Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà

0
90
Rate this post

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

phat bieu cam nghi cua em ve nhan vat ong sau trong truyen chiec luoc nga

Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà

Bạn đang xem: Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà

 

I. Dàn ý Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà
 

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm “Chiếc lược ngà”.
– Khái quát sơ lược nhân vật ông Sáu

 

2. Thân bài

a. Cảm nhận về vẻ đẹp của ông Sáu thông qua tình cảm dành cho bé Thu

– Sự quan tâm, săn sóc của ông dành cho bé Thu trong ba ngày nghỉ phép
+ Khi vừa nhìn thấy con gái, ông Sáu không kìm được sự vui mừng: “không thể chờ xuồng cập lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra… vội vàng với những bước chân dài”.
+ Đau đớn trước phản ứng của bé Thu: “nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”.
+ Luôn kiên trì, nhẫn nại chờ đợi sự hồi đáp của bé Thu bằng những cử chỉ săn sóc đầy yêu thương: “lúc nào cũng vỗ về con”.
+ Khi chia tay để quay lại chiến trường, ông đã giữ khoảng cách và chỉ dám nhìn con từ xa “với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu”.
+ Không thể kìm được những giọt nước mắt của sự hạnh phúc: “một tay ôm con, một tay lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con”.

– Nỗi nhớ thương, tình cảm của ông Sáu dành cho con gái khi quay lại chiến trường
+ Luôn ân hận, đau khổ vì nỡ trách phạt con. Tất cả nỗi nhớ nhung, sự thương yêu của người cha được kết tinh qua hình ảnh chiếc lược ngà.
+ Ông miệt mài, tỉ mỉ như một người thợ bạc khi cưa từng chiếc răng lược, “tẩn mẩn” khắc lên dòng chữ từ tận đáy lòng: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”.
+ Những lúc nhớ con, ông lại mang cây lược ra ngắm nghía và “mài lên mái tóc cho cây lược thêm bóng” với tất cả sự nâng niu, trân trọng.
+ Trước lúc hi sinh, ông vẫn cố gắng gửi gắm chiếc lược ngà cho đồng đội để trao lại cho bé Thu.

b. Ý nghĩa của hình tượng nhân vật ông Sáu

– Là nhân vật ngời sáng những phẩm chất cao đẹp của sự hi sinh, tình yêu thương.
– Là biểu tượng thể hiện sức mạnh của tình phụ tử.
– Đại diện cho thế hệ cha anh trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ – những vị anh hùng hi sinh hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, thậm chí là tính mạng để bảo vệ đất nước. – Nỗi nhớ thương của ông dành cho bé Thu còn là bản cáo trạng lên án, phê phán tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược.

3. Kết bài

Đánh giá ý nghĩa khái quát của hình tượng nhân vật.
 

II. Bài văn mẫu Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà

Giữa những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ, vẫn có những bài ca bất diệt về tình cảm gia đình vang lên. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua tác phẩm “Chiếc lược ngà” của tác giả Nguyễn Quang Sáng. Bằng tài năng trong việc tạo dựng tình huống truyện và xây dựng hình tượng nhân vật, nhà văn đã đem đến một câu chuyện đầy sâu sắc, cảm động về tình phụ tử. Đặc biệt, nhân vật ông Sáu đã để lại một ấn tượng khó phai mờ trong lòng độc giả với tình yêu thương con vô bờ bến.

Để làm nổi bật vẻ đẹp của tình phụ tử, tác giả đã xây dựng tình huống truyện đặc sắc thông qua cuộc gặp gỡ sau tám năm xa cách của hai cha con ông Sáu nhưng bé Thu không chịu nhận ông Sáu là ba. Trong ba ngày phép về thăm nhà, khi vừa nhìn thấy con gái, ông Sáu không kìm được sự vui mừng và xúc động mãnh liệt: “không thể chờ xuồng cập lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra… vội vàng với những bước chân dài”. Những hành động vội vã đã thể hiện rõ tâm trạng háo hức của người cha lần đầu tiên được gặp con gái và không thể kìm nén thêm một giây phút nào. Chính vì thế, trước phản ứng bất thường của bé Thu, ông vô cùng đau đớn: “anh đứng sững lại đó, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”. Xuyên suốt ba ngày nghỉ phép, ông luôn kiên trì, nhẫn nại chờ đợi sự hồi đáp của bé Thu bằng những cử chỉ săn sóc đầy yêu thương: “lúc nào cũng vỗ về con”. Chỉ đến khi bé Thu phản ứng quyết liệt trước tình yêu mà ông vun đắp, ông đau đớn “không giữ được bình tĩnh mà đánh con một cái”. Bởi vậy, khi chia tay để quay lại chiến trường, ông đã giữ khoảng cách và chỉ dám nhìn con từ xa “với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu”, đồng thời cố gắng kìm giữ nỗi khát vọng được ôm ấp đứa con gái thơ ngây, bé bỏng vào lòng. Sau tất cả, khi cô bé ngang bướng hiểu được những mất mát, hi sinh cũng như ý nghĩa lớn lao của vết thẹo trên mặt ba và thốt lên tiếng gọi như xé lòng, ông Sáu không thể kìm được những giọt nước mắt của sự hạnh phúc: “một tay ôm con, một tay lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con”. Như vậy, trong quãng thời gian ba ngày nghỉ phép, ông Sáu đã dành mọi tâm tư để gần gũi, rút ngắn khoảng cách của tình phụ tử sau tám năm xa cách. Đến cuối cùng, tình cảm mà ông dùng cho bé Thu đã chiến thắng sự biệt li về thời gian, sự cách trở về không gian. Tuy nhiên, tình yêu thương mà ông dành cho bé Thu được thể hiện rõ hơn sau khi ông trở lại chiến trường.

Sau khi quay lại với nhịp sống với chiến trường khốc liệt cùng những lửa đạn bom rơi, ông Sáu vẫn luôn ân hận, đau khổ vì nỡ trách phạt con. Tất cả nỗi nhớ nhung, sự thương yêu của người cha được kết tinh qua hình ảnh chiếc lược ngà. Ông đã miệt mài, tỉ mỉ như một người thợ bạc khi cưa từng chiếc răng lược, “tẩn mẩn” khắc lên dòng chữ từ tận đáy lòng: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Dẫu chiếc lược đó chưa một lần được chải lên đầu bé Thu nhưng những lúc nhớ con, ông lại mang cây lược ra ngắm nghía và “mài lên mái tóc cho cây lược thêm bóng” với tất cả sự nâng niu, trân trọng. Đến những giây phút cuối cùng trước lúc hi sinh, ông vẫn cố gắng gửi gắm chiếc lược ngà cho đồng đội để trao lại cho bé Thu. Như vậy, ông Sáu trở thành một biểu tượng cao đẹp thể hiện sức mạnh của tình phụ tử, chiến thắng mọi khó khăn, khốc liệt nơi chiến trường.

Như vậy, ông Sáu là nhân vật ngời sáng những phẩm chất cao đẹp của sự hi sinh, tình yêu thương và là biểu tượng thể hiện sức mạnh của tình phụ tử. Ông còn là đại diện cho thế hệ cha anh trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ – những vị anh hùng hi sinh hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, thậm chí là tính mạng để bảo vệ đất nước. Nỗi nhớ thương của ông dành cho bé Thu còn là bản cáo trạng lên án, phê phán tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược cùng những nỗi đau, sự mất mát mà nhân dân ta phải gánh chịu.

Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định ông Sáu là biểu tượng cao đẹp thể hiện sức mạnh của tình phụ tử. Tình yêu thương sâu sắc, mãnh liệt mà ông dành cho bé Thu chính là yếu tố quan trọng tạo nên một bài ca bất diệt về tình yêu thương đi qua những mưa bom, bão đạn và chiến thắng mọi “nỗi buồn chiến tranh”.

——————-HẾT——————–

Chiếc lược ngà là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Quang Sáng viết về tình cảm gia đình trong chiến tranh, bên cạnh bài Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà, các em học sinh có thể tìm hiểu chi tiết về tác phẩm qua một số bài văn hay lớp 9 như: Cảm nhận của em về đoạn trích Chiếc lược ngà, Phân tích nhân vật bé Thu trong đoạn trích truyện ngắn Chiếc lược ngà, Tình cảm cao đẹp của ông Sáu với con trong truyện Chiếc lược Ngà của Nguyễn Quang Sáng, Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phat-bieu-cam-nghi-cua-em-ve-nhan-vat-ong-sau-trong-truyen-chiec-luoc-nga/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp