Phân tích văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình

0
106
Rate this post

Đề bài: Phân tích văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình

phan tich van ban dau tranh cho mot the gioi hoa binh

Phân tích văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình

Bạn đang xem: Phân tích văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình

I. Dàn ý Phân tích văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình (Chuẩn)

1. Mở bài

– Sơ lược về tác giả Mác-két
– Bản tham luận Đấu tranh cho một thế giới hòa bình (tên do người dịch đặt), vạch ra những tác hại vô cùng to lớn của các cuộc chạy đua vũ trang và vũ khí hạt nhân. Chỉ rõ đấu tranh cho hòa bình, chống chiến tranh và vũ khí hạt nhân là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết trong điều kiện thế giới lúc bấy giờ.

2. Thân bài

* Nguy cơ chiến tranh hạt nhân hủy diệt toàn bộ sự sống trên Trái đất.
– Đặt câu hỏi “Chúng ta đang ở đâu?” để khơi gợi sự tò mò, chú ý của độc giả.
– Đưa ra lý lẽ chiến tranh hạt nhân có sức tàn phá khủng khiếp, tiêu diệt tất cả các hành tinh và phá hủy thế thăng bằng của mặt trời.
– Dẫn chứng: Hơn 50000 ngàn đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu, tương đương với việc mỗi người đang ngồi trên 4 tấn thuốc nổ…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình tại đây.

 

II. Bài văn mẫu Phân tích văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình (Chuẩn)

Mác-két là một nhà văn nổi tiếng, một nhà báo và một nhà hoạt động chính trị người Cô-lôm-bi-a, ông từng đạt giải Nô-ben Văn học vào năm 1982, là nhà văn đại diện cho khuynh hướng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với nhiều tiểu thuyết và tập truyện ngắn khác nhau. Trong quá trình làm báo và hoạt động chính trị ông đã có nhiều đóng góp tích cực, đồng thời có những bài viết mang tính lý luận, chủ nghĩa nhân đạo hướng đến giải quyết những vấn đề cấp bách đang đè nặng lên nhân loại, ngăn cản sự phát triển của thế giới. Tiêu biểu trong số đó là bản tham luận Đấu tranh cho một thế giới hòa bình (tên do người dịch đặt), vạch ra những tác hại vô cùng to lớn của các cuộc chạy đua vũ trang và vũ khí hạt nhân. Chỉ rõ đấu tranh cho hòa bình, chống chiến tranh và vũ khí hạt nhân là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết trong điều kiện thế giới lúc bấy giờ.

Mác-két bắt đầu bằng câu hỏi “Chúng ta đang ở đâu?”, đây là câu hỏi khơi gợi sự tò mò, khiến người đọc phải tập trung vào bài tham luận và không ngừng suy nghĩ về những gì Mác-két sẽ nói tiếp theo. Sau khi đã đạt được hiệu quả thu hút sự tập trung, tác giả đi vào chỉ ra những tác hại mà chiến tranh hạt nhân đang đe dọa đến sự sống trên Trái đất, Mác-két bắt đầu với lý lẽ rằng chiến tranh hạt nhân đang đem đến sự hủy diệt và tàn phá khủng khiếp, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của con người. Điều ấy được ông hình dung với lý thuyết rằng chiến tranh hạt nhân có thể “tiêu diệt tất cả các hành tinh và phá hủy thế thăng bằng của hệ mặt trời”. Mà như chúng ta đã biết Trái Đất vốn là một hành tinh quay xung quanh mặt trời, với sự hủy diệt ấy thì e rằng nhân loại sẽ hoàn toàn diệt vong giống như loài khủng long thời nguyên thủy với những dẫn chứng là những con số cụ thể mang sức thuyết phục to lớn. Bằng phương pháp thống kê Mác-két chỉ ra “hôm nay ngày 8/8/1986, hơn 50000 đầu đạn hạt nhân bố trí trên khắp hành tinh”, tương đương với việc mỗi một cư dân trên trái đất đang gánh trên mình 4 tấn thuốc nổ, đó là một con số khủng khiếp đủ biến chúng ta thành cát bụi bất cứ lúc nào. Ông nhấn mạnh sức công phá của khối thuốc nổ khổng lồ ấy bằng việc khối thuốc nổ ấy sẽ làm nổ tung hết thảy “không phải một lần mà là 12 lần hết thảy”. Mác-két khẳng định một điều rằng “không có một ngành khoa học công nghiệp nào có được những tiến bộ nhanh ghê gớm như ngành công nghiệp hạt nhân, kể từ khi nó ra đời cách đây 41 năm…”, sở dĩ nói như vậy bởi chỉ trong vòng hơn 40 năm mà ngành công nghiệp ghê gớm này đã tiến đến bậc quyết định cả vận mệnh của nhân loại, đó là sức phát triển khủng khiếp tính theo cấp số nhân. Như vậy bằng cách đưa ra những dẫn chứng xác đáng, thao tác lập luận so sánh chặt chẽ Mác-két đã khiến những người tham gia lao động phải trả lời câu hỏi mà ông đã đưa ra ở đầu bài “Chúng ta đang sống ở đâu?”. À, chúng ta đang sống trên Trái đất, một trong 8 hành tinh của hệ mặt trời, thế nhưng chúng ta đã làm gì, sự phát triển quá mức của khoa học hạt nhân chính là hành động mua dây buộc mình, tự đẩy cả bản thân và nhân loại vào con đường tự sát tập thể? Nhận thức trực tiếp như vậy đã tác động mạnh mẽ đến những người đang tham gia tham luận, khiến họ phải nhìn nhận lại những vấn đề cấp bách mà khoa học hạt nhân đang đưa tới.

Sau lý lẽ về những tác hại khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân, Mác-két tiếp tục đưa ra luận điểm rằng khoa học hạt nhân là nền khoa học tốn kém và phi lý. Trước hết với luận điểm tốn kém Mác-két đã chỉ ra rằng “việc bảo tồn sự sống trên trái đất ít tốn kém hơn là “dịch hạch” hạt nhân”. Ông đưa ra hàng loạt dẫn chứng so sánh giữa các vấn đề trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống và việc đầu tư cho khoa học hạt nhân. Ví như chương trình cứu trợ cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ trên thế giới của UNICEF dự tính mất 100 tỉ đô, tuy nhiên không thể thực hiện được vì không có kinh phí. Thế nhưng lượng kinh phí ấy lại chỉ bằng chi phí cho 100 máy bay ném bom chiến lược B.1B của Mỹ và dưới 7000 tên lửa vượt đại châu. Trong lĩnh vực y tế, giá của 10 chiếc tàu sân bay Mỹ dự định sản xuất đến năm 2000 có thể “đủ để thực hiện một chương trình phòng bệnh cũng trong 14 năm đó và bảo vệ cho hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét và cứu 14 triệu trẻ em, chỉ riêng châu Phi”. Trong lĩnh vực tiếp tế thực phẩm thì “chỉ cần 27 tên lửa MX là đã đủ trả tiền mua nông cụ cho các nước nghèo để họ có được thực phẩm trong 4 năm tới”. Tương tự trong lĩnh vực giáo dục, “Chỉ hai chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân là đủ xóa nạn mù chữ cho toàn thế giới”. Như vậy với những so sánh cụ thể bằng những con số được thống kê ấn tượng, giọng điệu có phần mỉa mai, châm biếm Mác-két đã làm nổi bật sự tốn kém và nhấn mạnh sự vô nhân đạo trong chiến tranh hạt nhân. Bởi thay vì quan tâm đến cuộc sống của nhân loại thì các nhà cầm quyền, nhà quân sự lại chỉ lo chạy theo thứ vũ khí “dịch hạch” có thể hủy diệt toàn bộ trái đất, đó là một điều phi lý vô cùng.

Mác-két khẳng định rằng “Chạy đua vũ trang là đi ngược lại lý trí” sự đi ngược ấy không chỉ là lý trí con người mà còn là lý trí tự nhiên. Ông đưa ra lý lẽ bằng hình thức so sánh rằng Trái đất đã trải qua biết bao nhiêu triệu năm tiến hóa mới có được như ngày hôm nay. Để chứng minh cho luận điểm của mình Mác-két cũng lại tiếp tục đưa ra những dẫn chứng là các số liệu thực tế, gây ấn tượng mạnh mẽ như “phải mất 380 triệu năm con bướm mới bay được”, “180 triệu năm nữa bông hồng mới nở”, rồi mất đến “4 kỷ địa chất con người mới hát hay hơn chim và mới chết vì yêu”. Thế nhưng con người lại đem trí tuệ của mình để phát minh ra thứ “đưa cả quá trình vĩ đại và tốn kém đó của bao nhiêu triệu năm trở lại điểm xuất phát của nó”. Đúng như Mác-két nói “chẳng có gì để tự hào”, bởi tự hào gì khi phát minh ra thứ vũ khí tự hủy diệt sự sống của bản thân và nhân loại, mà nói đúng hơn đó là sự ấu trĩ và ngu ngốc nhất.

Kết thúc hai luận điểm chính là sự nguy hại của vũ khí hạt nhân và sự tốn kém, phi lý trí của chiến tranh vũ trang Mác-két tiến vào đưa ra những nhiệm vụ của chúng ta và lời đề nghị của mình trước thực trạng nền khoa học hạt nhân đang ngày càng bành trướng, nguy hiểm. Những nhiệm vụ của chúng ta đầu tiên là phải chống lại vũ khí hạt nhân, đòi hỏi thế giới không có vũ khí, đồng thời xây dựng một cuộc sống hòa bình công bằng. Và trong cả bài tham luận điểm nhấn mạnh nhất và hay nhất chính là những lời đề nghị sâu sắc của Mác-két một nhà chính trị nhân văn. Ông viết “Tôi khiêm tốn nhưng cũng rất kiên quyết đề nghị mở ra một nhà băng lưu trữ trí nhớ có thể tồn tại được sau thảm họa hạt nhân”. Tại sao Mác-két lại có một đề nghị lạ lùng như vậy? Bởi ông mong muốn rằng, sau thảm họa hạt nhân chính nhà băng này sẽ lưu giữ ký ức mà truyền tải lại cho những người may mắn thoát nạn hoặc là nhân loại tương lai biết được rằng ở nơi đây đã từng tồn tại sự sống, để biết rằng tội ác mà chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân đã gây ra khủng khiếp như thế nào. Đồng thời thông qua đó ông lên án, tố cáo những kẻ đã giả điếc làm ngơ, gây ra chiến tranh, chạy đua vũ trang nhằm phục vụ cho những tham vọng ti tiện của mình.

Đấu tranh cho thế giới hòa bình là một văn bản chính luận xuất sắc, đã nêu ra được những vấn đề cấp bách mà các cuộc chạy đua vũ trang cùng với nền khoa học hạt nhân đang mang lại. Từ đó Mác-két đã đã nêu ra được những nhiệm vụ chính mà cả thế giới cần chung tay góp sức để chống lại chiến tranh hủy diệt, đồng thời đưa ra một đề nghị rất hay, là lời cảnh tỉnh cho thế hệ tương lai và cũng chính là lời tố cáo cho những kẻ gây ra các cuộc chiến phi nghĩa, vô nhân đạo.

————-HẾT—————

Để nắm được đặc trưng của văn bản nhật dụng cũng như tìm hiểu chi tiết nội dung văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình, bên cạnh bài văn mẫu trên đây, các em có thể tham khảo thêm: Soạn bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình, Đoạn văn nêu cách hiểu của bản thân về nhan đề văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình, Cảm nghĩ sau khi đọc bài Đấu tranh cho một thế giới hoà bình của Mác-két.

 

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-van-ban-dau-tranh-cho-mot-the-gioi-hoa-binh/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp