Phân tích nhân vật người đàn ông trong Chiếc thuyền ngoài xa

0
120
Rate this post

Đề bài: Phân tích nhân vật người đàn ông trong Chiếc thuyền ngoài xa

phan tich nhan vat nguoi dan ong trong chiec thuyen ngoai xa

Phân tích nhân vật người đàn ông trong Chiếc thuyền ngoài xa

Bạn đang xem: Phân tích nhân vật người đàn ông trong Chiếc thuyền ngoài xa

I. Dàn ý Phân tích nhân vật người đàn ông trong Chiếc thuyền ngoài xa (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa và nhân vật người đàn ông hàng chài

2. Thân bài

– Xuất thân: Là một “anh con trai cục tính nhưng hiền lắm”, vì trốn đi lính ngụy nên cuộc sống nghèo khổ, túng quẫn.

– Ngoại hình: Cao lớn, thô kệch, khắc khổ:
+ Mái tóc như tổ quạ
+ Tấm lưng rộng và cong như một chiếc thuyền
+ Hàng lông mày cháy nắng và hai con mắt độc dữ
=> Ngoại hình khắc khổ, thô kệch điển hình cho những người lao động nghèo miền biển.

– Tính cách:
+ Vốn là người đàn ông hiền lành, không bao giờ đánh vợ con
+ Giàu tình thương, từng cưu mang, giúp đỡ người đàn bà hàng chài
+ Có trách nhiệm với gia đình, cuộc sống dẫu nghèo khổ nhưng vẫn không bỏ rơi vợ con.
+ Là nạn nhân của đói nghèo.

+ Vì nghèo khổ nên tâm tính thay đổi, trở nên độc ác, tàn nhẫn:
· Trút những trận đòn roi vô tình lên người vợ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”
· Buông ra những lời chửi mắng, nguyền rủa độc địa “Mày chết đi. Chúng mày chết hết đi”

+ Ích kỉ, vô tình, vì nỗi khổ của bản thân mà gây ra đau khổ, bất hạnh cho người khác

3. Kết bài

Cảm nhận chung về nhân vật.

II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật người đàn ông trong Chiếc thuyền ngoài xa (Chuẩn)

Trong giai đoạn đổi mới nền văn học, Nguyễn Minh Châu được đánh giá là người mở đường tinh anh và tài hoa nhất. Những tác phẩm của ông đều hướng đến cuộc sống con người thời hậu chiến với những trăn trở về số phận con người và trách nhiệm của người cầm bút. “Chiếc thuyền ngoài xa” là truyện ngắn tiêu biểu cho những cách tân và phong cách sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975. Câu chuyện kể về chuyến thực tế của nhân vật Phùng tại một bãi biển nghèo miền Trung và số phận bất hạnh của người đàn bà hàng chài bên người chồng vũ phu. Trong truyện, càng thương cảm, xót xa cho số phận của nhân vật người đàn bà bao nhiêu thì ta càng bất bình trước sự độc ác, vũ phu của người chồng bấy nhiêu. Nhân vật người đàn ông hàng chài – người chồng vũ phu hiện lên qua những lời nói và hành động tàn nhẫn khiến Phùng và bất kì ai chứng kiến đều cảm thấy bất bình, phẫn nộ. Thế nhưng đằng sau sự lạnh lùng, tàn nhẫn đáng trách ấy còn có cả một câu chuyện dài về bản chất tính cách và sự thay đổi của người đàn ông ấy.

Nhân vật người đàn ông không được Nguyễn Minh Châu miêu tả quá chi tiết trong tác phẩm mà chỉ xuất hiện chớp nhoáng qua cái nhìn của Phùng và trong câu chuyện của người đàn và hàng chài tại tòa án huyện. Lần đầu tiên xuất hiện, người đàn ông hiện lên với dáng vẻ cao lớn, thô kệch với mái tóc như tổ quạ, tấm lưng rộng và cong như một chiếc thuyền, hàng lông mày cháy nắng và hai con mắt độc dữ,…Không những thế, hành động tàn nhẫn “lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa…quất tới tấp vào lưng người đàn bà” và lời nói độc địa “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết đi cho ông nhờ”. Đáng trách hơn là sự tàn độc của người đàn ông không chỉ là sự bộc phát mà nó đã diễn ra rất thường xuyên “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một người chồng nào như hắn”. Những lời nói và hành động mất hết nhân tính ấy khiến Phùng hay bất cứ ai chứng kiến đều cảm thấy phẫn nộ, giận dữ, không hiểu vì lí do gì mà người đàn ông ấy có thể ra tay độc ác đến vậy.

Nếu không có câu chuyện của người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện, ấn tượng về nhân vật người đàn ông chỉ có sự độc ác, xấu xa, tàn nhẫn. Lắng nghe những trải lòng của người đàn bà, người ta mới ngỡ ra rằng người đàn ông ấy cũng rất đáng thương. Chỉ vì cuộc sống quá khổ mà tâm tính thay đổi, con người lương thiện trước kia bị cái tàn ác, thô bạo che lấp.

Trước kia người đàn ông hàng chài vốn là một “anh con trai cục tính nhưng hiền lắm”, vì trốn đi lính ngụy nên cuộc sống nghèo khổ, túng quẫn. Nếu trong con mắt của Phùng, Đẩu người đàn ông là một kẻ độc ác, không có tính người thì với người đàn bà hàng chài, ông ta không chỉ là người chồng mà còn là một ân nhân. Ngày còn trẻ, người đàn bà xấu xí lại rỗ mặt do bị bệnh đậu mùa nên khó lấy được chồng. Khi ấy người đàn ông hàng chài đã chấp nhận cưu mang và mang đến cho người đàn bà ấy một cuộc sống gia đình đúng nghĩa. Gia đình chị cũng có những phút giây hạnh phúc bên nhau, hạnh phúc nhất là khi nhìn những đứa con được ăn no, có một gia đình hoàn chỉnh.

Cuộc sống trên biển vốn bấp bênh, khó khăn, gia đình lại nhiều con nên mọi gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai của người đàn ông ấy. Vì quá khổ nên mới sinh ra độc ác, tàn nhẫn. Không ai có thể phủ nhận sự độc ác trong hành động, lời nói của người đàn ông thế nhưng cũng cần nhìn nhận một cách công bằng, vì ở một khía cạnh nào đó, dù khổ cực, bần cùng thì ông ta vẫn cố gắng cáng đáng mà không bỏ rơi vợ con. Qua đây có thể lí giải hành động và sự thay đổi từ một anh con trai hiền lành, không bao giờ đánh vợ con thành một người tàn ác, vũ phu. Về bản chất, người đàn ông vốn hiền lành, chịu thương chịu khó, thế nhưng vì quá khổ, lại không biết uống rượu như những người đàn ông thuyền khác nên ông ta chọn cách tiêu cực, tồi tệ nhất, đó là trút những bực dọc, uất ức, mệt mỏi của bản thân lên người vợ đầu ấp tay gối của mình.

Nhìn vào ngoại hình khắc khổ và giọng điệu rên rỉ đau đớn khi buông những lời chửi mắng tàn tệ có thể thấy ông ta cũng rất đau khổ. Đau khổ vì nghèo, vì bất lực trước cuộc sống đói nghèo, bế tắc. Người đàn ông cũng là nạn nhân của cuộc sống thời hậu chiến, tuy đáng thương nhưng cũng rất đáng trách. Những áp lực vô hình của cuộc sống đã biến ông ta trở thành một kẻ độc ác, ích kỉ, nhẫn tâm ngay cả với những người thân yêu nhất của mình. Vì cái khổ và những cảm xúc tiêu cực của bản thân, ông ta không chỉ gây tổn thương về thể xác, tinh thần cho vợ mà còn làm tổn thương tâm hồn non nớt và tạo ra những nhận thức, hành động lệch lạc cho đứa con của mình.

Khép lại trang văn của Nguyễn Minh Châu, người đọc không thôi trăn trở về cuộc sống, về con người và số phận của chính những con người trong câu chuyện. Chúng ta thương một người đàn bà hàng chài giàu hi sinh, am hiểu lẽ đời, vừa thương, vừa trách một người đàn ông bị tha hóa bởi cái nghèo, cái khổ. Qua câu chuyện về gia đình người hàng chài chúng ta cũng chợt nhận ra rằng cuộc sống vốn nhiều những góc khuất, nếu không lắng mình lại để cảm nhận, để thấu hiểu ta chỉ thấy nó xấu xí, đáng trách và không bao giờ ta thương, đúng như nhà văn Nam Cao từng viết: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi . . . toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương”.

—————-HẾT—————-

Tìm hiểu về bi kịch gia đình của người đàn bà hàng chài cũng như những triết lí về nghệ thuật được gửi gắm trong tác phẩm, bên cạnh bài văn mẫu trên đây, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận về vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích hình tượng chiếc thuyền ngoài xa, Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu qua Chiếc thuyền ngoài xa.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-nhan-vat-nguoi-dan-ong-trong-chiec-thuyen-ngoai-xa/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp