Đề bài: Phân tích nghệ thuật miêu tả qua ngôn ngữ đối thoại nhằm khắc hoạ tính cách nhân vật trong đoạn trích Thuý Kiều báo ân, báo oán
Bài làm:
Thúy Kiều – người con gái bạc mệnh, trải qua bao gian nan, tai kiếp, cuối cùng nàng cũng đậu được một bến bờ vững chãi – Từ Hải. Từ Hải là người đã cứu vớt cuộc đời khổ đau của Kiều, đưa Kiều ra khỏi chốn thanh lâu, giúp nàng có một danh phận xứng đáng. Không chỉ vậy, Từ Hải còn là một tri âm tri kỉ, “tâm phúc tương tri” của nhau và chàng cũng giúp nàng trở lại nơi xưa báo ân báo oán với Thúc Sinh, Hoạn Thư. Ở đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán này”, Nguyễn Du đã sử dụng nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ đối thoại thật độc đáo để khắc họa tính cách nhân vật Thúy Kiều, Hoạn Thư thật thành công.
Trải qua bao thăng trầm, cuối cùng Kiều cũng có được một danh phận chính thức, nàng trở thành phu nhân của Từ Hải, trở thành người có quyền có thế trong tay. Chính ở địa vị này, nàng mới có thể báo ân báo oán với những người xưa kia của mình. Đoạn trích là lời báo ân của Thúy Kiều đối với Thúc Sinh cũng là lời báo oán của nàng dành cho Hoạn Thư. Ở đây, Nguyễn Du đã tinh tế lồng vào trong từng câu chữ của từng nhân vật nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ đối thoại để khắc họa tâm lý cũng như tính cách của họ.
Nhân vật đầu tiên trong đoạn trích mà chúng ta có thể nhận ra Nguyễn Du đã dùng rất nhiều tâm sức để dựng lên màn đối thoại: đó là Thúy Kiều. Từng lời của nàng thốt ra đối với Thúc Sinh đều là những lời nói mang sức nặng của ân tình để báo đền cho người từng giúp đỡ mình lúc khốn khó. Nàng rằng:
“Nàng rằng: Nghĩa nặng nghìn non
Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không?
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai há dám phụ lòng cố nhân
Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân
Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là
Vợ chàng quỷ quái tinh mà
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau
Kiến bò miệng chén chưa lâu
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”
Đúng như tính cách của mình, Thúy Kiều chọn báo ân trước khi báo oán. Nàng muốn trả hết ơn nghĩa với người xưa trước khi báo những oán đền xưa kia. Vậy nên, nàng cho gọi Thúc Sinh vào trước. Thế nhưng, chàng ta vẫn là con người hèn nhát của năm nào, bước vào công đường mà tràn đầy run sợ “mình dường dẽ run”. Thấy vậy, Thúy Kiều cất lời rằng:
“Nàng rằng: Nghĩa nặng nghìn non
Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không?
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai há dám phụ lòng cố nhân
Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân
Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là”
Nàng lật lại những địa điểm năm xưa gợi nhớ trong lòng chàng, ân cần hỏi han chàng từng chút. Nàng biết ơn nghĩa nàng nợ Thúc Sinh không thể đếm được, nghĩa đó “nặng nghìn non”. Chàng đã cứu nàng ra khỏi lầu xanh, cho nàng nơi ăn chốn ở, tuy chẳng cưu mang được nàng lâu dài, chẳng cho nàng được một danh phận đúng nghĩa nhưng chàng chung quy vẫn giúp nàng vượt qua một phần gian khổ. Vậy nên, nàng gọi nhắc chàng về “Sâm Thương”, về “Lâm Tri” cốt để chàng nhớ lại người cũ năm nào để nàng có thể báo đền cho chàng chút ân tình ngày xưa. Tuy rằng đã bao thời gian trôi qua, nhưng nàng vẫn chưa bao giờ quên ơn nghĩa mà chàng đã trao cho nàng. Từng lời Kiều nói ra ở đây vô cùng thân mật, gần gũi, toàn là những câu hỏi nhẹ nhàng, những lời gợi nhớ. Nàng chẳng hề ra oai, tỏ vẻ dọa nạt gì chàng. Nguyễn Du đã khắc họa bằng ngôn ngữ một hình ảnh nàng Kiều vẫn như trước đây: thùy mị, nết na, lại vô cùng trọng nghĩa trọng tình.
Thế nhưng, trả ân cho chàng xong, nàng cũng không quên quay lại cảnh báo chàng:
“Vợ chàng quỷ quái tinh ma
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau
Kiến bò miệng chén chưa lâu
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”
Chàng là vậy, giúp đỡ nàng, có ơn với nàng nhưng vợ chàng lại khiến cho Kiều phải chịu nhiều ủy khuất, uất hận. Thế nên giờ đây, Kiều liền ra lời cảnh báo cho chàng rằng lần này nàng sẽ không chịu để yên cho người vợ “quỷ quái tinh ma” của chàng nữa. Nàng sẽ quyết báo đền những gì mà nàng ta đã gây ra cho mình. Nhắc đến Hoạn Thư, những vết thương trong sâu thẳm tâm hồn nàng bắt đầu rỉ máu. Hoạn Thư đã không chỉ hành hạ về thể xác mà còn hành hạ về cả tâm hồn của nàng nữa. Ở đây, Nguyễn Du vẫn dẫn dắt người đọc bằng những lời đối thoại của nhân vật mà ở đây là Thúy Kiều. Nếu như ngày xưa, Kiều chỉ dám cúi đầu trước những đau khổ mà Hoạn Thư gây ra cho nàng thì giờ đây, bằng nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ đối thoại, Nguyễn Du đã cho ta thấy được những chuyển biến trong tâm lý và tính cách của Kiều. Giờ đây, Kiều đã trở thành một Thúy Kiều mạnh mẽ, một người phụ nữ uy quyền, hoàn toàn không còn nhu nhược, yếu đuối nữa. Vậy nên, nàng mới khảng khái nói với Thúc Sinh rằng: “Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau”, rằng giờ đây, nàng cũng sẽ báo đền lại những tổn thương mà Hoạn Thư đã gây ra cho nàng.
Kết lại những lời báo ân dành cho Thúc Sinh, Thúy Kiều đã lên tiếng cảnh báo về sự trả thù, báo oán của mình dành cho Hoạn Thư – kẻ đã gây ra đau khổ cho nàng trước kia. Nguyễn Du, bằng tài năng của mình, thông qua màn đối thoại của Thúy Kiều – Thúc Sinh, ông đã dựng lên được tính cách của nàng Kiều. Nàng vẫn là người con gái thông minh, xinh đẹp, giàu lòng nhân hậu, thế nhưng nàng đã không còn yếu đuối, chịu đựng như trước nữa. Thế nên, khi đối diện với Hoạn Thư, không chờ để nàng ta cất lời, nàng đã cất lời trước:
“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan
Dễ dàng là thói hồng nhan
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”
Lời vừa mở là một loạt những câu châm biếm, mỉa mai của Kiều dành cho Hoạn Thư. Thúy Kiều mỉa mai rằng chắc hẳn Hoạn Thư chưa từng nghĩ sẽ có ngày hai người đổi vai cho nhau, kẻ chủ thành tớ mà kẻ tớ thì thành chủ như hôm nay. Nàng cũng cảnh báo nàng ta rằng thói hồng nhan của Hoạn Thư sẽ khiến cho nàng ta chuốc thêm nhiều uất ức, đau khổ nữa mà thôi. Qua những lời nói ấy, chúng ta thấy rằng, tính cách của Kiều đã hiện thật rõ đằng sau mỗi câu chữ. Nàng đã chẳng còn là một cô tiểu thư mỏng manh nữa, nàng đã trở lên mạnh mẽ, một người phụ nữ với tính cách thật sắc sảo, khiến cho ai nấy cũng phải nể phục. Mỗi lần nàng cất giọng lên, thì đến Hoạn Thư kia cũng phải cúi đầu nhận tội. Nguyễn Du ở đây đã dùng những ngôn từ đối thoại thật sắc bén để làm hiện rõ lên tính cách của Kiều cũng như sự sắc sảo trong từng câu nói mà nàng đối thoại.
Kết lại đoạn trích, người ta lại một lần nữa được chứng kiến tâm lý, tính cách của Kiều được vẽ lên bằng những câu đối thoại. Nàng đã quyết định tha cho Hoạn Thư. Những câu nói cuối cùng, người ta vẫn nhận ngay rằng Kiều bởi lòng nhân hậu, tính cách dịu dàng, cũng như sự yếu mềm của một người phụ nữ. Bởi nàng hiểu, nàng cũng là phụ nữ, cũng hiểu được chút lòng dạ đàn bà.
Cũng trong đoạn trích này, bằng ngôn từ đối thoại, Nguyễn Du không chỉ dựng lên tính cách của nàng Kiều vừa nhân hậu, vừa sắc sảo mà còn dựng lên tính cách của một Hoạn Thư thông minh, khôn khéo cùng một chút xảo quyệt nữa.
Dưới trướng của Kiều, Hoạn Thư được Kiều vời đến để báo đền những oán hận mà nàng ta đã gây ra cho Kiều khi Kiều còn phải chịu kiếp làm tôi tớ ở phủ họ Hoạn. Thế nhưng, dù giật mình khiếp đảm trước sự uy nghiêm ấy, Hoạn Thư vẫn bình tĩnh đối đáp với Kiều:
“Rằng: tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình
Nghĩ cho khi gác viết kinh
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo
Lòng riêng riêng những kính yêu
Chồng chung cho dễ ai chiều cho ai
Trót lòng gây việc chông gai
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”.
Khi Thúy Kiều lên tiếng buộc tội Hoạn Thư, đồng thời cũng cảnh báo nàng ta phải trả lại những gì đã gây ra cho Kiều thì tính cách nàng ta mới bộc lộ thật rõ. Quả không hổ là con của một viên quan lớn, những lời nói Hoạn Thư thốt ra đều vô cùng thấu tình đạt lý. Nó đã chạm tới trái tim yếu mềm của Kiều khiến Kiều phải suy nghĩ. Hoạn Thư nói rằng nàng ta có ghen tuông đấy, thế nhưng đó là thói thường của đàn bà, mấy ai chồng có nhân tình lại không ghen tuông. Đồng thời, nàng ta cũng nhắc tới những ân nghĩa mà nàng ta đã làm cho Kiều khi Kiều ở nhà họ Hoạn rằng nàng ta đã cho Kiều ra ở gác viết kinh và khi Kiều trốn chạy, nàng ta cũng bỏ qua, chẳng truy đuổi thêm nữa. Lời nói ấy thốt ra vừa thấu tình lại đạt lý khiến cho Thúy Kiều phải ngẫm nghĩ hồi lâu. Thế mới nói, Nguyễn Du đã thật tài hoa khi khắc họa tính cách của Hoạn Thư: một con người vừa khôn khéo, vừa thông minh, bình tĩnh, dù trong tình thế ngàn cân nguy hiểm tới tính mạng cũng không hề nao núng. Phải nói, nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ đối thoại của Nguyễn Du để khắc họa tính cách nhân vật đã đạt tới đỉnh cao mà khó ai có thể sánh bằng.
Không chỉ thế, Hoạn Thư còn so sánh Kiều với “lượng bể” to lớn, đặt Kiều vào tình thế khó khăn. Nếu như Kiều chẳng tha cho nàng ta thì chẳng hóa ra nàng là một người nhỏ nhen hay sao. Thế mới biết, Hoạn Thư là một kẻ thật khôn khéo biết chừng nào! Và Nguyễn Du – ông cũng thật xuất sắc khi chỉ với vài ba câu thơ ngắn ngủi nhưng lại dựng lên được tính cách của một con người vừa khôn ngoan, vừa xảo quyệt lại thông minh, bình tĩnh vô cùng – Hoạn Thư.
Bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh đồng thời bằng bút pháp tài hoa của mình, Nguyễn Du chỉ với vài màn đối thoại ngắn ngủi giữa các nhân vật đã dựng lên được tính cách của từng nhân vật ấy trong đoạn trích Kiều báo ân báo oán. Thứ nhất, đó là đoạn đối thoại giữa Kiều – Thúc Sinh, Kiều hiện lên với tính cách vừa hiền dịu, lại nhẹ nhàng, ân cần, vừa thấu tình đạt lý, lại trọng tình trọng nghĩa. Còn khi đối thoại Kiều – Hoạn Thư, Thúy Kiều lại hiện lên là một con người sắc sảo, uy quyền. Còn với Hoạn Thư, chỉ bằng tám câu thơ ngắn, Nguyễn Du đã dựng lên một con người với tâm tư khôn ngoan, sắc bén, xảo quyệt nhưng thông minh, bình tĩnh trước nguy hiểm vô cùng. Có thể nói, Nguyễn Du đã vô cùng thành công trong nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ đối thoại để khắc họa tính cách nhân vật ở trong đoạn trích Kiều báo ân báo oán này.
Khép lại những dòng thơ, người đọc chúng ta vẫn còn đọng lại trong tâm tưởng tính cách của nàng Kiều với những lời đối thoại vừa ân cần lại vừa sắc sảo. Chúng ta càng ấn tượng hơn với Hoạn Thư – một kẻ khôn khéo, xảo quyệt biết nhường nào. Phải nói, Nguyễn Du thực sự là một bậc thầy khiến người ta phải khâm phục khi dựng lên bức tranh chân dung tính cách của nhân vật chỉ bằng những lời thơ thật ngắn gọn, nhẹ nhàng. Ông xứng đáng là một thi nhân tài hoa bậc nhất Việt Nam.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp