Đề bài: Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa
Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những sáng tác độc đáo thể hiện quan điểm triết lí nhân sinh của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Thông qua việc xây dựng thành công hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng, tác giả đã nêu bật mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Bài văn Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa dưới đây sẽ giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu.
Bạn đang xem: Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa
Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa
I. Dàn ý Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng.
2. Thân bài
a. Phân tích phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng
– Hoàn cảnh: Theo yêu cầu chụp một bức ảnh về thuyền và biển để hoàn thành bộ lịch cho năm sau, Phùng đã trở lại chiến trường cũ miền Trung để tìm kiếm một tấm ảnh nghệ thuật đắt giá.
– Phát hiện đầu tiên: một bức tranh đẹp từ cuộc sống tựa “bức họa cổ”
– Với Phùng đó là một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, một khung cảnh “đắt trời cho” mà khi thấy được anh như vỡ òa trong hạnh phúc…(Còn tiếp)
>> Xem Dàn ý Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa chi tiết tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa
1. Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, mẫu 1 (Chuẩn)
Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà. Xuyên suốt quá trình sáng tác của mình, ông đã cho thấy một ngòi bút tài năng với quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ. Bằng lối văn nhẹ nhàng mà sâu sắc, ông đã gửi gắm vào các hình tượng nhân vật của mình những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống, cuộc đời. Tác phẩm thành công và tiêu biểu nhất cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu phải kể đến Chiếc thuyền ngoài xa, một truyện ngắn được sáng tác vào năm 1983, viết về số phận con người giữa cuộc sống những ngày sau cách mạng. Trong tác phẩm, hai phát hiện độc đáo của nghệ sĩ Phùng được xem là chi tiết tiêu biểu để tác giả gửi gắm tư tưởng mình một cách sâu sắc và đầy đủ nhất.
Phùng là một người lính trở về từ cuộc chiến “vào sinh ra tử” của đất nước. Sau cách mạng, anh làm nghề nhiếp ảnh. Nhiệm vụ của Phùng được trưởng phòng giao phó là tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật về thuyền và biển để hoàn thiện đủ cho bộ lịch năm sau. Theo yêu cầu đó, Phùng đã bắt tay vào công việc, trở lại chiến trường cũ miền Trung Trung Bộ, anh bắt đầu hành trình tìm kiếm một tấm ảnh nghệ thuật đắt giá. Cũng từ đây, Phùng có những phát hiện mới mẻ về nghệ thuật và cuộc đời.
Phát hiện đầu tiên của Phùng là một bức tranh đẹp từ cuộc sống tựa “bức họa cổ thời tàu”. Dưới cặp mặt tinh tế và nhạy cảm của người nghệ sĩ, Phùng đã phát hiện một vẻ đẹp tận thiện, tận mỹ, đó là cảnh biển với “Mái thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu trời sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mũi khum khum, đang hướng mặt vào bờ”. Đó là một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, một khung cảnh “đắt trời cho” mà khi Phùng thấy được như vỡ òa trong hạnh phúc.
Khung cảnh không chỉ tác động đến thị giác mà còn tác động đến lý trí và tâm hồn Phùng. Sợ lỡ mất giây phút diệu kỳ ấy, Phùng đã vội đưa chiếc máy ảnh của mình lên bấm liên hồi để thu lấy tất cả những khoảnh khắc đẹp nhất của bức tranh cuộc sống. Khung cảnh đẹp đẽ được phát hiện sau bấy lâu tìm kiếm đã làm trái tim Phùng thực sự rung động và hạnh phúc. Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa giữa không gian mờ sương của biển cả khiến lòng người nghệ sĩ trở nên trong trẻo, tinh khôi, trong giây phút đó, Phùng cảm nhận được sự trong ngần của chính tâm hồn mình, anh nhận ra rằng “cái đẹp chính là đạo đức”. Có thể thấy qua phát hiện đầu tiên của Phùng, tác giả đã gửi gắm một thông điệp về nghệ thuật sâu sắc: Để làm nên một tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ phải cất công tìm tòi, khám phá, bỏ công sức và quá trình lâu dài, bền bỉ. Tác phẩm nghệ thuật có giá trị phải là một tác phẩm có tác động đến tư tưởng, tình cảm và tâm hồn con người, khiến cho “con người gần người hơn”.
Phát hiện thứ hai của Phùng là phát hiện về một cuộc đời đau thương ẩn sau sự hoàn mỹ, toàn bích của bức tranh nghệ thuật được Phùng khám phá trước đó. Một sự thật nghiệt ngã được phơi bày khi chiếc thuyền từ xa tiến lại gần bờ. Một người đàn bà ấy có ngoại hình cao lớn, thô kệch, khuôn mặt mệt mỏi bước ra từ chiếc thuyền, đi cùng một người đàn ông mái tóc tổ quạ, hai con mắt tràn đầy vẻ giận dữ, độc ác. Họ bước xuống thuyền, đi nhanh vào bãi bờ, người đàn ông nhanh chóng lấy chiếc thắt lưng lo bản quất tới tấp vào người vợ của mình. Hành động hùng hổ, người đàn giáng xuống tấm thân người đàn bà những nhát quất đầy hung bạo. Vừa đánh hắn vừa nghiến răng ken két, con mắt tràn ngập sự giận dữ. Vừa đánh hắn vừa quát: “Mày chết đi. cho ông nhờ, chúng mày chết đi cho ông nhờ”, cứ mỗi nhát danh của hắn là một tiếng rên rỉ đầy đau đớn cất lên. Nhưng kỳ lạ là người đàn bà ấy không hề phản kháng, trách móc hay chạy trốn để thoát khỏi trận đòn roi tàn nhẫn mà lặng lẽ cam chịu.
Đứng trước cảnh tượng đó, Phùng không khỏi ngạc nhiên, bất ngờ, ngỡ ngàng há hốc mồm như không hiểu chuyện gì đang xảy ra trước mắt mình. Với một người từng chiến đấu nơi chiến trận để giành lại độc lập, yên vui cho nhân dân, bắt gặp cảnh bất công khiến Phùng không chịu được, Phùng cũng không thể nào chấp nhận một hiện thực nghiệt ngã, cuộc sống và số phận con người sau chiến tranh lại trớ trêu, khổ cực đến như vậy. Cũng vừa mới đây thôi, bức tranh nghệ thuật đẹp đẽ đã khiến anh nhận ra cái đẹp chính là đạo đức, vậy mà một hiện thực “phi đạo đức” lại vừa xảy đến trước mắt , điều đó khiến Phùng không khỏi chua xót, cay đắng. Với phát hiện thứ hai, tác giả muốn gửi gắm đến người đọc một thông điệp đầy ý nghĩa về nghệ thuật và cuộc sống, giống như nhà văn Nam Cao từng nói “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” nghệ thuật phải bắt nguồn từ cuộc sống và vì cuộc sống.
Hai phát hiện của Phùng đều gắn liền với hình ảnh chiếc thuyền chài vùng biển. Ở khoảng cách xa, trong màn sương sớm, chiếc thuyền hiện lên thật đẹp, đó là vẻ đẹp của nghệ thuật. Khi tiến lại gần, một hiện thực trần trụi được hiện ra, đó là thực tế của cuộc sống. Nghệ thuật không thể che giấu những thô ráp, nghiệt ngã của cuộc sống, nghệ thuật phải bắt nguồn từ cuộc sống, phản ánh cuộc sống. Để có được điều ấy, đòi hỏi người nghệ sĩ phải dành tâm sức tìm kiếm, sáng tạo, phải đặt cả trí tuệ và tâm hồn mình vào mỗi tác phẩm. Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa trở thành chi tiết đầy ý nghĩa trong hai phát hiện độc đáo của Phùng.
Có thể nói, hai phát hiện của Phùng là yếu tố quyết định và làm nên tầng giá trị tư tưởng cho truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Bằng vốn sống phong phú cùng ngòi bút tài hoa của mình, Nguyễn Minh Châu làm nên thành công của tác phẩm.
2. Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, mẫu 2 (Chuẩn)
Người nghệ sĩ là người luôn kiếm tìm cái đẹp, trân trọng và giữ gìn chúng. Thế nhưng, không phải cái đẹp nào cũng “đơn giản và toàn bích” mà đôi khi chứa đựng sau vẻ đẹp “toàn bích” ấy là cả một sự thật đau đớn đến ngỡ ngàng. Và câu chuyện của nhiếp ảnh gia Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu là một câu chuyện như thế. Khi mà người nghệ sĩ Phùng tưởng chừng như đã tìm ra được vẻ đẹp chân lý của cuộc đời mình thì một sự thật không ngờ về cuộc đời và số phận những người lao động nghèo ở làng chài đã khiến anh phải suy nghĩ lại. Đó có lẽ là hai phát hiện lớn nhất của cuộc đời anh.
Câu chuyện bắt đầu khi Phùng được trưởng phòng yêu cầu chụp một bức ảnh nghệ thuật về thuyền và biển cho bộ lịch mới. Vậy là anh được đề nghị đi thực tế để bổ sung và anh đã chọn nơi chiến trường xưa mình đã từng chiến đấu để vừa lấy tư liệu vừa thăm người bạn thân tên Đẩu đang làm chánh án toà án huyện ở đây.
Sau bao ngày “phục kích” trên bãi biển thế nhưng Phùng chưa có bức ảnh nào làm anh ưng ý. Cho đến một hôm khi trời còn mù sương và lác đác mưa, Phùng đã phát hiện ra một con thuyền tuyệt đẹp ở ngoài xa đang dần tiến vào bờ. Đó là phát hiện đầu tiên của Phùng ở chuyến đi này, một phát hiện đã khiến anh “ngẩn” người bởi vẻ đẹp của nó.
Khung cảnh biển rộng lớn, bao trùm bởi ánh ban mai, một chiếc thuyền với những đường nét mờ ảo dần tiến lại. Vẻ đẹp ấy tuyệt mỹ đến nỗi mà Phùng phải thốt lên “có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy”. Con thuyền chầm chậm tiến vào “mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum hướng mặt vào bờ…”.Bức ảnh tuyệt đẹp đến nỗi Phùng đã so sánh nó “như một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ” với một sự trân trọng đầy quý giá.
Cái đẹp của bức tranh ấy được nhìn qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ lại càng đẹp đẽ, lộng lẫy hơn bội phần. Và chính Phùng đã phải xúc động trước vẻ đẹp đó. Anh cảm thấy “bối rối”, cảm thấy như “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Bởi lẽ anh cho rằng, giây phút anh chứng kiến cái đẹp kia chính là giây phút anh tìm được “cái chân lý của sự toàn thiện”, “cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Đúng, đó là bởi vì người nghệ sĩ cả đời chuyên tâm kiếm tìm cái đẹp, cái đẹp khiến tâm hồn họ rung động, khiến họ “bối rối” và bức tranh kia lại “đơn giản và toán bích” quá đỗi, khiến Phùng không thể cưỡng lại được. Anh cảm tưởng như tâm hồn mình đã được cái đẹp đó “thanh lọc”, trở nên trong ngân hơn bao giờ hết.
Ít có người nghệ sĩ nào lại có được những phút giây thăng hoa như thế trong cuộc đời của mình. Và Phùng là số ít người bắt gặp được cái đẹp mà đôi khi cả đời người cũng không thể tìm thấy. Anh đã thực sự hạnh phúc khi bắt gặp được cái đẹp tuyệt mỹ kia, một phần bởi sự may mắn, nhưng cũng là bởi sự tinh tế, nhạy bén của tâm hồn nghệ sĩ trong anh. Phát hiện đó có thể được coi là một quan niệm về cái đẹp trong vũ trụ của Nguyễn Minh Châu, ông cho rằng cái đẹp đều xuất phát từ những sự vật, sự việc bình thường trong đời sống. Ý nghĩa thứ hai của vẻ đẹp ấy đó là thứ con người ta đạt được qua quá trình lao động với lòng kiên nhẫn kiên trì mới có được thành quả nhường ấy!
Thông qua nhân vật Phùng, Nguyễn Minh Châu muốn thể hiện một tấm lòng yêu nghệ thuật, say mê cái đẹp, không chấp nhận thứ nghệ thuật sơ sài, đồng thời ông cũng khẳng định “cái đẹp chính là đạo đức”. Và người nghệ sĩ chân chính, với lòng say mê của mình sẽ có được kết quả như mong muốn.
Cái đẹp không kéo dài, vậy nên Phùng đã “gác máy lên bánh xích của chiếc xe tăng hỏng bấm “liên thanh” một hồi hết một phần tư cuộn phim, thu vào chiếc pra-ti-ca cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh mang lại”. Thế nhưng, anh lại không biết rằng, sau vẻ đẹp đó lại không “đơn giản”. Vẻ đẹp đó chứa đựng một sự thật đau đớn về số phận của những con người lao động nghèo nơi làng chài này. Và đó chính là phát hiện thứ hai của anh trong chuyến đi này, mang lại cho anh một cái nhìn mới về cuộc đời, bài học về trách nhiệm của người nghệ sĩ.
Thời gian xoay vần, bức tranh không còn sự tĩnh lặng nữa, thay vào đó là sự chuyển động. Và cái đẹp mà Phùng vừa tưởng là “đạo đức” kia chợt bị câu quát “Cứ ngồi im đấy. Động đậy tao giết cả mày giờ” phá tan nát. Bức tranh “toàn bích” kia lại bị xé toang bởi hình ảnh của hai con người bước ra từ chiếc thuyền trong mơ ấy. Hai con người mang đầy dáng vẻ “thô kệch, xấu xỉ”, điển hình của những con người vùng biển bước đi chậm rãi tiến vào bờ. Người đàn bà “cao lớn, với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt”, khuôn mặt xám xịt “mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt”,còn người đàn ông với “tấm lưng rộng và cong như một chiếc thuyền. Mái tóc tổ quạ. Lão đi chân chữ bát” và “đôi mắt đầy vẻ độc dữ” dường như muốn đâm thủng tấm lưng của người đàn bà đi trước. So với vẻ đẹp của con thuyền thì cảnh tượng ấy thật “thảm hại” làm sao!
Thế nhưng, đó chẳng phải là điều khủng khiếp nhất mà Phùng thấy sau vẻ đẹp như mơ kia, điều khủng khiếp nhất là khi Phùng phải chứng kiến một cảnh bạo lực tưởng chừng như thời trung cổ. Người đàn ông “rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính nguỵ ngày xưa” rồi thẳng tay “quật tới tấp vào lưng người đàn bà” và rít lên những tiếng oán hận “mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”. Một cảnh tượng khủng khiếp cứ thế diễn ra trước mắt người nghệ sĩ, ngay sau bức tranh đẹp tuyệt vời mà anh vừa định nghĩa bằng “đạo đức”. Thế nhưng, mặc người đàn ông đánh đập, gào thét trong oán hận, người đàn bà vẫn cam chịu đến nhẫn nhục “không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn”.
Lúc đó, Phùng đã kinh ngạc tới mức “đứng há mồm ra nhìn” bởi lẽ khung cảnh tĩnh lặng trên con thuyền của buổi bình minh vẫn còn khiến anh ngây ngất. Và có lẽ, khi chứng kiến cảnh tượng đó, Phùng đã ngỡ ngàng đến mức không kịp trở tay như thế. Và càng ngạc nhiên tột độ hơn, khi cái bóng của thằng bé Phác – con của vợ chồng người đàn bà hàng chài chạy đến bên mẹ “như một viên đạn trên đường lao tới đích nhắm”. Nó đã dùng hết sức lực của mình “giằng lấy chiếc thắt lưng, (…) vung chiếc khoá sắt quật vào khuôn ngực trần” của cha nó.
Chỉ vừa mới choáng ngợp trước cảnh đẹp của thiên nhiên, thì giờ đây là cảm giác không thể tin nổi khi phải chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp nhất trong đời sống. Một người lính như Phùng có gì chưa từng chứng kiến, kể cả cái chết, nhưng những cảnh tượng đau lòng chồng đánh vợ, con đánh cha diễn ra trước mắt khiến anh không thể tin được lại vẫn còn ngay cả khi đất nước đã hoà bình.
Thế nhưng, hiện thực vẫn là hiện thực, chiến tranh đã qua đi, ác liệt đã qua đi nhưng cái đói, cái nghèo thì vẫn còn. Hai vợ chồng người đàn bà hàng chài ấy đã bị cuộc sống mưu sinh bức ép mà dẫn tới cảnh tượng bạo lực khủng khiếp như Phùng đã chứng kiến. Thêm vào đó, việc sinh đẻ nhiều làm cho cái vòng đói nghèo mãi luẩn quẩn, không có lối thoát.
Phát hiện thứ hai của Phùng là cảnh tượng bạo lực gia đình, một cảnh tượng mà những tưởng đã dần dần chấm dứt sau chiến tranh. Từ đó, Nguyễn Minh Châu muốn chỉ ra rằng đằng sau vẻ đẹp tuyệt bích, đôi khi lại là những cảnh tượng đau lòng vô cùng. Người nghệ sĩ phải là người đi sâu, tìm tòi được cái góc khuất phía sau vẻ đẹp đó, chứ không phải hời hợt, nông cạn trong cái đẹp bề ngoài. Cái đẹp và cái xấu xa đôi khi chỉ cách nhau một tấm mành mỏng và người làm nghệ thuật phải biết khai thác cả những vấn đề xấu xa để đi sâu tìm hiểu con người, số phận và tâm hồn của họ.
Hai phát hiện của nhân vật Phùng là hai phát hiện mang tính trái ngược. Thế nhưng chính điều đó lại làm nổi bật lên chủ đề của tác phẩm cũng như dụng ý mà tác giả muốn gửi gắm. Cuộc sống là một bài học mà chúng ta phải lật giở từng trang, hiểu sâu về nó, chứ không phải chỉ ngắm nhìn qua cái vẻ ngoài đẹp tuyệt mỹ. Và người nghệ sĩ là người có trách nhiệm khám phá mọi góc cạnh của cuộc đời, của con người để hiểu thấu họ.
3. Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, mẫu 3 (Chuẩn)
Nói về Nguyễn Minh Châu và những sáng tác của ông Tô Hoài đã có những lời thật đúng đắn rằng “Đọc Nguyễn Minh Châu, người ta thấy cuộc đời và trang sách liền nhau. Chặng đường đời hôm nay cũng như từng đoạn sáng tạo trên trang giấy của tài năng. Những cái tưởng như bình thường lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày dưới con mắt và ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý”. Quả thực đúng vậy, đọc nhiều những tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, đặc biệt là các tác phẩm thời kỳ hậu chiến, từ những năm 80 trở đi, khi nhà văn từ giã đề tài chiến tranh để đi sâu vào vấn đề đạo đức thế sự, và số phận con người trong xã hội thời kỳ đổi mới, ta thấy trong những câu chuyện bình thường, luôn ẩn hiện nhiều tầng triết lý. Đặc biệt là lối kể, lối viết đi sâu vào nội tâm, cũng như những câu chuyện riêng của từng nhân vật, đã mang đến cho người đọc nhiều trải nghiệm ấn tượng. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những tác phẩm xuất sắc và tiêu biểu nhất trong đời sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Thông qua bước chân và hai phát hiện đặc sắc của nhiếp ảnh gia Phùng, tác giả đã mang đến cho người đọc những triết lý nhân sinh sâu sắc về cách nhìn nhận vấn đề trong cuộc sống, mối tương quan giữa cuộc đời và nghệ thuật, đồng thời cũng bộc lộ nhưng niềm trăn trở của ông về số phận của con người trong xã hội những năm tháng sau chiến tranh.
Nhân vật Phùng trong câu chuyện của Nguyễn Minh Châu vốn từng là một người lính tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau khi hòa bình lập lại Phùng đảm nhận vị trí một nhiếp ảnh trong một tòa soạn báo. Để có được một bức ảnh về miền biển in trong cuốn lịch cuối năm mà trưởng phòng giao phó, Phùng đã tìm về một vùng biển miền Trung, nơi đã từng là chiến trường cũ, đồng thời cũng là dịp để anh ghé thăm Đẩu- người đồng đội cũ của mình. Sau suốt nhiều ngày chờ đợi, săn tìm, nhưng Phùng vẫn chưa có cho mình một bức ảnh thật ưng ý, bởi lẽ anh là một người yêu nghệ thuật và luôn có những yêu cầu rất cao về thẩm mỹ, chính vì vậy Phùng không cho phép mình sơ sài, hời hợt. Phùng phải chờ đợi suốt hơn tuần liền mà cuộn phim trong máy vẫn chẳng xê dịch mấy. Nhưng may mắn thay, dường như ông thời biết được tấm lòng của người nghệ sĩ nên đã để anh chứng kiến được một khung cảnh hoàn mỹ, cái mà Phùng ví như cảnh “đắt” trời cho, cả đời người nghệ sĩ khéo cũng chưa thấy được một lần. Đây cũng chính là phát hiện đầu tiên của Phùng trong chuyến đi công tác.
Buổi sớm định mệnh hôm ấy, khi Phùng đang loay hoay núp sau chiếc xe tăng cũ để trú cơn mưa phùn lất phất, thì từ đằng xa bỗng có một con thuyền lưới cá dần dần cập bến trong ánh sương lẫn ban mai mờ mờ tựa như một “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Vẻ đẹp ấy được Nguyễn Minh Châu phác lại bằng những nét vẽ thật giản đơn và cổ điển “Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng mặt vào bờ…”. Người nghệ sĩ với tấm lòng tôn thờ sự hoàn mỹ trong nghệ thuật đã không thể kiềm lòng mà nhận định rằng khung cảnh trước mắt anh quả thực là một vẻ đẹp “đơn giản và toàn bích”. Phùng đứng trước phát hiện bất ngờ này hoàn toàn trở nên bối rối, tựa như một chàng trai khi đối diện với tình đầu, “trái tim như có gì đó bóp thắt vào”, một cảm giác mà trước đây Phùng chưa thấy bao giờ. Tất cả đều bộc lộ niềm sung sướng, hạnh phúc đến tột cùng của người nghệ sĩ khi may mắn bắt gặp được cảnh tượng quý giá nhất trong đời cầm máy.
Hai phát hiện của Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa
Ngay trước phát hiện tuyệt vời về cảnh “đắt” trời cho lúc buổi sương sớm, Phùng đã tưởng như mình vừa khám phá được một định nghĩa mới của cái đẹp rằng “bản thân cái đẹp là đạo đức”, thậm chí đầu óc Phùng lúc này chỉ toàn những xúc cảm tuyệt vời khi tưởng như mình vừa phát hiện ra chân lý của sự toàn thiện, tuyệt mỹ, khám phá ra cái “khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Phải nói rằng trước cảnh đẹp trời ban, trái tim Phùng dường như vừa được khai mở và có một vầng sáng vĩ đại soi chiếu, khiến tâm hồn của người nghệ sĩ trở nên rộng mở và thăng hoa đến tột cùng của xúc cảm. Không chần chừ lâu, Phùng lập tức đưa máy lên bấm “liên thanh” hết ba phần tư cuốn phim mà chẳng cần “xê dịch” gì nữa, dường như anh đã thu vào chiếc máy ảnh của mình tất cả cái “khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập trong tâm hồn mình, do cái đẹp ngoại cảnh mang lại”.
Có thể nói rằng đối với nghệ sĩ Phùng, cũng như đối với tất cả những người yêu nghệ thuật, hết lòng vì cái đẹp, thì việc bắt được một cảnh “đắt” trời cho như vậy là niềm hạnh phúc không gì có thể sánh bằng. Cảnh một chiếc thuyền lưới cá, cũ, nhỏ và đơn sơ, cùng với những ngư dân từ từ cập bến có thể nói là một cảnh tượng khá quen thuộc và bình thường ở miền biển. Tuy nhiên chính những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt, giản đơn ấy, khi kết hợp với nhau, lại trở thành bức tranh mỹ cảnh hiếm có trong đôi mắt đa cảm của người nghệ sĩ. Phát hiện đầu tiên của Phùng trong chuyến công tác dài ngày có nhiều ẩn ý, đầu tiên là quan niệm về cái đẹp trong vũ trụ của Nguyễn Minh Châu hầu như đều xuất phát từ những sự vật, sự việc thực bình thường, mà người nghệ sĩ chân chính phải dùng tấm lòng chân thành, tinh tế và nhạy cảm để phát hiện và ghi nhận.
Thứ hai nữa, phát hiện của Phùng còn là tượng trưng cho những vẻ đẹp duy mỹ, không tỳ vết, là những thứ mà con người hằng theo đuổi ao ước đạt được, tuy nhiên để đạt được nó con người ta đều phải trải qua quá trình lao động miệt mài, lòng kiên nhẫn thì mới nhận được quả ngọt. Không chỉ vậy, bằng ngòi bút tinh anh Nguyễn Minh Châu còn thông qua nhân vật Phùng để thể hiện tấm lòng yêu nghệ thuật sâu sắc của một người nghệ sĩ chân chính, nhất quyết không chịu chấp nhận những thứ nghệ thuật sơ sài, gượng ép, đồng thời cũng bộc lộ quan điểm “bản chất của cái đẹp là đạo đức”, dù rằng trong phát hiện đầu tiên, triết lý này vẫn chưa được khai mở rõ ràng, mà chỉ được nêu ra thông qua nhân vật Phùng, trong lúc anh mải mê bối rối, say mê với cảnh đẹp tuyệt đỉnh trước mắt. Cuối cùng tổng kết lại sau tất cả những ẩn ý về phát hiện đầu tiên của Phùng, Nguyễn Minh Châu muốn chỉ ra rằng đằng sau những cái đẹp vốn có của tự nhiên đó chính là vẻ đẹp tâm hồn của con người. Bởi lẽ nếu không có một tâm hồn nhạy cảm trước cái đẹp, lòng kiên nhẫn, say mê với công việc, bất chấp thời gian, thời tiết có lẽ Phùng đã chẳng thể bắt lấy cái cảnh toàn bích như một bức tranh của danh họa thời cổ, để rồi phải ngây người vì quá đỗi sung sướng trước thành quả mà mình đạt được.
Tuy nhiên tình huống truyện trở nên đặc sắc hơn khi Phùng tiếp tục có phát hiện thứ hai, một phát hiện dường như đã đánh vỡ nát cái mộng tưởng, cũng như niềm sung sướng tự hào khi bản thân phát hiện ra cái đẹp toàn bích và chân lý của cuộc đời người nghệ sĩ. Ngay lúc Phùng thu máy, chuẩn bị đi về để hoàn thành báo cáo, thì chiếc thuyền cũng cập bến, bức tranh dần tan đi cái vẻ tĩnh lặng, yên bình, thay vào đó là sự vận động đến từ những con người trên chiếc thuyền. Cái “đạo đức” mà Phùng hằng tâm niệm bỗng chốc bị câu nói “Cứ ngồi im đấy. Động đậy tao giết cả mày bây giờ” phá nát, một câu hăm dọa ghê gớm, đã xé toang bức tranh hiền hòa người nghệ sĩ vừa kịp thu vào trong máy, trước sự ngỡ ngàng của anh.
Ngay sau đó, Phùng thấy bước xuống từ chiếc thuyền đó một người đàn bà cao lớn, đường nét thô kệch xấu xí, khuôn mặt rỗ và xám xịt vì thức đêm, người đàn ông đi sau, lưng cong, tóc tổ quạ, chân đi chữ bát, khuôn mặt dữ tợn nhìn chòng chọc như muốn đâm thủng tấm lưng rách rưới của người đàn bà. Tất cả cảnh tượng ấy, đều chỉ có thể tóm gọn lại bằng hai chữ “thảm hại”, và chắc chắn khác xa so với những gì Phùng tưởng tượng về hình tượng người dân chài kéo lưới, nhưng thực tế thì luôn sẵn sàng tát vào mặt kẻ mộng mơ là thế. Tuy nhiên điều khủng khiếp hơn còn ở phía sau, khi Phùng tận mắt chứng kiến một cuộc ẩu đả đơn phương, một cuộc bạo lực gia đình ghê gớm, khi gã đàn ông rút chiếc thắt lưng liên tiếp quất vào người đàn bà, vừa đánh vừa rít lên những tiếng oán hận, mà có lẽ chỉ có kẻ thù mới dành cho nhau “Mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết hết đi cho ông nhờ. Còn người đàn bà lại cam chịu, không chống trả, cứ mặc cho người đàn ông chửi rủa đánh đập.
Phùng khi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng ấy đã không thể tin vào mắt mình, bởi lẽ trước đó cái cảnh gia đình yên ấm, sum họp trên chiếc thuyền nhỏ vào buổi bình minh còn khiến anh ngây ngất, say mê chưa dứt, thì những gì diễn ra dường như khiến anh không kịp trở tay. Phùng kinh ngạc đến mức trong mấy phút đầu chỉ biết đứng há hốc mồm ra nhìn, điều đó khiến ta liên tưởng đến cảm giác của Phùng trong phát hiện đầu tiên, Phùng cũng ngỡ ngàng như thế. Có thể nói rằng trong một buổi sáng Phùng đã hai lần ngây ra, não bộ không kịp tiếp thu những gì mà anh nhìn thấy, một lần là vì choáng ngợp trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của tạo hóa, còn một lần khác là cảm giác không thể tin nổi trước khi buộc phải chứng kiến những cảnh tượng xấu xí nhất của cuộc sống. Gia đình vốn là hạt giống là điển hình của một xã hội, nó có tốt đẹp thì đất nước mới có thể đi lên. Một con người có nhiều năm tháng buôn ba trên khắp các chiến trường, chiến đấu vì lý tưởng giải phóng đất nước và con người, thâm tâm Phùng những tưởng sau chiến tranh đất nước yên bình, sẽ chẳng còn những cảnh tượng khủng khiếp và đau lòng, mà chỉ còn những cảnh đẹp của thế gian. Thế nhưng hiện thực đã chứng minh rằng, suy nghĩ của Phùng thực còn quá nông cạn, cuộc sống và số phận của nhiều con người vẫn còn đang chìm trong đau thương, trước đây họ đau khổ vì chia ly vì chiến tranh, mất mát, thì đến hôm nay dù hòa bình đã lập lại nhưng gánh nặng của họ lại là đói nghèo, sự khuyết thiếu văn hóa. Hai vợ chồng người đàn bà làng chài là những điển hình rõ rệt nhất, đói nghèo bức ép khiến họ phải vật lộn mưu sinh, trình độ thấp dẫn tới cảnh tượng bạo lực gia đình và phải đối mặt với sự vỡ kế hoạch, làm gánh nặng trên đôi vai hai vợ chồng càng tăng thêm, điều đó đã trở thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát.
Như vậy trong phát hiện thứ hai của nhân vật Phùng, thông qua cảnh tượng khủng khiếp ấy, Nguyễn Minh Châu đã vén ra bức màn đang che mắt những con người làm nghệ thuật, ông chỉ ra rằng đằng sau những vẻ đẹp tuyệt mỹ, toàn bích nhiều khi lại chính là những cảnh tượng đau thương nhất. Người nông cạn chỉ nhìn thấy cái đẹp, cái hoàn hảo như lòng mình mong ước, nhưng người nghệ sĩ thực sự lại phải là người đào sâu tìm kỹ, phát hiện được cả những góc khuất và đặc biệt là có tấm lòng nhân hậu, quan tâm đến số phận những con người tội nghiệp đang bị che lấp bởi vỏ bọc đẹp đẽ. Nghệ thuật không chỉ là nghệ thuật mà nó còn phải gắn liền với cuộc đời, vẫn biết rằng cái đẹp đều xuất phát từ cuộc đời, nhưng chẳng phải cuộc đời nào cũng đẹp và hoàn toàn đẹp, người ta vẫn nhìn thấy đâu đó những sự sứt sẹo, những cái xấu xa đang hiện diện đầy rẫy và đôi khi chỉ cách cái đẹp toàn mỹ một bức màn thật mỏng, và sẵn sàng đánh vỡ những cái đẹp tưởng như trong ngần, tuyệt diệu nhất. Điều đó chỉ ra một con đường mới cho những người làm nghệ thuật, có lẽ rằng họ phải thay đổi các nhìn nhận về cái đẹp, thay vì đi mãi một lối mòn săn tìm cái đẹp của tạo hóa, của trời ban, phải chăng họ còn nên nhìn vào cuộc đời, vào thực tế để khai thác những hạt ngọc quý trong tâm hồn con người, như cái cách mà Nguyễn Minh Châu đã khai thác vẻ đẹp tâm hồn của người đàn bà làng chài. Nếu ví cái đẹp như lớp màng mỏng che lấp cái xấu, thì ngược lại cái xấu xí lại như lớp vỏ xù xì, thô ráp bao bọc lấy cái đẹp, mà không phải người nghệ sĩ nào cũng đủ sự tinh tế, nhạy cảm và lòng yêu thương để khai thác và cảm nhận được nó.
Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm đặc sắc với cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, lồng ghép nhiều triết lý nhân sinh và quan niệm làm nghệ thuật. Đặc biệt trong tình huống truyện trên bãi biển, hai phát hiện của Phùng với sự đối lập nhau rõ nét đã làm nổi bật chủ đề câu chuyện cũng như dụng ý mà tác giả muốn hướng tới – việc tìm kiếm cái đẹp trong tâm hồn con người, cũng như đi tìm câu hỏi cho mối liên quan giữa nghệ thuật và cuộc sống.
4. Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, mẫu 4 (Chuẩn)
Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, tác giả Nguyễn Minh Châu là một trong những “nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất” (Nguyên Ngọc). Trong những sáng tác của mình, Nguyễn Minh Châu luôn cảm nhận đời sống con người cả ở những sự kiện bề nổi lẫn những khuất lấp trong chiều sâu. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, đặc biệt là qua hai phát hiện tưởng chừng như mâu thuẫn, nghịch lí của người nghệ sĩ Phùng. Đó là phát hiện “một cảnh đắt trời cho” đầy thơ mộng của người nghệ sĩ và phát hiện về cảnh bạo lực gia đình mang tính hiện thực về cuộc đời của một con người giàu yêu thương và luôn trăn trở về cuộc đời và con người.
Trước hết, phát hiện thứ nhất về khung cảnh thiên nhiên thơ mộng đã được khắc họa đầy sinh động dưới đôi mắt tài hoa của người nghệ sĩ say mê cái đẹp. Sau những ngày phục kích, Phùng đã bắt gặp “một cảnh đắt trời cho”. Đó là bức tranh thiên nhiên hoàn mĩ với cảnh chiếc thuyền ngoài xa thấp thoáng, ẩn hiện trong biển sớm mờ sương. Đôi mắt tinh tường của người nghệ sĩ đã phát hiện một cảnh đẹp trời cho – vẻ đẹp mà cả đời bấm máy anh chưa từng bắt gặp. Dường như tác giả đã vận dụng tối đa mọi giác quan cùng phác họa những nét vẽ đậm chất hội họa: “Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu trời sương mù trắng như sữa pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”. Bức tranh có sự xuất hiện của thiên nhiên: “bầu trời mờ sương trắng”, “ánh mặt trời”, vừa có hình ảnh của con người: “Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng…”. Trong khung cảnh có sự hài hòa về thiên nhiên và con người đó, người nghệ sĩ đã cảm nhận được vẻ đẹp của “cái đẹp tuyệt đỉnh”. Tất cả cảnh sắc trời ban đó hiện lên trước mắt anh giống như “bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”, tạo nên “một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”. Khoảnh khắc nắm bắt được vẻ đẹp đó, người nghệ sĩ trở nên “bối rối” và “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Phùng đã có “cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh mang lại”. Người nghệ sĩ dường như đã tìm thấy cái chân – thiện – mĩ của cuộc đời, cảm thấy tâm hồn mình như được thanh lọc, gột rửa trở nên thật trong trẻo, tinh khôi. Qua đó, chúng ta có thể thấy được cảm hứng triết lí về nghệ thuật: Vẻ đẹp của “cái đẹp tuyệt đỉnh” chính là sự giản dị, tự nhiên, đồng thời, “cái đẹp là đạo đức”, có tác dụng “thanh lọc”, khiến con người trở nên cao khiết, thánh thiện, không gợn đục.
Những bài Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa hay nhất
Tuy nhiên, đằng sau phát hiện về bức tranh tuyệt bích đó là một cảnh tượng đầy nghịch lí. Đó chính là phát hiện thứ hai của người nghệ sĩ về cảnh bạo hành diễn ra trong chiếc thuyền bước ra trong làn sương sớm. Từ điểm nhìn trực diện, rõ nét: “chiếc thuyền đâm thẳng vào chỗ trước tôi đứng”, tác giả đã tái hiện những hình ảnh chân thực về con người. Từ chiếc thuyền bước ra một người đàn bà cao lớn, với những đường nét thô kệch, vẻ mặt mệt mỏi, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ, tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới cùng người đàn ông với tấm lưng rộng và cong, mái tóc tổ quạ, đi chân chữ bát, hàng lông mày cháy nắng, hai con mắt đầy vẻ độc dữ. Nhưng những gì diễn ra sau đó mới thực sự khiến Phùng bàng hoàng: người chồng hùng hổ rút chiếc thắt lưng, “chẳng nói chẳng rằng” quật tới tấp vào lưng người đàn bà” với những hành động hung bạo, dã man như một con thú. Tuy nhiên, điều làm Phùng kinh ngạc là sự cam chịu của người vợ, “không hề kêu lên một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy”. Cảnh bạo hành chỉ kết thúc khi anh con trai giằng thắt lưng, phản kháng lại người bố để bảo vệ mẹ. Đứng trước cảnh tượng đầy nghịch lí đó, người nghệ sĩ nhiếp ảnh như “chết lặng”, không tin những gì đang diễn ra trước mắt: “kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há hốc mồm ra mà nhìn”. Sau đó, dường như không thể chịu đựng thêm được nữa và không thể làm ngơ trước cảnh bạo hình, Phùng đã “vứt chiếc máy ảnh xuống đất, chạy nhào tới”. Phùng không thể ngờ được đằng sau phát hiện về một cảnh đắt giá trời cho lại là cái xấu, cái ác không thể tin nổi. Đó là hiện thực đầy gai góc, gồ ghề, ngang trái và đối lập hoàn toàn với vẻ đẹp tuyệt bích, bình yên của tác phẩm nhiếp ảnh.
Tác giả Nguyễn Minh Châu đã đặt ra hai phát hiện về nghệ thuật và cuộc đời tưởng chừng như đầy nghịch lí nhưng lại có mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ. Khi xây dựng hai phát hiện này, tác giả đã gián tiếp thể hiện quan niệm triết lí nhân sinh độc đáo: Cuộc sống con người vốn đa chiều, phức tạp. Hiện thực không phải là bức tranh màu hồng mà là bức tranh lẫn lộn những mảng tối sáng, cái đẹp, cái thiện tồn tại song song cùng cái xấu, cái ác. Nếu chỉ đứng từ xa, con người sẽ chỉ nhìn thấy một hiện thực mờ ảo như chiếc thuyền thấp thoáng, ẩn hiện trong làn sương sớm giữa biển khơi. Chỉ khi có cái nhìn sâu sắc, đa chiều, chúng ta mới phát hiện được những nghịch lí cùng sự khuất lấp của cuộc sống phức tạp.
Như vậy, hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả với những ý nghĩa triết lí nhân sinh độc đáo, đồng thời làm nổi bật quan niệm của tác giả về mối quan hệ giữa nghệ thuật và con người. Đó cũng chính là một trong những nền tảng khắc họa giá trị nhân đạo sâu sắc và giá trị hiện thực của tác phẩm.
5. Phân tích 2 phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, mẫu 5 (Chuẩn)
Nguyễn Minh Châu là nhà văn gắn với những sáng tác thể hiện niềm đam mê đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người Việt Nam. Trong đó, tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” là tiêu biểu cho quan điểm của ông rằng văn học phải gắn bó, gần gũi với cuộc sống. Nhân vật Phùng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh có niềm đam mê nghệ thuật, trong chuyến đi công tác của mình, anh đã có được hai phát hiện độc đáo về nghệ thuật và cuộc đời.
Đầu tiên là phát hiện của Phùng về cảnh đẹp trong nghệ thuật. Đó là cảnh đất trời cho “mui thuyền in một nét mơ hồ, loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào”. Đối với người nghệ sĩ như anh, cảnh tượng ấy như một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ, đạt đến độ mẫu mực của nghệ thuật. Từ đường nét đến màu sắc đều hài hoà và lại đẹp hơn nữa khi nhìn qua mắt lưới, tấm lưới. Cái đẹp được cảm nhận qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ với niềm đam mê nên vẻ đẹp ấy càng thêm phần lung linh, huyền ảo. Đứng trước cảnh đẹp ấy, Phùng đã có sự xúc động đến tận cùng, mấy phút đầu anh cảm thấy bối rối, rồi mấy phút sau anh thấy trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Đó là giây phút anh đã phát hiện ra chân lý của sự toàn diện – cái đẹp chính là đạo đức, khi ấy anh đã được sống trong khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn, anh thực sự hạnh phúc khi tìm kiếm được cái đẹp để sáng tạo cho nghệ thuật.
Phân tích 2 phát hiện của nghệ sĩ Phùng để thấy được quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu
Phát hiện thứ hai của người nghệ sĩ Phùng chính là phát hiện về sự thật cuộc đời. Sự thật cuộc sống của người dân hàng chài được hiện ra khi chiếc thuyền tiến sát vào bờ với hình ảnh người đàn ông bà người đàn bà lam lũ. Người đàn bà cao lớn, thô kệch, lưng áo bạc phếch và khuôn mặt đầy mệt mỏi. Người đàn ông với mái tóc tổ quạ, tấm lưng rộng, hai con mắt của lão đầy vẻ độc dữ. Họ lầm lũi bước từ trên thuyền xuống, và chẳng nói chẳng rằng lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, rút chiếc thắt lưng rồi quật tới tấp vào lưng người đàn bà. Vừa quật vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, mỗi nhát đập là tiếng rên rỉ đau đớn. Kì quái thật, nhưng kì quái hơn là người đàn bà không hề kêu hay chống trả, chạy trốn mà nhẫn nhục chịu trận đòn. Thấy cảnh tượng đó, Phùng vô cùng kinh ngạc, chỉ biết há hốc mồm đứng nhìn, anh sững sờ đến ngỡ ngàng và bất bình vì cuộc đời vẫn tồn tại những ngang trái, đối với anh đây như câu chuyện cổ đầy quái đản.
Để có được phát hiện thứ nhất, người nghệ sĩ phải trăn trở tìm kiếm và lựa chọn, cảnh đẹp ở rất xa nhưng vì niềm đam mê và khát vọng cống hiến cho nghệ thuật nên phải đi tìm kiếm. Phát hiện thứ hai lại ở rất gần, ngay bên cạnh cuộc sống mỗi người, nhưng đó lại là sự thật trần trụi và thô ráp, chỉ mang những nỗi khổ đau, bất bình. Đôi khi ta cứ mải miết theo đuổi những thứ xa vời mà bỏ qua những sự thật ngay trước mắt. Ở cả hai phát hiện đều có hình ảnh chiếc thuyền, khi ở ngoài xa, chiếc thuyền là vẻ đẹp của nghệ thuật lung linh, huyền ảo, khi về gần cũng là lúc sự thật cuộc đời hiện ra.
Như vậy, qua hai phát hiện của nhân vật Phùng, ta đã thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa nghệ thuật và cuộc sống mà chiếc thuyền chính là hiện thân. Nghệ thuật phải về gần với cuộc sống, ngược lại cuộc sống là chất liệu, nguồn cung cấp cái đẹp cho nghệ thuật, để rồi nghệ thuật quay trở lại làm đẹp cho cuộc đời.
——————-HẾT——————-
Phùng là nhân vật tư tưởng, nơi nhà văn Nguyễn Minh Châu kí thác những phát hiện về cuộc sống và những quan niệm sâu sắc về nghệ thuật. Tìm hiểu chi tiết về truyện Chiếc thuyền ngoài xa và nhân vật Phùng, các em không nên bỏ qua những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Phân tích nhân vật Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích Nghịch lý trong Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong Chiếc Thuyền ngoài xa.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp