Phân tích nỗi nhớ của người con gái khi yêu trong khổ thơ: Con sóng dưới lòng sâu…

0
81
Rate this post

Đề bài: Phân tích nỗi nhớ của người con gái khi yêu trong khổ thơ: “Con sóng dưới lòng sâu…Cả trong mơ còn thức”

phan tich noi nho cua nguoi con gai khi yeu trong kho tho con song duoi long sau

Phân tích nỗi nhớ của người con gái khi yêu trong bài thơ Sóng

Bạn đang xem: Phân tích nỗi nhớ của người con gái khi yêu trong khổ thơ: Con sóng dưới lòng sâu…

I. Dàn ý Phân tích nỗi nhớ của người con gái khi yêu trong khổ thơ Con sóng dưới lòng sâu…

 

1. Mở bài

– Tản mạn về tình yêu và nỗi nhớ của tình yêu trong thi ca, nhạc họa.

– Xuân Quỳnh, nữ thi sĩ xinh đẹp, tài hoa khi viết về tình yêu cũng chẳng thể nào bỏ quên nỗi nhớ, bà đã đưa nó vào thơ mình một cách tinh tế, ý nhị đồng thời cũng không kém phần mãnh liệt sâu xa. Điều ấy được thể hiện khá rõ ràng thông qua một khổ thơ của bài Sóng – Bài thơ hay và nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của Xuân Quỳnh.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh sáng tác:

– Thuở viết Sóng, bà mới chỉ 25 tuổi, đang lúc xuân sắc, tươi đẹp nhất đời người, tuy vậy nữ sĩ đã phải nếm trải sự tan vỡ của tình yêu, của cuộc hôn nhân đầu, cuộc hôn nhân không hạnh phúc với người chồng chu đáo, tỉ mẩn, hết lòng săn sóc nhưng lại thiếu sự đồng điệu giữa hai tâm hồn.

– Sự manh nha tình yêu đích thực với Lưu Quang Vũ đã khiến Xuân Quỳnh lần nữa tìm thấy những khát vọng mãnh liệt trong tình yêu.

b. Nỗi nhớ trong thơ Xuân Quỳnh dàn trải trong không gian:

– Nỗi nhớ trong thơ bài thơ tràn ngập trong cả không gian, thời gian và lòng người, nữ sĩ tựa như con sóng, dù là ở “dưới lòng sâu” hay ở “trên mặt nước”,

– Nỗi nhớ trong tình yêu là nỗi nhớ đa chiều, mà cảm xúc bắt đầu từ lòng người, rồi bao trùm không gian, người ở đâu thì nỗi nhớ vương đến đấy, có thể nói rằng nỗi nhớ của Xuân Quỳnh gắn liền với thiên nhiên, với hình tượng sóng.

c. Nỗi nhớ gắn liền với thời gian:

– Liên tục ẩn hiện trong dòng thời gian, giữa sự luân phiên của ngày và đêm, của sáng và tối, “Ôi con sóng nhớ bờ/Ngày đêm không ngủ được”.

– Nỗi nhớ đến không ngủ được trong tình yêu không phải là quá mới, thế nhưng chính cái quen thuộc này lại làm nên chất thơ hồn nhiên, mộc mạc của Xuân Quỳnh, bởi bà đưa vào thơ mình những cảm xúc chân thực nhất của tình yêu.

d. Nỗi nhớ tận trong tiềm thức

– Nỗi nhớ tha thiết ngay cả khi đã chìm vào giấc ngủ say, thì riêng một tình yêu, riêng nỗi nhớ nhung vẫn còn thức, vẫn quẩn quanh hòa vào giấc mơ, từ thực tại đến mộng cảnh dường như nỗi nhớ chưa từng một phút, một giây nào buông bỏ tâm hồn của thi sĩ, mà nó chỉ càng thêm sâu đậm, khắc sâu vào lòng người có tình.

3. Kết bài

– Tổng kết nội dung và nêu cảm nhận về nỗi nhớ trong thơ Xuân Quỳnh.

 

II. Bài văn mẫu Phân tích nỗi nhớ của người con gái khi yêu trong khổ thơ Con sóng dưới lòng sâu…

Viết về tình yêu, chủ đề phổ biến trong giới văn nghệ sĩ và là đặc trưng của thơ mình, Xuân Diệu đã khắc khoải một nỗi niềm về tình yêu: “Yêu là chết trong lòng một ít/Vì mấy khi yêu mà đã được yêu/Cho rất nhiều xong nhận chẳng bao nhiêu/Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết”. Chính những băn khoăn, những trăn trở ấy đã trở thành tiền đề, cơ sở cho những xúc cảm ái tình trong tâm hồn mỗi con người, có những cái có thể gọi thành tên như hạnh phúc, đớn đau, nhưng có những thứ cảm xúc chỉ vĩnh viễn chôn sâu tại đáy lòng, khó bật thốt ra thành lời. Và hơn tất cả, trong tình yêu nỗi nhớ là thứ chẳng thể thiếu mặt, bởi không có nhớ sao gọi là tình yêu, chẳng vậy mà nhạc sĩ Giao Tiên đã sáng tác hẳn một ca khúc mang tên Nhớ người yêu, với lời cảm thán rất ấn tượng “Ôi nhớ gì hơn nhớ người yêu”, ông viết vậy cũng là có cái lý lẽ của nó cả. Xuân Quỳnh, nữ thi sĩ xinh đẹp, tài hoa khi viết về tình yêu cũng chẳng thể nào bỏ quên nỗi nhớ, bà đã đưa nó vào thơ mình một cách tinh tế, ý nhị đồng thời cũng không kém phần mãnh liệt sâu xa. Điều ấy được thể hiện khá rõ ràng thông qua một khổ thơ của bài Sóng – Bài thơ hay và nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của Xuân Quỳnh.

“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.”

Khác với “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu viết về tình yêu với những cảm xúc cháy bỏng, mãnh liệt, phóng túng, có những lúc khiến độc giả khó khăn trong việc cảm nhận vì những vần thơ dồn dập và rạo rực quá, thì thơ Xuân Quỳnh lại mềm mại và dịu dàng hơn hẳn, cũng bởi lẽ bà là phụ nữ, mà phụ nữ thì tinh tế, ý nhị và cũng không phóng túng, điên cuồng như đàn ông, đặc biệt là trong thơ ca. Nói vậy không có nghĩa là thơ Xuân Quỳnh mất đi những cảm xúc chân thực, sống động, nỗi khát khao trong tình yêu, người ta vẫn dễ dàng tìm thấy chúng trong những vần thơ tựa như những dòng “nhật ký” của người phụ nữ trẻ, một cảm giác rất mộc mạc, tâm tình và yêu đời vô kể. Ở đó, ta thấy nổi bật lên một Xuân Quỳnh có khát khao dâng hiến vì tình yêu, muốn cho đi thật nhiều và dĩ nhiên cũng muốn nhận lại được nhiều hơn, tâm hồn nữ sĩ luôn hướng tới một tình yêu vĩnh cửu, tươi đẹp trong đời.

Thuở viết Sóng, bà mới chỉ 25 tuổi, đang lúc xuân sắc, tươi đẹp nhất đời người, tuy vậy nữ sĩ đã phải nếm trải sự tan vỡ của tình yêu, của cuộc hôn nhân đầu, cuộc hôn nhân không hạnh phúc với người chồng chu đáo, tỉ mẩn, hết lòng săn sóc nhưng lại thiếu sự đồng điệu giữa hai tâm hồn cứ tưởng đã sớm mài mòn đi lòng ham muốn và khát khao về một tình yêu hoàn mỹ, tươi đẹp. Nhưng không, chuyến đi Thái Bình, những cơn sóng dạt dào của vùng biển Diêm Điền, cùng hình bóng người đàn ông định mệnh trong tâm khảm nữ sĩ đã khiến bà viết ra những vần thơ thật sâu sắc. Sóng tượng trưng cho tình yêu, cho người con gái, và cũng tượng trưng cho nỗi nhớ. Nỗi nhớ trong thơ bài thơ tràn ngập trong cả không gian, thời gian và lòng người, nữ sĩ tựa như con sóng, dù là ở “dưới lòng sâu” hay ở “trên mặt nước”, Xuân Quỳnh dù có ở Thái Bình đầy gió và cát, hay có ở tại thủ đô phồn hoa, nhộn nhịp thì cũng chưa bao giờ bà bỏ quên nỗi nhớ. Đôi khi người ta thường gắn nỗi nhớ với cảm xúc bất lực, buồn bã trong tình yêu, nhưng thiết nghĩ rằng với Xuân Quỳnh lại không phải thế. Với bà nỗi nhớ là đặc sản của tình yêu, là minh chứng cho tình yêu, nhớ nhung càng khiến bà thêm yêu, thêm tin tưởng mãnh liệt vào tình yêu của mình, và điều ấy khiến nữ sĩ thấy hạnh phúc, thấy bồi hồi xao xuyến vô cùng. Đối với Xuân Quỳnh, nỗi nhớ trong tình yêu là nỗi nhớ đa chiều, mà cảm xúc bắt đầu từ lòng người, rồi bao trùm không gian, người ở đâu thì nỗi nhớ vương đến đấy, có thể nói rằng nỗi nhớ của Xuân Quỳnh gắn liền với thiên nhiên, với hình tượng sóng. Mà từ đó người ta liên tưởng đến sự bao la, vô tận của biển, phải chăng nỗi nhớ tình nhân của thi sĩ đã trở thành đại dương bao la, chứ chẳng phải chỉ là con sóng nhỏ nhoi?

Nỗi nhớ không chỉ dàn trải khắp không gian, mà còn liên tục ẩn hiện trong dòng thời gian, giữa sự luân phiên của ngày và đêm, của sáng và tối, “Ôi con sóng nhớ bờ/Ngày đêm không ngủ được”. Nỗi nhớ đến không ngủ được trong tình yêu không phải là quá mới, bởi từng có nhiều nghệ sĩ đưa nó vào tác phẩm của mình, trong đó có nhạc sĩ Giao Tiên viết “Thức trọn đêm nay để nhớ thương em/Anh nghe tình yêu nhắc nhở êm đềm/Nhớ từng nụ cười ánh mắt/Nhớ lời ngọt ngào âu yếm…”. Thế nhưng chính cái quen thuộc này lại làm nên chất thơ hồn nhiên, mộc mạc của Xuân Quỳnh, bởi bà đưa vào thơ mình những cảm xúc chân thực nhất của tình yêu, đó là nỗi trằn trọc suốt đêm không thể chợp mắt, không phải vì lo mà là vì nhớ. Đêm đến chính là lúc tâm hồn tĩnh lặng, những xúc cảm vốn bị xao nhãng bởi bộn bề công việc chợt thức tỉnh, quẩn quanh khiến nữ sĩ phải nghĩ về nó và nhiều nhất ấy là nghĩ về tình yêu, tình nhân của mình.

Và tận cùng của nỗi nhớ ấy chính là “Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức”, hỏi rằng có nỗi nhớ nào sánh bằng như thế không? Nhớ mà đến khi đã chìm vào giấc ngủ say, thì riêng một tình yêu, riêng nỗi nhớ nhung vẫn còn thức, vẫn quẩn quanh hòa vào giấc mơ, từ thực tại đến mộng cảnh dường như nỗi nhớ chưa từng một phút, một giây nào buông bỏ tâm hồn của thi sĩ, mà nó chỉ càng thêm sâu đậm, khắc sâu vào lòng người có tình. Nỗi nhớ ấy thật da diết, nồng nàn và cũng dịu dàng, sâu sắc, đặc trưng của một hồn thơ tinh tế, yêu đời, yêu sống. Bởi chẳng dễ gì người ta đem những cảm xúc thực tế, đi vào trong thơ một cách hài hòa, êm dịu, có vần có nhạc, để cho biết bao nhiêu thế hệ cả già lẫn trẻ mỗi khi đọc thơ tình của Xuân Quỳnh lại dường như thấy bóng dáng của mình trong đó. Người đã yêu thì chiêm nghiệm, người chưa yêu thì cảm nhận lấy kinh nghiệm, người đang yêu thì muốn yêu nhiều, nhớ nhiều hơn nữa.

Và rồi người ta cũng nhận ra một điểm đặc sắc trong thơ của Xuân Quỳnh rằng bà luôn có cách hòa quyện hai vẻ đẹp truyền thống và hiện đại của người phụ nữ Việt trong những vần thơ của mình. Ở nỗi nhớ, người ta vừa thấy được cái đức tính thủy chung, son sắt một lòng hướng về người yêu, nghĩ về tình yêu của người con gái, rồi người ta cũng thấy được chất hiện đại khi người phụ nữ đã dám bộc lộ bày tỏ tâm tư nhớ thương một cách khá công khai, chẳng phải cố gò bó ép mình trong những câu văn, câu thơ ước lệ, kín đáo mà làm mất đi cái chân thực của xúc cảm tâm hồn.

Khi viết Sóng, Xuân Quỳnh vẫn đang phấp phỏng, lo âu rất nhiều về mối tình mới chớm nở, đặc biệt là sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi không hạnh phúc, thế nhưng bằng bản lĩnh của người phụ nữ hiện đại, bằng những nét đẹp tâm hồn hiếm có, Xuân Quỳnh vẫn luôn cố gắng khỏa lấp những cảm xúc tiêu cực, thay vào đó bà dùng chính cái lòng yêu đời, yêu sống, khao khát hạnh phúc lứa đôi để củng cố niềm tin, khát vọng, đồng thời dùng nỗi nhớ để tô đậm thêm tình yêu, để chắp cánh cho tình yêu được bay cao, bay xa hơn nữa. Và thực sự người con gái trong Sóng đã làm được và đã hạnh phúc bên người tình trong mộng, Xuân Quỳnh từ con sóng nhỏ thành biển lớn, sánh đôi bên chiếc thuyền Lưu Quang Vũ như một định mệnh tuyệt vời!

Sóng là bài thơ tỉnh nổi tiếng của Xuân Quỳnh viết về những trạng thái cảm xúc của người phụ nữ khi yêu, để cảm nhận trọn vẹn chất trữ tình trong bài thơ, bên cạnh bài Phân tích nỗi nhớ của người con gái khi yêu trong khổ thơ: Con sóng dưới lòng sâu…, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Sóng để làm nổi bật rõ quan điểm về tình yêu của Xuân Quỳnh, Bình giảng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng, Trình bày cảm nhận của em về bài thơ Sóng.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-noi-nho-cua-nguoi-con-gai-khi-yeu-trong-kho-tho-con-song-duoi-long-sau/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp