Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài

0
113
Rate this post

Đề bài: Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.

phan tich nhan vat mi trong truyen ngan vo chong a phu cua nha van to 41554

Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài

Bạn đang xem: Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài

I. Dàn ý Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài

* Dàn ý 1:

1. Mở bài

–  Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật Mị.

2.  Thân bài:

a.  Hoàn cảnh và cuộc đời Mị khi làm dâu nhà thống lý Pá Tra:
–  Mị là một cô gái xinh đẹp, lại có tài thổi sáo rất hay, thuở còn xuân Mị được biết bao nhiêu trai bản theo đuổi.
–    Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, Mị phải chấp nhận số kiếp làm con dâu gán nợ, gả làm vợ của A Sử, con trai thống lý Pá Tra để trả món nợ truyền kiếp.
–   Trở thành nô lệ, phải nai lưng ra làm lụng quanh năm ngày tháng, đầu tắt mặt tối. Cuộc sống đau khổ khiến Mị nhiều lần muốn ăn lá ngón để chết quách đi, nhưng Mị lại không chết được, bởi chết rồi thì ai sẽ trả nợ cho cha.
– Mị trở nên chai lì, lầm lũi như con rùa trong xó cửa, chỉ biết ăn và làm, không thiết tha bất cứ điều gì khác. Mị đã hoàn toàn không có một lựa chọn nào khác, không có một sự tự do nào nữa.
–  Mị sống mà đến độ tưởng mình không còn là người nữa, mà chỉ là một cỗ máy lao động có chân tay, biết nói chuyện trong nhà thống lý Pá Tra, thấy mình đến loài súc sinh chăn trong nhà.
– Và cái khổ nó đã làm biến dạng cả tâm hồn, ngoại hình Mị, đầu óc cô không nghĩ việc gì khác ngoài những việc làm lụng, dù làm gì cũng cúi mặt, buồn rười rượi, lại ngày càng chẳng nói năng gì.
–  Không gian sống của Mị là một căn buồng có một cái lỗ vuông bằng bàn tay, mà từ đó trông ra “lúc nào cũng thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”, đời Mị cứ ngồi ở cái lỗ vuông ấy mà trông ra đến bao giờ chết thì thôi.
=> Mị cuộc đời của một người tù chung thân, trở nên chai lì một cách bất lực, sống cuộc đời của một con rùa lầm lũi trong xó cửa, cam chịu và bế tắc.

b.  Lòng ham sống, khao khát tự do mãnh liệt bắt đầu thức tỉnh trong lòng Mị:
–   Tiếng sáo thiết tha, bồi hồi rủ bạn đi chơi đã thức dậy trong tâm hồn Mị một chút niềm vui sống, thường ngày Mị chẳng thiết nói năng, thế mà nay Mị lại nhẩm hát theo tiếng sáo du dương. => Dấu hiệu cho sự thức tỉnh của lòng ham sống, ham vui, ham hạnh phúc trong Mị.
–  Mị cũng uống rượu “uống ừng ực từng bát”, nhìn người ta nhảy múa vui chơi, Mị lại nhớ về những ngày còn ở với cha mẹ. Mị uống rượu và thổi sáo => Tận hưởng cuộc sống, tự tạo dựng lại cho mình những niềm vui ngày xuân để quên đi cái sầu khổ, đớn đau suốt mấy năm qua của mình.
–  “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết”. Mị lại sửa soạn áo quần, tóc tai và muốn ra ngoài hòa vào không khí vui nhộn của dịp Tết, hòa nhập với xã hội.
–    A Sử trói Mị chặt cứng vào cột nhà khiến cô không thể động đậy. Mị nghĩ đến nhà này cũng có một người đàn bà bị trói vào cột đến chết, “Mị sợ quá, Mị cựa quậy xem mình còn sống hay đã chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói siết lại, đau từng mảnh thịt”.
=> Lòng ham sống mãnh liệt, Mị thấy đau đớn tức là tâm hồn Mị đã dần dà sống lại, cũng biết buồn biết khổ, chứ không còn chai sạn như trước nữa. Mị đã sống lại một cách hoàn toàn cả về tâm hồn lẫn thể xác.

c.   Sự phản kháng mạnh mẽ, tự giải thoát, giành lại tự do cho mình:
–    Chứng kiến “Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má xám đen lại” của A Phủ, dấy lên trong lòng người đàn bà này biết bao nhiêu là cảm xúc, Mị thấy căm giận nhà thống lý Pá Tra, thấy bất bình, thấy xót xa cho một kiếp người nhưng còn chẳng bằng con bò bị mất, phải chết vì một con bò => Nhận thức sự tương đồng trong số phận bất hạnh.
– Mị đã đấu tranh tư tưởng nhiều lần, rồi cuối cùng Mị ra một quyết định rất táo bạo, Mị cởi trói cho A Phủ, thì thào một tiếng “Đi ngay…”. = > Hành động dũng cảm, nhân hậu.
–  Nhìn thấy một kẻ vốn đã gần chết tới nơi, thế nhưng lại vẫn dùng hết sức bình sinh chạy vụt xuống triền đồi, thế là Mị chạy vụt theo A phủ “Cho tôi theo với, ở đây thì chết mất” => Sự phản kháng mạnh mẽ, ý thức mưu cầu tự do, lòng ham sống, ham tự do mãnh liệt đang cháy ngùn ngụt trong lòng của người đàn bà nhiều năm vốn đã chai lì, lạnh giá.

3.  Kết bài

Nêu cảm nhận chung.
 

* Dàn ý 2:
 

1. Mở bài

 
Truyện “Vợ chồng A Phủ” được trích trong truyện Tây Bắc là câu chuyện tiêu biểu và mang nhiều giá trị tư tưởng lớn. Trong truyện,  tác giả gửi gắm trọn vẹn nhất những tình cảm của mình vào nhân vật Mị, một cô gái đại diện cho vẻ đẹp và phẩm chất con người Tây Bắc.

2. Thân bài

* Mị là một cô gái hoàn hảo:
– Mị vốn là một cô gái xinh đẹp và có tài năng
– Không chỉ xinh đẹp, ở cô còn hội tụ những phẩm chất đẹp đẽ:
– Người con gái hiếu thảo với cha mẹ
– Chăm chỉ, cần mẫn trong công việc
– Yêu  tự do, ý thức được nhân phẩm và giá trị của mình.
 
* Chịu nhiều áp bức bất công: 
– Gia đình lâm vào cảnh nợ nần->bán mình, làm dâu cho nhà Thống lí
– Mị chịu bao nỗi đau thể xác và tinh thần:
+ Gắn bó với công việc từ hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay đến đi bẻ ngô, gánh nước, kiếm củi,…, không việc nào là không tới tay Mị.
+ Suốt ngày “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.
+ Mị ngày càng ít nói, câm lặng hơn 
+ A Sử ra sức giày vò Mị người mà hắn bấy lấu kiên quyết lấy làm vợ bằng một thúng sợi đay buộc Mị vào cột nhà, quấn lấy mái tóc dài của Mị lên cột khiến nàng đau đớn không thể cử động được.
 
* Sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong Mị: 
– Khi mùa xuân đến, không khí vui xuân ngày hội nơi bản Tây Bắc thật đẹp, thật tươi, khiến Mị bồi hồi nhớ lại những quá khứ tươi đẹp ngày xưa.
– Rượu và tiếng sáo rủ bạn khiến tâm hồn tươi trẻ của Mị như có dịp trỗi dậy, lòng Mị rạo rực sức sống mùa xuân
– Hành động:
+ Uống rượu       
+ Lấy ống mỡ bỏ thêm vào đĩa dầu để thắp đèn lên, thắp lên thứ ánh sáng của tan đi bóng tối rợn ngợp bao trùm
+ Quấn tóc lại với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách
+ Hành động mãnh liệt nhất của nàng là cắt dây trói cho A Phủ => Cùng A Phủ chạy trốn => Giải thoát kiếp nô lệ cho chính mình.
 

3. Kết bài

Qua nhân vật Mị, tác giả đã lên tiếng tố cáo chế độ áp bức tàn bạo, hà khắc của tầng lớp thống trị trong xã hội xưa và nói lên tiếng nói thương cảm trước những kiếp người chịu nhiều áp bức, bất công.

 

II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài
 

1. Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, mẫu số 1 (Chuẩn)

Tô Hoài cùng với Nam Cao, Kim Lân, đều là những nhà văn hiện thực nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, để lại nhiều những tác phẩm có giá trị nhân văn, phản ánh hiện thực xã hội một cách khách quan và nhiều xúc cảm, đau đớn, xót xa, thương cảm, yêu thương,… Nếu như bản thân Nam Cao hay Kim Lân cả trước và sau cách mạng đều tập trung vào đề tài người nông dân, trí thức tiểu tư sản vùng đồng bằng Bắc Bộ, thì Tô Hoài lại được xem là nhà văn hiện thực của vùng miền núi phía Bắc nước ta, bằng một tấm lòng thiết tha, gắn bó, ngòi bút cảm thông sâu sắc với số phận của những con người khốn khổ chịu sự áp bức, bóc lột của cả cường quyền và thần quyền phong kiến tàn ác. Đặc biệt, điểm sáng trong đề tài của Tô Hoài còn nằm ở việc ông tập trung vào số phận của những người phụ nữ vùng cao, ông vừa khai thác cuộc đời bất hạnh, vừa làm nổi bật cả những vẻ đẹp trong tâm hồn họ, đồng thời Tô Hoài cũng dần hé mở những lối thoát, giải phóng cho nhân vật của mình bằng những định hướng về một cuộc đời khi cách mạng về. Một trong những tác phẩm thành công nhất của Tô Hoài chính là Vợ chồng A Phủ, với nhân vật Mị, một người phụ nữ có số phận đớn đau, cam chịu, sau cùng lại vùng dậy đấu tranh để tìm lại cuộc đời, tìm lại tự do.

 Mị là một người phụ nữ đại diện cho nhiều người phụ nữ khác Hồng Ngài, cũng như ở cả vùng núi rừng Tây Bắc. Dưới ngòi bút của Tô Hoài, nhân vật Mị hiện lên là một cô gái xinh đẹp, lại có tài thổi sáo rất hay, thuở còn xuân Mị được biết bao nhiêu trai bản theo đuổi, đứng đến nhẵn cả góc nhà chỗ đầu giường Mị nằm. Thế nhưng Mị sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha Mị vì lấy mẹ Mị mà phải đi vay nợ, món nợ với nhà thống lý Pá Tra mà cho đến đời Mị vẫn không thể trả hết. Thành thử, Mị phải chấp nhận số kiếp làm con dâu gán nợ, gả làm vợ của A Sử, con trai thống lý Pá Tra. Mà dưới chế độ cường quyền thần quyền đàn áp thì cuộc đời của người con dâu gán nợ, nó khốn nạn lắm, Mị nào được hưởng cảnh sung sướng của một cô con dâu nhà giàu, mà trái lại phải nai lưng ra làm lụng quanh năm ngày tháng, đầu tắt mặt tối không khác gì một nô lệ để trả nợ cho cha.

phan tich nhan vat mi

Bài văn Phân tích nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ hay nhất

Cuộc sống đau khổ khiến Mị nhiều lần muốn ăn lá ngón để chết quách đi, nhưng Mị lại không chết được, bởi chết rồi thì ai sẽ trả nợ cho cha, rồi dần dà Mị trở nên chai lì, lầm lũi như con rùa trong xó cửa, chỉ biết ăn và làm, không thiết tha bất cứ điều gì khác. Bởi lẽ Mị bị bắt về gán nợ, không chỉ là làm lụng lấy sức lao động để bù đắp, mà Mị đã bị bắt về đã làm lễ trình ma nhà A Sử, cả đời Mị sẽ sống làm người nhà nó, chết cũng là ma nhà nó rồi, Mị đã hoàn toàn không có một lựa chọn nào khác, không có một sự tự do nào nữa. Chết không được thì người ta buộc phải sống, mà sống theo cách của Mị thì nó lại đau đớn quá, Mị sống với một tâm hồn một trái tim như tro tàn nguội lạnh, sống mà đến độ tưởng mình không còn là người nữa, mà chỉ là một cỗ máy lao động có chân tay, biết nói chuyện trong nhà thống lý Pá Tra. Đến nỗi Mị thấy mình đến loài súc sinh chăn trong nhà cũng không bằng bởi “ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mỵ tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”. Thậm chí “Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày”. Đọc những dòng văn ấy, người ta đã tưởng đến độ con người phải bị áp bức, bị vắt kiệt bị giam cầm đến mức nào mới có thể có những suy nghĩ đớn đau đến nhường này. Và cái khổ nó đã làm biến dạng cả tâm hồn, ngoại hình Mị, đầu óc cô không nghĩ việc gì khác ngoài những việc làm lụng, dù làm gì cũng cúi mặt, buồn rười rượi, lại ngày càng chẳng nói năng gì, dường như Mị quên đi cả khả năng giao tiếp của mình.

Không chỉ thế, đời Mị nó không chỉ khổ về thể xác, mà nó còn là cả những đớn đau về một tâm hồn trong hoạt cảnh tù đày. Mị mang danh là vợ A Sử thế nhưng giữa họ không hề có tình yêu, Mị cũng từng có một người yêu, nhưng món nợ của cha mà đứt gánh. Khi về nhà này làm dâu, dường như cuộc đời của Mị chuyển sang hẳn kiếp nô lệ, bị bóc lột không chỉ sức lao động mà con là tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Không gian sống của Mị là một căn buồng có một cái lỗ vuông bằng bàn tay, thật chẳng khác gì cái nhà tù, mà từ đó trông ra “lúc nào cũng thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”, đời Mị cứ ngồi ở cái lỗ vuông ấy mà trông ra đến bao giờ chết thì thôi. Rõ ràng là cuộc đời của một người tù chung thân, mà nó cũng chỉ xuất phát từ cái nỗi Mị là đàn bà ở Hồng Ngài, nhà Mị nghèo quá, mà cha Mị lại mắc nợ người ta. Thế nên để chống chọi với đau đớn đang tàn phá tâm hồn và thể xác, Mị bị buộc phải trở nên chai lì một cách bất lực, sống cuộc đời của một con rùa lầm lũi trong xó cửa, cam chịu và bế tắc.

Những tưởng rằng, cuộc đời của Mị sẽ chỉ mãi nằm trong cái vòng luẩn quẩn bế tắc ấy và cái lòng ham sống, cái sự phản kháng vùng vẫy của Mị đã chết hẳn từ mấy năm trước rồi. Nhưng không, nó vẫn âm ỉ, tiềm tàng nằm thật sâu trong lòng Mị, được bao bọc xung quanh bởi những lớp chai cứng xù xì, dưới lớp tro tàn tàn nguội lạnh để chờ thời cơ nổi dậy. Mùa xuân đến người ta đang nô nức, hào hứng chuẩn bị đón Tết, phụ nữ phơi váy hoa khắp nơi, đám trẻ nô đùa chơi quay, và có tiếng sáo ai rủ bạn đi chơi thấp thoáng. Chính cái tiếng sáo thiết tha, bồi hồi ấy đã thức dậy trong tâm hồn Mị một chút niềm vui sống, thường ngày Mị chẳng thiết nói năng, thế mà nay Mị lại nhẩm hát theo tiếng sáo du dương. Đó là dấu hiệu cho sự thức tỉnh của lòng ham sống, ham vui, ham hạnh phúc trong Mị. Ngày Tết người ta uống rượu, Mị cũng uống “uống ừng ực từng bát” như thể muốn trút hết những uất ức, thống khổ trong lòng một cách thống khoái, mạnh mẽ. Thế rồi Mị lặng người nhìn người ta nhảy múa vui chơi, Mị lại nhớ về những ngày còn ở với cha mẹ, Mị cũng có những ngày tháng tươi đẹp như thế. Mị chợt nhớ mình còn biết thổi sáo, thổi lá cũng rất hay. Mị uống rượu và thổi sáo, Mị tận hưởng cuộc sống, tự tạo dựng lại cho mình những niềm vui ngày xuân để quên đi cái sầu khổ, đớn đau suốt mấy năm qua của mình. Tâm hồn Mị dần dần sống lại một cách chậm rãi, Mị bắt đầu ý thức được mình còn trẻ trung, vẫn còn khao khát những niềm vui của cuộc sống. Có lẽ rằng chính cái âm thanh tiếng sáo gọi bạn đầu làng, cái âm thanh của sự sống cứ văng vẳng bên tai Mị, đã hâm nóng lại ngọn lửa thanh xuân trong lòng cô, khiến “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết”. Mị lại sửa soạn áo quần, tóc tai và muốn ra ngoài hòa vào không khí vui nhộn của dịp Tết, hòa nhập với xã hội. Nhưng đau đớn thay, bấy nhiêu những hớn hở, khao khát của Mị đã bị người chồng A Sử dập tắt, nó trói Mị chặt cứng vào cột nhà khiến cô không thể động đậy. Lúc này đây mấy thấy cái tấm lòng ham sống, khao khát tự do của Mị được bộc lộ một cách mãnh liệt và sâu sắc. Một người vốn đã chai lì cảm xúc, quen bị hành hạ, quen lao động nặng nhọc quanh năm, thờ ơ với cái chết, thế mà lại bắt đầu sợ. Mị nghĩ đến nhà này cũng có một người đàn bà bị trói vào cột đến chết, “Mị sợ quá, Mị cựa quậy xem mình còn sống hay đã chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói siết lại, đau từng mảnh thịt”. Lúc này đây Mị sợ chết tức là lòng ham sống của Mị còn mãnh liệt lắm, Mị thấy đau đớn tức là tâm hồn Mị đã dần dà sống lại, cũng biết buồn biết khổ, chứ không còn chai sạn như trước nữa. Mị đã sống lại một cách hoàn toàn cả về tâm hồn lẫn thể xác.

 Cuộc gặp gỡ với A Phủ, có lẽ chính là định mệnh, là bước ngoặt lớn cho sự phản kháng và việc giành lấy tự do của Mị sau khi tâm hồn nhân vật này hoàn toàn thức tỉnh. Chứng kiến cảnh A Phủ bị trói giữa sân, bị bỏ đói, bị đánh đập chỉ vì làm mất một con bò, nhưng ban đầu Mị vẫn thản nhiên, thổi lửa hơ tay, dường như lòng người đàn bà này lại quay trở về cái vẻ chai sạn, chết hết mọi xúc cảm như trước kia. Thế nhưng sự bình tĩnh, im lặng ấy lại chính là dấu hiệu, sự chuẩn bị cho một quá trình phản kháng mạnh mẽ mà không ai ngờ tới của Mị. “Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má xám đen lại” của A Phủ, như là một giọt nước cuối cùng rớt vào ly nước vốn đã đầy ăm ắp của Mị, trở thành giọt nước tràn ly. Nó đã dấy lên trong lòng người đàn bà này biết bao nhiêu là cảm xúc, Mị thấy căm giận nhà thống lý Pá Tra, chúng nó đã trói chết bao nhiêu người đàn bà như vậy, chúng nó thật độc ác, nhưng phận đàn bà làm dâu trong nhà thì muôn đời phải vậy. Còn A Phủ sao phải chịu chết như thế, Mị thấy bất bình, thấy xót xa cho một kiếp người nhưng còn chẳng bằng con bò bị mất, phải chết vì một con bò, giống như Mị phải làm trâu làm ngựa, gần như chết hẳn trong cái nhà này vì món nợ truyền kiếp của cha. Ôi sao đời Mị và đời A Phủ lại đớn đau giống nhau đến vậy, chẳng lẽ cứ nghèo khó, không quyền thế là phải chịu áp bức, đau khổ hay sao? Mị thương người đàn ông tội nghiệp đó, sắp phải chịu chết đói, chết rét, chết vì bị đánh, Mị muốn cởi trói cho A Phủ, nhưng rồi Mị cũng sợ mình sẽ là người phải chịu chết thay. Mị đã đấu tranh tư tưởng nhiều lần, rồi cuối cùng Mị ra một quyết định rất táo bạo, Mị cởi trói cho A Phủ, thì thào một tiếng “Đi ngay…”. Nhìn thấy một kẻ vốn đã gần chết tới nơi, thế nhưng lại vẫn dùng hết sức bình sinh chạy vụt xuống triền đồi, lòng Mị dường như vỡ ra cái gì đó, phải rồi, Mị đã giải thoát cho người ta thì cũng phải giải thoát cho chính mình chứ, và thế là Mị chạy vụt theo A phủ. Những câu nói cuối cùng trong đoạn trích “Cho tôi theo với, ở đây thì chết mất”, chính là minh chứng cho sự phản kháng mạnh mẽ, ý thức mưu cầu tự do, lòng ham sống, ham tự do mãnh liệt đang cháy ngùn ngụt trong lòng của người đàn bà nhiều năm vốn đã chai lì, lạnh giá.

Vợ chồng A Phủ nói chung và nhân vật Mị nói riêng chính là tấm lòng yêu thương, thông cảm, trân trọng của Tôi Hoài đối với những người con miền núi, những con người dù phải chịu nhiều những đắng cay chèn ép của thần quyền và thần quyền khắc nghiệt. Thế nhưng họ vẫn có một niềm tin, khao khát sống mãnh liệt, sức phản kháng tiềm tàng mạnh mẽ, sẵn sàng đứng lên tự giải thoát cho bản thân, giành lại quyền mưu cầu hạnh phúc và tự do của bản thân. Từ đó Tô Hoài cũng nhấn mạnh tư tưởng của một nhà văn cách mạng, ấy là hướng nhân dân, những con người đang chịu cảnh lầm than thoát khỏi ách áp bức bằng con đường cách mạng, tạo dựng niềm tin của nhân dân vào tương lai tươi sáng của Đảng và nhà nước.

———————–HẾT BÀI 1————————–

Để hiểu hiểu được số phận cũng như những biến chuyển trong nhân vật Mị từ khi trở thành con dâu trừ nợ nhà thống lí đến khi cắt dây cởi trói cho A Phủ, các em có thể tham khảo thêm: Diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân trong Vợ chồng A Phủ, Trình bày bước ngoặt cuộc đời nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ, Phân tích hành động cởi trói của Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

 

2. Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, mẫu số 2:

Tây Bắc là mảnh đất đã gây biết bao thương nhớ cho các nhà văn trong đó có Tô Hoài. “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm được ông sáng tác năm 1952 và in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Đây là kết quả của chuyến đi thực tế tám tháng lên vùng cao Tây Bắc của nhà văn. Nổi bật trong truyện ngắn này là nhân vật Mị, người đã gây được nhiều ấn tượng, cảm xúc cho bạn đọc.
Mị là nhân vật chính trong phần mở đầu của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Đây là nhân vật tiêu biểu, đại diện cho số phận của những người con dâu gạt nợ ở miền núi. Mị có hoàn cảnh thật đáng thương, bất hạnh. Cô được sinh ra trong một gia đình nghèo khổ. Vì không có tiền cưới vợ nên bố Mị đã vay tiền bố của thống lí Pá Tra, mỗi năm phải nộp lãi một nương ngô. Đến khi mẹ của Mị chết vẫn chưa trả hết số nợ. Trước khi về làm dâu gạt nợ nhà thống lí, Mị là cô gái xinh đẹp, có tài thổi kèn lá hay như thổi sáo. Những đêm tình mùa xuân “trai đến đứng nhẵn vách đầu buồng Mị”. Mị có sức hút, sức hấp dẫn như bông hoa rừng đầy hương sắc. Vẻ đẹp của cô gái người Mông khiến chàng trai nào cũng muốn có được.

Mị là cô gái yêu tự do, dám lên tiếng phản đối lệ tục dùng con người làm vật thế mạng cho món nợ vật chất của người thân còn tồn tại trong cuộc sống của người dân Tây Bắc. Khi thống lí Pá Tra nói với bố Mị rằng: “Cho tao đứa con gái này về làm dâu thì tao xóa hết nợ cho” thì Mị thẳng thắn trả lời: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Lời nói của Mị đã chứng tỏ cô là một người có nhận thức sâu sắc về cuộc sống, Mị chấp nhận làm nương ngô cả đời để trả nợ chứ không làm con dâu gạt nợ và sống cuộc sống mất tự do trong nhà thống lí.

Khi bị bắt về làm con dâu gạt nợ, Mị vô cùng đau đớn và phẫn uất: “Có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”. Mị chuẩn bị sẵn lá ngón để tự tử nhưng nghĩ đến bố “Mị không đành lòng chết”. Hành động định tự tử của Mị nhìn bề ngoài là hành động tiêu cực nhưng thực chất lại thể hiện sự đấu tranh mãnh liệt đòi giải thoát kiếp trâu ngựa. Hành động ấy còn thể hiện thái độ không chấp nhận cuộc sống thực tại, không chấp nhận thân phận nô lệ của Mị.

phan tich nhan vat mi trong truyen vo chong a phu

Phân tích hình tượng nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ tuyển chọn

Nhưng thời gian trôi đi khiến sự phản kháng trong con người Mị không còn mạnh mẽ nữa. Cô được giới thiệu gián tiếp qua lời kể của tác giả nên khiến câu chuyện khách quan và chân thực hơn. Hình ảnh người con gái ấy hiện lên qua các công việc “ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi, đi cõng nước dưới khe suối. Bất kể làm gì thì “cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Mị gần như câm lặng và cam chịu số phận “Ở lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi”.. Gia đình thống lí Pá Tra “có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng”, giàu có là vậy nhưng con dâu phải làm việc như thân trâu ngựa. Mị cũng tưởng mình là con trâu, con ngựa “chỉ biết việc ăn cỏ, việc đi làm mà thôi”. Nhưng con trâu, con ngựa “làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ” còn Mị phải làm việc cả đêm lẫn ngày, không một phút nghỉ tay. Những công việc hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay, bẻ ngô, hái củi, tước sợi đay hiện ra như một dòng chảy không bao giờ ngừng khiến Mị “lùi lũi như con rùa nơi trong xó cửa”. Dường như cuộc sống của người con dâu gạt nợ đã khiến cô trở nên câm lặng, “càng ngày Mị càng không nói”. Không những thế, Mị còn mất hết ý niệm về thời gian, không gian. Điều ấy được tác giả đặc tả qua chi tiết: “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ bằng một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”. Và chính Mị cũng đã nghĩ rằng “mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”.

Ngỡ tưởng cô gái ấy tồn tại như cái xác không hồn trong nhà thống lí nhưng không khí của mùa xuân đã làm tâm hồn và lòng yêu đời của Mị trỗi dậy. Tiếng sáo rủ bạn đi chơi mang âm hưởng bồi hồi, tha thiết, rạo rực khiến Mị nhớ đến quá khứ, nhớ đến cuộc sống tự do của mình trước đây. Mị nhẩm thầm theo lời bài hát:

“Mày có có con trai con gái rồi
 Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu”.

Tiếng sáo có sức quyến rũ đến lạ kì. Nó đưa Mị trở về sống với những cảm xúc của một thời tươi trẻ. Mị không còn “lùi lũi”, chịu đựng nữa. Dường như cô muốn thoát ra khỏi cái vỏ bọc để sống đúng là chính mình. Mị uống rượu, “uống ừng ực từng bát” rồi Mị say, “Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về những ngày trước”. Trước đây, Mị đã từng là một cô gái thổi sáo giỏi, “có biết bao hiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”.

Không khí của những đêm tình mùa xuân tràn về khiến lòng Mị phơi phới trở lại và “đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước”. Mị nhận ra mình vẫn còn trẻ lắm và cũng muốn đi chơi như bao nhiêu người khác. Ý định muốn đi chơi của Mị đã trở thành hành động khi cô “lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào ống đèn cho sáng” rồi “quấn lại tóc”, “với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”. Hành động ấy của Mị đã thể hiện sự hồi sinh trong tâm hồn, thể hiện một sức sống mãnh liệt mà bấy lâu nay bị những khổ cực đè nén khiến nó không có cơ hội được bộc lộ.

Nhưng giữa lúc lòng yêu đời trỗi dậy mãnh liệt thì cũng là lúc Mị bị vùi dập phũ phàng. A Sử biết Mị muốn đi chơi nên “xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà”, A Sử “quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa”. Trong không gian của bóng tối, Mị vẫn nghe thấy những âm thanh dìu dặt của tiếng sáo, nó “đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”. A Sử có thể trói buộc Mị về thể xác nhưng không thể trói buộc được Mị về tâm hồn. Tiếng sáo da diết như mời gọi đã khiến “Mị vùng bước đi” nhưng Mị không thể cất bước vì “tay chân đau không cựa được”. Nỗi đau về thể xác khiến Mị quay về thực tại, Mị đau đớn, “thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”. Mị đã ý thức được cuộc sống thực tại và xót xa cho số phận của bản thân mình.

Bằng một sức sống mãnh liệt tiềm ẩn bên trong con người, Mị đã tự giải thoát cho chính mình qua hành động cắt dây trói, giải cứu cho A Phủ và cùng anh trốn khỏi Hồng Ngài đến khu du kích Phiềng Sa. A Phủ là người đối đầu với A Sử – con trai thống lí Pá Tra trong lần A Sử cùng chúng bạn kéo vào làng chơi và dọa đánh bọn con trai lạ. Vì đấu tranh cho cái thiện, cho chính nghĩa mà A Phủ bị bắt làm nô lệ cho nhà thống lí. Khi nhìn thấy “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”, Mị chợt nhớ lại đêm mình bị A Sử trói đứng như thế. Từ thản nhiên, thờ ơ, Mị đã có sự đồng cảm với tình cảnh, thân phận của A Phủ. Suy cho cùng, cả hai người đều là những vật thế mạng cho món nợ của người thân hoặc của chính mình. Giai cấp thống trị ở miền núi đã lợi dụng lệ tục cổ hủ đó để bóc lột sức lao động của họ biến họ trở thành thân trâu ngựa làm giàu cho mình. Bằng tấm lòng thương người, Mị đã “cắt nút dây mây” và bảo A Phủ “Đi ngay”. Hành động ấy vô cùng táo bạo bởi nếu gia đình thống lí biết thì Mị sẽ là người bị trói thay vào chỗ của A Phủ. Khát vọng giải thoát bản thân và khát vọng về một cuộc sống tự do đã thôi thúc Mị bỏ trốn cùng A Phủ. Sức sống trong cô đã bùng lên mạnh mẽ để đấu tranh chống lại cường quyền, thần quyền và phu quyền. Hành động cắt dây trói cho A Phủ cũng là hành động cắt dây trói cho chính mình, chấm dứt cuộc đời nô lệ, bị áp chế của Mị.

Có thể nói, Mị là linh hồn của phần một trong truyện “Vợ chồng A Phủ”. Nhân vật này được Tô Hoài khắc họa bằng bút pháp cá thể hóa và nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế. Qua nhân vật Mị, nhà văn đã thể hiện những tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần quan trọng làm nên sự thành công của tác phẩm.
 

3. Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, mẫu số 3:

Tô Hoài là một nhà văn lớn, đóng góp nhiều thành tự cho văn học Việt Nam. Nếu như trước năm 1945, ông đánh dấu sự thành công với tập truyện “Dế Mèn phiêu lưu kí” thì sau năm 1945, tập “Truyện Tây Bắc” đã đưa tên tuổi của ông lên một tầm cao mới. Tình cảm thiết tha, gắn bó, sâu sắc của Tô Hoài dành cho đất và con người Tây Bắc đã giúp ông viết nên những trang văn thấm đẫm tình yêu thương như thế. Truyện “Vợ chồng A Phủ” được trích trong tập Tây Bắc là câu chuyện tiêu biểu và mang nhiều giá trị tư tưởng lớn. Trong truyện, tác giả gửi gắm trọn vẹn nhất những tình cảm của mình vào nhân vật Mị, một cô gái đại diện cho vẻ đẹp và phẩm chất con người Tây Bắc.

Mị vốn là một người con gái tuổi đôi mươi của núi rừng Tây Bắc xinh đẹp và có tài thổi lá kèn hay như thổi sáo, được nhiều thanh niên trong làng mến mộ. Sức hấp dẫn của Mị tựa như những bông hoa rừng Tây Bắc đầy mê hoặc. Vào những đêm tình mùa xuân, trai bản đến đứng nhẵn cả vách đầu buồng Mị. Không chỉ xinh đẹp, ở nàng còn hội tụ những phẩm chất đẹp đẽ, đó là người con gái hiếu thảo với cha mẹ lại chăm chỉ trong công việc. Cuốc nương, làm rẫy Mị đều thuần thục.

Một cô gái tài sắc vẹn toàn như Mị xứng đáng được yêu thương, được hạnh phúc, nhưng Mị lại gặp phải hoàn cảnh trớ trêu. Bọn phong kiến tàn bạo đã khiến gia đình Mị lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, gánh nặng phải trả nợ đè nặng lên đôi vai cô gái bé nhỏ. Song, chưa bao giờ Mị muốn phải bán mình để trả nợ, nàng cầu xin bố đừng bán cho nhà giàu, cô sẽ chăm chỉ làm nương, cuốc rẫy giúp bố trả nợ. Nhưng xã hội cường quyền lại không cho phép Mị sống cuộc đời tự do ấy. Cuộc đời Mị phải chịu sự quyết định của kẻ khác, cuối cùng cô phải bán mình, bước chân vào nhà tên thống lí Pá Tra tàn ác chịu phận nô lệ trên danh nghĩa làm dâu xoá nợ. Một cô gái sẵn sàng hi sinh bản thân để cứu lấy cha mẹ, cứu lấy gia đình chứng tỏ Mị là cô gái hết mực hiếu thảo, yêu thương cha mẹ mình. Mị khát khao tự do, ý thức được nhân phẩm và giá trị bản thân nhưng cường quyền của chế độ phong kiến thối nát đã trói buộc cuộc đời cô.

Về làm dâu nhà Pá Tra, Mị phải âm thầm chịu đựng bao nỗi bất công, thời gian đầu, đêm nào Mị cũng khóc thương cho số phận, cho cảnh hẩm hiu của đời mình, nàng đã bỏ hết tất thảy để tìm đến cái chết bằng nắm lá ngón để giải thoát những uất ức, khổ đau kìm nén bấy lâu. Nhưng khi nghĩ về cha, thương cha nàng lại không đành lòng, đành phó mặc cuộc sống, chấp nhận cuộc đời cơ cực với kiếp nô lệ đau thương của mình. Trong nhà tên A Sử, Mị chịu bao nỗi đau thể xác và tinh thần, Mị khổ cực hơn cả trâu cả ngựa, công việc làm triền miên ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác chẳng nghỉ ngơi. Mị như một cái máy gắn bó với công việc từ hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay đến đi bẻ ngô, gánh nước, kiếm củi,…, không việc nào là không tới tay Mị. Thể xác bị bóc lột, tinh thần Mị cũng không sướng là bao, nàng suốt ngày “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, tinh thần bị tê liệt đến đau khổ, Mị ngày càng ít nói, câm lặng hơn, chẳng còn nhận thức về thời gian và cuộc sống ngoài kia. “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ bằng một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”. Dường như tuổi xuân của nàng bị khoá chặt trong ngôi nhà đó. Nàng ngày càng trở nên vô cảm.

Song, ẩn sâu trong con người Mị là một sức sống tiềm tàng không gì có thể ngăn nổi. Khi mùa xuân đến, không khí vui xuân ngày hội nơi bản làng Tây Bắc thật đẹp, thật tươi, khiến Mị bồi hồi nhớ lại những quá khứ tươi đẹp ngày xưa. Rượu và tiếng sáo rủ bạn tình khiến tâm hồn tươi trẻ của Mị như có dịp trỗi dậy, lòng Mị rạo rực sức sống mùa xuân “lòng Mị đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước”. Từ niềm rạo rực, phấn chấn ấy đã thôi thúc Mị hành động dứt khoát và quyết liệt vô cùng. Cô lấy ống mỡ bỏ thêm vào đĩa dầu để thắp đèn, thắp lên thứ ánh sáng xua tan đi bóng tối rợn ngợp bao trùm, xua tan màn đêm bấy lâu vây quanh cuộc đời Mị, nhen nhóm ngọn lửa hy vọng cho cuộc đời chính mình. Rồi Mị “quấn tóc lại với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”, Mị muốn được là mình, được là một cô gái đẹp đẽ như bao người con gái khác trong đêm mùa xuân ấy. 

Trong lúc sức trẻ đang trỗi dậy, lòng yêu đời đang sung sức với Mị thì thực tại phũ phàng đã nhẫn tâm vùi dập niềm yêu ấy. A Sử khi biết lòng Mị muốn đi chơi, hắn đã chặn đứng ngay ý định đó. Hắn trói vợ vào cột nhà bằng một thúng sợi đay, quấn lấy mái tóc dài của Mị lên cột khiến cô đau đớn không thể cử động được. Nhưng thể xác dù bị trói buộc, bị hành hạ vẫn không thể trói lấy tâm hồn đang thiết tha cuộc sống của nàng, khát vọng sống vẫn âm ỉ cháy trong con người Mị. Hành động mãnh liệt nhất của cô là cắt dây trói cho A Phủ. Trong cơn đau đớn, Mị xót xa cho phận mình, thương cảm cho phận người, đó là sự đồng cảm với những kiếp người cùng chung số phận. Chính giọt nước mắt của A Phủ đã thức tỉnh Mị, hồi sinh trái tim đầy những vết sẹo đau thương. Mị quyết định cùng A Phủ chạy trốn. Giải thoát cuộc đời mình khỏi những sức mạnh tàn bạo của cường quyền, của bọn thống lí thiếu tình người, đồng thời chấm dứt cuộc đời nô lệ tăm tối, thương đau của chính mình. 

Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, khắc hoạ tính cách nhân vật qua suy nghĩ và hành động cùng lời văn nhẹ nhàng mà tinh tế, Tô Hoài đã xây dựng nên một hình tượng nhân vật Mị thật tiêu biểu và đặc sắc. Qua nhân vật, tác giả lên tiếng tố cáo chế độ áp bức tàn bạo, hà khắc của tầng lớp thống trị trong xã hội xưa và nói lên tiếng nói thương cảm trước những kiếp người chịu nhiều áp bức, bất công.

 
————————–HẾT——————————

Tóm tắt tác phẩm văn xuôi là một trong số những kĩ năng quan trọng và cơ bản khi bạn tiếp cận với văn bản, vậy với yêu cầu Tóm tắt truyện ngắn Vợ chồng A Phủ bạn đã chọn những chi tiết truyện tiêu biểu nào để giúp bài tóm tắt của mình đầy đủ, hàm súc và chặt chẽ, giúp người khác có thể hiểu khái quát nhất nội dung mà không cần phải đọc cả tác phẩm?

Trong tác phẩm văn học 12, các em sẽ thấy được có rất nhiều nhân vật có chuyển biến tâm lý rõ nét, như nhân vật Mị, nhân vật Tràng trong Vợ nhặt. Các em tham khảo phân tích nhân vật Tràng để thấy được điều đó cũng như trau dồi kiến thức bài văn Vợ nhặt hiệu quả. 

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-nhan-vat-mi-trong-truyen-ngan-vo-chong-a-phu-cua-nha-van-to-hoai/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp