Số phận của người dân thuộc địa trong văn bản Thuế máu

0
80
Rate this post

Đề bài: Phân tích Số phận của người dân thuộc địa trong văn bản Thuế máu của Hồ Chí Minh

so phan cua nguoi dan thuoc dia trong van ban thue mau

Số phận của người dân thuộc địa trong văn bản Thuế máu
 

Bạn đang xem: Số phận của người dân thuộc địa trong văn bản Thuế máu

I. Dàn ý Số phận của người dân thuộc địa trong văn bản Thuế máu

1. Mở bài

– Giới thiệu văn bản và chủ đề cần phân tích.

2. Thân bài:

a. Số phận của người dân thuộc địa trong “Chiến tranh và người bản xứ”:
– Trước chiến tranh người dân An Nam, những kẻ da đen bẩn thỉu, chỉ xứng đáng “kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị”.
– Sau khi chiến tranh xảy ra bỗng được tôn làm những “đứa con yêu”, những người “bạn hiền”, thậm chí được ban cả cái danh hiệu “chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do”.
= > Trở thành những vật hy sinh, những lá chắn xương thịt trong các trận chiến ác liệt sắp tới.
– Hậu quả tồi tệ của cái vinh dự trời ơi mà các quan cai trị ban cho:
+ “họ phải đột ngột xa lìa vợ con, rời bỏ mảnh ruộng hoặc đàn cừu của họ để vượt đại dương, phơi thây trên các bãi chiến trường châu u”.
+ Chịu vong mạng trong những trò thử nghiệm phóng ngư lôi và “vinh dự” được “xuống đáy biển bảo vệ tổ quốc của những loài thủy quái”,…
+ Những con người ở lại mang tiếng làm “hậu phương” vững chắc phục vụ chiến đấu, cũng không thoát khỏi số phận bi thảm, khi phải chịu cái chết đau đớn khi làm việc đến kiệt sức trong các xưởng chế tạo thuốc súng, hít vào biết bao nhiêu hơi độc, rồi cuối cùng chết đi vì bệnh tật ung thư phổi.
– Giọng điệu mỉa mai, châm biếm, trào phúng đặc sắc cùng với những mỹ từ dành cho bọn đế quốc tàn độc đã làm nổi bật được chủ đề của cả đoạn trích, kết hợp với những số liệu rõ ràng cụ thể rằng “tổng cộng có 70 vạn người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp; và trong số ấy tám vạn người đã không còn được trông thấy mặt trời trên quê hương mình nữa” càng gia tăng thêm ấn tượng đối với độc giả về số phận bi thảm của những người lính bất đắc dĩ xuất thân từ các thuộc địa.

b. Số phận của những người dân thuộc địa trong “Chế độ lính tình nguyện”:
– Những con người vốn được xem là “bạn hiền”, “đứa con yêu” lại bị “lùng ráp”, bắt trói, nhốt vào các trại lính tập trung như kẻ tù.
– Những vị “chúa tỉnh” cũng nhân cơ hội này mà vòi vĩnh làm tiền.
– Người dân bản xứ đã tự tìm cho mình những giải pháp để cứu thoát bản thân từ việc liều lĩnh bỏ trốn, hay đến cả việc dây vào người những căn bệnh nặng nhất như đau mắt toét mủ bằng cách tự xát vào mắt những chất độc hại như vôi sống hay mủ bệnh lậu.

c. Số phận của những con người “tình nguyện” lên chiến trường và may mắn sống sót trở về:
– Họ lập tức bị những kẻ cầm quyền đá về vị trí của những kẻ An Nam, da đen bẩn thỉu, tiếp tục kéo xe và chịu đòn roi như những nô lệ, còn những lời hứa hẹn hoa mỹ gì đó lại dường như biến mất tựa một “phép lạ”.
– Những người lính chiến thắng trở về đã được hưởng một chế độ đãi ngộ đặc biệt khi bị lột hết của cải, quần áo, bị đối xử như giống heo bò, và bị đánh đập như những loài súc vật.

3. Kết bài:

– Nêu cảm nhận chung.

II. Bài Số phận của người dân thuộc địa trong văn bản Thuế máu

Hồ Chí Minh (1890-1969) không chỉ có một sự nghiệp chính trị, quân sự hết sức vẻ vang, chói lòa soi sáng bước đường giải phóng của cả dân tộc Việt Nam, mà bên cạnh đó sự nghiệp văn chương của Người cũng rất đồ sộ và phong phú với nhiều thể loại khác nhau, mà mục đích chính là để phục vụ cho đường cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, là thứ vũ khí sắc bén có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với dư luận và công chúng không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn là ở cả trên thế giới. Bản án chế độ thực dân Pháp là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của Hồ Chí Minh những năm còn hoạt động tại Pháp, dưới tên Nguyễn Ái Quốc, trong đó chương đầu tiên của tác phẩm có tên Thuế máu, đã phản ánh rất rõ số phận của những người dân thuộc địa dưới các cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc.

Trong phần đầu tiên “Chiến tranh và người bản xứ” Hồ Chí Minh đã nêu bật được sự bỉ ổi, thái độ hai mặt của các quan cai trị trị thực dân trong hai thời điểm là trước và sau khi chiến tranh xảy ra. Nếu trước chiến tranh người dân An Nam, những kẻ da đen bẩn thỉu, chỉ xứng đáng “kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị”, thì đột ngột sau khi chiến tranh xảy ra họ bỗng “vinh dự” được các quan tôn làm những “đứa con yêu”, những người “bạn hiền”, thậm chí được ban cả cái danh hiệu “chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do”, trong khi chính bản thân những người bản xứ cũng chẳng hiểu, chẳng biết mình đang bảo vệ công lý tự do ở chốn nào. Sau khi sử dụng hết những mánh lới tâng bốc, lời lẽ hoa mỹ giả tạo để dỗ ngọt những người bản xứ, biến họ thành những vật hy sinh, những lá chắn xương thịt trong các trận chiến ác liệt sắp tới, những vị quan toàn quyền, quan cai trị đã nhanh chóng đẩy những “chiến sĩ” này ra chiến trường, để chiến đấu vì một cái công lý và tự do mà họ chưa bao giờ được hưởng. Hậu quả tồi tệ của cái vinh sự trời ơi mà các quan cai trị ban cho người bản xứ ấy là việc “họ phải đột ngột xa lìa vợ con, rời bỏ mảnh ruộng hoặc đàn cừu của họ để vượt đại dương, phơi thây trên các bãi chiến trường châu u”, chịu vong mạng trong những trò thử nghiệm phóng ngư lôi và “vinh dự” được “xuống đáy biển bảo vệ tổ quốc của những loài thủy quái”, ấy rồi một số khác thì chết tại những vùng đất xa lạ, mà trước khi chết họ còn không hiểu tại sao bản thân mình lại phải chịu số phận bi thảm như thế, vĩnh viễn chôn thân nơi cách xa Tổ quốc cả hàng vạn dặm trường. Sự bịp bợm và giả nhân giả nghĩa của bọn cầm quyền, tay sai đã đẩy người dân bản xứ trở thành những vật tế, vật hy sinh để giành về cho kẻ cầm quyền những lợi ích, những vật chất từ bãi chiến trường đỏ máu của người dân thuộc địa. Không chỉ những kẻ bước chiến trường, chịu vong mạng nơi đất khách vì những vinh dự hão huyền, giả tạo bọn đế quốc cố tình vun đắp, mà những con người ở lại mang tiếng làm “hậu phương” vững chắc phục vụ chiến đấu, cũng không thoát khỏi số phận bi thảm, khi phải chịu cái chết đau đớn khi làm việc đến kiệt sức trong các xưởng chế tạo thuốc súng, hít vào biết bao nhiêu hơi độc, rồi cuối cùng chết đi vì bệnh tật ung thư phổi. Cũng chẳng khá khẩm hơn là bao so với kẻ bị bom đạn vùi chết trên chiến trường. Chung quy lại trong chiến tranh người dân bản xứ chỉ có một số phận duy nhất là trở thành kẻ hy sinh, vật tế sống cho những tham vọng bành trướng của đế quốc, và kết cục thì luôn kết thúc bằng những cái chết đầy đau đớn, xót xa. Giọng điệu mỉa mai, châm biếm, trào phúng đặc sắc cùng với những mỹ từ dành cho bọn đế quốc tàn độc đã làm nổi bật được chủ đề của cả đoạn trích, kết hợp với những số liệu rõ ràng cụ thể rằng “tổng cộng có 70 vạn người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp; và trong số ấy tám vạn người đã không còn được trông thấy mặt trời trên quê hương mình nữa” càng gia tăng thêm ấn tượng đối với độc giả về số phận bi thảm của những người lính bất đắc dĩ xuất thân từ các thuộc địa.

Trong phần thứ hai của văn bản “Chế độ lính tình nguyện”, số phận của những người dân thuộc địa càng được bộc lộ một cách rõ ràng, thử hỏi trong 70 vạn lính bản xứ đặt chân lên nước Pháp có bao nhiêu người thực sự tình nguyện, hay thực tế đó chỉ là những “sự tình nguyện” đầy ép buộc, bất đắc dĩ mà những kẻ cầm quyền phải cố tung ra những lời thật hoa mỹ, tốt đẹp cốt che giấu đi cái sự bẩn thỉu, tàn ác của chúng trong việc ép người dân thuộc địa ra chiến trường trở thành tấm bia thịt cho đế quốc trên các chiến trường châu u. Chẳng hiểu kiểu gì mà những con người vốn được xem là “bạn hiền”, “đứa con yêu” lại bị “lùng ráp”, bắt trói, nhốt vào các trại lính tập trung như kẻ tù, đồng thời những vị “chúa tỉnh” cũng nhân cơ hội này mà vòi vĩnh làm tiền, kẻ nào không muốn đi lính “tình nguyện” thì cứ việc xì tiền ra, kẻ nào cứng đầu cứng cổ, thì sẽ nhận được ngay những chuyện rắc rối xảy ra với người thân, hoặc được nếm hẳn mùi nhà tù cho đến khi buộc phải lựa chọn giữa việc xì tiền ra hoặc là trở thành lính tình nguyện. Rõ ràng những người dân bản xứ cũng đủ thông minh để biết rằng trở thành lính tình nguyện tức là phải đối mặt với nguy cơ mất mạng trên một chiến trường xa lạ nào đó bất cứ lúc nào, thế nên họ đã tự tìm cho mình những giải pháp để cứu thoát bản thân từ việc liều lĩnh bỏ trốn, hay đến cả việc dây vào người những căn bệnh nặng nhất như đau mắt toét mủ bằng cách tự xát vào mắt những chất độc hại như vôi sống hay mủ bệnh lậu. Than ôi! Người ta đã buộc phải tìm đường sống bằng cách tự làm thương tổn chính bản thân mình như thế ấy, thử hỏi có nơi nào mà “lính tình nguyện” lại bị bắt ép đến cùng cực như thế, có nơi nào mà những “chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do” phải cố tạo cho mình những căn bệnh quái ác để cốt không bị chết trên chiến trường không.

Rồi cuối cùng số phận của những con người “tình nguyện” lên chiến trường và may mắn sống sót sẽ đi về đâu. Câu trả lời là họ lập tức bị những kẻ cầm quyền đá về vị trí của những kẻ An Nam, da đen bẩn thỉu, tiếp tục kéo xe và chịu đòn roi như những nô lệ, còn những lời hứa hẹn hoa mỹ gì đó lại dường như biến mất tựa một “phép lạ”. Những người lính chiến thắng trở về đã được hưởng một chế độ đãi ngộ đặc biệt khi bị lột hết của cải, quần áo, bị đối xử như giống heo bò, và bị đánh đập như những loài súc vật. Và cuối cùng khi đã may mắn được nhìn thấy Tổ quốc, họ lại nhanh chóng thoát khỏi cái mác “chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do” trở lại thành những kẻ vô tích sự, bẩn thỉu chỉ xứng đáng ăn roi từ các “ông lớn” , bị trả về đúng với vị trí ban đầu khi chiến tranh chưa xảy ra trong khi vẫn chưa biết được mùi của “công lý và tự do” mà họ đã dành cả xương máu để đánh đổi.

Như vậy thông qua văn bản Thuế máu ta không chỉ thấy được số phận thảm thương của người bản xứ khi phải trở thành những vật hy sinh, những tấm chắn bằng thịt cho bọn đế quốc tàn ác trong cuộc chiến tranh giành thuộc địa. Mà còn thấy được bộ mặt giả nhân giả nghĩa, bịp bợm, chuyên tạo ra những lời phát ngôn hoa mỹ đáng ghê tởm cốt để lừa bịp dư luận thế giới và người dân bản xứ, thế nhưng bản chất thực sự của chúng lại là sự bỉ ổi, thâm độc khi liên tục dùng mạng người dân thuộc địa làm nấc thang tiến đến những tham vọng bành trướng ghê gớm.

———————–HẾT————————–

Bài viết là những hiểu biết về số phận bi thảm của người bản xứ trong hai cuộc chiến tranh thế giới thông qua văn bản Thuế máu. Để tìm hiểu kỹ hơn về văn bản mời các em tham khảo thêm các bài viết Soạn văn Thuế máu, Nêu ý nghĩa nhan đề Thuế máu, Phân tích bài Thuế máu của Hồ Chí Minh, Nêu ý nghĩa nhan đề Thuế máu, Viết đoạn văn cho biết kết quả sự hi sinh của những người dân các nước thuộc địa trong văn bản Thuế máu.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/so-phan-cua-nguoi-dan-thuoc-dia-trong-van-ban-thue-mau/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp