Đề bài: Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
Bài văn mẫu Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác
Bạn đang xem: Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác
I. Dàn ý Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác
1. Mở bài
Giới thiệu về khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác.
2. Thân bài
– Tâm trạng nghẹn ngào, cảm xúc trào dâng mãnh liệt khi nghĩ đến giây phút rời lăng Bác để trở về miền Nam.
+ Từ “thương” chứa đựng bao cảm xúc yêu thương, kính trọng, cả những xót xa, lưu luyến.
+ Cảm xúc nghẹn ngào, đầy lưu luyến của người con miền Nam trước giây phút chia xa.
– Nguyện ước chân thành, tha thiết của tác già:
+ Muốn trở thành con chim, đóa hoa, cây tre trung hiếu để mãi bên Bác.
+ Điệp từ “muốn làm” thể hiện khát khao chân thành, tha thiết của tác giả
+ Mai trở về miền Nam nhưng tấm lòng chân thành đã được gửi lại trọn vẹn nơi lăng Bác
–> Ba câu thơ khuyết chủ ngữ ấy như là lời thay mặt cho triệu triệu đồng bào Việt Nam bày tỏ cảm xúc thành kính, tha thiết tới lãnh tụ.
3. Kết bài
Cảm nhận chung
II. Bài văn mẫu Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác
Bài thơ Viếng lăng Bác đã thể hiện nỗi niềm xúc động, lòng biết ơn sâu sắc của Viễn Phương – một nhà thơ miền Nam lần đầu ra Hà Nội và hòa vào dòng người vào lăng viếng Bác. Cấu trúc của bài thơ như một hành trình miêu tả khoảnh khắc khi tác giả đứng trước lăng, khi xếp hàng và khi đứng trước di hài của Bác. Khổ thơ kết thúc bài thơ là một dấu lặng kết thúc hành trình ấy, bộc lộ niềm lưu luyến của Viễn Phương khi tạm biệt Bác trở về miền Nam:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Dòng thơ đầu tiên cất lên bỗng trào dâng mãnh liệt cảm xúc nghẹn ngào, như rưng rưng hàng lệ nơi khóe mắt: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”. Chỉ một chữ “thương” quen thuộc gắn với câu nói của người miền Nam mà như gói trọn biết bao thương yêu, xót xa và kính trọng. Câu thơ cất lên mà như nghẹn lại, xót xa đến vô cùng.
Tiếc nuối có, thương nhớ có, bởi vậy mà nhân vật trữ tình giã biệt mà vẫn khắc khoải bịn rịn, bày tỏ ước nguyện cá nhân:
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Điệp ngữ “muốn làm” được nhắc đi nhắc lại đến ba lần cùng nhịp thơ dồn dập thể hiện khao khát chân thành, tha thiết của tác giả. Muốn làm con chim, đóa hoa tỏa hương, cây tre trung hiếu, tất cả đều là những sự vật đời thường giản dị, gắn liền với thiên nhiên gần gũi. Muốn làm con chim để để mang tiếng hót vui vẻ đến với Bác, làm đóa hoa để tỏa hương tô điểm cuộc đời, đặc biệt là cây tre gần gũi ẩn dụ cho vẻ đẹp thủy chung, son sắt của người Việt. Hình ảnh cây tre xuất hiện ở đầu bài thơ được nhấn mạnh với kết cấu đầu cuối tương ứng như một lời thề sắt son của nhà thơ nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung nguyện đi theo con đường của Bác. Mai trở về miền Nam nhưng tấm lòng chân thành đã được gửi lại trọn vẹn nơi lăng Bác. Ba câu thơ khuyết chủ ngữ ấy như là lời thay mặt cho triệu triệu đồng bào Việt Nam bày tỏ cảm xúc thành kính, tha thiết tới lãnh tụ.
Cả bài thơ là tiếng lòng của người con ra thăm lăng Bác, đặc biệt cảm xúc ấy được kết tinh trong khổ thơ cuối. Dù Bác đã ra đi nhưng Bác sẽ còn sống mãi trong trái tim của Viễn Phương nói riêng, nhân dân Việt Nam ta nói chung. Ước nguyện cao đẹp được hóa thân để được bên Bác cũng là ước nguyện đẹp nhất, chất chứa trọn vẹn tấm lòng trân quý của nhân dân ta.
——————–HẾT——————-
Tìm hiểu chi tiết về nội dung từng đoạn thơ trong bài Viếng lăng Bác, bên cạnh bài Phân tích khổ thơ cuối bài Viếng lăng Bác trên đây, các em không nên bỏ qua: Phân tích khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác, Suy nghĩ về tình cảm tha thiết, chân thành của nhân dân đối với Bác Hồ qua bài thơ Viếng lăng Bác, Phân tích khổ hai bài thơ Viếng lăng Bác, Phân tích khổ ba bài thơ Viếng lăng Bác.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp