Phân tích nhân vật A Sử trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

0
141
Rate this post

Đề bài: Phân tích nhân vật A Sử trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

phan tich nhan vat a su trong truyen ngan vo chong a phu

Phân tích nhân vật A Sử trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

Bạn đang xem: Phân tích nhân vật A Sử trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

I. Dàn ý Phân tích nhân vật A Sử trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ và nhân vật A Sử.

2. Thân bài

* Xuất thân:
– Sinh ra trong gia đình quyền quý
– Là con trai của thống lí Pá Tra, người nắm quyền lực lớn nhất của một vùng

* Tính cách:

– A Sử là kẻ hống hách, coi thường và ức hiếp người khác:
+ Thấy Mị xinh đẹp, hắn đã bắt Mị về làm vợ à Hủy đi nhân duyên tốt đẹp, tự do và sức sống của Mị.
+ Đánh nhau với A Phủ, dùng quyền lực của cha để đẩy A Phủ vào bước đường cùng, trở thành người ở không công cho gia đình hắn.

– A Sử còn là một người chồng độc ác, vũ phu, tàn nhẫn đến vô lí:
+ Giam giữ tự do, chà đạp, bóc lột sức lao động của Mị: bắt Mị làm việc quần quật ngày đêm, buộc Mị ở trong căn phòng nhỏ bé, tù túng.
+ Tước bỏ những quyền lợi chính đáng của Mị: “Không năm nào A Sử cho Mị đi chơi”
+ Trói đứng Mị vào cột nhà khi Mị có ý định đi chơi.
+ Dùng chân đạp vào mặt Mị khi Mị mệt quá ngủ quên.

– Chơi bời lêu lổng, trăng hoa:
+ Có những cuộc chơi xuyên đêm cùng đám bạn.
+ Hắn muốn rình bắt nhiều người con gái đẹp nữa về làm vợ “Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn muốn rình bắt mấy người con gái nữa về làm vợ”

– Nhận xét:
+ Bản chất độc ác, nhẫn tâm, là một con “quỷ dữ” không có tình thương.
+ Hắn tự cho mình quyền chà đạp, hành hạ người khác

3. Kết bài

Nhận xét chung về nhân vật

II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật A Sử trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (Chuẩn)

Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Tô Hoài viết về cuộc sống và số phận của những người nông dân nghèo Tây Bắc dưới sự cai trị của cường quyền và thần quyền miền núi. Trong truyện, nếu Mị và A Phủ là đại diện cho những người nông dân nghèo bị giai cấp thống trị áp bức, chà đạp thì thống lí Pá Tra và A Sử lại là đại diện cho cường quyền tàn bạo, bất nhân. Đặc biệt, A Sử là người chồng độc ác cũng là người gây ra mọi đau khổ, bất hạnh cho cuộc đời Mị.

A Sử là con trai thống lí Pá Tra, sinh ra trong gia đình quý tộc có cha là thống lí một vùng, bởi vậy mà từ nhỏ hắn đã tỏ ra hống hách, coi thường và ức hiếp người khác. A Sử không để ai vào mắt và làm mọi điều hắn muốn một cách ngang ngược, vô lí. Thấy Mị xinh đẹp, hắn đã bắt Mị về làm vợ, nhẫn tâm hủy hoại đi nhân duyên tốt đẹp, tự do và cả khát khao sống của một cô gái vốn rạng rỡ, yêu đời như Mị. Từ khi về làm vợ A Phủ, Mị bị coi như “con trâu, con ngựa”, làm việc quần quật ngày đêm. A Sử không coi Mị là vợ mà chỉ là một người làm không công thấp kém trong gia đình hắn. Hắn chà đạp, hủy hoại cuộc đời Mị, khiến Mị từ một cô gái trẻ trung, yêu đời trở thành một người lầm lũi, cam chịu như con rùa nuôi trong xó cửa. Sự hống hách, ngông cuồng của A Sử còn được thể hiện thông qua lần đi chơi mùa xuân. Khi không có được cô gái mình yêu thích, A Sử sẵn sàng gây sự, phá đám trai làng khác. Hắn cùng đám người nhà đánh nhau với đám trai làng, khi đánh không lại hắn lại mượn quyền thế của cha để đẩy người ta vào bước đường cùng. Đây cũng chính là lí do khiến A Phủ- một chàng trai khỏe mạnh, tự do, yêu lao động trở thành người làm không công cho nhà thống lí vì tội đánh con quan.

Không chỉ ngang ngược, vô lí, cậy cường quyền để bắt nạt, áp bức những người dân lương thiện, thấp cổ bé họng, A Sử còn là một người chồng độc ác, vũ phu, tàn nhẫn đến vô lí. Từ khi ép Mị làm vợ, hắn chưa một lần coi Mị như một người vợ mà đối xử, với hắn Mị cũng chỉ là một “kẻ hầu người hạ” phải nghe lời và phục tùng hắn. A Sử không chỉ đày đọa Mị về thể xác khi bắt Mị lao động quần quật ngày đêm mà còn giam hãm, bức ép Mị về tinh thần. Hắn bắt Mị ở trong một căn phòng nhỏ hẹp, chỉ có một ô cửa sổ nhỏ mà “lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”.

Dù đã có vợ nhưng A Sử vẫn đi chơi cùng đám bạn, hắn muốn rình bắt nhiều người con gái đẹp nữa về làm vợ “Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn muốn rình bắt mấy người con gái nữa về làm vợ”. Hắn tự cho mình quyền chơi bời lêu lổng, trăng hoa nhưng hắn tước bỏ mọi quyền tự do của Mị, cả những quyền lợi chính đáng nhất “Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi”. Trong đêm tình mùa xuân, khi biết Mị muốn đi chơi, hắn đã hỏi Mị bằng giọng điệu lạnh lùng “Mày muốn đi chơi à?”. Độc ác, tàn nhẫn hơn nữa là khi thấy Mị bước đi, hắn không nói không rằng mà ” bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột làm cho mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa”. Hành động vũ phu, độc ác đến cực điểm, hắn ra tay độc ác không một chút nhân tính với người vợ đầu gối tay ấp của mình. Sau khi trói Mị, hắn vẫn có thể bình thản mặc áo và bước ra ngoài, dường như đây không phải lần đầu hắn đối xử với Mị như vậy. Sẽ chẳng có người chồng nào đủ nhẫn tâm trói đánh vợ xong mà vẫn ung dung ra ngoài như vậy “Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại”.

Sự độc ác, vô lí của A Sử được thể hiện rõ nét nhất ở chi tiết Mị chăm sóc suốt đêm khi hẳn bị thương, thế nhưng khi tỉnh lại, thứ hắn đáp trả cho Mị lại là hành động vũ phu, tàn nhẫn không gì tả nổi, hắn giơ chân “đạp chân vào mặt Mị”. Có thể thấy sự độc ác, tàn nhẫn đã ăn sâu vào máu thịt của A Sử, đó là bản chất của một con “quỷ dữ” không có tình thương. Hắn tự cho mình quyền chà đạp, hành hạ người khác, những hành động quan tâm, chăm sóc của Mị hắn không mảy may cảm động mà cho rằng đó là bổn phận nên có của Mị. Để khi Mị vì mệt quá thiếp đi thì hắn không do dự mà trừng phạt mị bằng cú “đạp chân” tàn nhân.

A Sử không phải nhân vật trung tâm nhưng qua một vài chi tiết, người đọc có thể hình dung chi tiết về bản chất độc ác, bất nhân của con người này. Thông qua nhân vật A Sử, nhà văn Tô Hoài cũng mạnh mẽ lên án sự bất công, tàn bạo của chế độ thống trị miền núi, đó chính là thế lực gây ra mọi đau đớn, khổ đau cho những con người bất hạnh.

—————HẾT——————

Để thấy hết sự độc ác, bạo tàn của giai cấp thống trị cũng như nỗi khổ cùng cực của những người dân nghèo bất hạnh sống dưới chế độ ấy, bên cạnh bài Phân tích nhân vật A Sử trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận về nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo của Vợ chồng A Phủ, Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ, Phân tích hành động cởi trói của Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-nhan-vat-a-su-trong-truyen-ngan-vo-chong-a-phu/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp