Đề bài: Phân tích nhân vật Nguyệt trong truyện Mảnh trăng cuối rừng
Phân tích nhân vật Nguyệt trong truyện Mảnh trăng cuối rừng
Bạn đang xem: Phân tích nhân vật Nguyệt trong truyện Mảnh trăng cuối rừng
I. Dàn ý Phân tích nhân vật Nguyệt trong truyện Mảnh trăng cuối rừng
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật Nguyệt.
2. Thân bài
a. Vẻ đẹp ngoại hình của Nguyệt:
– Được Nguyễn Minh Châu dựng lên một cách thật ý nhị và hấp dẫn:
+ “một đôi gót chân hồng hồng sạch sẽ, đôi dép cao su cũng sạch sẽ, gấu quần lụa đen chấm mắt cá”.
=> Nguyệt là cô gái rất tinh tế, tỉ mỉ và biết cách chăm sóc bản thân
+ Ấn tượng với “một vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi tỏa ra từ nét mặt, giọng nói và tấm thân mảnh dẻ”, lại “mặc áo xanh chít hông vừa khít, mái tóc dài tết thành hai dải. Chiếc làn và chiếc nón mới trắng lóa khoác ở cánh tay trông thật nhẹ nhàng”.
=> Vẻ đẹp thơ mộng hiếm có của cô gái, hệt như một bông hoa sen giữa chiến trường khắc nghiệt. Đó là một vẻ đẹp trong ngần, tràn đầy sức sống tươi trẻ của một cô gái độ hai mươi tuổi đầu.
b. Vẻ đẹp trong tính cách, cử chỉ, hành động:
– Nói chuyện rất kiêng dè, lễ phép và đối đáp mạch lạc thấy được sự trẻ trung, thông minh và sự dịu dàng, đáng yêu:
+ Hỏi về chiếc đèn “quả dưa” hay “quả táo”.
+ Kể về những cô Nguyệt trong đoàn công nhân một cách thật thà.
+ Bối rối giải thích về sự lồi lõm của những con đường mà tổ đội cô chịu trách nhiệm tu sửa, san bằng.
=> Tâm hồn trong sáng, chân thật của cô gái trẻ, nó góp thêm vào cái vẻ đẹp như hoa như sương khiến cho chàng chiến sĩ lái xe vốn tự nhận mình là “già đời trong nghề lái xe” bâng khuâng đến độ nhận nhầm trăng thành pháo sáng.
– Tính cách e lệ, giữ kẽ của một thiếu nữ chưa chồng, cô cố ý ngồi sát mép cửa, chiếc làn ôm gọn trong lòng, để lại giữa Lãm và cô một khoảng trống lớn, đồng thời không quên ngắm trong buồng xe bằng một cặp mắt rụt rè và tò mò.
– Sự tự tin và lòng nhiệt thành toát lên từ tâm hồn:
+ Gặp đoạn đường khó đi và tối cô động viên anh lính lái xe bằng câu “Anh cứ yên tâm, đoạn đường này em quen lắm”.
+ Liên tục chỉ lối cho Lãm lái xe, thỉnh thoảng có đoạn bánh trước sục xuống rãnh sâu quá cô phải xuống “xi nhan” cho anh kéo lên.
+ “anh đã cho em đi nhờ xe, lúc khó khăn lại bỏ anh ư”, cô quyết giúp đỡ anh lội qua con sông tối om, nguy hiểm.
c. Vẻ đẹp trong chiến đấu:
– Lanh lẹ, thông minh và có kinh nghiệm trong chiến đấu:
+ Nhận thấy máy bay địch tới gần “vội nhảy ùm xuống sông” rồi bảo Lãm tắt đèn xe đi.
+ Trở nên kiên cường, mạnh mẽ và dứt khoát hơn tất thảy. Cô nhanh nhẹn lội qua bên kia sông, giúp Lãm buộc dây tời xe, gặp máy bay địch đánh ngầm Nguyệt đã lanh lẹ và khỏe hết sức đẩy một người đàn ông như Lãm vào giữa một vật gì đó rất cứng và sâu, hòng bảo vệ anh khỏi việc đánh tọa độ của kẻ thù.
– Sự tự tin, kiên cường và dũng cảm:
+ Chấp nhận nguy hiểm nhất nhất bảo vệ người lính lái xe và chiếc xe chở hàng tấn đồ quân sự bằng sự liều lĩnh của bản thân mình.
+ Nguyệt rất bình tĩnh, cô chạy theo Lãm lên xe, mặc kệ bị bom làm ngã đau đớn, Lãm cứ chạy xe và Nguyệt cứ nói rành rọt như người đếm ở bên tai: “Anh ngoặt sang trái… Trước mặt anh có hố bom đấy… Chuẩn bị sắp lên một cái dốc có “cua”…”. Có quãng khó đi và tối cô lại nhảy xuống đi dò đường trước cho Lãm lái theo sau.
+ Nguyệt bị thương bên vai, máu chảy ướt cả một bên tay áo, thế nhưng cô gái ấy vẫn cười an ủi rằng “anh cứ yên tâm, vết thương chỉ xước ngoài da thôi. Từ giờ tới sáng em có thể lên đến tận trời được”.
d. Vẻ đẹp trong tình yêu, niềm tin với cuộc sống:
– Tình cảm thủy chung của Nguyệt dành cho một người trai chưa biết mặt bao giờ, là một cô gái có nhan sắc, được biết bao anh lính khá hỏi thăm, nhưng nàng vẫn chẳng chịu quen ai, chỉ một lòng hướng về Lãm, bằng một trái tim nguyên vẹn mong chờ suốt mấy năm trời.
– Có thể thấy rằng sự chờ đợi, thủy chung của cô Nguyệt chính là biểu trưng cho sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, niềm tin vào tình yêu mãnh liệt, cũng như niềm tin về một mai đây đất nước giải phóng, Nam Bắc sum vầy vậy.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận chung.
II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Nguyệt trong truyện Mảnh trăng cuối rừng
Nguyễn Minh Châu (1930-1989), là nhà văn có ảnh hưởng quan trọng đối với nền văn học Việt Nam trong kháng chiến và đồng thời cũng là ngòi bút mở đường tinh anh và tài hoa trong nền văn học thời kỳ đổi mới. Trong suốt hơn 3 thập kỷ sáng tác của mình Nguyễn Minh Châu đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, đặc biệt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ông chắp bút viết về đề tài người lính khá nhiều. Không giống như những nhà văn cùng thời luôn tô đậm những vẻ đẹp mang tính chất anh hùng, sử thi mà thay vào đó Nguyễn Minh Châu mềm mại và khéo léo hơn khi tô điểm cho các nhân vật của mình một vẻ đẹp tinh thần và niềm tin hiếm có, bên ngoài là cái ngoại hình dù xấu hay đẹp cũng thật sạch sẽ và trong ngần. Cô Nguyệt, nhân vật chính trong tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng chính là một người như thế, một nữ thanh niên xung phong dũng cảm trên tuyến đường Trường Sơn khốc liệt, nhưng vẫn mang trong mình những vẻ đẹp rất thơ, một tình yêu chung thủy, và một tinh thần chiến đấu kiên cường, hệt như một đóa sen tinh khiết mang hơi thở của vầng trăng vậy.
Nguyệt xuất hiện thông qua lời kể của một người lính lái xe tên là Lãm, người có chị gái tên là Tính là một nữ công nhân ở công trường cầu Đá Xanh. Chị đã làm mai mối cho Lãm với một cô gái tên là Nguyệt mà chị rất ưng bụng cho làm em dâu. Thế nhưng vì chiến tranh, vì mỗi người đều có một nhiệm vụ khác nhau mà Lãm và Nguyệt chưa từng có một lần “xem mặt” chính thức. Bẵng đi cả một thời gian mấy năm trời, thậm chí đến bản thân Lãm cũng sắp quên cái việc mối mai này thì bất ngờ trong một chuyến xe đi qua cầu Đá Xanh, anh lái phụ “vượt quyền” cho một cô gái đi nhờ. Lãm chính thức gặp mặt Nguyệt, cô gái mà vốn trước đó đọc thư của chị Tính anh đã rất cảm động vì sự đợi chờ của nàng dành cho mình suốt mấy năm trời đằng đẵng, dù chưa một lần gặp mặt.
Ban đầu bản thân nhân vật Lãm không hề biết cô gái anh gặp là Nguyệt, người anh dự định sau chuyến xe này sẽ đến thăm. Ngoại hình của nhân vật Nguyệt được Nguyễn Minh Châu dựng lên một cách thật ý nhị và hấp dẫn, độc giả nhận ra vẻ đẹp của cô gái đầu tiên không phải là từ khuôn mặt mà ấy là từ đôi chân “một đôi gót chân hồng hồng sạch sẽ, đôi dép cao su cũng sạch sẽ, gấu quần lụa đen chấm mắt cá”. Sự đẹp đẽ chỉn chu đến tận gót chân ấy đã cho người đọc một cảm nhận rằng Nguyệt là cô gái rất tinh tế, tỉ mỉ và biết cách chăm sóc bản thân, dẫu lỡ như khuôn mặt cô không xinh đẹp đi chăng nữa, thì cũng ắt là người duyên dáng, dịu dàng. Khi nhân vật Lãm từ gầm xe lên, chính thức chạm mặt Nguyệt anh đã ấn tượng với cô bởi “một vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi tỏa ra từ nét mặt, giọng nói và tấm thân mảnh dẻ”, lại “mặc áo xanh chít hông vừa khít, mái tóc dài tết thành hai dải. Chiếc làn và chiếc nón mới trắng lóa khoác ở cánh tay trông thật nhẹ nhàng”. Chỉ từng ấy câu chữ nhưng cũng đủ làm người ta mê say cái vẻ đẹp thơ mộng hiếm có của cô gái, hệt như một bông hoa sen giữa chiến trường khắc nghiệt. Đó là một vẻ đẹp trong ngần, tràn đầy sức sống tươi trẻ của một cô gái độ hai mươi tuổi đầu, một vẻ đẹp hiếm có giữa hàng ngàn nữ công nhân của ngầm Đá Xanh, thảo nào chị Tính lại sốt ruột giành về cho em trai như thế. Không chỉ ở ngoại hình, đến cả giọng nói hay cử chỉ hành động của Nguyệt cũng thật duyên dáng, yêu kiều biết bao, cô nói chuyện rất kiêng dè, lễ phép và đối đáp mạch lạc với anh lái xe chỉ mới quen. Ở những câu nói của cô gái, người ta thấy được sự trẻ trung, thông minh và sự dịu dàng, đáng yêu ví như việc cô hỏi về chiếc đèn “quả dưa” hay “quả táo”, rồi việc cô kể những những cô Nguyệt trong đoàn công nhân một cách thật thà. Hoặc những lúc cô bối rối giải thích về sự lồi lõm của những con đường mà tổ đội cô chịu trách nhiệm tu sửa, san bằng. Bấy nhiêu câu chuyện ấy cũng để thấy được cái tâm hồn trong sáng, chân thật của cô gái trẻ, nó góp thêm vào cái vẻ đẹp như hoa như sương khiến cho chàng chiến sĩ lái xe vốn tự nhận mình là “già đời trong nghề lái xe” bâng khuâng đến độ nhận nhầm trăng thành pháo sáng. Dẫu thoải mái, vô tư và hồn nhiên, nhưng người ta vẫn thấy ở Nguyệt tính cách e lệ, giữ kẽ của một thiếu nữ chưa chồng, cô cố ý ngồi sát mép cửa, chiếc làn ôm gọn trong lòng, để lại giữa Lãm và cô một khoảng trống lớn, đồng thời không quên ngắm trong buồng xe bằng một cặp mắt rụt rè và tò mò. Không chỉ như vậy, ở Nguyệt ta còn thấy một sự tự tin và lòng nhiệt thành toát lên từ tâm hồn, gặp đoạn đường khó đi và tối cô động viên anh lính lái xe bằng câu “Anh cứ yên tâm, đoạn đường này em quen lắm”. Và đúng là cô quen thật, Nguyệt liên tục chỉ lối cho Lãm lái xe, thỉnh thoảng có đoạn bánh trước sục xuống rãnh sâu quá cô phải xuống “xi nhan” cho anh kéo lên. Vốn dĩ cô gái sẽ xuống xe trước khi qua sông, thế nhưng với tấm lòng nhiệt tình “anh đã cho em đi nhờ xe, lúc khó khăn lại bỏ anh ư”, cô quyết giúp đỡ anh lội qua con sông tối om, nguy hiểm này.
Cũng từ đây một vẻ đẹp khác của Nguyệt dần hiện ra trước mắt độc giả, sự lanh lẹ, kiên cường, dũng cảm và thông minh trong chiến đấu. Kinh nghiệm làm việc ở ngầm Đá Xanh đã cho Nguyệt biết được nhiều điều trong đó có việc nghe thấy tiếng máy bay trinh sát của địch, hoặc việc bóng đèn xe trên sông sẽ loang đi rất xa, điều đó khiến cô nhanh chóng nhận thấy nguy hiểm tới gần “vội nhảy ùm xuống sông” rồi bảo Lãm tắt đèn xe đi. Sự chuyển biến ấy của Nguyệt khiến tác giả không khỏi sửng sốt, một cô gái sạch sẽ, tỉ mỉ luôn giữ cho cả gót chân lẫn đôi dép tinh tươm thế mà lại sẵn sàng nhanh chóng nhảy ùm xuống sông, chấp nhận ướt hết người. Lúc đó họ mới hiểu Nguyệt không phải chỉ là một cô gái thông thường, cô là một bông hoa xinh đẹp nhưng cũng là một nữ chiến sĩ chiến đấu giữ chiến trường ác liệt. Vào cuộc chiến, Nguyệt cũng trở nên kiên cường, mạnh mẽ và dứt khoát hơn tất thảy. Cô nhanh nhẹn lội qua bên kia sông, giúp Lãm buộc dây tời xe, gặp máy bay địch đánh ngầm Nguyệt đã lanh lẹ và khỏe hết sức đẩy một người đàn ông như Lãm vào giữa một vật gì đó rất cứng và sâu, hòng bảo vệ anh khỏi việc đánh tọa độ của kẻ thù. Dù Lãm được an toàn trong cái khe đá, thế nhưng bản thân Nguyệt lại chịu phần nguy hiểm khi đứng nấp ở rìa ngoài, sự dũng cảm ấy khiến người ta xúc động không thôi. Tâm trí cô gái ấy chỉ có một điều “Anh bị thương thì xe cũng mất, anh cứ nấp ở đó!”, cô nhất nhất bảo vệ người lính lái xe và chiếc xe chở hàng tấn đồ quân sự bằng sự liều lĩnh của bản thân mình. Lúc này đây người ta còn thấy Nguyệt đẹp, đẹp vượt trội hẳn so với cái nhan sắc kiều diễm bề ngoài, nét đẹp ấy đến từ tâm hồn của người thiếu nữ. Trong giây phút nguy hiểm ấy, Nguyệt rất bình tĩnh, cô chạy theo Lãm lên xe, mặc kệ bị bom làm ngã đau đớn, Lãm cứ chạy xe và Nguyệt cứ nói rành rọt như người đếm ở bên tai: “Anh ngoặt sang trái… Trước mặt anh có hố bom đấy… Chuẩn bị sắp lên một cái dốc có “cua”…”. Có quãng khó đi và tối cô lại nhảy xuống đi dò đường trước cho Lãm lái theo sau. Qua được đoạn nguy hiểm, khi đèn xe sáng lên, Lãm mới phát hiện Nguyệt bị thương bên vai, máu chảy ướt cả một bên tay áo, thế nhưng cô gái ấy vẫn cười an ủi rằng “anh cứ yên tâm, vết thương chỉ xước ngoài da thôi. Từ giờ tới sáng em có thể lên đến tận trời được”. Sự tự tin, kiên cường và dũng cảm lại thêm chút hóm hỉnh ấy khiến cả độc giả và Lãm càng thêm yêu Nguyệt, bông hoa kiều diễm giữa núi rừng ấy biết bao.
Một cô gái trẻ tuổi, dũng cảm, thông minh và có kha khá kinh nghiệm chiến đấu ấy không phải là hiếm trong suốt cuộc đấu tranh của dân tộc, nhưng ở nhân vật Nguyệt người ta vẫn thấy một nét gì đó rất khác, rất Nguyễn Minh Châu, người ưng đặt nhân vật vào những vẻ đẹp thơ và đầy chất nhân văn, nhân bản. Mà ở đây là cái tình cảm thủy chung của Nguyệt dành cho một người trai chưa biết mặt bao giờ, thú thực đến thời điểm này khó có thể có tình yêu nào lạ lùng như thế nữa. Nhưng giữa cuộc chiến, bất cứ cái gì cho người ta những hy vọng tốt đẹp đều trở nên thật bền vững và thiêng liêng. Nguyệt là một cô gái có nhan sắc, được biết bao anh lính khá hỏi thăm, nhưng nàng vẫn chẳng chịu quen ai, chỉ một lòng hướng về Lãm, chàng trai chưa từng gặp, bằng một trái tim nguyên vẹn mong chờ suốt mấy năm trời. Lãm đã bâng khuâng rằng “Qua bấy nhiêu năm tháng sống giữa bom đạn và cảnh tàn phá những cái quý giá do chính bàn tay mình xây dựng nên, vậy mà Nguyệt vẫn không quên tôi sao? Trong tâm hồn người con gái bé nhỏ, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn dội xuống cũng không hề đứt không thể tàn phá nổi ư?”. Có thể thấy rằng sự chờ đợi, thủy chung của cô Nguyệt chính là biểu trưng cho sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, niềm tin vào tình yêu mãnh liệt, cũng như niềm tin về một mai đây đất nước giải phóng, Nam Bắc sum vầy vậy. giữa chiến trường khốc liệt ấy, không chỉ có sự kiên cường, dũng cảm, lòng yêu nước mà còn có cả tình yêu cùng góp chung vào làm nên sức mạnh của tuổi trẻ. Người không thể sống mà thờ ơ với tình yêu, và tình yêu trong chiến tranh đôi lúc nó nảy nở từ những điều không ai ngờ tới. Nguyệt yêu Lãm như thế nào? Không ai chắc được hạt mầm ấy đã được gieo vào lòng Nguyệt ra sao, có lẽ là từ những lời kể của chị Tính về cậu em trai chăng? Nhưng quả thực đó là thứ tình yêu thật lạ kỳ, thật đẹp và cũng thật hiếm có, làm cho chiến trường và tâm tư của những người lính trở nên bâng khuâng và tin tưởng nhiều hơn về tương lai, về cuộc sống chiến đấu vốn nhiều gian khổ.
Có thể nói rằng Nguyệt là một trong những nhân vật tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Ở cô hiện lên đầy đủ tất cả những vẻ đẹp lý tưởng từ ngoại hình đến vẻ đẹp trong tâm hồn, tất cả đều được tác giả khắc họa một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, lãng mạn và suy tư. Mảnh trăng cuối rừng không phải cốt nói về sự tàn khốc của chiến tranh, mà Nguyễn Minh Châu từ cái viễn cảnh khó khăn ấy đã tìm ra cho mình một hạt ngọc rất đẹp, đó là niềm tin và tình yêu mãnh liệt vào của sống của những con người giữa bom đạn mịt mù, vẻ đẹp ấy gói trọn trong tâm hồn của Nguyệt và sau cùng đã để Lãm thấu cảm và trở thành động lực chiến đấu của anh. Một tình yêu kỳ lạ đã gắn kết hai con người xa lạ với nhau, đó chính là dụng ý của Nguyễn Minh Châu.
Nhân vật Nguyệt trong Mảnh trăng cuối cùng tiêu biểu cho vẻ đẹp của nữ thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mĩ xưa. Bên cạnh nhân vật Nguyệt, các em có thể khám phá ý nghĩa của biểu tượng mảnh trăng qua bài Ý nghĩa nghệ thuật của hình tượng mảnh trăng trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp