Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình

0
130
Rate this post

Đề bài: Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình

phan tich truyen ngan nhung dua con trong gia dinh

Bài văn mẫu phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình hay, đặc sắc

Bạn đang xem: Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình

I. Dàn ý Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình (Chuẩn)

* Dàn ý số 1:
 

1. Mở bài

Giới thiệu về truyện ngắn Những đứa con trong gia đình

2. Thân bài

a. Nội dung chính:
– Xây dựng nên một hình ảnh về dòng sông truyền thống của một gia đình yêu nước
– Họ có tinh thần dũng cảm với lòng căm thù sự tàn bạo của giặc và  chiến đấu hết mình, hy sinh, thủy chung với cách mạng

b. Các nhân vật

– Nhân vật chú Năm:
+ Lưu giữ những chiến công và tội ác bất dung của quân giặc gây ra cho gia đình qua cuốn sổ ghi chép
+ Chín chắn, nhiều kinh nghiệm và giàu tình cảm
+ Có tâm hồn mơ mộng nhưng cũng đầy lý trí

– Nhân vật Chiến:
+ Người chị có phẩm chất của một người mẹ trong gia đình
+ Yêu thương, chăm sóc em, biết lo toan, gánh vác những việc trong gia đình
+ Tính toán kỹ lưỡng, sắp xếp mọi chuyện trước ngày nhập ngũ
+ Dành lấy phần hiểm nguy để thay em ra trận
+ Kiên quyết, dũng cảm: “Đã là thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!”

– Nhân vật Việt:
+ Sau trận giao tranh ác liệt, dù mình đang bị thương đến đau đớn, mắt đã không còn nhìn thấy rõ, người đói khát, sức lực dường như đã cạn kiệt, vậy mà Việt vẫn không mảy may có một ý nghĩ nào sẽ từ bỏ
+ Dũng cảm chiến đấu, luôn nghĩ về gia đình
+ Có sự ngây thơ, hồn nhiên của cậu bé mới lớn ( tinh nghịch, sợ ma,…)

c. Nghệ thuật

– Tình huống truyện đặc sắc tạo mạch cho sự phát triển của câu chuyện
– Ngôn ngữ truyện giàu màu sắc Nam Bộ, giọng điệu kể chuyện tự nhiên, gần gũi làm nên sức hút của câu chuyện.

3. Kết bài

Qua tác phẩm, ta thêm tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc và cốt cách của con người miền Nam thủy chung, son sắt. Thêm yêu, thêm quý và trân trọng những sáng tạo nghệ thuật được viết nên bởi một tấm lòng yêu nhân dân.

 

* Dàn ý số 2:

1. Mở bài

– Sơ lược về tác giả và tác phẩm.

2. Thân bài:

a. Nhân vật Việt:

* Tình huống xuất hiện:
– Sau khi đã hạ được một chiếc xe bọc thép của địch giữa rừng cao su, anh bị thương rất nặng hai mắt không nhìn thấy gì, lạc mất đồng đội, toàn thân đau đớn vì rỏ máu, sau mấy ngày không ăn uống thì gần như kiệt sức hoàn toàn.

* Lai lịch:
– Việt xuất thân trong một gia đình nông dân Nam Bộ, có truyền thống đánh giặc cứu nước lâu đời, trải qua nhiều mất mát đau thương, có nhiều chiến công hào hùng, rạng rỡ.

* Vẻ đẹp từ tấm lòng yêu thương gia đình sâu sắc:
– Khi cận kề với cái chết Việt nhớ tới má đầu tiên, trong tâm trí của anh, ký ức về má ùa về một cách sống động.
– Tình cảm dành cho má của Việt còn được biểu hiện thông qua những tưởng tượng, ước mong khi anh đang kiệt sức giữa chiến trường.
– Trong đêm trước ngày ra chiến trường, khi nhìn chị Chiến sắp xếp công việc gia đình, thì Việt lại liên tưởng đến hình ảnh của má.
=> Có thể thấy rằng Việt đã dành những tình cảm vô cùng sâu sắc dành cho má, nó là tình thương, sự kính trọng và cả nỗi nhớ mong vô tận sau khi má khuất.

– Không chỉ dành tình cảm cho má, mà hiện tại trong gia đình đối với chị Chiến, người gắn bó nhất với Việt, anh cũng có những tình cảm sâu sắc.
+ “thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt thấy lòng mình rõ thế”.
+ Giấu nhẹm chị như giấu của riêng vì sợ mất chị sau những lời đùa tếu, tán tỉnh của mấy anh em.

* Vẻ đẹp của tinh thần căm thù giặc và quyết tâm trả thù:
– Tranh giành quyết liệt suất đi bộ đội với chị Chiến, bất chấp những lời phân tích thiệt hơn của chị.
– Khi khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm, thì suy nghĩ trong tâm tưởng “chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về”, rồi “mối thù thằng Mỹ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng trên vai”.
– Ở ngoài mặt trận, Việt là một người lính trẻ gan góc, dũng cảm và kiên cường.
– Khi bị thương, mắt không nhìn thấy gì, lạc đồng đội, kiệt sức đến nỗi chỉ còn một ngón tay có thể cử động, thế nhưng Việt vẫn dùng ngón tay ấy để đặt ở cò súng và đạn đã lên nòng, với tư thế sẵn sàng chiến đấu.
=> Nhân vật Việt đã hiện lên những nét đẹp tiêu biểu của con người thời đại, là vẻ đẹp lý tưởng của cộng đồng, mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng.

b. Nhân vật Chiến:

* Vẻ đẹp của lòng yêu gia đình sâu sắc:
– Đối với má chị Chiến dành nhiều tình cảm yêu thương, tưởng nhớ, ngưỡng mộ thông qua hồi ức của Việt, chị Chiến đang hình thành cho mình những phong thái những tính cách giống hệt má ngày còn sống.
– Đối với Việt, chị Chiến cũng dành nhiều tình cảm, sắn sóc, yêu thương, luôn nhường nhịn Việt. Chỉ có duy nhất lần đi bộ đội là chị không nhường, bởi lẽ chị thương Việt còn nhỏ, chị muốn nhận phần khó khăn nguy hiểm về mình, để cho Việt được sống thêm những ngày tháng bình yên ở quê nhà.

* Vẻ đẹp từ tấm lòng căm thù giặc sâu sắc, ý chí quyết tâm trả thù mạnh mẽ:
– Sau khi má chết, Chiến cũng như Việt tranh giành quyền đi bộ đội, để giết giặc trả thù cho gia đình.
– Ý nghĩ trong tâm tưởng đầy sâu sắc”chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về”, rồi “mối thù thằng Mỹ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng trên vai”.
– Lòng quyết tâm của Chiến còn thể hiện trong lời dặn dò em thông qua lời chú Năm rằng: “Chú Nam bảo rằng, kỳ này đi là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu”.
– Lời thề sắt đá “Đã làm thân con gái ra đi tao chỉ có một câu nếu giặc còn thì tao mất vậy à”, một câu nói rất gọn chắc, quyết liệt thể hiện đúng bản chất bộc trực thẳng thắn của người dân Nam Bộ.

* Vẻ đẹp trong cuộc sống đời thường:
– Đảm đang tháo vát, biết vun vén là lo toan, chị thu xếp việc rất chu toàn, tính toán chính xác.
– Có tâm hồn thiếu nữ, biết làm đỏm làm dáng khi luôn mang theo bên mình một chiếc gương, kể cả khi ra chiến trường.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung về tác phẩm.

II. Bài văn mẫu Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình

1. Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, mẫu số 1 (Chuẩn)

Được mệnh danh là “nhà văn của người nông dân Nam Bộ”, những trang viết của nhà văn Nguyễn Thi dù ở bất cứ thể loại nào dường như cũng đều bắt nguồn từ hiện thực những năm tháng chiến tranh ác liệt ở Nam Bộ và thể hiện rõ nét những vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của con người nơi đây. Bằng lối viết vừa đậm chất hiện thực vừa đậm chất trữ tình cùng năng lực phân tích tâm lí nhân vật và xây dựng tình huống độc đáo, những tác phẩm của Nguyễn Thi luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” – ra đời năm 1966 là một trong số những sáng tác tiêu biểu và xuất sắc nhất của ông. 

Đặt điểm nhìn ở nhân vật Việt, “Những đứa con trong gia đình” là câu chuyện sâu sắc, thấm thía và đầy cảm động về những đứa con trong một gia đình đầy truyền thống, là ông nội, là ba, là má, là chú Năm, là chị Chiến và cả Việt nữa. Câu chuyện về gia đình nông dân Nam Bộ ấy đúng như lời chú Năm từng nói “Câu chuyện gia đình như một dòng sông và con sông của gia đình ta cũng đang dào dạt đổ về biển lớn”. Vâng có lẽ, gia đình Nam Bộ ấy có thật nhiều truyền thống tốt đẹp – yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, luôn thủy chung với cách mạng. Truyền thống tốt đẹp ấy của gia đình đang hòa mình và thống nhất với truyền thống của quê hương, đất nước, dân tộc. Và để rồi, trong dòng sông truyền thống gia đình ấy, mỗi nhân vật đều là một khúc sông tuyệt vời để làm nên vẻ đẹp của dòng sông ấy.

Trước hết đó chính là nhân vật chú Năm – khúc sông thượng nguồn đang không ngừng cố gắng lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau truyền thống gia đình. Chú Năm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc trước hết ở lời nói của chú khi hai chị em Chiến và Việt tranh nhau ghi tên đi tòng quân và cả lời của chú với hai chị em Chiến, Việt khi nghe hai chị em trình bày với chú về việc sắp xếp công việc nhà trước khi lên đường. Những lời nói bắt nguồn từ chính trong suy nghĩ, cảm nhận của chú nhưng có lẽ hơn hết giúp người đọc thêm hiểu, thêm trân trọng chú. Với chú Năm, tòng quân chính là một việc làm lớn, còn những việc gia đình chỉ là việc nhỏ, bởi vậy chú ủng hộ việc Chiến, Việt tham gia tòng quân và điều đó xét đến cùng chính là chú đang cố gắng gìn giữ và tiếp nối những truyền thống tốt đẹp của gia đình. Thêm vào đó, người đọc nhớ đến chú Năm còn bởi tiếng hò rất riêng, rất đặc biệt của chú. Có lẽ, những điệu hò đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của những người con Nam Bộ, nhưng điệu hò lần này của chú Năm là một điệu hò rất đặc biệt – “một điệu hò khác với ngày thường”. Không phải là một điệu hò vào ban đêm mà đó là một điệu hò giữa bên ngày. Đặc biệt hơn nữa, trong điệu họ ấy người ta thấy ngân lên biết bao nỗi niềm, bao lời nhắn gửi “bắt đầu cất lên như một hiệu lệnh dưới ánh nắng chói chang, rồi kéo dài, từng tiếng một vỡ ra, nhắn nhủ, tha thiết, cuối cùng ngắt lại như một lời thế giữ dội”. Và người đọc nhớ đến chú Năm còn bởi vai trò rất đặc biệt của chú, chú Năm chính là người lưu giữ, ghi chép cuốn sổ gia đình mỗi ngày và chú ghi chép nó mỗi ngày. Chú ghi lại trong cuốn sổ ấy cả những đau thương, mất mát và cả những chiến công mà mỗi thành viên trong gia đình có được. Có lẽ chính vì điều ấy, cuốn sổ gia đình là trang sử vẻ vang của gia đình nông dân Nam Bộ, là bằng chứng vừa đau thương nhưng cũng rất đỗi anh hùng, hiên ngang.

ơhan tich nhung dua con trong gia dinh

Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình để thấy được truyền thống yêu nước trong gia đình Chiến, Việt

Nếu chú Năm là khúc sông thượng nguồn thì hai chị em Chiến và Việt chính là khúc sông sau, là những người đang viết tiếp vào cuốn sổ gia đình những trang sử anh hùng, đang cố sức lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của con sông gia đình. Người đọc có thể dễ dàng nhận thật ở Chiến và Việt có nhiều điểm giống nhau. Đầu tiên, cả Chiến và Việt đều là những người con trong một gia đình Nam Bộ với nhiều truyền thống tốt đẹp và có lẽ chính bởi điều đó nên cả Chiến và Việt đều mang trong mình những phẩm chất anh hùng đáng trân quý. Chiến và Việt đều luôn mang trong mình khao khát được đi bộ đội và ý nghĩ, ước muốn ấy luôn thường trực trong cả hai chị em từ lúc mẹ mấy. Để rồi, hai chị em đã tranh nhau ghi tên để được tòng quân. Không chỉ dừng lại ở đó, trong quá trình tham gia chiến đấu, cả Chiến và Việt đều là những chiến sĩ kiên cường, dũng cảm và lập được nhiều chiến công. Đối với Chiến và Việt, đánh giặc đã trở thành niềm đam mê và khao khát cháy bỏng. Trong đêm trước ngày đi tòng quân, cuộc đối thoại giữa Chiến và Việt đã thể hiện rõ nét khao khát ấy “Đã là thân con gái, ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!”. Có lẽ, chính bởi niềm khao khát cháy bỏng ấy đã thôi thúc cả Chiến và Việt không ngừng chiến đấu và lập được nhiều chiến công vang dội. Việt đã đánh được một chiếc xe bọc thép còn chị Chín thì đã bắn chìm tàu của địch. 

Bên cạnh những điểm chung, chị Chiến và Việt cũng có những nét riêng, mang dấu ấn riêng của mỗi người. Chiến là người chị trong gia đình, và vì vậy, Chiến luôn là người yêu thương, nhường nhịn em, trừ việc ghi tên đi tòng quân. Thêm vào đó, chị Chiến còn mang nhiều phẩm chất, vẻ đẹp giống má khiến cho Việt trong đêm trước ngày tòng quân phải thốt lên rằng “chị Chiến sao mà giống má”. Là một người con gái với dáng người khỏe mạnh, “hai bắp tay tròn vo, sạm đỏ cháy nắng, thân hình to và chắc nịch, bước chân bình bịch”, chị Chiến luôn đảm đang, tháo vát, lo toàn, sắp xếp công việc gia đình đâu vào đấy và chính chú Năm cũng phải khen rằng “khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non”.

Ở chị Chiến, ta thấy được hình ảnh của người con gái Việt Nam xưa “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Ý chí quyết tâm, bản lĩnh hơn người của chị Chiến được thể hiện trực tiếp qua câu nói với Việt: “ Đã làm thân con gái ra đi, tao chỉ nói một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à”.

Còn với Việt, nếu chị Chiến hiện lên là người chị đảm đang, tháo vát thì Việt lại là người con trai mới lớn, vẫn còn mang trong mình tính cách trẻ con, vô tư, hồn nhiên. Việt phó mặc việc lo toan, sắp xếp mọi việc trong nhà cho chị Chiến “chị nói sao thì tôi nghe vậy”. Và tính cách trẻ con ấy đã theo Việt vào cả trong chiến đấu – đi chiến đấu, Việt không sợ địch mà sợ ma, đi đánh giặc mà lại luôn mang theo bên mình ná thun,…

Khác với vẻ trẻ con khi còn ở với má, với chị Chiến, khi vào chiến trường Việt đã trưởng thành và trở thành một người lính giải phóng quân. Việt đã lập chiến công hạ một chiếc xe bọc thép và 6 tên lính Mĩ, cả khi bị thương nặng, lạc đồng đội, Việt vẫn thể hiện được tinh thần, ý chí quả cảm của một người lính thực thụ, điều này được thể hiện qua suy nghĩ của Việt “Tao sẽ chờ mày, trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này chỉ có mình tao. Mày có bắn thì tao cũng bắn được mày! Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao mày chỉ là thằng chạy”. 

Tóm lại, với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo cùng việc lựa chọn điểm nhìn trần thuật độc đáo, ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ, những trang viết trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của nhà văn Nguyễn Thi đã xây dựng thành công câu chuyện về những người con trong một gia đình Nam Bộ với nhiều truyền thống tốt đẹp, đáng trân quý.

—————– HẾT BÀI 1 ——————

Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi là truyện ngắn viết về truyền thống yêu nước, ý thức đấu tranh của cả thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Bên cạnh bài Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, các em có thể tham khảo thêm bài Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong Những đứa con trong gia đình, Vẻ đẹp chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua nhân vật Tnú trong Rừng Xà Nu và nhân vật Việt trong Những đứa con trong gia đình, Cảm nhận về tác phẩm Những đứa con trong gia đình, Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình

2. Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, mẫu số 2 (Chuẩn):

Nguyễn Thi sinh năm 1928 tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1945, Nguyễn Thi bắt đầu vào hàng ngũ cách mạng, năm 1954, Nguyễn Thi ra bắc tập kết, rồi sau đó xung phong vào miền Nam đánh giặc vào năm 1962. Cuộc đời ông gắn với kháng chiến và nghệ thuật, là một trong những nhà văn tiêu biểu của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị với các thể loại phong phú như tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn hay tùy bút,….”Những đứa con trong gia đình” là tác phẩm truyện ngắn rất thành công của ông trên văn đàn văn học Việt Nam, tác phẩm truyện viết về truyền thống yêu nước của những con người miền Nam chân chất thật thà qua bao thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ nhiệt huyết, ngoan cường và bản lĩnh.

Truyện đã xây dựng nên một hình ảnh về dòng sông truyền thống của một gia đình yêu nước, dũng cảm với lòng căm thù sự tàn bạo của giặc và  chiến đấu hết mình, hy sinh, thủy chung với cách mạng. Bằng giọng kể chân tình, lối viết hết mực tài hoa, tác giả đã xây dựng nên hệ  thống nhân vật đầy ấn tượng p. Mỗi nhân vật được khắc hoạ có những nét chung về tinh thần dân tộc, về lòng dũng cảm, về khát khao cống hiến cho cách mạng và tấm lòng sâu sắc với quê hương. Họ đều chung một mối thù lớn là bọn tàn giặc xâm lăng. Song, ở họ cũng có những nét tính cách riêng tạo nên ấn tượng  trong lòng người đọc khi thưởng thức tác phẩm.

Thượng nguồn của dòng sông truyền thống trong gia đình là chú Năm, người đã lưu giữ những chiến công  và tội ác bất dung của quân giặc gây ra cho gia đình qua cuốn sổ ghi chép. Cuốn sổ ấy là hình ảnh thiêng liêng ghi dấu những chiến công dù là nhỏ bé nhất của tổ tiên tự bảo đời, chú luôn trân trọng và coi nó là vật báu của gia đình. Là một người lao động bình thường, người nông dân Nam Bộ chất phác, chú Năm có một trái tim yêu thương, giàu tình cảm, những câu hò, câu hát dạt dào được chú cất lên bằng tất cả niềm tin và hy vọng của bản thân mình. Hơn ai hết, chú Năm là người chứng kiến sự tàn ác, giày xéo của quân thù trên quê hương mình, chú cũng là người phải chịu đựng vô vàn những xót xa, cây đắng và mất mát. Đó là những đau thương khốn cùng mà chiến tranh đã gieo vào lòng người những vết thẹo không bao giờ mất. Chú căm thù lũ tay sai bán nước, căm thù kẻ ngạo mạn cướp nước, chú kể cho con cháu mình nghe những sự tích ngày xưa để hun đúc trong lòng chúng ý chí chiến đấu trả mỗi thù cho quê hương đất nước. Chú Năm cũng là người đứng ra ủng hộ cả Chiến và Việt được lên đường tham gia cách mạng, trước ngày hai chị em chuẩn bị lên đường, chú gửi lại cuốn sổ truyền thống và dăn: “chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó…”. Chú là người có ảnh hưởng rất lớn trong sự trưởng thành và lớn lên của hai chị em Chiến và Việt.

bai van phan tich truyen nhung dua con trong gia dinh

Những bài văn Phân tích truyện Những đứa con trong gia đình hay nhất

Người mẹ của hai chị em Chiến và Việt cũng là một đại diện tiêu biểu cho khúc sông thượng nguồn truyền thống. Người mẹ ấy yêu chồng, yêu con hết lòng, người mẹ ấy cũng đã trải qua những nỗi đau đến đứt ruột khi chồng ra đi. Dù mất chồng, bà vẫn một mình gồng gánh nuôi hai con trưởng thành, dạy hai con nên người bản lĩnh. Trước họng súng quân thù, người mẹ ấy vẫn quyết liệt bảo vệ con mình như chim mẹ che chở cho những đưá con thơ. Sự quyết liệt trong trái tim can trường của người mẹ ấy khiến lũ giặc là cũng phải run sợ. Người mẹ ấy là hình ảnh đẹp đẽ tiêu biểu cho bao người mẹ Việt Nam anh hùng, chôn giấu những đau thương, gạt nước mắt cay đắng để nuôi con, lo cho con. Sự hy sinh thầm lặng và cả vẻ đẹp gan góc ấy là điều mà ai cũng phải  trân trọng, tự hào, đặc biệt là những người  con. 

  Đến với nhân vật Chiến, ta bắt gặp hình ảnh một cô gái trẻ Nam Bộ yêu nước, đảm đang và nhân hậu. Chiến thừa hưởng từ người mẹ dũng cảm và can trường của mình những phẩm chất đẹp đẽ. Là chị cả trong gia đình, Chiến luôn lo toan mọi việc. Trước ngày nhập ngũ, Chiến bàn với em mọi việc trong nhà như một người trưởng thành đầy chu đáo. Từ chuyện ruộng vườn, đồ đạc đến việc khiêng bàn thờ bố mẹ sang gửi nhà chú Năm. Chiến đều tính toán kỹ lưỡng trước ngày nhập ngũ :

” Bây giờ chị Hai ở xa. Chị em mình đi thì thằng út sang ở với chú Năm, chú nuôi. Còn cái nhà này ba má làm ra đó thì cho các anh ở xã mượn mở trường học. Chú Năm nói có con nít học ê a có gì nó quét dọn cho. Thằng út cũng học ở đây. Mầy chịu không?………..Tôi nói chị tính sao cứ tính mà………Còn năm công ruộng hồi trước mấy chú cấp cho ba má, giờ mình đi mình trao lại chi bộ đảng chia cho cô bác khác mần, nghen?”. Đến chú Năm cũng phải bất ngờ vì cô gái ấy “Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non. Con nít chúng bây kì đánh giặc này khôn hơn chú hồi trước”.

Không chỉ đảm đang, biết tính toán lo toan, Chiến còn thừa hưởng từ gia đình lòng dũng cảm. Từ nhỏ , cô gái ấy đã làm du kích giúp cách mạng, khi lớn lên, cô càng hiểu, càng mang trong lòng mối thù sâu nặng kẻ cướp nước đã giết cha, giết mẹ cô, ngày đăng kí nhập ngũ, Chiến đã chọn lấy phần hiểm nguy để xung phong ra trận thay cho em mình. Trong cuộc nói chuyện với Việt, Chiến cũng kiên quyết mà khẳng định rằng: “Đã là thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!”. Trong lời nói ấy là cả một sự quyết tâm, một ý chí can trường nơi tinh thần của cô gái thanh niên trẻ đầy dũng cảm. Trong kí ức của Việt, chị Chiến còn là một cô gái đầy cá tính và dễ thương, có đôi lúc trẻ con chơi đùa, hai chị em đều dành nhau, có khi cả cãi vã nữa nhưng chưa bao giờ Chiến dành phần hơn với Việt cả. Chiến còn là một cô gái đầy tính nữ, bom đạn xâm lăng không làm chai sạn những cảm xúc và ý thức cá nhân, là người con gái độ tuổi mười tám, Chiến cũng thích làm đẹp, thích được soi mình trong gương và chưa bao giờ quên mang theo gương nhỏ bên mình. 

Việt là nhân vật chính trong tác phẩm. Chàng trai trẻ tuổi mười bảy ấy mang những nét hồn nhiên, đáng yêu và dễ mến. Cậu thích bắt ếch, thích làm ná thun, thích cả việc dành phần hơn với chị. Là cậu bé mới lớn, cậu hiếu thắng, vô tư,  đêm trước ngày nhập ngũ, cậu để dành mọi chuyện cho chị Chiến lo liệu và nghĩ về mẹ mình, cậu sợ giặc nhưng không sợ ma và có phần ích kỷ khi muốn khư khư giữ chị cho riêng mình lúc đồng đội trêu chọc . Trong gia đình Việt là một cậu nhóc có phần láu cá, bướng bỉnh nhưng trong chiến trận cậu là một người lính đầy dũng cảm. Từ nhỏ, chứng kiến cảnh giặc giết cha, cảnh quân thù bắn mẹ, trong tâm hồn bé bỏng ấy nung nấu một mối thù sâu nặng chưa bao giờ  nguôi. Nhận nhiệm vụ vào trận, cậu bản lĩnh lập nhiều chiến công, súng đạn giặc không làm người lính ấy sợ hãi mà trái lại là sự hiên ngang, dũng cảm. Việt chưa bao giờ sợ hiểm nguy, lý tưởng lớn ấy luôn hướng về sự sống, về cách mạng và ánh sáng tương lai. Sau trận giao tranh ác liệt, dù mình đang bị thương đến đau đớn, mắt đã không còn nhìn thấy rõ, người đói khát, sức lực đã cạn kiệt, vậy mà Việt vẫn không mảy may có một ý nghĩ nào sẽ từ bỏ. Cậu thiếu niên ấy vẫn gắng dùng chút sức lực còn lại của mình lết từng chút, từng chút một. Và trong những lần ngất đi rồi tỉnh lại, Việt nhớ về gia đình, nhớ ba má, nhớ chị Chiến, và những người đồng đội, nhớ hết tất thảy những người thân yêu của mình, đó là một chàng trai rất giàu tình cảm. Việt cũng có những nét tính cách. Song, sau tất cả, động lại trong tác phẩm ta thấy được hình ảnh hai chị em Chiến và Việt- hai người của thế hệ trẻ, của khúc sông sâu vẫn tiếp nối truyền thống của khúc sông trước, quyết tâm đứng lên, ra trận để trả mối thù nhà, trả món nợ cho dân tộc. 

  “Những đứa con trong gia đình” đã tạo nên tình huống truyện đặc sắc tạo mạch cho sự phát triển của câu chuyện. Ngôn ngữ truyện giàu màu sắc Nam Bộ, giọng điệu kể chuyện tự nhiên, gần gũi làm nên sức hút của câu chuyện.

Truyện ngắn đã cho thấy tài năng của tác giả Nguyễn Thi, một còn người gắn bó máu thịt với nhân dân miền Nam, thương nhân dân như người thân ruột thịt của mình vậy. Qua tác phẩm, ta thêm tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc và cốt cách của con người miền Nam thủy chung, son sắt. Thêm yêu, thêm quý và trân trọng những sáng tạo nghệ thuật được viết nên bởi một tấm lòng yêu nhân dân tha thiết.
 

3. Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, mẫu số 3 (Chuẩn):

Nguyễn Thi (1928-1968), hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân (1968) tại mặt trận Sài Gòn với tư cách là một chiến sĩ cách mạng. Ông tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, ngoài ra còn có một bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn, quê ở Hải Hậu, Nam Định, nhưng lại có một tình yêu rất sâu nặng với mảnh đất Nam Bộ. Nguyễn Thi là một con người rất tài hoa, không chỉ trong lĩnh vực văn học ông còn có tài năng trong nhiều lĩnh vực khác như hội họa, âm nhạc, ca múa, sáng tác trên nhiều thể loại, thơ, truyện ngắn, bút ký. Đề tài chủ yếu của Nguyễn Thi là những người nông dân Nam Bộ, đặc biệt trong tác phẩm của mình ông thể hiện năng lực phân tích tâm lý nhân vật sắc sảo, màu sắc Nam Bộ đậm đà được thể hiện chủ yếu thông qua phương tiện ngôn ngữ phong phú, góc cạnh. Tác phẩm Những đứa con trong gia đình là một truyện ngắn xuất sắc được in trong tập Truyện và ký (1978), tác phẩm hoàn thành vào tháng 2/1966. Đoạn trích Những đứa con trong gia đình kể về lần tỉnh dậy thứ 4 của Việt, sau nhiều ngày bị lạc đồng đội, lúc này đây anh đã có những hồi tưởng về chuyện đi bộ đội của mình và cả câu chuyện về chị Chiến, người chị gái ruột của anh.

Việt là nhân vật chính của câu chuyện, người đã được Nguyễn Thi trao ngòi bút để dẫn dắt câu chuyện gia đình qua nhiều lần hồi tưởng khác nhau. Trong đoạn trích nhân vật Việt xuất hiện trong tình huống hết sức đặc biệt, sau khi đã hạ được một chiếc xe bọc thép của địch giữa rừng cao su, anh bị thương rất nặng hai mắt không nhìn thấy gì, lạc mất đồng đội, toàn thân đau đớn vì rỏ máu, sau mấy ngày không ăn uống thì gần như kiệt sức hoàn toàn. Trong hoàn cảnh sự sống cận kề cái chết như vậy, Việt ngất đi và tỉnh lại nhiều lần, cùng với đó là những hồi tưởng về câu chuyện ở quê nhà, ký ức về những người thân trong gia đình của Việt cứ hiện về không dứt. Và chính trong những hồi tưởng ấy nhân vật Việt đã hiện lên một cách rõ nét và tự nhiên. Về lai lịch, Việt xuất thân trong một gia đình nông dân Nam Bộ, có truyền thống đánh giặc cứu nước lâu đời, trải qua nhiều mất mát đau thương khi bố Việt bị giặc Mĩ chặt đầu, rồi cảnh mẹ Việt nén đau thương dắt theo đàn con đi đòi đầu chồng, rồi đến lượt mẹ Việt hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, rồi ông nội, rồi thím Năm những người trước đó cũng ngã xuống vì bom đạn của kẻ thù. Có thể nói rằng gia đình của Việt là một gia đình chồng chất nhiều đau thương, khi mà số năm chịu tang có lẽ cũng bằng tuổi Việt bây giờ. Thế nhưng đi cùng với những mất mát đau thương ấy, thì gia đình của Việt cũng có nhiều chiến công hào hùng, rạng rỡ, tất cả đều được chứ Năm ghi lại bằng cái nét chữ “còng còng” mà chú học được từ hồi chín năm, tuy nguệch ngoạc nhưng đầy tự hào. Từ vết đạn bắn của chị em Chiến, Việt, chuyện thằng Hai con chú Năm xông vào bốt giặc cướp vũ khí, chuyện đi lính của chị em Việt,… đều được chứ Năm ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ gia đình.

Ở nhân vật Việt ta thấy hiện lên nhiều vẻ đẹp, đầu tiên chính là tấm lòng chan chứa tình cảm dành cho gia đình. Khi cận kề với cái chết Việt nhớ tới má đầu tiên, trong tâm trí của anh, ký ức về má ùa về một cách sống động, hình ảnh của má hiện lên với “đôi bắp chân tròn vo, sạm đỏ, lúc nào cũng lấm bùn”, với cái áo bà ba bạc phếch, với cái dáng cầm nón ngồi quạt, với cái tiếng bước chân “bịch bịch” trong đêm khi khiêng thúng lúa một mình từ xuồng vào nhà. Hình ảnh về má trong tâm trí Việt còn là cái ánh nhìn của một người đàn bà đã từng vượt sông vượt suối khi đối đáp với bọn giặc để đòi đầu chồng về, đầy kiên cường, bất khuất. Hay đôi bàn tay to bản, thô ráp lùa chị em Việt ra sau, đôi bàn tay đặt lên trên đầu Việt để che đạn. Không chỉ vậy má Việt còn hiện lên với sự tháo vát đảm đang, “miệng thì cười nói nhưng tay đã bơi xuồng ra giữa dòng”,… Những hồi ức ấy về má cứ trở đi trở lại sau mỗi lần Việt hồi tỉnh giữa chiến trường khốc liệt, đầy tiếng bom đạn. Tình cảm dành cho má của Việt còn được biểu hiện thông qua những tưởng tượng, ước mong khi anh đang kiệt sức giữa chiến trường, Việt thấy má như còn đang đâu đây, thấy má đem xong cơm đi làm đồng lên cho mình ăn, thấy má đánh thức mình dậy, thấy má xoa đầu,… Rồi trong đêm trước ngày ra chiến trường, khi nhìn chị Chiến sắp xếp công việc gia đình, thì Việt lại liên tưởng đến hình ảnh của má, sao thân thuộc, sao giống quá. Có thể thấy rằng Việt đã dành những tình cảm vô cùng sâu sắc dành cho má, nó là niềm thương, niềm kính trọng và cả nỗi nhớ mong vô tận sau khi má khuất.

phan tich nhung dua con trong gia dinh cua nguyen thi

Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình có dàn ý chi tiết

Không chỉ dành tình cảm cho má, mà hiện tại trong gia đình đối với chị Chiến, người gắn bó nhất với Việt, anh cũng có những tình cảm sâu sắc. Khi cùng chị khiêng bàn thờ cha má sang gửi nhà chú Năm, nghe thấy tiếng bước chân “bịch bịch” của chị phía sau, trong lòng Việt “thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt thấy lòng mình rõ thế”. Khi đã ra chiến trường, Việt không bao giờ kể về chị Chiến với anh em đồng đội của mình, mà giấu nhẹm chị như giấu của riêng vì sợ mất chị sau những lời đùa tếu, tán tỉnh của mấy anh em.

Xuất phát từ tình cảm yêu thương, gắn bó với gia đình sâu sắc thì ở Việt tinh thần căm thù giặc và quyết tâm trả thù lại càng trở nên mãnh liệt vô cùng. Ngày má mất, ý chí đi bộ đội đã thôi thúc trong lòng Việt, khiến anh tranh giành quyết liệt suất đi trước với chị Chiến, bất chấp những lời phân tích thiệt hơn của chị. Điều đó thể hiện khao khát, quyết tâm ra chiến trường, để được cầm súng giết giặc trả mối thù cho cha má, cho những người thân trong gia đình, đồng thời là trả mối nợ quê hương, đất nước. Khi khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm, thì suy nghĩ trong tâm tưởng của cả hai chị em Việt khiến người đọc vô cùng xúc động và cảm phục “chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về”, rồi “mối thù thằng Mỹ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng trên vai”. Chính từ những ý chí mạnh mẽ này đã biến thành quyết tâm khiến Việt chiến đấu một cách mạnh mẽ và dũng cảm. Ở ngoài mặt trận, Việt là một người lính trẻ gan góc, dũng cảm và kiên cường, ngay từ lần đầu ra trận Việt đã dùng thủ pháo tiêu diệt được một xe bọc thép của địch và 6 tên Mỹ lẻ, chiến công vang dội ấy chính là minh chứng rõ nét nhất chứng tỏ Việt đã đi xa hơn mong đợi của dòng sông truyền thống gia đình. Cũng sau trận đó, Việt bị thương nặng, mắt không nhìn thấy gì, lạc đồng đội, kiệt sức đến nỗi chỉ còn một ngón tay có thể cử động, thế nhưng Việt vẫn dùng ngón tay ấy để đặt ở cò súng và đạn đã lên nòng, với tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong thâm tâm Việt dày đặc một ý nghĩ “trên trời có mày dưới đất có mày ở giữa cánh rừng này chỉ có mình tao, mày mà bắn được tao thì tao cũng bắn được mày. Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn với tao thì mày chỉ là thằng chạy”. Có thể nói rằng ở nhân vật Việt đã hiện lên những nét đẹp tiêu biểu của con người thời đại, là vẻ đẹp lý tưởng của cộng đồng, mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng.

Tuy nhiên ở nhân vật Việt còn hiện lên những nét đẹp riêng trong cuộc sống đời thường. Việt mang nét riêng dễ mến của một cậu con trai dễ mến, lộc ngộc, vô tư, hồn nhiên, hiếu động. Khi còn ở nhà, thì chuyên đi tranh giành với chị, đến cả việc đi bộ đội cũng tranh, không nói lại được chị thì đâm ra cãi cùn. Trong đêm trước khi tòng quân, khi chị Chiến nghiêm túc bàn bạc sắp xếp việc nhà, thì bản thân Việt không để tâm mấy, nghe câu được câu không, thỉnh thoảng lại hỏi rất ngu ngơ là “ủa, hồi đó má dặn chị vậy hả?”. Khi bước ra chiến trường, vẫn mang theo bên mình cái ná thun, cũng không bao giờ kể về chị cho đồng đội, sợ người ta tán tỉnh mất chị. Khi bị thương lạc đồng đợi ở giữa chiến trường thì Việt không sợ bị giặc phát giác, không sợ chết mà lại sợ ma.

Nhân vật thứ hai không kém phần quan trọng trong tác phẩm ấy là chị Chiến, về bối cảnh xuất thân, lai lịch của chị cũng giống như của em trai mình là Việt. Những vẻ đẹp của chị Chiến cũng xoay quanh các vẻ đẹp của em trai mình. Đầu tiên là vẻ đẹp của tấm lòng chan chứa tình cảm dành cho gia đình, đối với má chị Chiến dành nhiều tình cảm yêu thương, tưởng nhớ, ngưỡng mà thông qua hồi ức của Việt, chị Chiến đang hình thành cho mình những phong thái những tính cách giống hệt má ngày còn sống. Điều đó biểu hiện rõ nhất trong đêm Chiến và Việt sắp xếp việc nhà chuẩn bị tòng quân, từng dáng điệu, cử chỉ, lời nói giống má đến mức nhiều lúc Việt tưởng đó là má. Đối với Việt, chị Chiến cũng dành nhiều tình cảm, sắn sóc, yêu thương. Nếu như Việt cái gì cũng tranh giành với chị thì ngược lại chị Chiến cái gì cũng nhường nhịn em, dù chị chỉ lớn hơn 1 tuổi, nhưng đã tỏ ra sự đứng đắn chững chạc của người lớn. Chỉ có duy nhất lần đi bộ đội là chị không nhường, bởi lẽ chị thương Việt còn nhỏ, chị muốn nhận phần khó khăn nguy hiểm về mình, đẻ cho Việt được sống thêm những ngày tháng bình yên ở quê nhà.

Vẻ đẹp thứ hai của chị Chiến là tấm lòng căm thù giặc sâu sắc, ý chí quyết tâm trả thù mạnh mẽ. Sau khi má chết, Chiến cũng như Việt tranh giành quyền đi bộ đội, để giết giặc trả thù cho gia đình. Khi hai chị em khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm thì cả Chiến và Việt đều có những ý nghĩ trong tâm tưởng đầy sâu sắc”chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về”, rồi “mối thù thằng Mỹ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng trên vai”. Lòng quyết tâm của Chiến còn thể hiện trong lời dặn dò em thông qua lời chú Năm rằng: “Chú Nam bảo rằng, kỳ này đi là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu”. Đồng thời bản thân chị cũng đặt ra một lời thề sắt đá “Đã làm thân con gái ra đi tao chỉ có một câu nếu giặc còn thì tao mất vậy à”, một câu nói rất gọn chắc, quyết liệt thể hiện đúng bản chất bộc trực thẳng thắn của người dân Nam Bộ. Trong cuộc sống đời thường, chị Chiến cũng có những vẻ đẹp rất riêng. Là một người chị lớn trong gia đình, đảm đang tháo vát, biết vun vén là lo toan, chị thu xếp việc rất chu toàn, tính toán chính xác. Bên cạnh đó chị còn có những dáng vẻ đáng yêu của một cô gái mới lớn, chị có ngoại hình giống má mang dáng vẻ của một người phụ nữ khỏe mạnh, chắc nịch, rồi lại cũng có tâm hồn thiếu nữ, biết làm đỏm làm dáng khi luôn mang theo bên mình một chiếc gương, kể cả khi ra chiến trường. Có thẻ nói rằng nếu Việt là hiện thân vẻ đẹp của người con trai thời đại, thì chị Chiến chính là hiện thân vẻ đẹp của người phụ nữ thời đại, mang đậm khuynh hướng sử thi và xu hướng lãng mạn cách mạng.

Những đứa con trong gia đình là câu chuyện hồi tưởng của nhân vật Việt về chính cuộc đời và gia đình mình. Thông qua đó bộc lộ được những vẻ đẹp đáng quý của những con người dưới thời đại, một thời đại máu lửa, đau thương và anh hùng. Gia đình Việt và Chiến chính là hiện thân của những gia đình nông dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chịu nhiều đau thương mất mát nhưng vẻ vang anh hùng với truyền thống chống giặc cứu nước bao đời. Đồng thời bản thân Việt và Chiến lại là những tấm gương sáng chói tiếp nối dòng sông truyền thống của gia đình, là hình mẫu lý tưởng của cộng đồng, của đất nước mang vẻ đẹp sử thi anh hùng.

—————- HẾT——————

Trên đây 3 bài mẫu phân tích truyện ngắn những đứa con trong gia đình hay, do tổng hợp, biên soạn. Tiếp theo, để học tốt Ngữ văn lớp 12, các em cần tham khảo bài viết Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua nhân vật Tnú, Nghệ thuật miêu tả tâm lí của Kim Lân qua nhân vật bà cụ Tứ, phân tích tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân,… Thường xuyên tham khảo nội dung các bài văn mẫu này, các em sẽ có thể nắm được tổng quan nội dung, ý nghĩa của tác phẩm và làm tốt hơn các đề văn yêu cầu phân tích/ viết cảm nhận về đoạn văn, đoạn thơ trên lớp.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-truyen-ngan-nhung-dua-con-trong-gia-dinh/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp