Phân tích khổ 4 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

0
156
Rate this post

Đề bài: Phân tích khổ 4 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

phan tich kho 4 bai tho bep lua cua bang viet

Phân tích khổ 4 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt
 

Bạn đang xem: Phân tích khổ 4 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

I. Dàn ý Phân tích khổ 4 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu về nhà thơ bằng Việt và bài thơ Bếp lửa
– Giới thiệu khái quát về nội dung của khổ thơ thứ 4.

2. Thân bài

– Kí ức về bà và những ngày gian khó của hai bà cháu:
+ Sự tàn phá dữ dội của giặc Mĩ làm cho ngôi nhà của hai bà cháu “cháy tàn cháy rụi”.
+ Thành ngữ dân gian “Cháy tàn cháy rụi” gợi ra cái khốc liệt của chiến tranh và cảnh hoang tàn của ngôi nhà, của làng quê tác giả.
+ Đối lập với sự hủy diệt của kẻ thù là tình cảm yêu thương, đoàn kết của người dân xóm làng.
+ Trải qua bao gian khó bà vẫn kiên cường “vững lòng” để làm chỗ dựa cho con, cho cháu.
+ Bà mạnh mẽ gánh vác mọi thứ.
+ Bà dặn cháu không kể về ngôi nhà bị tàn phá với bố để bố yên tâm công tác
=> Bà là hậu phương vững chắc cho bố mẹ nơi tiền tuyến, là chỗ dựa vững chắc của cả gia đình.
=> Tình cảm bà cháu hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước.

3. Kết bài

Đánh giá chung về giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.

II. Bài văn mẫu Phân tích khổ 4 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt (Chuẩn)

Bằng Việt là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ Bằng Việt bình dị với những cảm xúc tinh tế, giàu suy tư và chan chứa cảm xúc. Những kỉ niệm tuổi thơ, tình cảm gia đình, …là nguồn chất liệu hiện thực phong phú “chắp cánh” cho những sáng tạo thơ văn giàu giá trị của ông. Bếp lửa là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất cho tài năng, phong cách nghệ thuật của Bằng Việt. Bài thơ là tình yêu thương, kính trọng của nhà thơ dành cho người bà của mình. Trong khổ 4 của bài, Bằng Việt đã tái hiện đầy chân thực, xúc động về những kỉ niệm tuổi thơ bên bà, đó là những kỉ niệm về một thời gian khó nhưng ấm áp tình bà cháu của nhà thơ.

Tuổi thơ bên bà của tác giả là những ngày tháng bình yên trong tâm hồn nhưng cũng là những tháng ngày gian khó, vất vả nhất của hai bà cháu khi giặc Mĩ thường xuyên tàn sát, bắn phá:

“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi”

Chiến tranh đã mang đến bao đau thương, mất mát cho con người, hai bà cháu và người dân trong làng cũng nhiều lần trở thành nạn nhân của sự tàn ác, bất nhân của kẻ thù. Giặc Mĩ đốt làng, đốt xóm “cháy tàn cháy rụi” làm cho cuộc sống vốn nghèo khó của hai bà cháu vốn khó khăn lại càng thêm phần cơ cực, gian khó “Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi”. Thế nhưng, trong cái gian khó, u ám của hoàn cảnh thì vẻ đẹp của tình người, tình hàng xóm lại tỏa rạng ấm áp hơn bao giờ hết. Những người dân nghèo giúp đỡ, động viên lẫn nhau, giúp đỡ bà để cùng vượt qua những tháng ngày gian khó “Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh”, tình cảm ấy thật đơn sơ nhưng cũng thật cao quý biết bao.

Trong không khí ác liệt của chiến tranh, hình ảnh người bà hiện lên trong dòng kí ức của người cháu thật đẹp:

“Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”

Dẫu hoàn cảnh có ác liệt, dẫu cuộc sống có nhiều khó khăn, mất mát nhưng bà vẫn luôn mạnh mẽ, kiên cường để làm chỗ dựa cho người cháu, cho cả gia đình mà bà yêu quý. Bà gieo vào lòng cháu niềm tin, về sự lạc quan giữa cảnh mưa bom bão đạn, bà dặn dò cháu không kể lể với bố để bố yên tâm chiến đấu nơi tiền tuyến xa xôi. Lời dặn dò của bà giản dị nhưng chứa chan tình thương của một người bà yêu cháu, một người mẹ thương con. Bà là hậu phương vững chắc nơi quê nhà nên dù phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn đi nữa thì bà vẫn luôn “vững lòng”.

Qua khổ thơ ta không chỉ cảm nhận được sự kiên cường của bà, tình yêu thương chân thành, giản dị của bà dành cho cháu, cho con mà còn cảm nhận được những vẻ đẹp thật cao quý, bà bình tĩnh, lạc quan, bà là hậu phương vững chắc cho cả gia đình.

Khổ thơ tái hiện lại không khí dữ dội của chiến tranh, thế nhưng thứ đọng lại trong lòng độc giả không phải sự ám ảnh, kinh hoàng mà là niềm xúc động khôn nguôi về tình người nơi xóm làng, láng giềng, tình cảm gia đình thiêng liêng, cao đẹp và đọng lại sâu đậm nhất chính là tình cảm ấm áp, mềm mại về bà.

———————-HẾT———————–

Để cảm nhận trọn vẹn tình cảm yêu thương, kính trọng của tác giả Bằng Việt dành cho bà, bên cạnh bài Phân tích khổ 4 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích khổ 3 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, Phân tích khổ 2 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, Cảm nhận vẻ đẹp khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa, Cảm nhận về tình bà cháu trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-kho-4-bai-tho-bep-lua-cua-bang-viet/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp