Phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán

0
130
Rate this post

Đề bài: Phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán

phan tich hinh tuong nhan vat hoan thu trong doan thuy kieu bao an bao oan

Phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán
 

Bạn đang xem: Phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán

I. Dàn ý Phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán (Chuẩn)
 

1. Mở bài

– Sơ lược về đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán.
– Giới thiệu nhân vật Hoạn Thư.
 

2. Thân bài:

– Sơ lược về mối duyên của Thúy Kiều với Thúc Sinh.
– Sự thâm hiểm của Hoạn Thư khi bắt có Thúy Kiều về làm tỳ nữ trong nhà với cái tên Hoa Nô, rồi liên tục hành hạ, làm nhục nàng.
– Sự khéo léo chia rẽ tình cảm của Thúy Kiều với Thúc Sinh, bằng cách ép Thúy Kiều tự nguyện đi tu cắt đứt mối duyên với chàng Thúc.
– Hoạn Thư khi gặp lại Thúy Kiều lòng không khỏi sợ hãi, vội vàng thức thời “khấu đầu dưới trướng” mà lòng thì lo “liệu điều kêu ca”.
=> Hoạn Thư là một người phụ nữ rất thông minh, gặp nguy dẫu sợ nhưng đầu óc đã nhanh nhạy tính kế xoay chuyển, tìm đường thoát thân.
– “Tôi chút phận đàn bà/Ghen tuông thì cũng là chuyện người ta thường tình”, có thể thấy Hoạn Thư là người mồm mép nhanh nhạy, giỏi lươn lẹo ứng biến, lấy cái lý lẽ thường tình trong cuộc đời để lấp liếm cho những chuyện ác mà bản thân mình làm ra.
– “Nghĩ cho khi gác viết kinh/ Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo”, nhắc lại chuyện bản thân đã nhân từ lưu lại con đường cho Thúy Kiều thoát thân để có ngày hôm nay.
– Sự thông minh và giảo hoạt của Hoạn Thư còn thể hiện ở nghệ thuật nắm bắt tâm lý con người, nắm thóp được Thúy Kiều bên ngoài mạnh mẽ thế thôi nhưng sâu thẳm trong nàng vẫn là một trái tim yếu đuối và trong sáng, dễ cảm thông.
+ “Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”, đã khơi gợi nên trong lòng Kiều sự thông cảm cho thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến
+ Khéo léo nhắc việc “chung chồng” tức cũng ngầm ám chỉ rằng chuyện khi xưa một phần lỗi cũng là tại do Thúy Kiều, đang không lại trở thành người chen ngang hạnh phúc gia đình của Hoạn Thư khiến nàng ta phải chịu sự ghẻ lạnh của chồng suốt một quãng thời gian.
=> Đả kích, khơi gợi lên trong lòng nàng sự day dứt, áy náy với Hoạn Thư.
– Hoạn Thư lần lượt đưa ra những lý lẽ từ việc ghen tuông là lẽ thường tình, đến ơn nghĩa với Kiều, rồi đến nỗi khổ chung chồng đã đưa Kiều vào thế khó xử “Tha ra thì cũng may đời/Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen”.
=> Có thể nhận định rằng Hoạn Thư biết chắc rằng với tấm lòng lương thiện và lối sống cao cả cũng như sự đồng cảm của mình Thúy Kiều sẽ xá tội cho nên nàng ta mới lươn lẹo, lý lắc như thế. Và cuối cùng nhờ đầu óc nhanh, khả năng ứng biến và sự khéo léo của mình quả thật Hoạn Thư đã thoát khỏi sự báo oán của Thúy Kiều.
 

3. Kết bài

Nêu cảm nghĩ.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán (Chuẩn)

Thúy Kiều báo ân báo oán là một đoạn trích hay và có vị trí quan trọng trong tác phẩm kinh điển Truyện Kiều, bộc lộ một cách sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn cao thượng, tấm lòng vị tha nhân hậu và sống ân tình thủy chung của Thúy Kiều. Bên cạnh đó còn thể hiện khát khao về một xã hội công bằng, công lý được thực thi từ chính bàn tay của những con người chịu nhiều đau thương. Ở đoạn trích này ngoài việc khắc họa một cách sâu sắc tính cách của Thúy Kiều, thì nhân vật Hoạn Thư cũng được Nguyễn Du dành khá nhiều câu từ để phác họa, người phụ nữ đã để cho Thúy Kiều khốn khổ với những ngày tháng tỳ nữ tên “Hoa Nô” trong cửa nhà quan.

Trong quãng đời lưu lạc 15 năm của mình thì có lẽ Thúc Sinh là đấng nam nhi duy nhất mà nàng gặp có một phong thái đời thường nhất, chàng không hề được Nguyễn Du tô vẽ quá nhiều như Kim Trọng, Từ Hải và một số nhân vật khác trong tác phẩm. Sở dĩ có cuộc gặp gỡ duyên nợ với Thúy Kiều cũng bởi Thúc Sinh tuy là một thư sinh nhưng cũng lại là một vị khách phong lưu nổi tiếng, đã mến mộ danh tiếng tuyệt sắc, tài năng của Thúy Kiều bấy lâu. Sau vài lần gặp gỡ Thúc Sinh đã có ý muốn đón Thúy Kiều về làm vợ, tuy nhiên gặp phải sự phản đối của gia đình, Thúc ông đã kiện Thúy Kiều lên quan, khiến nàng phải chịu tra hình. Tuy nhiên may mắn vị quan kia cũng là người nhân từ, thấy đôi uyên ương số khổ nên đã cho Kiều làm một bài thơ tỏ rõ nỗi lòng, sau khi nghe thơ Thúy Kiều thì vị quan này đã khiến Thúc ông nên chấp nhận nàng, lại cho sính lễ để rước Kiều về. Thúc ông cũng đã hiểu được tiết hạnh, tài sắc của Kiều nên cũng đành chấp nhận cho nàng vào cửa, vợ chồng Thúc Sinh – Thúy Kiều chung sống hạnh phúc êm đềm với nhau được một năm tròn. Nhưng với thân phận thiếp thất, lại có tấm lòng thông cảm với vợ cả của chồng là Hoạn Thư, người vợ chính đã vào cửa lâu nhưng chưa có nổi mụn con, nên Kiều đã khuyên chồng mình về thăm. Thúc Sinh nghe lời Kiều cũng sắp sửa lên đường về thăm Hoạn Thư, từ đây cuộc đời Kiều lại bước vào nỗi đau khổ khác, Hoạn Thư là người đàn bà lắm mưu mô chước quỷ, lợi dụng lúc Thúc Sinh đi đường đã cho người đốt nhà Thúy Kiều, rồi chuốc thuốc mê bắt nàng về phủ họ Hoạn, bắt nàng làm thị tỳ hầu hạ, dưới cái tên Hoa Nô, đồng thời hành hạ, đánh đập nàng đủ đường. Còn về phía gia đình Thúc Sinh những tưởng Thúy Kiều đã chết sau trận hỏa hoạn, thế nên chàng Thúc đành quay về nhà vợ cả, ở đây gặp lại Thúy Kiều dưới thân phận tỳ nữ, chàng đã hết sức ngỡ ngàng. Hoạn Thư vốn là người cay nghiệt, bắt Thúy Kiều phải hầu hạ hai vợ chồng, đánh đàn, quạt mát, dọn cơm,… Thúy Kiều nhục nhã không nói nên lời, cứ khóc mãi. Thúc Sinh nén đau đớn bảo Hoạn Thư cho Thúy Kiều viết một tờ khai kể rõ ngọn nguồn. Kiều kể về cuộc đời mình, rồi xin được vào chùa đi tu, cuối cùng Hoạn Thư chấp nhận để Kiều đến gác Quan m sau nhà mình chép kinh thư. Như vậy có thể nói rằng trước mặt Thúc Sinh, Hoạn Thư vẫn sắm vai một người phụ nữ đoan trang, nhưng sau lưng lại ngấm ngầm tìm cách chia rẽ mối duyên một cách khéo, khiến cho Thúy Kiều phải tự nguyện ra mà Thúc Sinh không thể nói lời nào.

Lại kể rằng khi chép kinh ở gác Quan m, thì Kiều đã lén trốn đi, rồi không may một lần nữa nàng lại bị lừa bán vào lầu xanh lần hai, ở đây nàng gặp được Từ Hải, bậc anh hùng cái thế, hai người mau chóng phải lòng nhau. Từ Hải chuộc Kiều về nhà riêng, cả hai chung sống hạnh phúc được nửa năm, thì Từ Hải lại đi chính chiến sa trường, sau khi chiến thắng trở về, Từ Hải đã đem sính lễ và cưới nàng làm chính thất. Trong lúc đương vui thì Kiều nhớ những năm tháng hàn vi, nảy ý muốn trả ân báo oán. Hoạn Thư là một trong những nhân vật được Kiều nhắm đến để báo oán.

Ở trong trích đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán, Thúy Kiều sau khi trả nghĩa cho Thúc Sinh xong xuôi, thì cho người giải Hoạn Thư vào diện kiến. Kiều lúc này ở trên bậc cao công đường, cao cao tại thượng, cũng nóng lòng muốn gặp lại kẻ khi xưa đã gây ra cho nàng biết bao đau khổ, thế nên vừa thấy bóng Hoạn Thư nàng đã lập tức buông lời mỉa mai châm chích “Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây”, cùng với những lời đay nghiến khiến đối phương không khỏi giật mình nhìn lại nàng Kiều giờ đây đã khác khi xưa, trở nên mạnh mẽ, quyền thế, chứ không phải một thiếp thất tùy người chà đạp. Đặc biệt là ở câu nói “Càng oan nghiệt lắm càng ngang trái nhiều” đã nhấn mạnh sự trả thù của Kiều, cùng với biết bao đớn đau uất ức trong trái tim nàng. Hoạn Thư, khi gặp lại Thúy Kiều, thì lòng không khỏi sợ hãi, người phụ nữ khi xưa cũng được xem là có quyền thế, nhà cửa gia nhân tấp nập, phong thái tiểu thư cao quý, lại có một bụng dạ sâu cay, nay gặp cảnh này cũng trở nên hoảng hốt “hồn lạc phách xiêu”. Còn đâu phong thái ghê gớm, mạt sát và những đòn ghen cay nghiệt “nhẹ như bấc, nặng như chì” khi xưa, chỉ thấy Hoạn Thư nhát gan, vội vàng thức thời “khấu đầu dưới trướng” mà lòng thì lo “liệu điều kêu ca”. Chỉ với bấy nhiêu biểu hiện ta cũng có thể nhận thấy rằng Hoạn Thư là một người phụ nữ rất thông minh, gặp nguy dẫu sợ nhưng đầu óc đã nhanh chóng tính kế xoay chuyển, tìm đường thoát thân. Ngay từ câu “Tôi chút phận đàn bà/Ghen tuông thì cũng là chuyện người ta thường tình”, đã có thể thấy Hoạn Thư là người mồm mép nhanh nhạy, giỏi lươn lẹo ứng biến, lấy cái lý lẽ thường tình trong cuộc đời để lấp liếm cho những chuyện ác mà bản thân mình làm ra. Rồi lại nghe nàng ta nhắc về chuyện “Nghĩ cho khi gác viết kinh/ Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo” , hoàn toàn bỏ qua chuyện nàng ta từng cho người bắt cóc Thúy Kiều, ép nàng thị tỳ, lại đánh đập không thương tiếc, sau còn tìm cách làm nhục nàng trước mặt Thúc Sinh, ngấm ngầm phá hoại tình cảm của của Thúc Sinh – Thúy Kiều. Mà chỉ nhắc về cái trò đạo đức giả trước mặt Thúc Sinh là cho Kiều đi tu, lại để cho nàng chạy trốn, nhưng ngẫm lại, một người đang có cuộc sống êm đềm lại ép đến mức người ta phải đi tu để trốn chạy những đòn ghen hiểm độc. Thêm vào nữa chuyện Thúy Kiều chạy trốn khỏi gác Quan m có lẽ cũng có sự tình gì trong đây, phải chăng vì Thúc Sinh vẫn ngày đêm mong nhớ, thế nên Hoạn Thư mới giở thủ đoạn khiến Kiều không thể chịu đựng được nữa mà chọn cách trốn đi biệt tích. Qua bấy nhiêu chuyện ta có thể thấy rằng, cách ghen của Hoạn Thư cũng rất mực thông minh và không kém phần cay nghiệt, khiến cho Thúy Kiều không chỉ đớn đau về thể xác mà cả tâm hồn cũng phải chịu những giày vò khủng khiếp. Nào có người phụ nữ nào chịu được cảnh chồng mình ân ái với người phụ nữ khác, còn bản thân phải cam chịu làm tỳ nữ hầu hạ, không thể ngẩng đầu, trái lại đớn đau hơn là Thúc Sinh giờ đây cũng lộ ra vẻ nhu nhược, hèn nhát trước mặt vợ cả, không dám đứng lên bảo vệ nàng. Từ đó trái tim vốn ham sống, yêu đời của Kiều mới được cứu về hơn năm trước vì sự trân trọng yêu thương hết mực của chàng Thúc nay lại như tro tàn.

Sự thông minh và giảo hoạt của Hoạn Thư còn thể hiện ở nghệ thuật nắm bắt tâm lý con người, rõ ràng rằng nàng ta nắm thóp được Thúy Kiều bên ngoài mạnh mẽ thế thôi nhưng sâu thẳm trong nàng vẫn là một trái tim yếu đuối và trong sáng, dễ cảm thông. Thế nên khi Hoạn Thư nhắc “Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”, đã khơi gợi nên trong lòng Kiều sự thông cảm cho thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, Hoạn Thư cũng như mình, phận đàn bà lại chung chồng, hẳn chuyện ghen tuông là không thể tránh khỏi. Bởi chính bản thân Kiều cũng nếm trải nỗi đau chung chồng dưới thân phận thiếp thất, những đắng cay ấy nàng lại là người hiểu rõ hơn bao giờ hết, từ đó việc thông cảm cho Hoạn Thư là điều tất yếu. Không chỉ vậy việc Hoạn Thư khéo léo nhắc việc “chung chồng” tức cũng ngầm ám chỉ rằng chuyện khi xưa một phần lỗi cũng là tại do Thúy Kiều, đang không lại trở thành người chen ngang hạnh phúc gia đình của Hoạn Thư khiến nàng ta phải chịu sự ghẻ lạnh của chồng suốt một quãng thời gian. Chuyện này đối với Thúy Kiều cũng là một sự đả kích, khơi gợi lên trong lòng nàng sự day dứt, áy náy với Hoạn Thư. Không chỉ vậy việc Hoạn Thư lần lượt đưa ra những lý lẽ từ việc ghen tuông là lẽ thường tình, đến ơn nghĩa với Kiều, rồi đến nỗi khổ chung chồng đã đưa Kiều vào thế khó xử “Tha ra thì cũng may đời/Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen”. Có thể nhận định rằng Hoạn Thư biết chắc rằng với tấm lòng lương thiện và lối sống cao cả cũng như sự đồng cảm của mình Thúy Kiều sẽ xá tội cho nên nàng ta mới lươn lẹo, lý lắc như thế. Và cuối cùng nhờ đầu óc nhanh, khả năng ứng biến và sự khéo léo của mình quả thật Hoạn Thư đã thoát khỏi sự báo oán của Thúy Kiều.

Tóm lại qua tác phẩm Truyện Kiều Hoạn Thư hiện lên là một nhân vật cay nghiệt, lắm mưu mô chước quỷ khiến Thúy Kiều nhiều lần phải chịu thiệt thòi, đau khổ, khiến nàng phải chấp nhận dứt duyên với Kim Trọng, rồi lần nữa rơi vào lầu xanh. Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, Hoạn Thư cũng là một nhân vật đáng thương điển hình trong chế độ phong kiến xưa. Dù thông minh, sắc sảo có thừa, gia thế tốt đẹp nhưng lại có một người chồng nhu nhược, lại phong lưu, khiến nàng ta nhiều lần gánh nỗi khổ ghen tuông, sau là nỗi đau chung chồng, bị lạnh bạc biết bao ngày tháng. Ở trong trích đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán thì sự thông minh, lươn lẹo, giỏi ứng biến của Hoạn Thư lại là cái làm nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Kiều, bộc lộ sự nhân hậu, tấm lòng vị tha, lối sống cao thượng, sẵn sàng từ bỏ những ân oán khi xưa để bắt đầu một cuộc sống mới của nhân vật Thúy Kiều.

——————HẾT——————-

Bên cạnh việc tìm hiểu về nhân vật Hoạn Thư, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu đặc sắc khác để hiểu hơn về vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều được bộc lộ qua đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán như: Phân tích đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán, Phân tích hình tượng nhân vật Thúy Kiều trong đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán, Bình giảng cảnh Thúy Kiều báo ân báo oán, Tính cách Hoạn Thư bộc lộ như thế nào qua đoạn trích Thúy Kiều báo ân, báo oán.

 

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-hinh-tuong-nhan-vat-hoan-thu-trong-doan-thuy-kieu-bao-an-bao-oan/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp