Đề bài: Phân tích tác phẩm Nhìn về vốn văn hóa dân tộc
Bài văn mẫu Phân tích tác phẩm Nhìn về vốn văn hóa dân tộc
Bạn đang xem: Phân tích tác phẩm Nhìn về vốn văn hóa dân tộc
I. Dàn ý Phân tích tác phẩm Nhìn về vốn văn hóa dân tộc (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vị trí của đoạn trích.
2. Thân bài:
a. Khái niệm văn hóa và những mặt hạn chế trong văn hóa Việt Nam:
* Khái niệm văn hóa:
– Là những giá trị vật chất và tinh thần của cả một dân tộc, một nền văn minh xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, được gìn giữ kế thừa và phát huy.
* Những mặt hạn chế trong văn hóa Việt Nam:
– Về lý luận triết học, người Việt cũng không có niềm say mê tranh biện, hay chứng minh một cái gì đó cho riêng mình.
– Không có ngành khoa học, giả khoa học, kỹ thuật nào có thể phát triển đến độ thành truyền thống.
– Về mặt “âm nhạc, hội họa, kiến trúc đều không phát triển đến độ thành tuyệt kỹ”.
– Phát triển nhất là thơ ca, tuy nhiên lại không có một tác giả nào có số lượng tác phẩm lớn.
– Người Việt khi đứng trước những cái “dị kỉ, cái mới” họ cũng không cự tuyệt đến cùng, nhưng cũng không dễ hòa hợp.
=> Tạo nên một sức ì lớn, hạn chế sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của văn hóa dân tộc, khó mà có thể làm nên những gì lớn lao, gây ảnh hưởng trên bản đồ văn hóa thế giới.
– Nguyên nhân: Văn hóa dân tộc Việt mang đậm những đặc điểm của một nền văn hóa “định cư, không có nhu cầu lưu chuyển, trao đổi, không có sự kích thích của đô thị,..”.
b. Những mặt tích cực của văn hóa Việt:
– Về tôn giáo, người Việt Nam không có tâm lý “cuồng thành, cuồng tín” bất kỳ một trường phái nào, mà nghiêng về việc dung hòa giữa các tôn giáo với nhau. Thay vào đó người ta “coi trọng hiện thế, trần tục hơn thế giới bên kia”.
– Về cách ứng xử:
+ Ý thức về sở hữu cá nhân của người Việt không cao, người ta chỉ mong một cuộc sống an cư, thái bình, lạc nghiệp, đủ ăn, đủ sống, quan niệm “sống gửi thác về”.
+ Những người hiền lành, sống tình nghĩa là những con người được yêu quý và ưa chuộng, nhưng cũng không thượng võ.
+ Có thể nói rằng dĩ hòa vi quý chính là cốt lõi trong lối ứng xử của người Việt.
– Trong quan niệm về thẩm mỹ, người Việt ưa chuộng những cái mang sự “vừa khéo”, không “háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kỳ vĩ”, thay vào đó người ta thích những thứ nhã nhặn, vừa phải.
=> Nền văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa giàu tính nhân bản, hướng tới sự hài hòa trên nhiều phương diện, thiết thực, linh hoạt và dung hòa với đời sống nhân dân.
c. Yếu tố làm nên bản sắc văn hóa dân tộc:
– Nội lực là cách mà người Việt đã xóa bỏ đi những cái “thô dã”, “hung bạo”, để hướng tới những cái nhân bản.
– Ngoại lực:
+ Bao gồm các quá trình đồng hóa, du nhập từ các nền văn hóa khắp nơi trên thế giới, người Việt ta đã thể hiện bản lĩnh, tạo tác, chọn lọc những giá trị phù hợp để xây dựng văn hóa dân tộc.
3. Kết bài:
– Nêu nhận xét chung về tác phẩm.
II. Bài văn mẫu Phân tích tác phẩm Nhìn về vốn văn hóa dân tộc (Chuẩn)
Trần Đình Hượu (1927-1995) là một nhà văn, nhà nghiên cứu văn học và nho giáo, đặc biệt là chuyên nghiên cứu về các vấn đề lịch sử tư tưởng trong văn học Việt Nam thời kỳ cận đại. Trong suốt cuộc đời nghiên cứu và tìm tòi của mình, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị như các công trình nghiên cứu khoa học ấn tượng phải kể đến Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930, Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Đến hiện đại từ truyền thống,… Đoạn trích Nhìn về vốn văn hóa dân tộc được trích từ phần II bài Về vấn đề đặc sắc văn hóa dân tộc trong cuốn Đến hiện đại từ truyền thống, thể hiện cái nhìn cũng như những nghiên cứu của Trần Đình Hượu về nền văn hóa dân tộc từ quá khứ đến hiện tại.
Nói về văn hóa, đây là một khái niệm lớn, thường được hiểu là kết tinh những giá trị vật chất và tinh thần của cả một dân tộc, một nền văn minh xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, được gìn giữ kế thừa và phát huy. Văn hóa được xem là đặc điểm chính để phân biệt giữa các dân tộc, quốc gia khác nhau trên bản đồ thế giới một cách đơn giản và dễ hiểu nhất. Trong phân tích của Trần Đình Hượu văn hóa có thể là “một tôn giáo, một trường phái triết học, một ngành khoa học, một một nền âm nhạc, hội họa,… phát triển rất cao, ảnh hưởng phổ biến lâu dài đến toàn bộ văn hóa, thành đặc sắc văn hóa của dân tộc đó”. Quay lại với văn hóa Việt Nam, Trần Đình Hượu đã chỉ ra một số những phương diện chủ yếu, tuy nhiên không thật sự có một phương diện nào nổi bật đủ đến độ “trở thành đài danh dự, thu hút, quy tụ cả nền văn hóa”, đó có thể nói là những mặt hạn chế rất lớn trong sự phát triển của dân tộc.
Về lý luận triết học, người Việt cũng không có niềm say mê tranh biện, hay chứng minh một cái gì đó cho riêng mình, mà chủ yếu là học hỏi thế giới và phát triển sao cho phù hợp với sự phát triển của dân tộc. Trong văn hóa Việt cũng không có ngành khoa học, giả khoa học, kỹ thuật nào có thể phát triển đến độ thành truyền thống. Về mặt “âm nhạc, hội họa, kiến trúc đều không phát triển đến độ thành tuyệt kỹ”, những di sản còn sót lại như Nhã nhạc cung đình Huế mới chỉ đạt đến độ đặc sắc, riêng biệt, còn Cửu Trùng Đài thì đã chìm vào dĩ vãng vì sự hoang phí và gây phẫn nộ trong nhân dân thời bấy giờ. Tác giả cũng chỉ ra rằng, trong tất cả các ngành nghệ thuật thì ở Việt Nam ta phát triển nhất là thơ ca, tuy nhiên lại không có một tác giả nào có số lượng tác phẩm lớn, bởi lẽ hầu hết các nhà thơ chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ đặt cuộc đời của mình vào sự nghiệp văn chương, mà chủ yếu lấy văn chương là thú vui, là đam mê, không phải là cái để làm nên cơm gạo. Vậy nên các sáng tác lớn còn hạn chế, và chưa thực sự có tác phẩm gây ảnh hưởng sâu rộng đến cả một nền văn hóa dân tộc, đồng thời có đóng góp cho nền văn hóa thế giới. Tuy nhiên văn học Việt Nam vẫn có thể kể đến Truyện Kiều của Nguyễn Du, cũng được xem là tác phẩm văn học đồ sộ có nhiều ảnh hưởng trong đời sống nhân dân. Một đặc điểm nữa trong văn hóa của người Việt ấy là khi đứng trước những cái “dị kỉ, cái mới” họ cũng không cự tuyệt đến cùng, nhưng cũng không dễ hòa hợp. Họ chỉ thích chấp nhận những cái gì vừa phải, hợp với mình, nhưng cũng chần chừ, dè dặt giữ mình. Những đặc điểm ấy, đã tạo nên một sức ì lớn, hạn chế sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của văn hóa dân tộc, khó mà có thể làm nên những gì lớn lao, gây ảnh hưởng trên bản đồ văn hóa thế giới. Sở dĩ có nhiều những hạn chế như vậy là bởi lẽ văn hóa dân tộc Việt mang đậm những đặc điểm của một nền văn hóa “định cư, không có nhu cầu lưu chuyển, trao đổi, không có sự kích thích của đô thị,..”.
Sau khi chỉ ra những đặc điểm chung và mặt hạn chế của nền văn hóa Việt Nam, Trần Đình Hượu đi sâu vào phân tích những mặt tích cực, nguyên do, chi tiết từng khuynh hướng trong văn hóa của người dân Việt Nam. Về tôn giáo, người Việt Nam không có tâm lý “cuồng thành, cuồng tín” bất kỳ một trường phái nào, mà nghiêng về việc dung hòa giữa các tôn giáo với nhau, chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, có thể nói là “ít có tinh thần tôn giáo”. Ngay cả Phật giáo là tôn giáo đã du nhập vào nước ta và phát triển cực thịnh trong thời Lý, Trần cũng chỉ dừng ở mức có nhiều tín đồ Phật giáo nhất, Công giáo cũng chỉ chiếm một số ít, và đa số người dân Việt Nam không theo một đạo giáo nào. Người ta chỉ dừng ở mức thờ tự, chứ không mấy quan tâm đến giáo lý và nhất nhất đi theo. Thay vào đó người ta “coi trọng hiện thế, trần tục hơn thế giới bên kia”, dù cũng có thờ cúng, có mê tín, tuy nhiên họ coi trọng tương lai của con cái hơn là nghĩa về việc linh hồn mình sẽ ở đâu sau khi chết.
Về cách ứng xử, ý thức về sở hữu cá nhân của người Việt không cao, người ta chỉ mong một cuộc sống an cư, thái bình, lạc nghiệp, đủ ăn, đủ sống, quan niệm “sống gửi thác về” ăn sâu vào trong tiềm thức, đối với họ của cải nhiều cuối cùng cũng không thể mang theo sau khi chết. Trong cuộc sống, những người hiền lành, sống tình nghĩa là những con người được yêu quý và ưa chuộng, dân ta không chuộng trí, cũng không chuộng dũng, dù chống giặc ngoại xâm liên tục nhưng cũng không thượng võ. Việc xây dựng quân đội ngày càng lớn mạnh xưa đến nay chủ yếu là để tự vệ, sẵn sàng chống lại những âm mưu xâm lược, chống quá của kẻ thù chứ không bao giờ có tư tưởng bành trướng, làm bá chủ. Có thể nói rằng dĩ hòa vi quý chính là cốt lõi trong lối ứng xử của người Việt. Trong quan niệm về thẩm mỹ, người Việt ưa chuộng những cái mang sự “vừa khéo”, không “háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kỳ vĩ”, thay vào đó người ta thích những thứ nhã nhặn, vừa phải. Trong ăn, mặc, ở người Việt không hướng tới sự cầu kỳ, xa hoa, mà thích những thức quy mô bình thường, vừa đủ thanh lịch, duyên dáng. Đồng thời quý trọng cái sự kín đáo hơn phô trương, trọng Thế hơn Lực, không quan niệm cái gì là vĩnh viễn. Có thể nói rằng tất cả những biểu hiện trên đều là kết quả của một dân tộc có chiều dài lịch sử lâu đời, bươn chải qua nhiều khó khăn, và ý thức rõ ràng về sự nhỏ yếu, còn nhiều gian nan của dân tộc. Đồng thời những thực tế đó chỉ ra rằng nền văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa giàu tính nhân bản, hướng tới sự hài hòa trên nhiều phương diện, thiết thực, linh hoạt và dung hòa với đời sống nhân dân.
Không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra hạn chế và tích cực trong văn hóa dân tộc mà Trần Đình Hượu còn hướng người đọc đến với những yếu tố tạo bản sắc văn hóa dân tộc, vốn là những cái riêng biệt, độc đáo, bền vững, hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của lịch sử dân tộc. Đó bao gồm nội lực là cách mà người Việt đã xóa bỏ đi những cái “thô dã”, “hung bạo”, để hướng tới những cái nhân bản, tinh thần chung là “linh hoạt, thiết thực, dung hòa”. Chủ động hướng tới những cái “nhạy cảm tinh nhanh, khôn khéo” để gỡ bỏ khó khăn, tìm sự bình ổn. Về ảnh hưởng của ngoại lực, bao gồm các quá trình đồng hóa, du nhập từ các nền văn hóa khắp nơi trên thế giới, người Việt ta đã thể hiện bản lĩnh, tạo tác, chọn lọc những giá trị phù hợp để xây dựng văn hóa dân tộc. Ví như Phật giáo, Nho giáo đều có những ảnh hưởng sâu rộng đến bản sắc dân tộc, thế nhưng người Việt ta không tiếp nhận chúng ở trí tuệ, sự cầu mong giải thoát, lễ nghi tủn mủn, khắt khe, mà chỉ đón nhận những thứ tích cực, hướng con người đến những cái tốt đẹp. Đạo giáo không ảnh hưởng gì nhiều đến văn hóa dân tộc, thế nhưng tư tưởng Lão Trang lại có ảnh hưởng khá sâu rộng đến tầng lớp trí thức mà đặc biệt dễ nhận thấy là ở trong thơ ca Việt Nam.
Thông qua đoạn trích Nhìn về vốn văn hóa dân tộc, ta có thể thấy rằng Trần Đình Hượu đã có một cái nhìn rất thấu đáo, thẳng thắn, sắc sảo về vốn văn hóa của dân tộc. Ông đã đi từ bản chất, nguyên nhân, chỉ ra những mặt hạn chế và tích cực chủ yếu, từ đó khiến độc giả nhìn nhận đúng đắn và có ý thức phát huy những cái tốt, đồng thời tìm cách khắc phục những phương diện còn hạn chế.
——————-HẾT——————-
Nhìn về vốn văn hóa dân tộc đã cho chúng ta những hiểu biết khái quát về các mặt hạn chế và tích cực trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử, để tìm hiểu thêm về đoạn trích mời các em tìm đọc bài viết Soạn bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc tại Thuthuat.Taimienphi.vn.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp