Phân tích tâm trạng chị em Liên trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam

0
62
Rate this post

Đề bài: Phân tích tâm trạng chị em Liên trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam

phan tich tam trang chi em lien trong truyen hai dua tre cua thach lam

Phân tích tâm trạng chị em Liên trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam
 

Bạn đang xem: Phân tích tâm trạng chị em Liên trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam

I. Dàn ý Phân tích tâm trạng chị em Liên trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam

1. Mở bài

– Giới thiệu những nét khái quát về tác giả Thạch Lam (đặc điểm con người, cuộc đời, các sáng tác tiêu biểu, phong cách nghệ thuật,…)
– Giới thiệu những nét khái quát về thiên truyện “Hai đứa trẻ” (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, cảm hứng chủ đạo, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…)
– Giới thiệu khái quát vấn đề cần phân tích: Tâm trạng chị em Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ”.

2. Thân bài

a. Tâm trạng của chị em Liên trước khung cảnh phố huyện nghèo lúc chiều tàn
– Trước khung cảnh của ngày tàn, “đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị”, cảm thấy buồn – một nỗi “buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”.
– Cảm nhận được “cái mùi riêng của đất, của quê hương này”, đó chính là mùi của sự cơ cực, nghèo khổ, bế tắc.
– “Động lòng trắc ẩn” – một tấm lòng yêu thương và đồng cảm với số phận của những kiếp người tàn nơi phố huyện nghèo khổ, lam lũ.

b. Tâm trạng của chị em Liên trước bức tranh đêm tối mênh mông nơi phố huyện
– Khi nhìn lên bầu trời với “hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh”, chị em Liên đã nhớ, đã hồi tưởng về những kỉ niệm tuổi thơ tươi sáng trước đây ở Hà Nội.
– Trước khung cảnh đêm tối ấy, thấy buồn, thấy xót xa, thấy thương cho những kiếp người nghèo khổ nơi đây.

c. Tâm trạng của chị em Liên khi chờ đợi chuyến tàu đêm
– Cố thức để đợi chuyến tàu đêm với một tâm trạng háo hức và đầy đợi chờ: An mặc dù đã rất buồn ngủ, “mi mắt sắp sửa rơi xuống” nhưng vẫn dặn chị Liên đánh thức mình khi tàu đến.
– Chị em Liên ngồi đợi tàu không phải để bán hàng mà vì một lí do khác, “muốn nhìn được chuyến tàu, đó là hoạt động cuối cùng trong đêm”, nghĩa là chị em Liên luôn khao khát một sự đổi thay, khao khát một cái gì khác.
– Niềm vui sướng duy nhất chờ đợi trong ngày cũng nhanh chóng qua đi, phố huyện lại chìm đắm trong bóng tối, để lòng người càng cảm thấy buồn hơn khi trở về với hiện tại.

3. Kết bài

Khái quát lại những nét đặc sắc về diễn biến tâm trạng của chị em Liên, nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật của nhà văn Thạch Lam và nêu cảm nhận của bản thân.

II. Bài văn mẫu Phân tích tâm trạng chị em Liên trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Thạch Lam là một trong số những cây bút tiêu biểu của trào lưu văn học lãng mạn nói riêng và văn học Việt Nam hiện đại nói chung. Ông có biệt tài về truyện ngắn với những trang viết tâm tình, đậm chất thơ và ẩn sau đó chính là bóng hình của tác giả – một con người có tâm hồn tinh tế, rất nhạy cảm với những biến thái tinh vi của vạn vật và của cả lòng người. Đặc biệt, qua tâm trạng của chị em Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” sẽ giúp chúng ta cảm nhận rõ nét điều đó.

Những đoạn văn mở đầu thiên truyện đã thể hiện một cách rõ nét tâm trạng của chị em Liên trước khung cảnh phố huyện nghèo lúc chiều tàn. Mở đầu tác phẩm đó chính là khung cảnh một ngày tàn, ánh sáng của ánh mặt trời của một buổi chiều quê tắt dần trên lũy tre làng để rồi thay vào đó là ánh đèn trong những ngôi nhà. Và thời điểm ấy đã có tác động mạnh mẽ đến tâm hồn đầy tinh tế, nhạy cảm của Liên “đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị” và không chỉ dừng lại ở đó, Liên còn cảm thấy buồn – một nỗi “buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Thêm vào đó, bức tranh phố huyện nghèo còn được khắc họa rõ nét hơn qua khung cảnh của chợ tàn với những âm thanh ồn ào đã dần mất đi, chỉ còn lại trên nền đất “rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía”. Nhưng cũng chính khung cảnh ấy đã khiến con người ta nhận ra cái mùi riêng của xứ sở mình và Liên cũng không ngoại lệ. Cô cảm nhận được “cái mùi riêng của đất, của quê hương này”, đó chính là mùi của sự cơ cực, nghèo khổ, bế tắc. Và để rồi, trên cái nền bức tranh chợ tàn, trong khung cảnh của buổi chiều quê nghèo khổ, hình ảnh của những kiếp người hiện lên thật sinh động nhưng cũng thật đáng thương. Đó là hình ảnh những đứa trẻ cúi lom khom nhặt những gì còn sót lại sau phiên chợ, là hình ảnh chị Tý suốt ngày mò cua bắt ông đêm đến mới dọn hàng, là bác phở Siêu, là gia đình Xẩm và đó còn là hình ảnh cụ Thi điên. Những kiếp người tàn ấy đã khiến Liên “động lòng trắc ẩn” – một tấm lòng yêu thương và đồng cảm với số phận của những kiếp người tàn nơi phố huyện nghèo khổ, lam lũ.

Khi ánh chiều tắt đó cũng chính là lúc bóng tối ập xuống và lúc này đây, trước bức tranh đêm tối mênh mông của phố huyện nghèo, tâm trạng của chị em Liên lại có những thay đổi, xoay quanh cái quầng sáng thu nhỏ của ngọn đèn con trên chõng hàng nước ế ẩm của chị Tý. Để rồi, khi nhìn lên bầu trời với “hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh”, chị em Liên đã nhớ, đã hồi tưởng về những kỉ niệm tuổi thơ tươi sáng trước đây ở Hà Nội “Liên và An ngửi thấy mùi phở thơm. Và nhớ lại khi ở Hà Nội, chị được hưởng những thức quà ngon, lạ như thế”, “được đi chơi Bờ Hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ”. Liên và An bâng khuâng nhớ về Hà Nội nhiều ánh đèn rực rỡ, tạo nên “một vùng sáng rực và lấp lánh”. Nhưng giờ đây, nơi phố huyện nghèo, bóng tối đã bao trùm lên mọi khoảng không gian “Tối hết… con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng càng đen sẫm hơn nữa”. Nơi đây chỉ còn lại những đốm sáng, “hột sáng thưa thớt” từ ngọn đèn con của chị Tý hay bếp lửa của gánh phở bác Siêu nhưng chúng không đủ sức để làm ánh lên vầng sáng mà chỉ làm cho bóng tối ngày càng dày đặc thêm. Để rồi, trong bóng tối ấy, cuộc sống của những con người nơi đây cứ thế diễn ra, từ ngày này qua ngày khác, cứ lặp lại một cách buồn tẻ, đơn điệu, bế tắc, không có gì thay đổi. Và trước khung cảnh đêm tối ấy, trái tim nhạy cảm của Liên không thể không thổn thức, không thể không thấy buồn, thấy xót xa, thấy thương cho những kiếp người nghèo khổ nơi đây.

Thế nhưng, trong bối cảnh của bức tranh phố huyện tối tăm, tù túng ấy, vốn là người nhạy cảm, tinh tế, nên chị em Liên đã để cho tâm hồn mình vượt thoát khỏi không gian ngột ngạt ấy, để vươn tới những chân trời mới với những nét tâm trạng rất riêng trong cảnh đợi tàu. Đêm đã về khuya nhưng những người dân phố huyện nói chung, chị em Liên nói riêng vẫn cố thức để đợi chuyến tàu đêm với một tâm trạng háo hức và đầy đợi chờ. Sự háo hức ấy được thể hiện rõ nét qua chi tiết An mặc dù đã rất buồn ngủ, “mi mắt sắp sửa rơi xuống” nhưng vẫn dặn chị Liên đánh thức mình khi tàu đến. Chị em Liên ngồi đợi tàu không phải để bán hàng mà vì một lí do khác, “muốn nhìn được chuyến tàu, đó là hoạt động cuối cùng trong đêm”. Điều đó cũng có nghĩa là chị em Liên luôn khao khát một sự đổi thay, khao khát một cái gì khác thường để khuấy động không khí buồn tẻ, quẩn quanh, lụi tắt dần trong đêm tối. Và xét đến cùng đó là khát vọng về một thế giới khác với những âm thanh rộn rã và những ánh sáng chói lóa. Nhưng niềm vui sướng duy nhất chờ đợi trong ngày cũng nhanh chóng qua đi, phố huyện lại chìm đắm trong bóng tối, để lòng người càng cảm thấy buồn hơn khi trở về với hiện tại. Trong giấc mơ chập chờn, cô bé phố huyện như càng cảm thấy “mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”.

Tóm lại, với những trang viết nhẹ nhàng, giàu chất thơ, “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam đã miêu tả một cách chân thực, tinh tế những nét tâm trạng của chị em Liên. Qua đó, Thạch Lam muốn bộc lộ những ý nghĩa nhẹ nhàng nhưng thấm thía biết bao cho tâm hồn người đọc. Đó là niềm xót thương, là tình yêu thương bao la với những kiếp người nhỏ bé, vô danh, sống cơ cực, lam lũ.

Cùng với bài Phân tích tâm trạng chị em Liên trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam, để hiểu tác phẩm và vận dụng vào quá trình viết bài, các em có thể nâng cao vốn kiến thức về tác phẩm qua bài: Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam, Phân tích bức tranh đời sống của phố huyện nghèo lúc chiều tối được Thạch Lam miêu tả trong truyện ngắn Hai đứa trẻ và phát biểu cảm nhận của mình, Phân tích cảnh phố huyện ngày tàn trong phần đầu truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Phân tích tâm trạng cô bé Liên đêm đêm thức đợi xem chuyến tàu đi qua phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-tam-trang-chi-em-lien-trong-truyen-hai-dua-tre-cua-thach-lam/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp