu thơ này khiến cho ta có thể cảm nhận được sự chờ đợi mòn mỏi của người chinh phụ. Sự chờ đợi ấy đã “dằng dặc”, sâu rộng như “miền biển xa” rồi. Vậy mà người chồng của nàng vẫn chưa chinh chiến trở về!

Nỗi buồn thương, lo lắng trong lòng khiến người phụ nữ không thể tập trung làm bất cứ việc gì. Bởi mỗi việc nàng làm đều chứa đựng hình bóng của người chồng yêu dấu. Đốt hương, soi gương hay gảy đàn, nàng đều làm trong gắng “gượng”, trong nước mắt. Nàng sợ rằng khi mình gảy đàn kia, soi gương ấy sẽ có một dự cảm không lành ập tới. Vậy nên tâm hồn nàng cứ mơ màng trong nước mắt, miên man trong nỗi nhớ thương:

“Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng”.

Giờ đây, ngồi trong phòng vắng, chẳng thể trò chuyện, nhắn gửi cho người thương, nàng chỉ có thể gửi vào gió những nhớ thương của mình:

“Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.”

Nỗi nhớ chồng của nàng da diết, mênh mông, “thăm thẳm như đường lên bằng trời”. Có thể nói đây là một câu thơ đặc sắc nhất trong đoạn trích này, bởi nó đã thể hiện được hết tấm lòng nhớ thương của người chinh phụ. Một câu thơ nhưng lại khiến cho người đọc có thể hiểu thấu được cả tấm lòng của một người phụ nữ đang mong chờ người chồng của mình. Thế nhưng, trời xanh có thấu được nỗi lòng của nàng chăng? Nỗi nhớ thương, mong ngóng chồng lớn lao của nàng cứ “đau đáu” mãi trong tim.

Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ không chỉ được viết lên bởi tài năng của Đặng Trần Côn mà còn được viết lên bởi sự cảm thông sâu sắc cũng như sự xót thương vô cùng của ông dành cho những người chinh phụ. Nỗi lòng của người chinh phụ trong tác phẩm cũng là nỗi lòng của hàng ngàn người phụ nữ khác có chồng phải ra ngoài mặt trận. Họ phải sống trong sự cô đơn, lẻ loi, sống trong nỗi nhớ thương, lo lắng cho người chồng của mình.

Thế nhưng, tinh thần nhân đạo của đoạn trích không chỉ thể hiện ở sự đồng cảm, xót thương số phận người chinh phụ mà còn ở sự đồng tình, trân trọng và ngợi ca những khát khao về tình yêu, hạnh phúc của người phụ nữ nữa.

Bởi vậy nên ông mới viết về nỗi cô đơn, buồn tủi, lẻ loi đến cùng cực của người chinh phụ:

“Cảnh buồn người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phùn.”

Hay nỗi nhớ thương chồng ở nơi xa:

“Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.”

Nỗi cô đơn, sự nhớ thương khôn nguôi là biểu hiện của niềm khát khao tình yêu, hạnh phúc lứa đôi và nỗi cô đơn của người chinh phụ còn là khát khao được chở che, được yêu thương trong vòng tay của người chồng. Mưu cầu được sống, được yêu thương, được hạnh phúc là một mưu cầu tự nhiên, ai chẳng khao khát có được những điều đó. Và đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, điều đó trở nên quý giá vô cùng. Vậy nên, tác giả mới đồng tình, trân trọng niềm khát khao ấy của họ.

Cuối cùng là lời tố cáo chiến tranh phi nghĩa cũng là một trong những giá trị nhân đạo mà Đặng Trần Côn muốn thể hiện. Dù không thẳng thắn chỉ trích chiến tranh hay xã hội đương thời nhưng qua việc cảm thông với số phận của nhân vật trữ tình, tác giả muốn thể hiện thái độ oán ghét chiến tranh. Bởi chính những cuộc chiến này là nguyên do dẫn tới sự xa lìa của vợ chồng người chinh phụ, chia cắt tình yêu, hạnh phúc lứa đôi.

Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ đã cho chúng ta thấy rõ tinh thần nhân đạo mà Đặng Trần Côn muốn thể hiện: cảm thông, xót thương cho số phận người phụ nữ, đồng tình với khát khao của họ cũng như tố cáo chiến tranh phi nghĩa. Đây cũng đoạn trích tiêu biểu cho giá trị nhân đạo dành cho người phụ nữ trong văn học trung đại, cũng như đánh dấu bước chuyển mình trưởng thành của văn chương thế kỉ XVIII trong dòng văn học Việt Nam.

—————-HẾT——————

Có thể nói Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ được trích từ Chinh phụ ngâm là một đoạn trích chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc. Hơn thế, đoạn trích còn thể hiện được tâm trạng của người chinh phụ khi có chồng đi chinh chiến. Cùng tham khảo các bài viết: Phân tích diễn biến tâm trạng người chinh phụ trong Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Thuyết minh về Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Phân tích 8 câu đầu bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Cảm nhận đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ để thêm hiểu về đoạn trích đặc sắc này nhé!

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-gia-tri-nhan-dao-cua-doan-trich-tinh-canh-le-loi-cua-nguoi-chinh-phu/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp