Phân tích nghệ thuật đặc sắc của truyện Tôi đi học

0
116
Rate this post

Đề bài: Phân tích nghệ thuật đặc sắc của truyện Tôi đi học

phan tich nghe thuat dac sac cua truyen toi di hoc

Phân tích nghệ thuật đặc sắc của truyện Tôi đi học

Bạn đang xem: Phân tích nghệ thuật đặc sắc của truyện Tôi đi học

I. Dàn ý Phân tích nghệ thuật đặc sắc của truyện Tôi đi học (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Truyện ngắn đã bộc lộ cảm giác bồi hồi, xao xuyến của nhân vật tôi trong ngày đầu tiên tới trường qua cách sử dụng ngôn từ tinh tế cùng sự kết hợp điêu luyện giữa các yếu tố miêu tả, biểu cảm theo trật tự tự sự tuyến tính

2. Thân bài

– Đặc sắc nghệ thuật nằm ở cách xây dựng và sử dụng thể loại văn học, kết miêu tả, tự sự, biểu cảm.
– Ngôn từ trong sáng, dễ hiểu theo mạch cảm xúc nhân vật…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích nghệ thuật đặc sắc của truyện Tôi đi học tại đây.

 

II. Bài văn mẫu Phân tích nghệ thuật đặc sắc của truyện Tôi đi học (Chuẩn)

Trong kí ức tuổi thơ của mỗi người, ngày tựu trường giống như một buổi lễ trưởng thành, ghi dấu mốc quan trọng cho sự nghiệp mười hai năm đèn sách, dùi mài kinh sử. Ắt hẳn, ai cũng có những xúc cảm bồi hồi, xốn xang, cũng có những suy tư vừa non nớt, thơ ngây lại vừa dứt khoát, chững chạc. Hiểu được điều đó, nhà văn Thanh Tĩnh đã viết nên truyện ngắn “Tôi đi học”, bộc lộ một cách chân thực tâm trạng trong trẻo với kỉ niệm của buổi tựu trường. Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm nằm ở cách sử dụng ngôn từ tinh tế cùng sự kết hợp điêu luyện giữa các yếu tố miêu tả, biểu cảm theo trật tự tự sự tuyến tính, tạo nên một bức tranh đầy sắc màu hoài niệm.

Sắp xếp theo trật tự thời gian, tác giả mở ra khung cảnh buổi sáng tựu trường với hương hoa sữa mùa thu, những chiếc lá úa vàng và những đám mây bảng lảng trên bầu trời cao rộng: “Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường”. Bước chân lên chuyến tàu thời gian, tác giả đưa người đọc trở về với cảm nhận nguyên sơ của một đứa trẻ lần đầu đi học. “Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Yếu tố miêu tả, biểu cảm kết hợp nhuần nhuyễn, lối viết văn rất thực mà rất mơ, dường như, trong tâm thức cậu bé ngày ấy, những cảnh tượng hàng ngày vẫn nhìn quen hôm nay lại trở nên khác lạ. Vì chính tâm trạng của cậu hôm nay cũng khác: “Hôm nay tôi đi học”. Lựa chọn những hình ảnh rất gần gũi, đời thường cũng sự ngây thơ trong những suy nghĩ đầu đời, tác giả như nói hộ tấm lòng của những đứa trẻ lần đầu cắp sách tới trường, gặp gỡ bạn bè, thầy cô. Mạch cảm xúc tự nhiên trên nền khung cảnh mùa thu thanh bình, mơ mộng thật trong trẻo, nên thơ.

Nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm là ở chỗ, tác giả kể về câu chuyện của mình, cảm xúc của mình, nhưng người đọc lại bắt gặp chính hình ảnh mình trong đó. Từ cảnh tượng “mấy em nhỏ rụt rè nấp dưới nón mẹ” đến “mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp”. Ngày đầu đi học, ai chẳng sợ sệt, rụt rè, ai chẳng cố níu lấy tay mẹ, nhìn mọi người ngơ ngác, lo âu. Những xúc cảm ngây thơ ấy sao mà quen thuộc đến vậy. Cậu bé mới hôm qua thôi còn non nớt trong vòng tay mẹ, nay đã “không ra đồng như thằng Sơn”, “không lội qua sông thả diều như thằng Quý nữa”. Chi tiết mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng đồng thời là kỉ niệm thời thơ ấu với nhiều bạn đọc, dễ gây thiện cảm, đồng điệu.

Mang nặng yếu tố tâm sự, biểu cảm, bút pháp bộc lộ cảm xúc chính là yếu tố quyết định nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm. Thanh Tịnh chú trọng miêu tả tâm lí nhân vật theo trật tự thời gian, theo khung cảnh cậu bé nhìn thấy trên đường đi học. “Dọc đường thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tuổi tôi áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng xệch ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước ôm sách vở nhiều lại kèm cả bút cả thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết”. Phải chăng, trong thâm tâm cậu bé cảm thấy mình đang trưởng thành, đang lớn hơn. Chút sách vở kia là những khó khăn đầu tiên trong cuộc đời, cậu bé còn chưa cầm vững, nhưng thay vì nhờ mẹ cầm hộ, cậu lại “xốc lên và nắm lại cẩn thận”. Đó là cái quyết tâm, là cái thay đổi trong tâm trạng cậu. Nhìn đám học trò lớp trên, cậu cũng muốn được chững chạc, được cầm nhiều sách vở mà chẳng có gì khó khăn. Suy nghĩ vừa đáng yêu, vừa đáng quý. Yêu bởi những suy tư rất trẻ con, rằng “chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước”, quý vì sự quyết tâm trong lòng một đứa trẻ lại có thể lớn lao đến vậy.

Dòng cảm xúc tiếp tục biến đổi khi nhân vật “tôi” tới trường, choáng ngợp trước cảnh “sân trường làng Mĩ Lí dày đặc cả người”. Cảm giác nhỏ bé so với khung cảnh trường học rộng lớn bao trùm lấy cậu. Khác với lần ghé qua trường khi đi bẫy chim với thằng Minh, cậu chỉ nghĩ đơn giản trường cũng chỉ “cao ráo và sạch sẽ hơn các nhà trong làng”, nhưng giờ đây, đó là một cánh cổng trường, cánh cổng đời, một thế giới mới mẻ đang chờ cậu khám phá. Chính khoảnh khắc ấy đã khiến cậu bé nghĩ rằng, mình “như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ”. Cậu “thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ”. Những cảm xúc không của riêng ai được nhà văn tái hiện lại một cách chân thực, nhẹ nhàng. Tưởng như, tác giả kể câu chuyện của mình hay cũng chính là kể câu chuyện của tất cả bạn đọc, một thời cắp sách tới trường e ấp, rụt rè, lúng túng thật đáng yêu.

Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm còn nằm ở những chi tiết được lựa chọn sắc sảo, tinh tế. Dưới góc quan sát của một đứa trẻ, tác giả vừa kể lại diễn biến thời gian buổi đi học đầu tiên, vừa quan sát, miêu tả khung cảnh, sự vật xung quanh. “Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi thẳng vào lớp. Cảm thấy mình chơ vơ là lúc này. Vì chung quanh là những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa, hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp”. Sử dụng lối viết tả thực, mọi hình ảnh đều đơn giản, nhẹ nhàng nhưng rất có chiều sâu. Tưởng như những cảnh tượng đơn giản, dung dị này ai cũng có, nhưng để nhớ về nó, để hồi tưởng lại thì cần một bút lực tài ba. Cái hay ở đây là chỗ, khai thác một đề tài không mới, chất liệu văn chương cũng cực kì bình dị, nhưng người đọc lại bị cuốn hút bởi cái chất bình dị đó, bình dị nhưng không tầm thường. Đi vào lòng người đọc bằng những hình tượng quen thuộc như tiếng trống trường, như cái níu tay mẹ, tiếng ông tổng đốc,… nhưng văn Thanh Tịnh lại có khả năng thủ thỉ như một câu chuyện cổ tích. Ở nơi đó, người ta được trở về với thời ấu thơ, tìm lại chính mình giữa cuộc sống xô bồ, ngột ngạt.

Bằng khả năng xây dựng tình tiết tài tình kết hợp với các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu xuôi theo mạch cảm xúc nhân vật; cách lựa chọn chi tiết mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng đồng thời là kỉ niệm thời thơ ấu với nhiều bạn đọc, dễ gây thiện cảm, đồng điệu, thể hiện qua hình ảnh đơn giản, nhẹ nhàng, những dòng hồi tưởng của tác giả về ngày đầu tiên đi học đã được tái hiện một cách tình tự, nên thơ. Đặc sắc nghệ thuật đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc làm nên một tác phẩm để đời, đưa tên tuổi của nhà văn lên một tầm cao mới trong làng Văn học Việt Nam.

——————HẾT——————

Sau khi tìm hiểu nội dung bài Phân tích nghệ thuật đặc sắc của truyện Tôi đi học, các em có thể củng cố kiến thức bài học qua việc tham khảo: Phân tích truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh, Cảm nhận của em về chất thơ trong truyện Tôi đi học, Cảm nghĩ về những dòng cảm xúc của nhân vật tôi trong truyện ngắn Tôi đi học, Cảm nhận về hình ảnh người mẹ trong văn bản Tôi đi học

 

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-nghe-thuat-dac-sac-cua-truyen-toi-di-hoc/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp