Soạn bài Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận – Soạn văn 9

0
70
Rate this post

Câu 1: Bài thơ được triển khai theo trình tự chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá. Dựa vào trình tự ấy, em hãy tìm bố cục của bài thơ. Hãy nêu thời gian và không gian được miêu tả trong bài thơ.

– Bài thơ được bố cục theo trình tự một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá. Hai khổ thơ đầu là cảnh lên đường và tâm trạng náo nức của con người. Bốn khổ tiếp theo là cảnh hoạt động của đoàn thuyền đánh cá giữa khung cảnh biển trời đêm. Khổ cuối là cảnh đoàn thuyền trở về trong buổi bình minh lên.

– Với bố cục như trên, bài thơ Đoàn thuyền đánh cá đã tạo ra một khung cảnh không gian và thời gian đáng chú ý: không gian rộng lớn bao la với mặt trời, biển, trăng, sao, mây, gió; thời gian là nhịp tuần hoàn của vũ trụ từ lúc hoàng hôn đến bình minh, cũng là thời gian của một chuyến ra biển rồi trở về của đoàn thuyền đánh cá: mặt trời xuống biển, cả trời đất vào đêm, trăng lên cao, đêm thở, sao lùa,… rồi sao mờ. mặt trời đội biển nhô lên trong một ngày mới. Điểm nhịp thời gian cho công việc của đoàn thuyền đánh cá là nhịp tuần hoàn của thiên nhiên, vũ trụ.  

Câu 2: Hình ảnh người lao động và công việc của họ được miêu tả trong không gian nào? Bằng những biện pháp nghệ thuật gì, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp và sức mạnh của con người lao động trước thiên nhiên, vũ trụ?

– Hình ảnh người lao động và công việc của họ, ở đây là đoàn thuyền đánh cá, được đặt vào không gian rộng lớn của biển trời, trăng sao, để làm tăng thêm kịch thước, tầm vóc và vị thế con người. Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp phóng đại cùng với những liên tưởng mạnh bạo, bất ngờ để sáng tạo ra hình ảnh về người lao động:

Bạn đang xem: Soạn bài Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận
– Soạn văn 9

+ Câu hát căng buồm cùng gió khơi

+ Thuyền ta lái gió với buồm trăng

   Lướt giữa mây cao và biển bằng

+ Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

– Sự hài hòa  giữa con người lao động và thiên nhiên, vũ trụ còn thể hiện ở sự nhịp nhàng giữa nhịp điệu vận hành của thiên nhiên, vũ trụ và trình tự của công việc lao động của đoàn thuyền đánh cá. Khi mặt trời xuống biển, vũ trụ vào đêm là lúc khởi đầu một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá, và đây là công việc diễn ra thường xuyên, đều đặn như một nhịp sống đã quen thuộc: “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi”. Con thuyền ra khơi có gió làm lái, trăng làm buồm, gõ thuyền đuổi cá vào lưới theo nhịp trăng, sao. Đến lúc sao mờ, tức là đêm sắp tàn thì cũng là lúc kéo lưới kịp trời sáng. Bình minh lên, mặt trời đội biển cũng là lúc đoàn thuyền trở về, tuy nặng khoang đầy cá mà vẫn lướt đi phơi phới chạy đua cùng mặt trời.

– Hình ảnh người lao động trong bài thơ được sáng tạo với cảm hứng lãng mạn, thể hiện niềm tin, niềm vui trước cuộc sống mới. Cảm hứng lãng mạn ấy cũng thấm đẫm trong những hình ảnh về thiên nhiên, vũ trụ, tạo nên vẻ đẹp tráng lệ, phóng khoáng mà vẫn gần gũi với con người. 

Câu 3: Bài thơ có nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động. Em hãy chọn phân tích một số hình ảnh đặc sắc trong các khổ thơ 1,3,4, và 7. Bút pháp xây dựng hình ảnh của tác giả trong bài thơ có đặc điểm gì nổi bật?

* Cảnh biển vào đêm

– Cảnh vừa rộng lớn lại vừa gần gũi với con người do một liên tưởng so sánh thú vị của bài thơ:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa.

– Trong hình ảnh liên tưởng này, vũ trụ như một ngôi nhà lớn, với màn đêm buông xuống là tấm cửa khổng lồ với những lượn sóng là then cửa. Chi tiết Mặt trời xuống biển có thể gây ra sự thắc mắc của người đọc, vì bài thơ tả cảnh đoàn thuyền đánh cá ở vùng biển miền Bắc, mà bờ biển nước ta, trừ vùng tây nam thường chỉ thấy cảnh mặt trời mọc trên biển chứ không thể thấy cảnh mặt trời lặn xuống biển. Thực ra, hình ảnh mặt trời lặn xuống biển là được nhìn từ trên con thuyền đang ra biển hoặc từ một hòn đảo vào lúc hoàng hôn, nhìn về phía tây, qua một khoảng biển thì vẫn có thể thấy như mặt trời xuống biển.

– Tác giả đã tạo ra một hình ảnh khỏe, lạ mà thật sự gắn kết ba sự vật và hiện tượng: cánh buồm, gió khơi và câu hát của người đánh cá “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Câu hát là niềm vui, sự phấn chấn của người lao động như đã có một sức mạnh vật chất để cùng ngọn gió làm căng buồm cho con thuyền lướt nhanh ra khơi.

Câu 4: Bài thơ có nhiều từ hát, cả bài cũng như một khúc ca. Đây là khúc ca và tác giả làm thay lời ai? Em có nhận xét gì về âm hưởng, giọng điệu của bài thơ? Các yếu tố: thể thơ, vần, nhịp đã góp phần tạo nên âm hưởng của bài thơ như thế nào?

– Bài thơ tạo ra âm hưởng vừa khỏe khoắn, sôi nổi lại vừa phơi phới, bay bổng. Góp phần tạo nên âm hưởng là các yếu tố lời thơ, nhịp điệu, vần,… Lời thơ dõng dạc, điệu thơ như khúc hát say mê, hào hứng, phơi phới.

– Đặc biệt là cách gieo vần có nhiều biến hóa linh hoạt, các vần trắc xen lẫn vần bằng, vần liền xen lẫn vần cách. Các vần trắc tạo sức dội, sức mạnh, các vần bằng tạo sự vang xa, bay bổng.

Câu 5: Qua những bức tranh về thiên nhiên và con người lao động trong bài thơ, em có nhận xét gì về cái nhìn và cảm xúc của tác giả trước thiên nhiên đất nước và con người lao động?

– Tác giả Huy Cận  với niềm say mê trước vẻ đẹp tự nhiên, con người lao động, đã vẽ nên bức tranh tráng lệ:

+ Con người say mê, hăng hái lao động làm chủ đất nước.

+ Thiên nhiên tráng lệ, giàu có, nguồn tài nguyên vô tận phục vụ con người

– Nhà thơ đã rũ bỏ được nỗi buồn thời thế để đón nhận một cuộc sống mới của tự do, dân chủ.

+ Con người phấn khởi trước công cuộc xây dựng cuộc sống mới.

+ Tâm hồn tác giả nảy nở trở lại trong niềm vui say cuộc sống mới.

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/soan-bai-doan-thuyen-danh-ca-huy-can-soan-van-9/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp