Câu 1. Anh chị cảm nhận được ý nghĩa gì của truyện ngắn qua:
a. Nhan đề tác phẩm
b. Đoạn miêu tả cánh rừng xà nu dưới tầm đại bác
c. Hình ảnh những ngọn đồi, cánh rừng trải xa hút tầm mắt, chạy tít tắp đến tận chân trời luôn trở đi trở lại trong tác phẩm
Trả lời:
a. Ý nghĩa nhan đề tác phẩm
– Nghĩa tả thực: loài cây có nhiều ở Tây Nguyên → tạo phông nền hùng tráng, đậm chất Tây Nguyên cho câu chuyện bi tráng trong tác phẩm.
Bạn đang xem: Soạn bài Rừng xà nu
– Soạn văn 12
– Nghĩa tượng trưng: biểu tượng kì vĩ, mang đậm chất sử thi về thiên nhiên và con người Tây Nguyên quật khởi trong kháng chiến chống Mỹ.
b. Hình tượng rừng xà nu dưới tầm đại bác.
– Sự đau thương, mất mát (“không cây nào không bị thương, cây bị chặt đứt ngang thân mình, nhựa ứa ra… từng cục máu lớn, vết thương cứ loét mãi ra”). Những đau thương mà xà nu phải ghánh chịu cũng giống như sự mất mát, thương đau mà người dân phải chịu khi giặc tàn phá: anh Xút bị treo cổ lên cây vả, bà Nhan bị giặc chặt đầu,…
– Những phẩm chất tốt đẹp (“sinh sôi khỏe”, “ham ánh sáng”, “thơm mỡ màng”, “ưỡn tấm ngực che chở cho làng”) của xà nu => Đó là ẩn dụ cho số phận đau thương và phẩm chất anh hùng của dân làng Xô Man nói riêng và nhân dân Tây Nguyên nói chung.
c. Hình ảnh đồi xà nu, rừng xà nu “trông xa xa đến ngút tầm mắt”, “nối tiếp tới chân trời”, lặp đi lặp lại trong truyện gợi ra cảnh rừng xà nu hùng tráng, kiêu dũng và bất diệt, gợi ra sự bất diệt, kiêu dũng của con người Tây Nguyên nói riêng và con người Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Ấn tượng đọng lại trong ký ức người đọc chính là cái bát ngát của cánh rừng xà nu kiêu dũng. Đó là chất sử thi, chất anh hùng về tinh thần quật khởi của đồng bào Tây Nguyên.
Câu 2. Tác giả vẫn coi “Rừng xà nu là truyện của một đời và được kể trong một đêm”. Hãy cho biết:
a. Người anh hùng mà cụ Mết kể trong cái đêm dài ấy có những phẩm chất đáng quý nào? So với nhân vật A Phủ (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài), hình tượng Tnú có gì mới mẻ hơn?
b. Vì sao trong câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú, cụ Mết nhắc đi nhắc lại rằng Tnú đã không cứu sống được vợ con, để rồi khắc ghi vào tâm trí người nghe câu nói: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo?
c. Câu chuyện của Tnú cũng như của dân làng Xô Man nói lên chân lý lớn lao nào của dân tộc ta trong thời đại bấy giờ? Vì sao cụ Mết muốn chân lý đó phải được nhớ, được ghi để truyền cho con cháu?
d. Các hình tượng cụ Mết, Mai, Dít, bé Heng có vai trò gì trong việc khắc họa nhân vật chính và làm nổi bật tư tưởng cơ bản của tác phẩm?
Trả lời:
a. Phẩm chất, tính cách của người anh hùng Tnú:
– Gan góc, táo bạo, dũng cảm, trung thực (khi còn nhỏ cùng Mai vào rừng tiếp tế cho anh Quyết).
– Lòng trung thành với cách mạng được bộc lộ qua thử thách (bị giặc bắt, tra tấn, lưng T’nú ngang dọc vết dao chém của kẻ thù nhưng anh vẫn gan góc, trung thành).
– Số phận đau thương: Không cứu được vợ con, bản thân bị bắt, bị tra tấn (bị đốt mười đầu ngón tay).
– Quật khởi đứng dậy cầm vũ khí tiêu diệt bọn ác ôn.
b. Câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú: “Tnú không cứu được vợ con”. Cụ Mết nhắc tới bốn lần đế nhấn mạnh: khi chưa cầm vũ khí, Tnú chỉ có hai bàn tay không thì ngay cả những người yêu thương nhất Tnú cũng không cứu được. Câu nói của cụ Mết muôn khẳng định: chỉ có cầm vũ khí đứng lên mới là con đường sống duy nhất, mới bảo vệ được những gì thân yêu, thiêng liêng nhất; chân lý cách mạng đúc rút từ chính thực tế máu xương, tính mạng của dân tộc, những con người thương yêu nên chân lý ấy phải ghi tạc vào xương cốt, tâm khảm và truyền lại cho các thế hệ tiếp nối.
c. Chân lý được thể hiện qua câu chuyện
Câu chuyện Tnú với dân làng Xô man nói lên chân lý lớn của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Phải chống lại mọi kẻ thù xâm lược, kể cả phải cầm vũ khí và hi sinh tính mạng.
d. Vai trò của nhân vật: Cụ Mết, Mai, Dít, Heng đối với việc làm nổi bật nhân vật trung tâm và chủ đề:
– Cụ Mết, Mai, Dít, bé Heng là sự tiếp nối các thế hệ làm nối bật tinh thần bất khuất của làng Xô man nói riêng, của Tây Nguyên nói chung.
– Cụ Mết: “quắc thước như một cây xà nu lớn” là hiện thân cho truyền thống thiêng liêng, biểu tượng cho sức mạnh tập hợp đế nổi dậy đồng khởi.
– Mai, Dít là thế hệ hiện tại, trong Dít có Mai của thời trước và có Dít của hôm nay. Vẻ đẹp của Dít là vẻ đẹp của sự kiên định, vững vàng trong bão táp chiến tranh.
– Bé Heng là thế hệ tiếp nối, kế tục cha anh để đưa cuộc chiến tới thắng lợi cuối cùng.
Dường như cuộc chiến khốc liệt này đòi hỏi mỗi người Việt Nam phải có sức trỗi dậy của một Phù Đổng Thiên Vương.
Câu 3. Theo anh (chị), hình ảnh cánh rừng xà nu và hình tượng nhân vật Tnú gắn kết hữu cơ, khăng khít với nhau như thế nào?
Trả lời:
– Xà nu gắn bó với Tnú từ thời thơ ấu (“khói xà nu hun tấm bảng đen để học chữ”),
– Xà nu ở bên Tnú trong những biến cố đau đớn, những bài học xương máu (“nhựa xà nu cháy trên mười đầu ngón tay Tnú”, chứng kiến Tnú không cứu được vợ con)
– Xà nu cùng dân làng chào đón Tnú trở về sau mấy năm đi lực lượng (“đuốc xà nu soi sáng đêm anh đoàn tụ với buôn làng ở nhà cụ Mết”).
– Xà nu và Tnú luôn được miêu tả ứng chiếu làm nổi bật lẫn nhau, Tnú như một cây xà nu đã trưởng thành mạnh mẽ và đầy sức sống. Phẩm chất kiên cường, sức sống bất diệt của xà nu cũng là phẩm chất bất khuất, anh hùng của Tnú.
=> Xà nu biểu tượng cho làng Xô Man, Tnú biểu tượng cho người anh hùng trong kháng chiến
Câu 4. Nêu và phân tích những cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm.
Trả lời:
Những vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm:
– Khuynh hướng sử thi thể hiện đậm nét ở tất cả các phương diện: đề tài, chủ đề, hình tượng, hệ thống nhân vật, giọng điệu…
– Cách thức trần thuật: kể theo hồi tưởng qua lời của cụ Mết (già làng), kể bên bếp lửa gợi nhớ lối kể “khan” sử thi của các dân tộc Tây Nguyên, những bài “khan” được kể như những bài hát dài hát suốt đêm.
– Cảm hứng lãng mạn: tính lãng mạn thể hiện ở cảm xúc của tác giả bộc lộ trong lời trần thuật, thể hiện ở việc đề cao vẻ đẹp của thiên nhiên và con người trong thế đối lập với sự tàn bạo của kẻ thù.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp