Đề bài: Sự vận động của cảnh thiên nhiên và tâm trạng của con người trong đoạn trích Cảnh ngày xuân và Kiều ở lầu Ngưng Bích
Bạn đang xem: Sự vận động của cảnh thiên nhiên và tâm trạng của con người trong đoạn trích Cảnh ngày xuân và Kiều ở lầu Ngưng Bích
I. Dàn ý Sự vận động của cảnh thiên nhiên và tâm trạng của con người trong đoạn trích Cảnh ngày xuân và Kiều ở lầu Ngưng Bích
1. Mở bài
– Sơ lược về Truyện Kiều của Nguyễn Du.
– Dẫn vào vấn đề cần phân tích: Sự vận động của cảnh thiên nhiên và con người qua hai đoạn trích.
2. Thân bài:
a. Sự vận động của thiên nhiên:
* Cảnh ngày xuân:
– 4 câu thơ đầu là bức tranh thiên nhiên tươi sáng, khoáng đạt rộng lớn, mang đến không khí trong trẻo, thanh khiết của mùa xuân.
—> Gợi ra sự vui tươi, náo nhiệt, yêu đời trong tâm hồn của con người. (cảnh chim én bay lượn, cỏ xanh tận chân trời, cành lê trắng)
– 6 câu thơ cuối vẫn là cảnh màu xuân thanh thanh, nhẹ nhàng nhưng bao trùm lên đó là cảm giác trầm lắng, nuối tiếc, mênh mang sâu rộng trong lòng nhân vật.
—> Được miêu tả theo sự thay đổi của thời gian chuyển từ buổi sáng sớm sang buổi hoàng hôn, cảnh vật từ rộng lớn, tươi đẹp sang nhỏ nhắn, suy tư (Tìm các cảnh vật và từ láy thể hiện điều này).
* Kiều ở lầu Ngưng Bích:
– 6 câu thơ đầu là cảnh tượng trước lầu Ngưng Bích trong tầm mắt Kiều, có thể nói đây là cảnh tượng cách quan đơn thuần, mang vẻ đẹp tự nhiên, nhưng quá đỗi rộng lớn, trống trải, tạo cảm giác mênh mang, vô tận và lạnh lẽo (hình ảnh trăng, núi, cồn cát, bụi hồng).
– 8 câu thơ cuối là bức tranh thiên nhiên nhuốm màu tâm trạng của Kiều thể hiện sự vận động, thay đổi nhận thức của Kiều.
+ Thể hiện thông qua hệ thống các hình ảnh ước lệ tượng trưng quen thuộc như thuyền, buồm, cửa bể, hoa, dòng nước, nội cỏ,… và các từ láy thể hiện sắc thái của cảnh vật đồng thời cũng là của con người (tự liệt kê và phân tích).
b. Sự vận động của con người:
* Cảnh ngày xuân:
– Lúc bắt đầu là tâm trạng vui tươi, nô nức, yêu đời, yêu cuộc sống cùng nhau tham gia trẩy hội với sự phấn khởi hứng thú của tuổi trẻ giàu sức sống. (dẫn chứng thơ).
– Khi hội tàn, người tan, không khí nhạt dần, cộng với buổi chiều ta khiến con người dễ sinh nhiều nuối tiếc, bâng khuâng, điều đó thể hiện qua sự thu hẹp của cảnh vật
* Kiều ở lầu Ngưng Bích:
– Ban đầu tâm trạng của Kiều dừng lại ở cảm giác xa lạ, lạnh lẽo trống trải khi đứng trên lầu trông ra cảnh vật xung quanh, cảnh vật càng hùng vĩ, nhưng kém lên kết làm Kiều cảm thấy mình trở nên nhỏ bé và lạc lõng vô cùng.
– Sau đó Kiều bắt đầu nhớ đến tình yêu, nhớ đến Kim Trọng, trước là để tìm hơi ấm, sau là để đau đớn xót xa vì phụ bạc chàng Kim. Sau tình yêu, Kiều lại nhớ đến gia đình, nàng lại càng xót xa, tủi hổ cho số phận bất hạnh của bản thân.
– Ở 8 câu thơ cuối thông qua cảnh thiên nhiên ta nhận thấy sự thay đổi, vận động trong tâm trạng và nhận thức của Kiều.
3. Kết bài
Nhận xét.
II. Bài văn mẫu Sự vận động của cảnh thiên nhiên và tâm trạng của con người trong đoạn trích Cảnh ngày xuân và Kiều ở lầu Ngưng Bích
Nền văn học trung đại của nước ta nổi bật với các áng văn chương bất hủ và sự phát triển của văn thơ chữ Nôm, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du – tác phẩm được xem là kiệt tác kinh điển của nền văn học Việt Nam. Nguyễn Du tuy sống và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền giáo dục Nho học và chế độ phong kiến hà khắc, thế nhưng ở tư tưởng của ông lại bước trước thời đại đến cả hàng trăm năm. Nhìn vào Truyện Kiều ta thấy ở đó có một tấm lòng nhân hậu, bao dung và cảm thông sâu sắc đối với sự bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đồng thời tác giả cũng ca ngợi, trân trọng những vẻ đẹp của người phụ nữ và lên án sự bất công của chế độ đã chèn ép, khiến họ phải chịu những khốn cảnh, những bi kịch đầy đớn đau. Bên ngoài nội dung mang đậm tính nhân văn, nhân đạo thì Truyện Kiều thành công còn nhờ vào cách sử dụng các thủ pháp nghệ thuật một cách tinh tế của Nguyễn Du, trong đó nổi bật nhất là bút pháp tả cảnh ngụ tình. Thông qua thủ pháp này ta nhận thấy được sự vận động đầy tinh tế của thiên nhiên và diễn biến tâm trạng của con người một cách sâu sắc điều ấy được thể hiện khá rõ nét trong hai đoạn trích Cảnh ngày xuân và Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Để nói về thiên nhiên và con người trong thơ của Nguyễn Du có người đã nhận định rằng: “Cảnh vật và tâm trạng trong thơ Nguyễn Du bao giờ cũng vận động chứ không tĩnh tại”. Có thể ban đầu ta vẫn mơ hồ về ý kiến này, thế nhưng cứ nhìn vào cái cách mà Nguyễn Du tả cảnh du xuân của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, tả cảnh Kiều ở lầu Ngưng Bích trông ra, rồi đến cái nỗi niềm tâm trạng u uẩn của Kiều thì ta mới thấy rằng Nguyễn Du quả thực rất tài năng, rất xuất sắc. Vần thơ vốn nằm yên trên trang giấy, thế nhưng cái thần tình, cái suy chuyển, biến đổi thì cứ không ngừng tuôn ra trước mắt người đọc. Và cảnh trong thơ Nguyễn Du không chỉ đơn thuần là cảnh mà trong cảnh lại có ngụ tình sâu sắc, và dường như nó gắn kết mật thiết với tâm trạng của con người như Nguyễn Du đã viết “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Trước hết ta sẽ nói về sự vận động của cảnh sắc thiên nhiên thời gian và không gian trong hai đoạn trích. Ở Cảnh ngày xuân thì rõ ràng rằng Nguyễn Du đã bộc lộ được cái biệt tài tả cảnh hiếm gặp của mình, cảnh sắc mùa xuân trong 4 câu thơ đầu được gợi ra thật sinh động và tươi sáng.
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Ngay trong câu thơ đầu ta đã thấy cảnh tượng loài chim én, dấu hiệu của mùa xuân đang bay lượn trên nền trời xanh thẳm, “đưa thoi” cho ta cái cảm nhận về sự vận động nhanh nhẹn, rộn ràng rất đúng với khí trời lúc đầu xuân. Cảnh “cỏ non xanh tận chân trời” gợi ra một khung cảnh mùa xuân rộng lớn và bao la, không khí thanh mát tràn ngập khắp không gian. Và trong khung cảnh xuân xanh ngút ngàn ấy lại xuất hiện một vài bông lê trắng, giống như cái cách mà Tố Hữu cũng từng viết về một mùa xuân trên Việt Bắc “Mùa xuân mơ nở trắng rừng”, thì ở Nguyễn Du ta thấy cái màu trắng của hoa lê dường như làm sáng của bức tranh mùa xuân, làm cho cái hồn xuân thêm rõ nét bên cạnh chim én hay cỏ xanh. Sự kết hợp màu sắc tuyệt vời giữa cái xanh nõn nà của cỏ với trắng tinh khôi lê của hoa lê quyện lại với nhau, thì chẳng có bức tranh mùa xuân nào trong trẻo, xinh đẹp và tràn đầy sức sống hơn thế nữa. Nếu như 4 câu thơ đầu tiên, cảnh mùa xuân có vẻ tươi sáng, thanh khiết vô ngần, gợi những cảm giác thư thái, vui tươi thì ở 6 câu thơ cuối bài cũng viết về cảnh màu xuân ấy, nhưng lại dường như có sự biến chuyển nhẹ nhàng.
“Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”
Tinh ý có thể dễ dàng nhận ra rằng, nếu 4 câu thơ đầu là tả cảnh xuân vào buổi sáng sớm, mang không khí rực rỡ, náo nhiệt của ngày hội đạp thanh vào tiết Thanh minh, thì ở 6 câu thơ cuối bài lại là cảnh xuân khi đã ở buổi xế chiều “tà tà bóng ngả về tây”, khi mặt trời đã dần khuất bóng. Khác với cái không gian khoáng đạt bao la mà cánh én “thoi đưa”, hay “cỏ non xanh tận chân trời” tạo ra thì cảnh xuân lúc chiều tà lại dường như bị bó hẹp lại với những cảnh sắc nhỏ nhoi, tạo cảm giác lạc lõng, cô đơn ví như “ngọn tiểu khê”, “dịp cầu nho nhỏ”, hay sự quẩn quanh của dòng nước, của cái dịp cầu bắc ngang khiến cho cảnh ngày xuân mang một sắc thái khác. Dĩ nhiên mùa xuân trong thơ Nguyễn Du thì vẫn mang cái sắc thái thanh thanh, cái dịu nhẹ nhưng lại có nhiều thay đổi do sự biến chuyển của tâm trạng con người. Từ vui tươi, rộn rã, khoáng đạt chuyển sang cảm xúc sâu lắng, trầm tư, nhuốm màu tâm trạng, cảnh sắc từ đó cũng trở nên miên man, chậm rãi, mất hẳn cái dáng vẻ khoáng đạt nhanh nhẹn thuở ban đầu của loài chim én đưa thoi. Sự vận động, thay đổi ấy của thiên nhiên được tác giả thể hiện một cách rất tinh tế, ngoài việc thay đổi cảnh sắc, thời gian thì các từ láy “thơ thẩn”, “thanh thanh”, “nao nao”, “nho nhỏ” đã gợi ra cho độc giả những cảm xúc trầm lắng, cảm nhận cảnh thiên nhiên đang dần trở nên vắng lặng, chậm rãi theo sự chuyển biến tâm trạng của nhân vật.
Đó là cảnh thiên nhiên trong Cảnh ngày xuân, tương tự ở đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích ta cũng nhận thấy những biến chuyển của cảnh sắc thiên nhiên theo không gian và thời gian. Sáu câu thơ đầu đoạn trích tập trung miêu tả cảnh sắc thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích.
“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”
Thúy Kiều trong những ngày tháng bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích thường ngồi ngẩn ngơ trông ra trước lầu Ngưng Bích, trên lầu cao ánh mắt nàng dõi về phía xa mà tưởng như dãy núi thấp thoáng tận chân trời với mảnh trăng non trên nền trời đang ở cùng một bức tranh, đang cùng in trên một vòm trời. Và càng trông ra xa thì lại càng thấy những cảnh tượng kỳ vĩ, nào là cồn cát vàng, nào là thứ bụi hồng do gió trời bốc lên thành từng đợt, từng đám. Có thể nói rằng trước lầu Ngưng Bích, trong tầm mắt của Kiều là một khung cảnh thiên nhiên rất đẹp được gợi ra bởi những hình ảnh ước lệ như trăng, núi, cồn cát, bụi hồng. Nhưng nó lại quá đỗi rộng lớn, quá đỗi bao la, dường như nuốt chửng cả cái sự tồn tại của con người. Từ đó gây ra cái cảm giác lạc lõng, cô đơn tột cùng và đặc biệt còn là sự sợ hãi trước một bối cảnh xa lạ của nhân vật. Có thể hiểu rằng cảnh tuy đẹp nhưng nhưng lại thiếu đi một phần sức sống, thiếu đi cái sự sinh động mà thay vào đó là cảm giác lạnh lẽo, rợn ngợp cả lòng người, khiến con người ta khó có thể thưởng thức, đặc biệt là đối với Thúy Kiều, một cô gái trải qua quá nhiều bi kịch.
Nếu như 6 câu thơ đầu tả cảnh nhiều hơn tả tình thì 8 câu thơ cuối cảnh thiên nhiên lại có sự vận động tuân theo sự biến đổi trong tâm trạng của nhân vật.
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Có thể thấy rằng tất cả cảnh sắc thiên nhiên hiện hữu trong 8 câu thơ này đều bắt đầu bằng một chữ “buồn”, bắt đầu bằng nỗi lòng của nhân vật, bằng sự nhận thức của Thúy Kiều về thân phận. Nếu như ở 6 câu thơ đầu, có lẽ một phần là cảnh sắc trước lầu Ngưng Bích vốn dĩ đã hoang vắng và xa xăm như thế, nên khi vào mắt Kiều nó càng làm Kiều thấy lạnh lẽo và xa lạ. Thì ở 8 câu thơ cuối cảnh vật thiên nhiên trong mắt Kiều là do lòng nàng tự định hướng ra, cảnh vật được miêu tả theo trình tự từ xa đến gần, từ cửa bể rộng lớn bao la, cho đến “mặt duềnh” – một vũng nước nhỏ nhoi, từ một cảnh sắc không màu đến một không gian “chân mây mặt đất một màu xanh xanh” rõ nét, từ những cảnh tượng tĩnh đến động như cảnh “hoa trôi man mác” cho đến “ầm ầm tiếng sóng”. Vừa thể hiện sự biến chuyển, vận động mạnh mẽ của thiên nhiên, đồng thời cũng phản ánh những thay đổi đặc biệt trong nhận thức của con người từ mơ hồ đến rõ nét về thân phận, bi kịch của mình. Các hình ảnh ước lệ tượng trưng như cửa bể chiều hôm, cánh buồm, con thuyền, ngọn nước, cánh hoa, nội cỏ, chân mây, sóng gió và các từ láy xa xa, man mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm chính là những nhân tố có sức gợi hình gợi cảm mạnh mẽ. Không chỉ nêu bật được sự vận động của cảnh sắc thiên nhiên theo những trình tự vừa liệt kê ở trên mà nó còn có vai trò to lớn trong việc thể hiện rõ nét sự thay đổi tâm trạng của con người, đó vai trò “đeo sầu cho cảnh vật”.
So với sự biến chuyển của thiên nhiên thì sự vận động trong tâm trạng của con người được bộc lộ một cách rõ nét hơn nhiều. Trong đoạn trích Cảnh ngày xuân, nếu như lúc ban đầu là cảnh “Gần xa nô nức yến anh/Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân/Dập dìu tài tử giai nhân/Ngựa xe như nước áo quần như nêm”, thể hiện một không khí náo nhiệt, rộn rã ngày trẩy hội. Và tâm trạng của chị em Thúy Kiều tuy không được nhắc rõ thế nhưng ta cũng đủ biết rằng với lứa tuổi vừa cập kê, xuân quang phơi phới như thế, gặp cảnh du xuân thì lòng nào mà lòng chẳng vui, chẳng thấy rộn rã, phấn khởi. Cảnh tượng du xuân náo nhiệt ấy rất xứng với cái cảnh sắc thiên nhiên mà Nguyễn Du đã vẽ ra ở 4 câu thơ đầu, tràn đầy sức sống, với tinh thần tươi trẻ, thanh khiết của con người. Sự chuyển biến tâm trạng của con người trước là khởi nguồn từ hai câu “Ngổn ngang gò đống kéo lên/Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”. Giữa cảnh xuân xanh phơi phới và gặp cảnh tiêu điều như thế thì đầu có là ngày tảo mộ đạp thanh cũng không khỏi khiến con người ta suy nghĩ. Đặc biệt là với nhân vật Thúy Kiều, một cô gái trẻ tuổi, xuân sắc nhưng lại đa sầu đa cảm, thấy mộ nàng Đạm Tiên, tài hoa bạc mệnh thì lòng sinh thương cảm. Buổi du xuân kết thúc, bóng hoàng hôn “tà tà” đằng tây khiến lòng người chùng xuống, trước là nuối tiếc vì ngày xuân tuy vui nhưng trôi qua nhanh quá, sau là tâm trạng của nhân vật trước những viễn cảnh mà mình chứng kiến. Nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến, nỗi buồn man mác trong lòng Thúy Kiều được diễn tả rất khéo léo qua những cảnh vật hữu hạn, quanh co như “tiểu khê”, “dòng nước uốn quanh”, “dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”. Cảnh Thúy Kiều nhìn thấy, đặc biều là cái nhịp cầu nhỏ bắc ngang dòng nước trôi xuôi, chính là những dự báo về cuộc đời nhiều trái ngang của nàng. Phải chăng cái chết của Đạm Tiên đã để lại trong lòng Kiều nhiều nỗi ám ảnh về thân phận người phụ nữ tài hoa bạc mệnh, hay chỉ đơn giản là Kiều đang nuối tiếc ngày xuân? Nói chung dẫu Kiều nghĩ gì thì những từ láy như “thơ thẩn”, “thanh thanh”, “nho nhỏ”, “tà tà” đã đem đến một bức tranh tâm trạng nhuốm màu trầm tư. Có thể nói rằng sự vận động tâm trạng của nhân vật trong đoạn trích này là điển hình cho tâm trạng của con người trong mọi cuộc vui, lúc đi hào hứng bao nhiêu thì lúc về lại nuối tiếc và lặng lẽ bấy nhiêu.
Trong Kiều ở lầu Ngưng Bích sự vận động của tâm trạng nhân vật không giống như trong Cảnh ngày xuân, là chuyển từ vui sang buồn mà ở đây là sự thuyên chuyển từ nỗi buồn này sang nỗi buồn khác, từ sự không ý thức đến có ý thức một cách rõ ràng về thân phận của Thúy Kiều. Như đã nói ở phần trên, cảnh sắc thiên nhiên ban đầu trước lầu Ngưng Bích đơn thuần chỉ là để diễn tả cảm giác cô đơn, xa lạ, bẽ bàng, tủi hổ của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Một thiếu nữ vừa tuổi cập kê, lại gặp nhiều biến cố, đặc biệt là có mối tình thề non hẹn biển như mơ với Kim Trọng lại dở dang, thì trong những lúc khốn cảnh như này, người nàng nghĩ đến đầu tiên chính là chàng Kim. Bởi lẽ, đơn giản rằng Kiều đã phụ Kim Trọng và chuyện mới xảy ra không lâu, nên nàng thấy vô cùng day dứt, đau khổ và có lỗi với chàng Kim, bên cạnh đó Thúy Kiều nghĩ tới Kim Trọng cũng chính là tự xót thương cho số phận bạc bẽo, không bao giờ có quyền được hạnh phúc của mình hiện tại. Kiều dù đã trao duyên cho em, thế nhưng tình sao có thể nói trao là trao, dứt là dứt, nỗi khổ ấy hãy còn dằn vặt Kiều mãi về sau này. Từ nỗi đớn đau trong tình yêu Kiều chuyển sang nỗi xót xa khi nghĩ về gia đình, một cô gái 14, 15 tuổi, “êm đềm trướng rủ màn che” nay gặp cảnh bi đát, khó mà không nghĩ về cha mẹ, về gia đình, nàng khao khát mái ấm chở che, nhớ quê hương đến tha thiết, nhưng càng nhớ nàng lại càng đớn đau, càng nhận thức rõ về thân phận bẽ bàng, tủi hổ của mình. Sự nhận thức của Thúy Kiều về số phận của bản thân được thể hiện rất rõ trong 8 câu thơ cuối, nằm trong mạch miêu tả cảnh thiên nhiên mà Nguyễn Du đã tinh tế xây dựng. Mặc dù các câu thơ tả cảnh nhiều nhưng cảnh nào cũng chan chứa nỗi lòng của Kiều. Thúy Kiều đi từ chỗ mơ hồ với “cửa bể chiều hôm”, với “thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”, thì dần bắt đầu có ý thức về thân phận bèo dạt mây trôi của mình, mà tự hỏi một câu: “Hoa trôi man mác biết là về đâu?”. Nàng đã nhận thức được sự mất tự do, mất đi quyền quyết định cuộc đời, cũng ví phận mình như hoa, tài sắc nhưng lênh đênh, vô định. Từ đó ta thấy rõ ràng Kiều đã chuyển từ cảm xúc nhớ thương người yêu, gia đình sang sự xót thương cho chính bản thân mình. Và càng về cuối thì ý thức của Kiều về những giông bão trong tương lai càng trở nên mạnh mẽ, điều đó thể hiện ở âm thanh từ tĩnh chuyển sang động từ cảnh “hoa trôi man mác”, vô thanh sang cảnh “ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” dữ dội. Đó chính là sự tuyệt vọng, lo sợ và hãi hùng về những cảnh ngộ sắp tới của bản thân, về sự tối tăm mịt mờ, không lối thoát trong cảnh giam cầm tại chốn ong bướm lả lơi.
Nói tóm lại, tác phẩm có tên là Truyện Kiều thì phải thỏa mãn được việc thuật lại cuộc đời của nhân vật Thúy Kiều thông qua việc xây dựng tính cách, diễn biến tâm trạng, và các biến cố của nhân vật. Mà thể loại của tác phẩm lại là thơ thế nên cũng phải làm sao cho xúc tích, ngắn gọn và hợp lý. Thế nên việc sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình để vừa tả cảnh vừa miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật đã vừa vặn thỏa mãn được các yêu cầu của tác phẩm, tuy nói một nhưng lại có thể suy ra hai. Cái tài năng của Nguyễn Du chính là dùng thơ để tái hiện được sự vận động của thiên nhiên và tâm trạng con người một cách tinh tế, cảnh bổ trợ cho tình và ngược lại để làm thành một bức tranh vừa có hồn vừa có sắc, lại trôi chảy, mượt mà dễ đi vào lòng người đọc.
———————HẾT———————-
Kiều ở lầu Ngưng Bích và Cảnh ngày xuân là những đoạn trích thể hiện rõ nhất nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Du, tìm hiểu chi tiết về đoạn trích, bên cạnh bài Sự vận động của cảnh thiên nhiên và tâm trạng của con người trong đoạn trích Cảnh ngày xuân và Kiều ở lầu Ngưng Bích, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 9 như: Phân tích tâm trạng của Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích nghệ thuật miêu tả tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Cảm nhận của em về đoạn trích Cảnh ngày xuân, Bức tranh thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp