Quan hệ nhân quả là gì? Cặp phạm trù nguyên nhân – kết quả theo Mác – Lênin?

0
140
Rate this post

Cùng tìm hiểu quan hệ nhân quả là gì? Cặp phạm trù nguyên nhân – kết quả theo Mác – Lê Nin.

Nhận thức về sự tác động, tương tác giữa các mặt, các yếu tố hoặc giữa các sự vật, hiện tượng với nhau như là nguyên nhân cuối cùng dẫn đến sự xuất hiện của các mặt, các yếu tố, các sự vật, hiện tượng mới về chất, chính là khâu quyết định dẫn đến việc phát hiện ra tính nhân quả như là yếu tố quan trọng của mối liên hệ phổ biến.

Khái niệm nguyên nhân và kết quả

Nguyên nhân là phạm trù chỉ sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau, gây ra một biến đổi nhất định nào đó. Ví dụ: Lao động và vai trò của lao động là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hình thành ngôn ngữ và ý thức của con người. Cần phân biệt nguyên nhân với nguyên cớ.

Kết quả là phạm trù chỉ những biến đổi xuất hiện do tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau gây ra. Hoặc nói một cách khác, kết quả là những biến đổi do sự tác động của các yếu tố thuộc nguyên nhân. Ví dụ: Cách mạng vô sản là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và tư sản.

Nhận thức về nguyên nhân, kết quả như trên vừa giúp khắc phục được hạn chế coi nguyên nhân của mỗi sự vật, hiện tượng, trong những điều kiện nhất định, nằm bên ngoài sự vật, hiện tượng đó; vừa khắc phục được thiếu sót coi nguyên nhân cuối cùng của sự vận động, chuyển hóa của toàn bộ thế giới vật chất nằm ngoài nó, trong lực lượng phi vật chất nào đó.

Đặc điểm và mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả

Triết học duy vật biện chứng, cho rằng trong sự tồn tại vận động và phát triển của các sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, đều có mối quan hệ nhân quả. Mối quan hệ nhân quả, mang tính khách quan, tất yếu và tính phổ biến. Phê phán quan niệm sai lầm của triết học duy tâm về tính chất của mối liên hệ nhận quả, Ph.Ăngghen nhấn mạnh “Hoạt động của con người là hòn đá thử vàng của tính nhân quả”. Trên thực tế, con người không chỉ quan sát thấy hiện tượng này sau hiện tượng kia, mà còn có thể tự mình gây ra hiện tượng, quá trình nhất định trong thực nghiệm khoa học, giống như hiện tượng, quá trình ấy xảy ra trong tự nhiên. Từ quan niệm cho rằng, mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy đều được gây nên bởi những nguyên nhân nhất định, trong đó có cả những nguyên nhân chưa được nhận thức, phép biện chứng duy vật rút ra nguyên tắc quyết định luận hết sức quan trọng của nhận thức khoa học. Từ quan niệm kết quả do nguyên nhân sinh ra còn phụ thuộc vào những điều kiện, hoàn cảnh nhất định, phép biện chứng duy vật cho rằng, một nguyên nhân nhất định trong hoàn cảnh nhất định chỉ có thể gây ra một kết quả nhất định; bởi vậy, nếu các nguyên nhân càng ít khác nhau bao nhiêu, thì các kết quả do chúng gây ra cũng ít khác nhau bấy nhiêu.

Quan niệm duy vật biện chứng về mối quan hệ nhân quả không cứng nhắc, tình tại. Trong quá trình vận động, phát triển, nguyên nhân và kết quả có thể đổi chỗ, chuyển hóa cho nhau. Cái mà ở thời điểm hoặc trong mối quan hệ này là nguyên nhân thì ở thời điểm, trong mối quan hệ khác lại là kết quả; nguyên nhân “cháy hết mình” trong kết quả và kết quả “tắt đi” trong nguyên nhân; nguyên nhân đốt cháy mình sinh ra kết quả, kết quả tắt đi sinh ra nguyên nhân (Hêghen). Nhưng nếu bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng cố nguyên nhân của nó thì cũng không có nghĩa là mỗi sự vật, hiện tượng chỉ do một nguyên nhân sinh ra. Trên thực tế, một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra, do vậy sự phân loại nguyên nhân thành nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân thứ yếu, nguyên nhân bên trong, nguyên nhân bên ngoài… đối với một kết quả vừa mang ý nghĩa lý luận, vừa mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Như vậy:

+ Nguyên nhân là cái sinh ra kết quả, nên nguyên nhân luôn có trước kết quả. Tuy nhiên, không phải sự tiếp nối nào theo thời gian cũng là mối liên hệ nhân quả. Cần phân biệt tính nhân quả với sự tiếp nối về thời gian là ở chỗ giữa nguyên nhân và kết quả còn có quan hệ sản sinh, quan hệ trong đó nguyên nhân sinh ra kết quả.

+ Tùy theo những điều kiện và hoàn cảnh khách quan nhất định, mà một nguyên nhân có thể sinh ra nhiều kết quả hoặc ngược lại.

+ Phân biệt sự thay đổi vị trí giữa nguyên nhân và kết quả mang tính tương đối.

+ Nguyên nhân sinh ra kết quả, nhưng sau khi xuất hiện, kết quả không giữ vai trò độc lập đối với nguyên nhân, trái lại, nó tác động trở lại nguyên nhân theo những hướng khác nhau.

+ Các hình thức của mối quan hệ nhân quả, mang tính đa dạng và phong phú. Về cơ bản nó được thể hiện: Nguyên nhân chủ yếu – thứ yếu, bên trong – bên ngoài, khách quan – chủ quan v.v…

Một số tính chất của mối liên hệ nhân quả

Tính khách quan

Mối liên hệ nhân quả là mối liên hệ khách quan của bản thân các sự vật. Nó tồn tại ngoài ý muốn của con người, không phụ thuộc vào việc ta có nhận thức được nó hay không.

Vì mối quan hệ nhân quả là vốn có trong bản thân sự vật nên không thể đồng nhất nó với khả năng tiên đoán.

Tính phổ biến

Tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội đều được gây ra bởi những nguyên nhân nhất định.

Không có sự vật, hiện tượng nào không có nguyên nhân của nó. Vấn đề là chúng ta đã phát hiện, tìm ra được nguyên nhân hay chưa.

Tính tất yếu

– Tính tất yếu ở đây không có nghĩa là cứ có nguyên nhân thì sẽ có kết quả. Mà phải đặt nguyên nhân trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định.

Một nguyên nhân nhất định trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định chỉ có thể gây ra một kết quả nhất định. Đó là tính tất yếu của mối liên hệ nhân quả trong những điều kiện nhất định.

– Nếu những sự vật, hiện tượng về cơ bản là giống nhau, tác động trong những hoàn cảnh tương đối giống nhau thì sẽ gây nên những kết quả giống nhau về cơ bản.

Nếu các nguyên nhân và hoàn cảnh càng ít khác nhau bao nhiêu thì các kết quả do chúng gây nên càng ít khác nhau bấy nhiêu.

Mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, nguyên nhân và kết quả có mối quan hệ qua lại như sau

Nguyên nhân sản sinh ra kết quả

– Nguyên nhân là cái sinh ra kết quả, nên nguyên nhân luôn có trước kết quả. Còn kết quả chỉ xuất hiện sau khi nguyên nhân xuất hiện và bắt đầu tác động.

Tuy nhiên, không phải sự nối tiếp nào trong thời gian của các hiện tượng cũng đều biểu hiện mối liên hệ nhân quả. Ví dụ: Ngày không phải là nguyên nhân của đêm và ngược lại.

– Cùng một nguyên nhân có thể gây ra nhiều kết quả khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Ngược lại, cùng một kết quả có thể được gây nên bởi những nguyên nhân khác nhau tác động riêng lẻ hoặc cùng một lúc.

– Nếu nguyên nhân khác nhau tác động lên sự vật theo cùng một hướng thì sẽ gây nên ảnh hưởng cùng chiều, đẩy nhanh sự hình thành kết quả. Ngược lại, nếu các nguyên nhân khác nhau tác động lên sự vật theo các hướng khác nhau thì sẽ làm suy yếu, thậm chí triệt tiêu các tác dụng của nhau.

– Căn cứ vào tính chất, vai trò của nguyên nhân đối với sự hình thành kết quả, có thể phân loại nguyên nhân thành:

+ Nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân thứ yếu.

+ Nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài.

+ Nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Sự tác động trở lại của kết quả đối với nguyên nhân

Nguyên nhân sản sinh ra kết quả. Nhưng sau khi xuất hiện, kết quả không giữ vai trò thụ động đối với nguyên nhân, mà sẽ có ảnh hưởng tích cực ngược trở lại đối với nguyên nhân.

Ví dụ: Nhúng một thanh sắt vừa mới nung đỏ vào chậu nước nguội, thì nhiệt độ của nước trong chậu sẽ tang lên. Sau đó, nước trong chậu do tăng nhiệt độ sẽ kìm hãm tốc độ tỏa nhiệt của thanh sắt.

Sự thay đổi vị trí giữa nguyên nhân và kết quả

Điều này xảy ra khi ta xem xét sự vật, hiện tượng trong các mối quan hệ khác nhau. Một hiện tượng nào đó trong mối quan hệ này là nguyên nhân thì trong mối quan hệ khác là kết quả và ngược lại.

Một hiện tượng nào đó là kết quả do một nguyên nhân nào đó sinh ra, đến lượt mình sẽ trở thành nguyên nhân sinh ra hiện tượng thứ ba… Và quá trình này tiếp tục mãi không bao giờ kết thúc, tạo nên một chuỗi nhân quả vô cùng tận. Trong chuỗi đó không có khâu nào là bắt đầu hay cuối cùng.

Ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả

Từ việc phân tích mối quan hệ biện chứng giữa cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả, ta rút ra ý nghĩa phương pháp luận trong nhận thức và hoạt động thực tiễn như sau:

Trong nhận thức

– Vì mối liên hệ nhân quả tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý chí con người nên chỉ có thể tìm nguyên nhân của hiện tượng trong chính thế giới của hiện tượng chứ không thể ở bên ngoài.

– Do nguyên nhân luôn có trước kết quả nên khi tìm nguyên nhân của một hiện tượng, ta cần tìm trong những mặt, những sự kiện, những mối liên hệ đã xảy ra trước khi hiện tượng đó xuất hiện.

– Bởi dấu hiệu đặc trưng của mối liên hệ nhân quả là nguyên nhân sinh ra kết quả, nên khi xác định nguyên nhân của hiện tượng cần đặc biệt chú ý dấu hiệu đặc trưng này.

– Vì một hiện tượng có thê do nhiều nguyên nhân sinh ra nên trong quá trình tìm nguyên nhân của một hiện tượng, ta cần hết sức tỉ mỉ, thận trọng, vạch ra được kết quả tác động của từng mặt, từng sự kiện, từng mối liên hệ cũng như từng tổ hợp khác nhau của chúng. Từ đó ta mới có thể xác định đúng về nguyên nhân sinh ra hiện tượng.

– Vì một hiện tượng trong mối quan hệ này là kết quả, trong mối quan hệ khác có thể là nguyên nhân, nên để hiểu rõ tác dụng của hiện tượng ấy, cần xem xét nó trong những mối quan hệ mà nó giữ vai trò là nguyên nhân cũng như trong những quan hệ nó là kết quả.

Trong hoạt động thực tiễn

Vì mối liên hệ nhân quả mang tính tất yêu nên ta có thể dựa vào mối liên hệ nhân quả để hành động thực tiễn. Khi hành động, ta cần chú ý:

– Muốn loại bỏ một hiện tượng nào đó, cần loại bỏ nguyên nhân làm nảy sinh ra nó.

– Muốn cho hiện tượng xuất hiện, cần tạo ra nguyên nhân cùng những điều kiện cần thiết. Vì hiện tượng này có thể do nhiều nguyên nhân tác động riêng lẻ hoặc đồng thời nên cần tùy hoàn cảnh cụ thể mà lựa chọn phương pháp thích hợp.

– Trong hoặt động thực tiễn cần dựa trước hết vào các nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân bên trong. Vì chúng giữ vai trò quyết định trong sự xuất hiện, vận động và tiêu vong của hiện tượng.

– Để đẩy nhanh hay kìm hãm, loại trừ sự biến đổi của một hiện tượng xã hội nào đó, ta cần làm cho các nguyên nhân chủ quan tác động cùng chiều, hay lệch hoặc ngược chiều với chiều vận động của mối quan hệ nhân quả khách quan.

Qua bài viết trên, đã giúp các bạn hiểu rõ nguyên nhân, kết quả là gì? Mối liên hệ phổ biến giữa nguyên nhân – kết quả; Ý nghĩa phương pháp luận,… Các bạn có thể truy cập website để tìm hiểu những bài viết hay, hữu ích phục vụ cho quá trình thi cử của mình.

 

 

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/quan-he-nhan-qua-la-gi/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp