Đề bài: Phân tích ý nghĩa câu thơ: Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
I. Dàn ý Phân tích ý nghĩa câu thơ: Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu về câu thơ “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” của Nguyễn Khoa Điềm.
2. Thân bài
– Dẫn một số các câu ca dao tương đồng với ý thơ của tác giả.
– Phân tích ý nghĩa “gừng cay muối mặn” trong ca dao xưa.
+ Thể hiện sự cay đắng, mặn mà trong đời sống tình cảm vợ chồng, qua đó thể hiện tấm lòng thủy chung son sắt của vợ chồng trong gia đình.
+ “gừng cay muối mặn” trong ca dao xưa làm minh chứng, là biểu tượng của tình cảm vợ chồng, chính là xuất phát từ sự thân thuộc gần gũi như “muối” và “gừng” kết hợp với những tầng ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong đó.
– Ý nghĩa của câu thơ “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”
+ Gợi ra tình cảm vợ chồng thủy chung son sắt trong truyền thống gia đình của dân tộc ta từ bao đời nay.
+ Trở thành biểu tượng đại diện cho vẻ đẹp tinh thần của ông cha ta từ bao đời nay, góp phần làm nên giá trị văn hóa truyền thống bền vững của dân tộc, rồi từ đó hình thành nên Đất Nước.
3. Kết bài
Nêu cảm nghĩ về câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm.
II. Bài văn mẫu Phân tích ý nghĩa câu thơ: Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn (Chuẩn)
Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ có phong cách viết độc đáo, dù là viết thơ nhưng ẩn chứa trong đó là một hệ tư tưởng triết luận trữ tình sâu sắc. Ông dùng chính cái chất trữ tình để làm nổi bật lên cái tính triết luận bằng những chất liệu văn hóa dân gian như phong tục, tập quán, truyền thuyết, cổ tích, ca dao, tục ngữ,… đã có từ bao đời nay của người Việt bằng sự liên tưởng tài hoa và độc đáo. Trong đó ở phần đầu của bài thơ Đất Nước có một chất liệu văn hóa dân gian rất độc đáo, liên quan đến truyền thống gia đình mà Nguyễn Khoa Điềm đã khéo léo sử dụng trong câu thơ “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Tuy chỉ là một câu thơ ngắn trong một bài thơ có dung lượng lớn, thế nhưng nó cũng gợi mở ra cho độc giả nhiều suy nghĩ về đời sống tình cảm của con người Việt Nam xưa thông qua nét tương đồng của nó với nhiều những bài ca dao của nhân dân ta từ xưa đến nay.
Dễ dàng nhận thấy rằng câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã mượn chất liệu từ trong ca dao Việt Nam, có thể kể đến những đoạn ca dao quen thuộc như:
“Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.
hay:
“Muối mặn ba năm còn mặn
Gừng cay chín tháng còn cay
Dù ai xuyên tạc lá lay
Sắt son nguyện giữ lòng này thủy chung.”
hoặc:
“Tay nâng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.
Bạn đang xem: Phân tích ý nghĩa câu thơ: Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Vốn dĩ ông bà ta so sánh tình cảm vợ chồng với “gừng cay, muối mặn” cũng là xuất phát từ những gì thực tế trong đời sống tình cảm của con người. Bởi trong cuộc sống trong tình yêu đặc biệt là hôn nhân, dư vị ngọt ngào hạnh phúc đã là gia vị không thể thiếu thế, nhưng tình cảm giữa vợ chồng có bền lâu hay không lại là dựa vào những thử thách gian nan mà họ phải đối mặt. Đời sống của ông cha ta thời xưa có nhiều vất vả, cực nhọc, vợ chồng cũng có những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”, cũng trải qua muôn chuyện cay đắng, cũng từng phải nếm nỗi vất vả nhọc nhằn của giọt nước mắt, giọt mồ hôi mặn chát. Nhưng chính nhờ vào những lúc khốn khó, đắng cay đủ đường như vậy thì tình cảm của con người mới lại càng thêm sâu sắc, mặn mà, thủy chung. Cùng nhau trải qua gian khổ, cùng nhau nếm trải khó khăn, con người ta mới càng thêm thấu hiểu, thông cảm và yêu thương nhau nhiều hơn, gắn bó chặt chẽ với nhau hơn. Bởi gừng đâu chỉ có vị cay mà nó còn có tính ấm, càng cay bao nhiêu thì càng mình chứng cho tình cảm ấm áp của vợ chồng, còn muối tuy mặn thế nhưng nào có thiếu được trong từng bữa ăn gia đình, có thể nói rằng muối làm cho tình cảm vợ chồng thêm đậm đà, sắt son. Thế nên việc ông cha ta lấy “gừng cay muối mặn” trong ca dao xưa làm minh chứng, là biểu tượng của tình cảm vợ chồng, chính là xuất phát từ sự thân thuộc gần gũi như “muối” và “gừng” kết hợp với những tầng ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong đó.
Bằng sự am hiểu về văn hóa dân gian cũng như phong cách triết luận trữ tình sâu lắng, câu thơ “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” của Nguyễn Khoa Điềm, ngoài việc gợi ra tình cảm vợ chồng thủy chung son sắt trong truyền thống gia đình của dân tộc ta, nó còn mang những ý nghĩa lớn hơn dựa trên tầm suy tưởng của tác giả. “Gừng cay muối mặn” trở thành biểu tượng đại diện cho vẻ đẹp tinh thần của ông cha ta từ bao đời nay, góp phần làm nên giá trị văn hóa truyền thống bền vững của dân tộc, rồi từ đó hình thành nên Đất Nước, một đất nước có tới hơn 4000 năm văn hiến. Bởi xuất phát từ gia đình, nhân dân ta mới xây dựng nên nền nếp văn hóa, phong tục tập quán cho dân tộc, từ gia đình với tình cảm sắt son như vậy đã nuôi dưỡng nên những con người mạnh mẽ, kiên cường đứng lên xây dựng lịch sử cho dân tộc suốt mấy ngàn năm, rồi. Và nhiều tổ ấm, nhiều tình cảm yêu thương son sắt như vậy cùng với các giá trị truyền thống, phong tục khác của dân tộc đã góp phần tạo nên một Đất Nước rất đỗi thân thuộc và đậm đà tính truyền thống của nhân dân. Có thể nói rằng tư tưởng Đất Nước của nhân dân, cũng một phần nhỏ là dựa trên truyền thống tình cảm gia đình gắn bó góp phần làm nên hệ thống phong tục, tập quán lâu đời, tốt đẹp của dân tộc, là cơ sở hình thành nên Đất Nước, tất cả đều có một sự liên kết chặt chẽ và mật thiết với nhau.
Gừng và muối là những thứ gia vị quen thuộc trong đời sống nhân dân, đem so với tình nghĩa vợ chồng vừa thể hiện được ý nghĩa về tình cảm vợ chồng đậm đà, son sắt cũng lại mang đậm dấu ấn của sự chân chất, gần gũi với đời sống nhân dân ta từ bao đời nay. Nguyễn Khoa Điềm sử dụng chất liệu văn học dân gian trong văn học của mình để xây dựng một hệ thống triết luận trữ tình sâu sắc về quá trình hình thành Đất Nước vừa ca ngợi vẻ đẹp của truyền thống dân tộc, vừa gợi nhắc về một Đất Nước có cội nguồn từ biết bao gia đình với tình cảm gắn bó thủy chung tốt đẹp.
———————–HẾT———————-
Bên cạnh bài Phân tích ý nghĩa câu thơ: Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn, các em học sinh có thể tham khảo cách làm bài tập làm văn số 3, Ngữ văn 12 qua một số bài văn mẫu sau: Tính dân tộc trong bài thơ “Việt Bắc” (Tố Hữu) được biểu hiện cụ thể ở những phương diện nào? Trình bày vắn tắt và nêu dẫn chứng minh họa, Phân tích tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền tây Bắc Bộ và những người đồng đội qua đoạn thơ: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!… Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.” (Tây Tiến, Quang Dũng), Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ: “Ta về, mình có nhớ ta…. Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.” (Việt Bắc, Tố Hữu), Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp