Đề bài: Qua bài Thuật hoài, suy nghĩ về lí tưởng sống của thanh niên ngày nay
Qua bài Thuật hoài, suy nghĩ về lí tưởng sống của thanh niên ngày nay
Bạn đang xem: Qua bài Thuật hoài, suy nghĩ về lí tưởng sống của thanh niên ngày nay
Bài văn mẫu Qua bài Thuật hoài, suy nghĩ về lí tưởng sống của thanh niên ngày nay
Cùng với dòng chảy lịch sử và những biến đổi xã hội, thế hệ trẻ đã và đang được coi là “hạt nhân” cốt lõi, là vận mệnh của đất nước và nhân loại. Trong mọi hoàn cảnh hay tầng lớp, giới trẻ luôn là yếu tố sáng tạo, đưa nhân loại tới những bước ngoặt mang tầm cỡ lịch sử. Ý thức được điều đó, cách đây bảy thế kỉ, Phạm Ngũ Lão đã bày tỏ sự băn khoăn, day dứt về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với dân tộc qua tác phẩm “Thuật hoài”, và đến gần một thiên niên kỉ sau, lý tưởng sống của thời đại thanh niên vẫn đang quyết định vị trí và sự sống còn của đất nước.
Thuật Hoài được sáng tác với nguồn cảm hứng khát khao mạnh mẽ được cống hiến, được góp chút công sức nhỏ nhoi vào công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, Vốn là một danh tướng tài giỏi, bản thân Phạm Ngũ Lão thấm nhuần tư tưởng triết lý nhân sinh, rằng nam tử hán sinh ra trên đời phải trả được món nợ “công danh”, phải ghi được tên mình vào sử sách nước nhà. Với tinh thần yêu nước kết hợp cùng quan niệm Nho giáo, với ông, “làm trai cho đáng nên trai” là mục tiêu cả đời, nên trong tâm khảm nhà thơ luôn có một nỗi “thẹn”, nỗi xấu hổ vì chưa làm được nhiều cho đất nước. Hai câu thơ cuối của tác phẩm Thuật hoài đã nêu bật được suy nghĩ đó của ông:
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu)
Cảm xúc sâu lắng, thiết tha, phảng phất chút tủi hổ, nỗi xót thương. Tác giả suy nghĩ về chuyện “công danh”, đối với ông, đó là cái nợ nần mỗi nam nhi sinh ra đều phải gánh, phải trả. Trong lòng ông luôn băn khoăn phải làm sao để cống hiến cho tổ quốc, phải làm thế nào để giúp vua trị vì, giúp dân hết đói khổ, giữ vững giang sơn, không quản ngại khó khăn, gian khổ. Lịch sử ghi lại rằng, bản thân Phạm Ngũ Lão có công trong việc giúp Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh đuổi quân thù, là một danh tướng lẫy lừng khi còn rất trẻ. Tuy nhiên, với ông như vậy là chưa đủ, nên trong lòng không lúc nào yên. “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”, Vũ Hầu là Khổng Minh, một quân sư lập được nhiều chiến công hiển hách dưới thời Tam Quốc, là cánh tay phải của tướng Lưu Bị. Tác giả tự lấy gương sáng thời xưa so sánh với mình để tự cảm thấy hổ thẹn, lấy đó làm động lực phấn đấu. Chữ “thẹn” không khiến cho người đọc cảm thấy xót xa mà trái lại là sự nể phục, nể phục vì tinh thần, mà ý chí của nhà thơ khi một lòng một dạ chung thành với đất nước, với nhân dân. Cũng qua hai câu thơ, tác giả đã đặt ra một bài học về lý tưởng sống của thanh niên trong mọi thời đại. Xét trên thực tế ngày nay, bài học đó đang ngày càng mang ý nghĩa quan trọng
Câu hỏi được đặt ra không chỉ còn cho “nam nhi”, mà là toàn bộ thế hệ thanh niên của đất nước, của thế kỉ hội nhập và phát triển. Liệu trong điều kiện sống đầy đủ nhưng không kém phần thách thức, đòi hỏi con người phải không ngừng biến đổi và phấn đấu, thì liệu quan niệm cống hiến hết mình cho xã hội có còn lành mạnh và thức thời hay không.
Những thành tựu mà người trẻ Việt đã và đang đạt được ngày nay không chỉ có ý nghĩa cho cá nhân, cho gia đình mà còn là tấm huy chương cho cả một tập thể. Nước Việt ta xưa nay vẫn nổi tiếng với bạn bè năm châu về những nhân tài, những nhà khoa học, toán học, lịch sử tầm cỡ, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp khai thác nền văn minh nhân loại. Như vậy, những thành quả đạt được không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân mỗi người. Khẳng định bản lĩnh trên đấu trường quốc tế, mang giải thưởng về cũng là một cách thể hiện tinh thần yêu nước. Giá trị của bản thân cũng là giá trị của nước nhà, của những người đã có công giúp đỡ, dìu dắt và nuôi dưỡng hiền tài. Như vậy, lý tưởng sống của thanh niên cho dù trong bất kì thời đại nào, là một công dân, của đất nước, vẻ vang cá nhân chính là vẻ vang dân tộc.
Một vấn đề đặt ra trong thời đại ngày nay, là liệu giới trẻ có còn sống vì tổ quốc, có đang trăn trở vì chưa cống hiến được cho đất nước như ông cha ta thời xưa, hay chủ yếu theo đuổi tư tưởng tự lực, tự hưởng, độc lập. Nói một cách khách quan và công bằng, thanh niên ngày nay phần nào đã rời bỏ được những suy nghĩ lối mòn ngày trước, tập trung trau dồi kiến thức cá nhân và hoàn thiện bản ngã. Chính vì vậy, quan niệm sống vì dân, vì nước không còn phù hợp, nhất là với giới trẻ. Bên cạnh đó, sự tác động của những luồng tư tưởng mới cũng làm thay đổi suy nghĩ về “chí làm trai” của Phạm Ngũ Lão. Không chỉ nam nhi, mà phụ nữ cũng hoàn toàn có cơ hội khẳng định cá nhân, vươn tầm thế giới. Hơn nữa, không chỉ văn hay chữ tốt mới được coi là tài giỏi, mà hoạt động thể chất, tinh thần, xã hội cũng ngày một được chú trọng nhằm hoàn thiện mọi khía cạnh phát triển thế giới quan, nhân sinh quan.
Với những sự tương đồng và khác biệt đó, bài học của Phạm Ngũ Lão vừa được thế hệ sau tiếp thu, vừa được hoàn thiện và phát triển. Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi trong dòng máu dân tộc, đó là tinh thần yêu nước và biết ơn thế hệ cha ông. Nước Việt Nam độc lập tự do được bồi đắp bởi máu xương của biết bao vị anh hùng, chính vì vậy, không chỉ giới trẻ Việt Nam hiện nay mà mọi cá thể đang được hưởng độc lập tự do đều cần có trách nhiệm, nghĩa vụ, sự tôn trọng và lòng cảm kích với sự hi sinh của thế hệ đi trước. Sống xứng đáng với nỗi mất mát đó, không có cách nào ngoài rèn luyện bản thân để trở thành người có ích, xây dựng đất nước văn minh, toàn diện và vững mạnh hơn.
Lý tưởng sống của Phạm Ngũ Lão gửi gắm qua bài thơ Thuật hoài sẽ trường tồn cùng với thời gian, là bài học về đạo làm người. Thế hệ ngày nay cần tôn trọng và hoàn thiện, sống chính đáng, độc lập, tự chủ nhưng không được xa rời nguồn cội, luôn tâm niệm và biết ơn tổ quốc. Tinh thần cống hiến và khát khao được khẳng định mình đã, đang và sẽ mãi là động lực thúc đẩy công dân sống có trách nhiệm với bản thân và đất nước.
——————–HẾT———————
Trên dây là nội dung bài Qua bài Thuật hoài, suy nghĩ về lí tưởng sống của thanh niên ngày nay, để có thêm những gợi ý hay cho bài viết, các em có thể tham khảo thêm: Sơ đồ tư duy bài thơ Tỏ lòng, Hình ảnh trang nam nhi thời trần trong bài Thuật hoài (Tỏ lòng) Phạm Ngũ Lão, Vẻ đẹp hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tỏ lòng, Phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp