Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt

0
157
Rate this post

Đề bài: Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân

phan tich tinh huong truyen trong vo nhat

Bài văn mẫu Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt

Bạn đang xem: Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt

I. Dàn ý Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt (Chuẩn)

* Dàn ý 1: (Chuẩn)

1. Mở bài

–  Nạn đói năm 1945 cướp đi hơn hai triệu đồng bào ta.
–  Kim Lân đã dựng lên một tác phẩm với một tình huống truyện đặc sắc miêu tả con người trong nạn đói này.

2. Thân bài

a.  Tình huống truyện là gì?

–  Là sự kiện đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt trong tác phẩm mà qua đó tác giả muốn bộc lộ quan điểm của mình cũng như tính cách, số phận của các nhân vật.
–  Tình huống truyện là hạt nhân, lát cắt chân thực của cuộc sống, từ đó cho ta thấy một phần của cuộc sống, xã hội, con người.

b. Tình huống truyện trong Vợ nhặt:
– Được thể hiện ngay từ nhan đề của tác phẩm.
– Nội dung: Một anh cu Tràng xấu trai, nghèo lại “nhặt” được cô vợ giữa lúc nạn đói năm 1945 đang hoành hành dữ dội.
– Nhan đề với từ “nhặt”: gợi lên sự tò mò, hấp dẫn cho tác phẩm đồng thời cũng là nét độc đáo, gây ấn tượng sâu sắc.

c. Phân tích tình huống truyện:

–  Bối cảnh của tình huống truyện:
+ Bối cảnh là nạn đói năm 1945 với kết quả hơn hai triệu người chết.
+ Mỗi câu từ trong tác phẩm đều gợi lên sự u ám, cái chết luôn rình rập.

– Tình huống truyện vừa độc đáo, lạ lùng vừa éo le:
* Lạ lùng: Trong bối cảnh đầy run rủi ấy, con người còn chẳng thể lo nổi cho bản thân, ấy vậy mà anh cu Tràng còn rước về một cô vợ.
+ Tràng: hội tụ tất cả những yếu tố khó có thể lấy vợ: ngoại hình xấu xí “cái mặt thô kệch”, “đôi mắt nhỏ tí”, “cái lưng to như lưng gấu”, … cùng với tính cách có phần cộc cằn, thô lỗ.
+ Nghèo: đi làm thuê nuôi mẹ già, có một căn nhà lụp xụp ở một xóm ngụ cư.
+ Và quan trọng là nạn đói đang diễn ra trầm trọng, cái chết đeo bám mỗi con người “Người chết như ngả rạ”, “Không buổi sáng …của xác người”.
=> Với ngoại hình, tính cách, gia cảnh và tình cảnh như hiện tại, Tràng không thể kiếm được một cô vợ.
+ Thế nên, chuyện Tràng lấy vợ ở hoàn cảnh hiện tại không khác gì “đèo bòng”, “rước của nợ đời”.
=> Ấy thế mà Tràng lại có vợ trong lúc không ai ngờ nhất, trong hoàn cảnh mà cuộc sống đang phải giành giật từng ngày => cái lạ của tình huống truyện.

* Cái éo le:
+ Việc lấy vợ là chuyện đại sự, là hạnh phúc lớn nhất của đời người lại diễn ra trong lúc “tối sầm vì đói khát”, bị chen ngang bởi nỗi lo bởi cái đói, cái chết.
+ Duyên phận đưa đẩy họ đến với nhau cũng là cái đói: Thị gặp hắn lần đầu khi hắn kéo thóc qua dốc, chỉ với câu hò vu vơ, thị đã “ton ton” chạy lại cũng đẩy xe với hắn.
+ Lần thứ hai gặp lại, Tràng không nhận ra Thị bởi “hôm nay Thị …xám xịt”. Và chỉ bằng vài bát bánh đúc và một câu nói đùa, Thị đã bằng lòng theo hắn về nhà làm vợ.

–  Phản ứng của mọi người khi Tràng lấy vợ:
+ Những người dân xóm ngụ cư:
+ Họ ngạc nhiên “Người trong xóm lạ lắm”, “Họ đứng …bàn tán”.
+ Thế rồi họ hiểu và vui mừng thay cho Tràng, “Những khuôn mặt …hẳn lên”, “có người …rúc”.
+ Thế nhưng có những người lại thở dài ngao ngán “Ôi chao, … này không”, bởi họ lo cho Tràng cho Thị, lo cái chết sẽ tìm đến những con người nghèo như họ.
* Đối với Tràng:
+ Ban đầu là sự ngạc nhiên khi chỉ bằng một câu nói đùa “này nói đùa …cùng về” với dăm ba bát bánh đúc mà Thị đã bằng lòng theo Tràng về nhà.
+ Tiếp theo là nỗi sợ hãi, cái “chợn”: “Nói thế Tràng …thật”, “Thóc gạo …đèo bòng” , thế nhưng nỗi sợ ấy qua nhanh Tràng “chặc lưỡi: chặc, kệ”
+ Sự vui mừng khi cái khao khát về hạnh phúc gia đình được hiện thực hóa “hắn tủm tỉm … lấp lánh”, nhìn Thị “ngượng nghịu…chân kia”, hắn thích chí “cười khanh khách”.
+ Nỗi sợ về cái đói, cái chết đã bị niềm hạnh phúc gia đình, cái trách nhiệm đẩy lùi “Trong một lúc Tràng hình như …đi bên”.
+ Niềm hạnh phúc ấy khiến Tràng cứ ngỡ không  có thật “hắn vẫn …không phải”.
=> Niềm vui, niềm hạnh phúc đến với Tràng bất ngờ, nhanh chóng, trong lúc đói khát nhất, trong hoàn cảnh éo le nhất.

* Bà cụ Tứ:
+ Bà vô cùng ngạc nhiên trước thái độ của Tràng, băn khoăn hỏi han.
+ Bà càng ngạc nhiên hơn khi thấy một người đàn bà khác trong nhà mình và chào bà bằng u “quái sao …thế kia?” => bà ngạc nhiên vô cùng.
+ Thế rồi khi nghe Tràng nói, bà “cúi đầu nín lặng”, bà “vừa ai oán … con mình” =>Sự tủi phận của một người mẹ không làm tròn được bổn phận của mình “Chao ôi …còn mình thì …”
+ Rồi bà cũng “mừng lòng”, vui lòng với người dâu mợi, khuyên nhủ hai đứa con với những lời lẽ lạc quan “Nhà ta nghèo …ba đời”.
+ Những giọt nước mắt của người mẹ già thương con “Chúng mày …thương quá!”.

–   Ý nghĩa của tình huống truyện:
+ Làm nổi bật chủ đề của tác phẩm, đồng thời tạo điều kiện để nhà văn khai thác nội tâm các nhân vật.
+ Kim Lân đã dựng lên một tình huống truyện độc nhất vô nhị: làm nổi bật tình cảnh của con người trong nạn đói năm 1945, vừa thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước những số phận tăm tối của con người trước Cách mạng tháng Tám.
+ Tình huống truyện éo le gieo vào lòng người đọc những cảm xúc khó tả.

– Truyện mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc:
+ Về giá trị hiện thực:
+ Tình cảnh người dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945
+ Cái đói dồn đuổi con người, bóp méo nhân cách, biến những hạnh phúc đẹp đẽ nhất trở nên mỏng manh.
+ Tố cáo tội ác của bọn thực dân phát xít
+ Giá trị nhân đạo:
+ Tình người đẹp đẽ qua cách ứng xử của các nhân vật
+ Gieo vào lòng người niềm hi vọng về một tương lai tốt đẹp phía trước nơi có ngọn cờ Cách mạng.
 

3. Kết bài

–  Khẳng định lại vấn đề
 

* Dàn ý 2:

1. Mở bài

Giới thiệu về tình huống truyện và truyện ngắn Vợ nhặt

2. Thân bài

– Một tình huống lạ lùng:
+ Một người vừa xấu, vừa nghèo lại không thông minh như Tràng lại có vợ
+ Cưới vợ trong cảnh khốn khó, đói kém
+ Việc lấy vợ vốn khó lại hệ trọng nhưng với Tràng lại là việc quá dễ dàng

– Tình huống truyện đầy éo le:
+ Tràng lấy thị về trong cảnh cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc. Niềm hạnh phúc nhỏ bé ấy không thể thắng nổi cơn cuồng phong của đói khát đang hả hê nhấn chìm từng chút
+ Lấy vợ lại thêm cảnh đèo bồng, càng khó khăn hơn
+ Hạnh phúc của họ chỉ có thể được gặp gỡ trong cảnh khốn cùng

– Thái độ của mọi người trước tình huống ấy
+ Dân trong xóm vừa mừng, vừa xót, họ lo lắng cho đôi vợ chồng trẻ không biết còn dìu nhau vượt qua kiếp nạn này
+ Bà cụ Tứ mừng mừng, tủi tủi, thương cho con, thương cho số phận đầy bạc bẽo
+ Anh cu Tràng bất ngờ, hắn cũng hạnh phúc, cũng sung sướng, thấy mình có trách nhiệm hơn với gia đình

– Ý nghĩa của tình huống truyện:
+ Phản ánh hiện thực tăm tối của nạn đói
+ Làm sáng lên ánh sáng của tình người

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị của tình huống truyện.

II. Bài văn mẫu Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt

1. Phân tích tình huống truyện Vợ nhặt của Kim Lân, mẫu số 1 (Chuẩn)

Nạn đói năm 1945 đã trở thành một nỗi đau khủng khiếp của dân tộc ta khi nạn đói ấy đã cướp đi của đất nước ta hơn hai triệu đồng bào. Nạn đói ấy đã đi vào trong bao trang sách, những dòng văn, dòng thơ của các nhà văn nhà thơ và một trong số đó là tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Tác phẩm kể về cuộc sống đời thường của những con người đang vật vờ giữa nạn đói năm 1945. Trong truyện ngắn này, Kim Lân đã dựng lên một tình huống truyện vô cùng đặc sắc, độc đáo và mới lạ trong Vợ nhặt, đồng thời qua đó, ông cũng thể hiện được giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.

Tình huống truyện vốn là những sự kiện, hoàn cảnh đặc biệt trong tác phẩm mà qua đó, tác giả muốn bộc lộ quan điểm, tư tưởng của mình cũng như bộc lộ được tính cách, số phận của các nhân vật. Tình huống truyện là một lát cắt từ cuộc sống, tái hiện cả một xã hội thu nhỏ trong đó. Nó là hạt nhân, điểm nhấn cho ta thấy được một phần của cuộc sống, xã hội và con người. Đó là định nghĩa về một tình huống truyện, vậy tình huống truyện trong Vợ nhặt có gì đặc sắc?

Nếu chú ý, người ta có thể nhận ra sự đặc biệt của tác phẩm ngay từ nhan đề của nó, đó là Vợ nhặt. Nhan đề của tác phẩm gần như đã thu hút được hết sự chú ý của người đọc vào nó, khiến người ta háo hức đi tìm hiểu câu chuyện, bước vào trong cái tình huống đặc biệt mà Kim Lân đã cố sức tạo nên. Tình huống đó là một anh cu Tràng xấu xí, con nhà nghèo lại “nhặt” được một cô vợ giữa lúc nạn đói năm 1945 đang hoành hành dữ dội nhất. Chỉ vậy thôi cũng khiến người đọc phải băn khoăn, phải lo lắng rồi! Bởi giữa lúc mà đến bản thân còn không lo nổi, lại rước thêm “của nợ” về thì biết sống làm sao? Đó chính là cái đặc biệt, cái khác lạ mới mẻ trong câu chuyện của Kim Lân, đó cũng chính là thứ đã tạo nên được giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm này.

phan tich tinh huong truyen vo nhat

Bài văn Phân tích tình huống truyện ngắn Vợ nhặt đầy đủ, chi tiết

Với nhan đề “Vợ nhặt” thật độc đáo, “vợ” nhưng không phải “vợ cưới” mà lại là “vợ nhặt”, nghe sao thật rẻ rúng quá đỗi. Nhan đề đã tạo nên sự hấp dẫn, một sự tò mò cho người đọc, bởi một chuyện trọng đại như lấy vợ mà ở đây lại “nhặt” được, thật quá sức bất ngờ! Thế nhưng, phải bước hẳn vào trong câu chuyện của Kim Lân, người đọc mới thực hiểu được “vợ nhặt” ấy là thế nào và hẳn ai đọc xong, cũng không khỏi ấn tượng, không khỏi đồng cảm cho số phận của những con người trong Vợ nhặt của tác giả Kim Lân.

Người ta nói, Vợ nhặt là một tác phẩm truyện chứa đựng tình huống truyện độc nhất vô nhị, mới lạ và cực hấp dẫn. Điều đó thể hiện ở bối cảnh của truyện, ở cái tình huống vừa lạ lùng vừa éo le mà Kim Lân dựng lên.

Bối cảnh mà Kim Lân dùng để xây dựng lên tác phẩm là xã hội Việt Nam năm 1945, khi mà nạn đói khủng khiếp ấy tràn đến, cướp đi của dân tộc ta hơn hai triệu đồng bào. Giữa cái bối cảnh ấy, mọi sự đều trở nên u ám, tối tăm, bởi cuộc sống của con người lúc nào cũng bị bủa vây bởi cái chết. Cái chết cứ rình rập, nhăm nhe trong từng câu chữ, con người trở nên “xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ”, ám ảnh, thê lương vô cùng. Ở trong cái tình thế như vậy, đến lo ăn cho chính mình còn khó khăn, chẳng ai dám nghĩ tới một chuyện gì khác, mà nhất là cái chuyện dựng vợ gả chồng vào thời điểm này.

Ấy thế mà, giữa lúc đó, ở giữa cái xóm ngụ cư ấy, lại xảy lại một câu chuyện lạ khiến người ta phải bàn tán, có người thì vui mừng, có người thì thở dài xót xa, đó là chuyện anh cu Tràng lấy vợ. Thật là một sự kiện vừa lạ lùng lại éo le hết sức. Bởi trong cái bối cảnh run rủi kia, chẳng ai biết cái chết sẽ tìm đến mình và gia đình mình lúc nào, còn anh cu Tràng lại “rước” về một cô vợ. Nó vừa gây cho người ta sự thích thú nhưng cũng khiến người ta phải lo sợ cho số phận phía trước của gia đình Tràng.

Nói tình huống truyện Vợ nhặt lạ và éo le ở chỗ, lạ là anh cu Tràng lấy được vợ, éo le ở chỗ, anh ta lại lấy vợ vào lúc mà con người ta không muốn lấy nhất, lo lắng cho cuộc sống của mình nhất.

Vậy tại sao chuyện anh cu Tràng lấy được vợ lại khiến cho người khác phải ngạc nhiên, phải coi là chuyện lạ lùng đến thế? Đó là bởi vì Tràng hội tụ tất cả những yếu tố, những đặc điểm khó để có thể có một người vợ, đặc biệt là trong cái hoàn cảnh như hiện tại. Hắn không chỉ nghèo, sống giữa một “xóm ngụ cư”, chỉ có một căn nhà lụp xụp vách lá với người mẹ già mà còn phải đi làm thuê, kéo thóc thuê cho người ta, “bữa đực bữa cái”. Mà ở đời, người ta vẫn tránh nhất hai tiếng “ngụ cư”, bởi hai cái từ ấy đã nói lên cái khinh miệt, miệt thị đối với những người dân ngụ cư:

“Trai làng ở góa còn đông
Cớ sao e phải lấy chồng ngụ cư?”

Cuộc sống giữa cái xóm ngụ cư nghèo ấy còn chẳng đủ đảm bảo cho hắn và mẹ già qua nổi cái nạn đói này, huống chi là phải gánh thêm một miệng ăn khác nữa. Không chỉ thế, hắn lại còn xấu xí và thô kệch, “cái đầu trọc nhẵn”, “cái lưng to rộng như lưng gấu”, “hai con mắt nhỏ tí”, “bộ mặt thô kệch”, “thân hình to lớn, vập vạp”, …Ngoại hình thì thế, hắn còn thô lỗ và ăn nói cộc cằn nữa. Vậy nên, liệu với một ngoại hình như thế, một tính cách như thế, hắn có lấy nổi vợ với cái gia cảnh của mình chăng?

Mà không chỉ có vậy, điều quan trọng nhất trong thời điểm này đó là nạn đói đang diễn ra trầm trọng, cái chết đeo bám con người từng ngày, từng giờ “người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường”. Với tất cả những đặc điểm trên, Tràng thực sự khó kiếm nổi một cô vợ cho mình mà cũng không nên lấy vợ ở thời điểm này. Bởi nếu hắn lấy vợ ở thời điểm này thì thật chẳng khác nào tai họa, chẳng khác gì “rước thêm của nợ đời”, là “đèo bòng”, đẩy chính hắn vào cái bi kịch của nạn đói nhanh hơn một bước.

Thế nhưng, cuộc đời chẳng biết được sự ngờ khi mà chính tại cái thời điểm không mong muốn nhất thì có một người phụ nữ đồng ý theo hắn về nhà làm vợ, và hắn có thể nghiễm nhiên trở thành một người đàn ông có vợ. Cái sự “có vợ” của hắn đến bất ngờ như một cơn mưa rào giữa trưa hè nóng nực. Bởi chỉ với một câu bông đùa trong lúc đang gò lưng kéo xe thóc lên dốc, khi hắn chứng kiến những người đàn bà ngồi bên lề đường mà “hắn đoán họ ngồi đấy để nhặt hạt rơi hạt vãi”. Đứng trước cái cảnh ấy, chẳng hiểu sao, Tràng lại hò lên một câu hò đầy tình tứ, chỉ để mà “chơi cho đỡ nhọc”: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò này/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì!”. Một câu hò tưởng chừng vô ý, ấy thế mà cô nàng lại “ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng”. Một cái cười “tít mắt” của Thị đã khiến cho Tràng phải “thích lắm. Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa có người con gái nào cười với hắn tình tứ như thế”. Đó là cái duyên cớ họ quen nhau, và cái câu hò ấy như là một cái lý do, một chiếc phao cứu sinh, một nhịp cầu dẫn đường cho họ đến với nhau. Và đúng như vậy, lần thứ hai gặp nhau, đó là khi Tràng đã trả hàng xong, ngồi uống nước thì Thị ở đâu chạy lại. Nếu như không có câu hò ấy làm dấu hiệu thì liệu Tràng có nhận ra người đàn bà “rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp đi, trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt” kia là người đã cùng đẩy xe bò với mình hay chăng? Nhìn Thị chắc hẳn Tràng cũng hiểu, cái đói đã dày vò Thị, nhìn Thị, Thị đang là nạn nhân của cái đói mà nếu không có cái ăn, chỉ một vài ngày nữa thôi, Thị cũng sẽ giống như những người chết đói khác. Lúc đó, trong lòng Tràng bừng lên cái cảnh giác thương cảm đồng loại, và thế là Tràng quyết định mời Thị ăn: “muốn ăn gì thì ăn”. Câu nói đó như đánh trúng cái tâm lý của Thị, Thị chỉ đáp trả bằng một câu hời hợt “Ăn thật nhá, ừ thì ăn sợ gì”, và thế là Thị làm một chặp “bốn bát bánh đúc”. Nhìn Thị ăn, chắc hẳn có người sẽ nghĩ Thị là loại đàn bà con gái trơ trẽn, không có liêm sỉ, nhưng đặt mình vào hoàn cảnh của Thị thì mới hiểu, mới thương và xót xa cho Thị. Người ta tự hỏi cái gì đã khiến Thị mất đi lòng tự trọng, cái gì đã khiến cho Thị không màng tới liêm sỉ như thế? Chẳng phải đó là cái đói, cái chết hay sao? Bởi vậy, Thị đáng thương hơn là đáng trách, đáng tội nghiệp hơn là đáng phải chịu lời khinh bỉ. Xong bữa ăn, Thị vô từ “thở: Hà ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố”, một câu nói lịch sự vu vơ nhưng lại được Tràng đáp trả: “Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ, có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Một câu nói đùa của Tràng mà Thị làm thật, thế là trở thành một đôi vợ chồng. Cái đám cưới của Thị và Tràng vội vàng, nhanh chóng và đơn giản đến bất ngờ. Chẳng có cỗ bàn linh đình, chẳng mổ bò giết lợn, tất cả chỉ gói gọn trong bốn bát bánh đúc, vậy mới nói, chuyện anh cu Tràng lấy vợ là một chuyện lạ ở đời.

Có những người cho rằng, ở thời điểm đó, hắn nên từ chối, bởi người ta chẳng biết ngày mai ra sao, cái đói, cái chết có tìm đến mình hay không mà cưới vợ, thì hắn lại bỏ mặc tất cả với một tiếng “chặc lưỡi: “chặc, kệ!”. Và thế là hắn có vợ, thế nhưng cái sự có vợ của hắn lại là một tình huống éo le nhất mà chúng ta từng đọc.

Bởi xưa nay, việc dựng vợ gả chồng luôn là việc hệ trọng bậc nhất, là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của đời người. Mỗi khi nhắc đến việc cưới vợ cưới chồng, cả gia đình phải cùng nhau tính toán, không chỉ là lễ vật mà còn phải là ngày lành tháng tốt để rước dâu. Ấy vậy mà với Tràng, “giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy” thì hắn lấy vợ. Không có một tính toán, không có một lời dạm hỏi hay tình yêu, tất cả chỉ đơn giản bắt nguồn từ một câu nói đùa. Hạnh phúc lớn nhất đời người của Tràng được đổi bằng “bốn bát bánh đúc” nóng hổi khiến cho ai cũng phải bất ngờ và ngạc nhiên vô cùng. Cái hạnh phúc lớn nhất đời người kia tưởng phải vẹn tròn thì giờ đây bị chen ngang bởi cái đói, cái chết bởi nạn đói đang hoành hành dữ dội khắp nơi.

Nếu như xưa nay, vợ chồng đến với nhau không phải vì tình yêu thì cũng nhờ mai mối đưa đẩy, thì Tràng lại khác. Cái duyên đưa đẩy Tràng và Thị đến với nhau lại chính là cái đói. Chỉ với mấy bát bánh đúc, Thị đã bằng lòng theo Tràng về nhà để trở thành dâu con trong nhà. “Bốn bát bánh đúc” ấy đã thay cho mấy lễ trầu cau dẫn cưới, “ba bò chín trâu” lễ vật, một cái giá không thể có nếu như không phải nạn đói đang xảy ra, và khi đó, hiển nhiên, Tràng cũng chẳng thể lấy nổi với cái gia cảnh của mình.

Thế mới nói, Tràng lấy vợ đã trở thành một tình huống éo le bậc nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, bởi hắn không chỉ lấy vợ trong bối cảnh đặc biệt: nạn đói và còn bởi duyên phận kéo vợ chồng hắn đến với nhau cũng là cái đói trong những năm tháng ấy. Đám cưới diễn ra nhanh chóng, cái cuộc đưa dâu cũng diễn ra chỉ vỏn vẹn có cô dâu và chú rể dắt díu nhau trở về căn nhà lụp xụp cuối xóm ngụ cư. Một đám cưới trên nền cái đám tang của dân tộc, của vô số những con người khác. Như những người khác nhìn vào, Tràng đã “liều”, hắn đang đánh cược số phận của mình với thần chết, bởi cái thời buổi này, nuôi thân còn khó chứ đừng nói chi “đèo bòng”. Và Thị nữa, Thị cũng thật “liều” khi nhắm mắt đưa chân theo một kẻ xa lạ. Đến khi nhìn thấy cái nhà của Tràng, Thị mới “nén một tiếng thở dài”, cũng đúng thôi, bởi Thị chắc hẳn thất vọng khi nhìn thấy gia cảnh của Tràng, liệu nó có chứa chấp nổi cái thân của Thị hay chăng? Thế nhưng, lúc gặp Tràng, Thị đã cố bấu víu vào cái hi vọng cuối cùng để được sống, thế nên đành “nhắm mắt đưa chân”, hi vọng rằng Tràng sẽ bến đậu cho cuộc đời của Thị.

“Nhặt” được vợ, một câu chuyện tưởng chừng như cổ tích ấy lại diễn ra vô cùng chân thực trước mắt chúng ta, vậy những con người trong câu chuyện ấy đã phản ứng ra sao đối với việc Tràng lấy vợ?

Đầu tiên là phản ứng của những người dân trong xóm của Tràng, những người đầu tiên chứng kiến một cuộc đưa dâu kì lạ nhất trong đời mình. Họ chứng kiến vợ chồng Tràng kẻ trước người sau bước những bước chân trở về ngôi nhà mình, ngang qua những căn nhà cũng lụp xụp của họ. Và khi họ nhìn thấy người đàn bà bẽn lẽn phía sau lưng Tràng thì “họ đứng cả trong ngưỡng cả nhìn ra bàn tán”, bởi họ ngạc nhiên “người trong xóm lạ lắm”. Thế nhưng, nhìn thấy điều đó, dường như họ đã “hiểu được đôi phần”, và từ trong tâm những con người nghèo khổ ấy bừng lên một điều gì đó khiến “những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối của họ”. Rồi những tiếng cười bùng lên, họ “cười lên rung rúc” như niềm vui bao ngày mới tìm lại được giữa một cuộc sống mà cái chết cứ rình rập họ từng ngày. Thế nhưng, có người vui cười, cũng có người hiểu cái tình cảnh hiện tại của họ, của Tràng, của Thị mà thở dài: “Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”, và rồi họ “nín lặng”. Cái lặng thinh trong không gian như ngấm vào trong tâm họ cả niềm vui và nỗi buồn, vui vì anh cu Tràng có vợ, họ chia sẻ với hắn niềm vui ấy, nhưng họ cũng lo cho hắn, lo cả sang cái cuộc sống mà cái đói, cái chết của vây hãm họ mỗi ngày này.

Còn đối với anh cu Tràng, lấy vợ – một chuyện đại sự cả đời lại xảy ra chỉ trong vài giờ ngắn ngủi, Tràng đi từ ngạc nhiên, bất ngờ tới nỗi sợ hãi rồi sau cùng là niềm vui, hạnh phúc. Hắn ngạc nhiên là bởi vì chỉ với một câu đùa với dăm ba bát bánh đúc mà Thị đã bằng lòng theo hắn trở về nhà. Bởi hắn hiểu hoàn cảnh của mình, hiểu rõ bản thân mình hơn ai hết, nhất là trong cái giai đoạn này, ai dám đặt cược bản thân mình vào một kẻ nghèo, xấu xí, sống giữa xóm ngụ cư như hắn chứ? Vậy nên, cái gật đầu bằng lòng của Thị đã khiến hắn bàng hoàng quá đỗi! Và tiếp sau đó là sự sợ hãi dâng lên trong lòng Tràng “Mới đầu anh chàng cũng chợn, nghĩ: Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Thế nhưng, nỗi sợ hãi ấy dâng lên trong lòng Tràng chỉ vài tích tắc, bởi sau đó hắn đã “chặc lưỡi một cái: chặc, kệ!”. Giờ đây, hắn chỉ thấy bừng lên trong lòng mình niềm hạnh phúc, niềm vui khi có được một người vợ, có được hạnh phúc gia đình. Chẳng thế mà anh chàng “tủm tỉm cười một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”, nhìn nàng dâu mới “ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia”, hắn càng vui sướng “cái mặt cứ vênh lên tự đắc với mình”, “hắn thích chí cười khanh khách”. Niềm vui sướng về hạnh phúc gia đình đã khiến hắn “hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên đi cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên”. Niềm hạnh phúc ấy đến với Tràng bất ngờ quá, nhanh chóng quá, giữa hoàn cảnh đói khát nhất, để đến khi tỉnh dậy vào sáng sớm hôm sau “hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải”.

Bậc làm cha làm mẹ luôn mong muốn con cái mình có được những điều tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất. Ai cũng vậy và bà cụ Tứ – mẹ Tràng cũng không phải ngoại lệ. Người mẹ già cũng mong muốn con trai mình có được một hạnh phúc nhỏ riêng mình, thế nhưng bà hiểu được hoàn cảnh của gia đình mình, hiểu được con trai bà, và hơn hết, hiểu được cái giai đoạn mà cái chết khủng khiếp đang gần kề thế này. Chính vì thế, khi Tràng dẫn người vợ mới trở về gian nhà ọp ẹp, tâm trạng bà mới đầy những cảm xúc khó tả.

Đầu tiên là sự ngạc nhiên, bà ngạc nhiên khi thấy Tràng đon đả hơn thường ngày, thái độ vồn vã của Tràng đã báo hiệu cho bà một linh cảm khác lạ. Và bà càng ngạc nhiên hơn khi nhìn vào trong nhà của mình lại thấy một người đàn bà khác đang đứng ngay trên “đầu giường của thằng con mình” và chào bà bằng u. Bà cụ băn khoăn tự hỏi chính bản thân mình “Ai thế nhỉ?”, bởi bà chưa từng nghĩ, đứa con trai của mình lại có thể có vợ giữa lúc tối tăm thế này. Thế rồi, bà nghe Tràng nói, bà “cúi đầu nín lặng”. Lòng người mẹ già nặng trĩu bao điều. Bà vui mừng bởi đứa con trai của bà nay đã có người bầu bạn vui cùng, thế nhưng, bà lại tủi phận cho cái kiếp nghèo đeo đuổi gia đình bà bao lâu nay “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi… Còn mình thì…”. Những nỗi lo âu giằng xé tâm can người mẹ già “biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”. Câu hỏi đó dằn vặt tâm can bà, chất chứa nỗi hoang mang, chua xót cho số kiếp của mình, của những đứa con mình. Sự nghẹn ngào của bà, nỗi xót xa, sự ân hận khi không thể làm tròn được bổn phận của một người mẹ “năm nay đói to đấy, chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá!”. Thế nhưng, sau tất cả những dằn vặt, nghẹn ngào và ân hận ấy, là niềm vui mừng của bà dành cho đôi trẻ “u cũng mừng lòng”. Bà cũng truyền cho vợ chồng Tràng những niềm lạc quan, cái hi vọng bà gieo cho họ về một tương lai tươi sáng phía trước “Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may ông giời cho khá…”. Đó là tất cả tấm lòng của người mẹ già dành hết cuộc đời mình vì con vì cái.

Mỗi nhân vật ở trong câu chuyện đều có một tâm trạng, sự phản ứng khác nhau trong sự kiện Tràng lấy vợ. Ở đó có niềm vui, niềm hạnh phúc của Tràng khi khao khát hạnh phúc gia đình đã thành hiện thực, của bà cụ Tứ khi đứa con trai đã có người bầu bạn cùng, thế nhưng, cũng có những nỗi buồn, sự xót xa. Bởi Tràng lấy vợ giữa một hoàn cảnh đầy éo le, đầy những run rủi và bất trắc, bởi giữa cái nạn đói kia, kết hôn chính là “đèo bòng”, là “rước của nợ đời”, không biết có nuôi nổi không.

Tình huống truyện trong tác phẩm Vợ nhặt đã làm nổi bật lên chủ đề của tác phẩm, đồng thời còn tạo điều kiện để nhà văn khai thác thế giới nội tâm của nhân vật một cách chân thực và sâu sắc nhất. Kim Lân đã khéo léo xây dựng một tình huống truyện đặc sắc, độc đáo bậc nhất nền văn học Việt Nam. Tình huống ấy không chỉ làm rõ cái tình cảnh thê thảm của những người dân ta trong nạn đói khủng khiếp 1945 mà còn thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước những tăm tối trong số phận con người trước Cách mạng Tháng Tám 1945 nữa.

Ngoài ra, tác phẩm cũng thể hiện được giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Giá trị hiện thực nằm ở chỗ, Kim Lân đã miêu tả tình cảnh, cuộc sống, khung cảnh thê thảm của con người trong nạn đói năm 1945 khi mà cái đói dồn đuổi con người ta vào đường cùng. Nó cũng khiến cho những thứ hạnh phúc tưởng chừng to lớn nhất đời người trở nên mong manh, tội nghiệp. Và hơn thế, nó tố cáo mạnh mẽ tội ác của bọn phát xít , thực dân xâm lăng đất nước ta.

Về giá trị nhân đạo, Kim Lân muốn thể hiện cho chúng ta thấy được tình cảm thương mến của con người dành cho nhau ngay cả trong những lúc khó khăn, đói khát nhất. Sự trân trọng của Tràng dành cho Thị, tình yêu thương vô bờ của bà cụ Tứ là những điểm sáng giữa bức tranh tăm tối của nạn đói. Thêm nữa, ta còn cảm nhận được một thứ ánh sáng hy vọng vào tương lai tốt đẹp khi ngọn cờ Cách mạng phất phới bay trong gió cùng đoàn người đi phá kho thóc Nhật.

Kim Lân là một nhà văn thực sự tài năng, là một nhà văn gắn liền với đất và người. Tình huống trong câu chuyện “Vợ nhặt” của ông đã cho chúng ta một cái nhìn mới về tình nghĩa con người trong nạn đói khủng khiếp của dân tộc. Tình huống ấy được dựng lên vừa lạ lùng vừa éo le, gieo vào lòng người đọc bao cảm xúc khó tả nhất. Đồng thời nó cũng chứng minh một tài năng hiếm có trong nền văn học Việt Nam – Kim Lân.

>>> Các bài văn mẫu liên quan đến tác phẩm Vợ nhặt hay, đặc sắc

Cùng với việc Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt, để hiểu rõ hơn về nội dung, ý nghĩa của tác phẩm, các em có thể tìm hiểu thêm các bài văn mẫu liên quan đến tác phẩm Vợ nhặt do biên soạn và tổng hợp như: – Phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt, Phân tích nhân vật vợ Tràng trong truyện Vợ nhặtPhân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt, Sự sống đối mặt với cái chết trong Vợ nhặt,…
 

2. Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt, mẫu số 2 (Tóm tắt)

a. Nhan đề truyện:

– Truyện hấp dẫn, cuốn hút người đọc ngay từ đầu bởi một nhan đề rất lạ: “Vợ nhặt”. Nhà văn ở đây không đặt là “Nhặt vợ” mà đặt là “Vợ nhặt”?
+ “Nhặt vợ”: còn có cái gì đó là chủ động, có tính toán của Tràng.
+ “Vợ nhặt”: là một sự bị động, thậm chí là được vợ theo.

– Trong một lần trả lời phỏng vấn, chính Kim Lân đã hào hứng giải thích: “Trong cảnh đói năm 1945, người dân lao động dường như khó ai thoát khỏi cái chết. Bóng tối của nó phủ xuống xóm làng. Trong hoàn cảnh ấy, giá trị của một con người thật vô cùng rẻ rúng, người ta có thể có vợ theo, chỉ nhờ mấy bát bánh đúc ngoài chợ – đúng là “nhặt” được vợ như tôi nói trong truyện”.

b. Tình huống truyện độc đáo:

Sáng tạo tình huống truyện là vấn đề then chốt của nghệ thuật viết truyện ngắn. Nó khẳng định tài năng cũng như phong cách của nhà văn.

* Tình huống truyện:
Tình huống truyện là diễn biến của sự việc, sự phức tạp của tình tiết; là cái éo le, nghịch lí ở đời. Sự việc, câu chuyện “xảy ra như thế mà ta cứ ngỡ không phải thế”. Tình huống càng lạ bao nhiêu thì truyện càng hay, hấp dẫn bấy nhiêu.

* Tình huống truyện độc đáo trong “Vợ nhặt”:
Đó là việc Tràng “nhặt” được vợ – một tình huống đầy kịch tính, xưa nay chưa từng có; vừa lạ lại vừa éo le:

– Lạ:
+ Người như Tràng mà lấy được vợ, thậm chí lại có vợ theo. Tràng:
• Xấu xí
• Tính cách có phần hơi dở hơi
• Nghèo, dân ngụ cư
→ Hội tụ đầy đủ những yếu tố để Tràng khó, thậm chí không lấy được vợ.

+ Giữa lúc đói khát, nuôi thân còn chẳng xong vậy mà Tràng lại dám “đèo bòng”, “rước cái của nợ đời ấy về”.
+ Tràng lấy vợ, nhặt được vợ cũng chỉ qua hai lần gặp tình cờ, chỉ với mấy câu nửa đùa nửa thật vậy mà người đàn bà đã theo Tràng về → Cái công việc mà xưa nay người ta vẫn cho là khó lại vô cùng tình cờ, dễ dàng đối với Tràng.

– Éo le:
+ Tràng lấy vợ – hưởng cái hạnh phúc lớn nhất của một dời người giữa cảnh “tối sầm lại vì đói khát”, giữa cái lúc mà cái chết và sự sống ranh gới mong manh, tưởng như âm- dương không có sự cách biệt → Chen vào hạnh phúc là nỗi lo chạy trốn cái đói, nỗi lo níu kéo sự sống.
+ Duyên cớ để đưa họ đến với nhau cũng thật buồn lòng: đó là cái đói. Ở đây, mấy bát bánh đúc thay cho trầu cau dẫn cưới. Nếu không vì cái đói đưa đẩy thì Tràng cũng khó lòng lấy được vợ → Sự thật đáng buồn.

* Phản ứng của mọi người trước sự kiện độc nhất vô nhị này:
– Những người dân trong xóm ngụ cư:
+ “Người trong xóm lạ lắm”, họ “đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán” → Ngạc nhiên tột độ.
+ Sự kiện lạ lùng ấy đem đến một “cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối” của họ, làm những khuôn mặt “hốc hác, u tối” bỗng dưng “rạng rỡ hẳn lên”.
+ Họ “cười rung rúc”.
+ Rồi có người thở dài.
+ Tất cả cùng “nín lặng” khi có người nói ” Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”

– Bản thân Tràng:
+ Mọi chuyên nhanh chóng quá đến mức chính Tràng – người trong cuộc cũng cảm thấy ngạc nhiên. Khi đã đưa người vợ nhặt về nhà, nhìn thị ngồi giữa nhà mà Tràng “vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế”

– Bà cụ Tứ – mẹ Tràng:
+ Vô cùng ngạc nhiên trươc thái độ vồn vã, khác thường của đứa con trai, bà “hấp háy hay con mắt nhìn Tràng” rồi băn khoăn hỏi Tràng “có việc gì thế vây?”
+ Ngạc nhiên hơn nữa khi nhìn thấy người đàn bà trong nhà:
• Bà “đứng sững lại”→ Quá đỗi ngạc nhiên.
• Trong đầu bà cụ hiện lên một loạt những câu hỏi: “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ?”, “sao lại chào mình bằng u?”… → Băn khoăn, ngạc nhiên.
+ Khi đã hiểu rõ cơ sự bà lão “cúi đầu nín lặng”, thương xót cho số kiếp đứa con mình.
+ Tủi thân, xót xa vì chưa làm tròn bổn phận làm cha mẹ “người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này, còn mình thì..” → Độc thoại nội tâm thể hiện tâm lí nhân vật.
+ Sau đó là “mừng lòng”,chấp nhận con dâu, khuyên nhủ các con đầy lạc quan…

* Ý nghĩa của tình huống truyện độc đáo này:
– Tình huống truyện là yếu tố để làm nổi bật chủ đề tác phẩm đồng thời tạo điều kiện cho nhà văn miêu tả tâm lí nhân vật.
– Nhà văn Kim Lân đã rất thành công khi xây dựng nên một tình huống truyện độc đáo. Tình huống ấy vừa phần nào nói lên tình cảnh thê thảm của người dân; vừa thể hiện sự xót xa trước thân phận của những người dân nghèo.
→ Đây là tình huống vừa mừng vừa tủi, vừa vui vừa lo → Tình huống hi hữu, có một không hai.

phan tich tinh huong truyen vo nhat tom tat

Phân tích tình huống truyện Vợ nhặt tóm tắt
 

3. Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt, mẫu số 3 (Chuẩn)

 Giá trị của một tác phẩm truyện không chỉ được thể hiện qua cốt truyện, đối tượng phản ánh, nghệ thuật xây dựng truyện mà còn được thể hiện qua tình huống truyện độc đáo. Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt đã xây dựng được tình huống truyện đặc sắc, qua đó không chỉ góp phần làm nổi bật chủ đề truyện mà còn tạo ra sự hấp dẫn, kích thích đam mê khám phá nơi người đọc.

Ngày từ tên nhan đề, ta đã thấy có chút gì đó phi lý. Vợ vốn là người phụ nữ của gia đình, là người mà muốn lấy phải cưới xin, lễ hỏi đàng hoàng. Nhưng ở đây tác giả lại gọi với cái tên “Vợ Nhặt” thì chắc chắn là có uẩn khúc gì đây?

 Sự độc đáo trong câu chuyện là tình huống Tràng nhặt được vợ. Tình huống này trong câu chuyện nó vừa thật lạ lại thật éo le. 

Trong tình huống này, điều đầu tiên mà ta cảm nhận được đó là sự bất ngờ, quá khác thường khi Tràng lấy được vợ ngay trong nạn đói. Tràng là một người đàn ông nghèo khổ, xấu xí với :” hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung…”. Không chỉ thô kệch, xấu xí, Tràng còn có gia cảnh nghèo khó, sống cùng mẹ già ở xóm ngụ cư. Có thể nói Tràng khó có thể lấy được vợ trong hoàn cảnh thường, càng trở nên xa xỉ khi nạn đói xảy ra, thế mà trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, Tràng lại dẫn về một người vợ.

Cái lạ thứ hai là giữa cơn hoạn nạn, khi mà cái đói đang rình rập, chực chờ lấy mạng sống của bất kỳ ai trong xã hội lúc bấy giờ, đến thân Tràng, mẹ Tràng còn không biết sống chết khi nào thì Tràng lại lấy Thị về làm vợ. Người ta xưa nay dựng vợ gả chồng cho con cũng là khi gia đình sung túc, có của ăn của để hay ít ra cũng có chút vốn mà làm ăn. Tràng lại khác, lấy vợ lúc khốn cùng của sự đói, chẳng biết tương lai sẽ ra sao, cũng chẳng tính toán lo toan, đùng ngày lại lấy vợ. Cái lạ nhất có lẽ là khi câu nói bông đùa của Tràng lại trở thành lời “cầu hôn” đối với Thị. Chỉ cuộc gặp tình cờ, buông lời đùa giỡn mà Tràng lại có được vợ. Việc lấy vợ là việc hệ trọng, lấy được vợ cũng đâu phải dễ dàng gì, vậy mà với Tràng thì lại rất dễ dàng. 

 Trong tình huống truyện ấy, sự lạ đã khiến không ít người đọc phải bật cười, nhưng có lẽ, đó là những nụ cười chua xót. Bởi làm sao có thể thôi nghĩ suy khi tình huống Tràng nhặt được vợ cũng đầy éo le lúc ấy. Năm đó là những năm mòn mỏi, cái đói ghì sát mặt, Tràng lấy thị về trong cảnh cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc. Niềm hạnh phúc nhỏ bé ấy không thể thắng nổi cơn cuồng phong của đói khát đang hả hê nhấn chìm từng chút, từng chút một trên mảnh đất của làng Ngụ Cư ấy.  Những xác chết vật vờ, mạng sống mong manh, hạnh phúc cũng mong manh, nỗi lo lắng nhất lúc này là làm sao chạy trốn được sự đói khổ.  Thị đã nhận Tràng là chồng, theo Tràng về nhưng thiết nghĩ nếu không có mấy bát bánh đúc, không vì quá đói khát thì Thị liệu có thể theo Tràng về không? 

phan tich y nghia tinh huong truyen vo nhat

Hướng dẫn Phân tích tình huống truyện Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

Trước hình ảnh Tràng dắt Thị về, ai cũng đều tỏ ra thích thú, tò mò và lạ lẫm. Người ta vừa mừng cho anh, lại vừa cay đắng, xót xa cho anh. Bởi có lẽ trong lòng ai cũng hiểu được rằng, cái thời thế đảo điên này rước nhau về chỉ thêm nợ, thêm bồng mà thôi. Mẹ Tràng- bà cụ Tứ cũng vậy, cũng mừng mừng tủi tủi vì con mình cũng có vợ, rồi cũng lo lắng bất an và thương xót cho con mình. Dù bứt rứt, bồn chồn, dù tủi thân xót phận, người mẹ ấy cũng mừng lòng chấp thuận cho con, bà dặn con cùng nhau cố gắng, khuyên nhủ con phải gắng sức làm ăn. Bát cháo cám đắng chát trong bữa cơm ngày đầu chứa chan bao thương cảm, đằng sau ấy là cả tấm lòng người mẹ, mang cả niềm tin và hy vọng của người mẹ gửi gắm nơi con. Và trong tình huống ấy, bản thân Tràng cũng đầy lạ lẫm,  sự việc đến với Tràng quá nhanh khiến Tràng cũng bất ngờ trong sự ngạc nhiên khó tả. Tràng cũng thấy sung sướng vô bờ trong thứ hạnh phúc mong manh mà có lẽ bấy lâu hắn vẫn từng mong có được, niềm vui ấy khiến Tràng thấy mình phải  có trách nhiệm hơn với tương lai, với gia đình của mình. 

Qua tình huống nhặt vợ của anh Tràng, ta không khỏi xót xa trước cảnh ngộ khốn khổ của những con người trong nạn đói, thế nhưng vượt qua bóng tối của cái tàn tạ, thê thảm ta thấy sáng lên ánh sáng của tình người. Đứng trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, Tràng và bà cụ Tứ vẫn quyết định cưu mang người vợ nhặt, đối đãi với thị bằng cả tấm lòng. Cũng trong ám ảnh đói khát ấy, Tràng và người vợ nhặt vẫn quyết định sống cùng nhau, xây dựng hạnh phúc gia đình và mong ước đến những điều tốt đẹp.

Nhà văn Kim Lân, một nhà thơ thấu hiểu sâu sắc và đồng cảm với cuộc sống của những người nông dân đã viết nên một tác phẩm truyện vô cùng có giá trị. Tình huống truyện “có một không hai” ấy đã góp phần thể hiện rõ chủ đề của tác phẩm, quá đó tố cáo đanh thép xã hội thực dân tàn bạo đã đẩy con người tới sự khốn khổ tận cùng. Đồng thời, bộc lộ niềm xót thương tới số kiếp của những kiếp người nghèo khổ.

—————– Hết —————

Cùng với tác phẩm Vợ nhặt, danh sách các bài văn hay lớp 12 cũng còn rất nhiều các bài văn hay, hỗ trợ tốt cho việc ôn tập, rèn luyện kỹ năng viết của các em học sinh như Phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ, Cảm nhận về Ai đã đặt tên cho dòng sông, Phân tích tác phẩm Người lái đò sông Đà, Phân tích bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca,… Hy vọng những bài văn mẫu này sẽ giúp ích cho việc học tập của các em.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-tinh-huong-truyen-trong-vo-nhat/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp