Suy nghĩ câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi

0
91
Rate this post

Đề bài: Suy nghĩ câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi

suy nghi cau khi co loi nguoi tu te thi san sang nhan loi ke ti tien chi tim cach do loi

Suy nghĩ câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi

Bạn đang xem: Suy nghĩ câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi

I. Dàn ý Suy nghĩ câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi

1. Mở bài

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

2. Thân bài:

a. Làm rõ một số khái niệm:
– Người tử tế: Những người có tư cách đạo đức, phẩm giá tốt đẹp, có cách hành xử phù hợp với chuẩn mực xã hội.
– Kẻ ti tiện: Là những người có lối sống hẹp hòi, ích kỷ, thích so đo, tư duy tiêu cực, luôn có cái nhìn hoài nghi, đố kỵ với người khác.
→ Khi đứng trước những lỗi lầm người tử tế sẵn sàng suy xét nguyên nhân hậu quả, nhận thức được lỗi lầm và có thiện chí sửa đổi, thì trái lại người ti tiện lại luôn tìm lý do để đùn đẩy, quyết không nhận trách nhiệm về mình.

b. Bàn luận:
– Thông qua thái độ của mỗi người trong việc đối mặt với lỗi lầm ta có thể dễ dàng phân định được đâu là người tử tế và đâu là kẻ ti tiện trong xã hội.
– Đối với người tử tế quá trình mắc lỗi, nhận lỗi và sửa lỗi chính là một trình tự cần thiết để tự hoàn thiện và đánh giá bản thân.
+ Việc mắc lỗi vốn dĩ là một việc rất bình thường để xây dựng nên quy luật xã hội. Điều cốt yếu nhất ấy là con người ta phải biết nhận thức được lỗi lầm của mình và nỗ lực sửa lỗi để tránh lặp lại sai lầm tương tự trong tương lai.
+ Dám đứng ra nhận lỗi chính là một hành động dũng cảm.
+ Bản lĩnh của người tử tế còn nằm ở việc họ sẵn sàng chịu trách nhiệm, nhận hình phạt thích đáng cho những hậu quả mà lỗi lầm của mình đã tạo nên.

– Đối với kẻ ti tiện:
+ Khi đứng trước lỗi lầm, phản ứng đầu tiên của họ là tìm cách đổ lỗi, viện lý do, nhằm tránh thoát những lỗi lầm do mình gây ra.
+ Cá nhân những người này vốn là kẻ hèn nhát, sợ bị công kích, sợ đánh mất những lợi ích cá nhân đang có, nên họ không dám đối mặt với bản thân.
+ Lòng tự ái cao, họ chỉ yêu bản thân và mặc kệ những người xung quanh, dù làm việc gì họ cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân dù rằng hành động đó có thể khiến họ trở nên xấu xí và mất phẩm giá.

c. Bài học:
– Mỗi chúng ta cần phải ý thức được rằng sống ở trên đời hãy làm một người tử tế. Đừng sợ sai và cũng đừng ngại phải nhận sai, có nhận sai chúng ta mới thấy rõ được khuyết điểm của bản thân và sửa chữa, đồng thời đó cũng là một cơ hội tốt để chúng ta tích lũy kinh nghiệm mỗi ngày.
– Lỗi lầm là chuyện tất yếu của cuộc đời, đừng vì mình mắc một lỗi nhỏ mà cảm thấy tự ti, xấu hổ, hay muốn trốn tránh.
– Dũng cảm, nhận lỗi, sửa sai và chịu trách nhiệm không chỉ là tiền đề khiến chúng ta đi lên mà còn là một thước đo định giá phẩm cách, bản thân không thẹn với lòng thì mới có thể khiến người khác yêu quý và tin tưởng.
– Sống ti tiện, hay đổ lỗi chỉ thu về cho bản thân ta một cái vỏ bọc xấu xí, một tâm hồn hẹp hòi và sự căm ghét, xa lánh của những người xung quanh, để khi nhìn lại, bản thân chúng ta cuối cùng chỉ trở thành kẻ cô độc, đáng xấu hổ nhất thế gian mà thôi.

3. Kết bài:

Nêu cảm nhận chung.

II. Bài văn mẫu Suy nghĩ câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi

“Nhân vô thập toàn” cổ nhân từ xa xưa đã có một câu nói vậy tức để chỉ ra rằng sở dĩ vạn vật trên thế gian không bao giờ là thập toàn thập mỹ và chính bản thân con người được xem là sinh vật tiến hóa vượt trội nhất trên trái đất cũng không thể thoát khỏi quy luật này. Chính vì vậy việc một cá thể mắc lỗi, hay phạm những sai lầm luôn xảy ra trong cuộc sống, và để đáp ứng nhu cầu phát triển và tự hoàn thiện con người ta không ngừng tìm ra lỗi và khắc phục lỗi, đồng thời tự tích lũy kinh nghiệm cho cá nhân để biến bản thân thành một phiên bản ngày càng tốt hơn. Cũng chính quá trình này đã để chúng ta nhìn thấy một sự thật về phẩm chất của con người thông qua câu nói “Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi”.

Người tử tế ở đây tức là chỉ những người có tư cách đạo đức, phẩm giá tốt đẹp, có cách hành xử phù hợp với chuẩn mực xã hội, sống ngay thẳng, tư duy tích cực, có cách đối xử với người khác chân thành, không vụ lợi. Người tử tế là tử tế trong mọi trường hợp, mọi hành động và đối với mọi người không phân biệt già trẻ, sang giàu. Họ luôn hướng tới một cuộc sống nhân văn, tình nghĩa, luôn cố gắng hoàn thiện bản thân bằng những hành vi đẹp, đồng thời thông qua sự đánh giá, yêu mến của xã hội mà lấy đó làm động lực cho bản thân ngày càng hoàn thiện về bản chất đạo đức. Trái lại kẻ ti tiện cũng không phải là ít trong xã hội, những người này không coi trọng hoặc phớt lờ đi các tiêu chuẩn đạo đức xã hội, họ cố gắng tìm mọi cách để thu về lợi ích cho bản thân, dù hành động đó có thể gây tổn thất cho các cá nhân khác. Họ có lối sống hẹp hòi, ích kỷ, thích so đo, tư duy tiêu cực, luôn có cái nhìn hoài nghi, đố kỵ với người khác, luôn sống một cuộc sống thích tranh giành và khôn vặt, cư xử hẹp hòi thiếu lễ độ. Khi đứng trước những lỗi lầm do bản thân gây ra thì hai kiểu người trên có cách cư xử rất khác biệt, nếu như người tử tế sẵn sàng suy xét nguyên nhân hậu quả, nhận thức được lỗi lầm và có thiện chí sửa đổi, thì trái lại người ti tiện lại luôn tìm lý do để đùn đẩy, quyết không nhận trách nhiệm về mình, thậm chí cố gắng đổ lỗi cho những cá nhân khác, hoặc lỗi do hoàn cảnh, cốt để bản thân mình không liên quan.

Như vậy thông qua thái độ của mỗi người trong việc đối mặt với lỗi lầm ta có thể dễ dàng phân định được đâu là người tử tế và đâu là kẻ ti tiện trong xã hội. Đối với người tử tế quá trình mắc lỗi, nhận lỗi và sửa lỗi chính là một trình tự cần thiết để tự hoàn thiện và đánh giá bản thân. Rõ ràng sống trên đời mấy mươi năm, con người ta ít nhiều cũng có vài lần phạm lỗi, hoặc thậm chí trong từng tháng từng năm chúng ta liên tục mắc những lỗi khác nhau, trong học tập, trong công việc, trong cách cư xử với người khác, trong tình cảm,… và lỗi ấy có thể do vô tình hoặc cố ý. Và việc mắc lỗi vốn dĩ là một sự kiện rất bình thường để xây dựng nên quy luật xã hội. Điều cốt yếu nhất ấy là con người ta phải biết nhận thức được lỗi lầm của mình và nỗ lực sửa lỗi để tránh lặp lại sai lầm tương tự trong tương lai. Có thể thấy rằng việc dám đứng ra nhận lỗi chính là một hành động dũng cảm, vượt lên chính bản thân và nỗi e sợ định kiến xã hội, cũng như lòng tự ái cá nhân để đi tìm sự hoàn thiện trong nhân cách, xây dựng một tinh thần hướng thiện, tôn trọng sự thật, sống ngay thẳng, chính trực. Đó là một thái độ sống tích cực, là biểu hiện của một cá nhân đang nỗ lực từng ngày vươn lên, mà biểu hiện đầu tiên ấy là chiến thắng chính bản thân và lỗi lầm do mình gây ra. Bên cạnh đó, không chỉ biết nhận lỗi, sửa sai mà bản lĩnh của người tử tế còn nằm ở việc họ sẵn sàng chịu trách nhiệm, nhận hình phạt thích đáng cho những hậu quả mà lỗi lầm của mình đã tạo nên, dù rằng điều ấy có thể khiến họ đánh mất nhiều thứ, tiền tài, danh vọng, địa vị, các mối quan hệ,… Thế nhưng họ vẫn sẵn sàng đương đầu và cố gắng để làm lại từ đầu, bước đi trên con đường trong sạch, ngay thẳng.

Còn trái lại đối với kẻ ti tiện, khi đứng trước lỗi lầm, phản ứng đầu tiên của họ là tìm cách đổ lỗi, viện lý do, nhằm tránh thoát những lỗi lầm do mình gây ra, thậm chí có những người sẵn sàng dùng một hành động sai trái khác để che lấp lỗi lầm ban đầu, dùng nhiều lời biện bạch để che giấu những sai lầm do mình gây ra, chứ quyết không chịu nhận trách nhiệm, không chịu tỉnh ngộ nhận sai. Cá nhân những người này vốn là kẻ hèn nhát, sợ bị công kích, sợ đánh mất những lợi ích cá nhân đang có, nên họ không dám đối mặt với bản thân. Đặc biệt thường thấy nhất ở những kẻ ti tiện ấy là lòng tự ái cao, họ chỉ yêu bản thân và mặc kệ những người xung quanh, dù làm việc gì họ cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân dù rằng hành động đó có thể khiến họ trở nên xấu xí và mất phẩm giá. Một ví dụ dễ thấy nhất ấy là cảnh một ông chồng ngoại tình, thế nhưng lại đổ lỗi cho người vợ là không biết chăm sóc gia đình, không làm ông ta thấy hạnh phúc. Trong khi đó rõ ràng bản thân mình đã ti tiện, ích kỷ nhưng lại tự lừa mình dối người và tìm cách đổ lỗi cho người khác một cách vô lý.

Từ những phân tích và bàn luận trên, mỗi chúng ta cần phải ý thức được rằng sống ở trên đời hãy làm một người tử tế. Tạo hóa đã ban cho chúng ta một bộ óc siêu việt, một khả năng giao tiếp tối ưu, một hình hài tiến hóa bậc nhất, chính vì vậy chúng ta cũng phải sống và cư xử sao cho văn minh, phải luôn nỗ lực làm mới và phát triển bản thân mỗi ngày. Đừng sợ sai và cũng đừng ngại phải nhận sai, có nhận sai chúng ta mới thấy rõ được khuyết điểm của bản thân và sửa chữa, đồng thời đó cũng là một cơ hội tốt để chúng ta tích lũy kinh nghiệm mỗi ngày. Hãy nhớ rằng lỗi lầm là chuyện tất yếu của cuộc đời, chúng ta chẳng phải bậc thánh nhân mà không bao giờ phạm lỗi, chính vì vậy đừng vì mình mắc một lỗi nhỏ mà cảm thấy tự ti, xấu hổ, hay muốn trốn tránh. Đã là con người thì phải đi ngay đứng thẳng, dám đối diện với bản thân, với lỗi lầm và với cả những người xung quanh. Dũng cảm, nhận lỗi, sửa sai và chịu trách nhiệm không chỉ là tiền đề khiến chúng ta đi lên mà còn là một thước đo định giá phẩm cách, bản thân không thẹn với lòng thì mới có thể khiến người khác yêu quý và tin tưởng. Như vậy ngày chúng ta chạm vào thành công sẽ không còn xa trong tương lai. Trái lại sống ti tiện, hay đổ lỗi chỉ thu về cho bản thân ta một cái vỏ bọc xấu xí, một tâm hồn hẹp hòi và sự căm ghét, xa lánh của những người xung quanh, để khi nhìn lại, bản thân chúng ta cuối cùng chỉ trở thành kẻ cô độc, đáng xấu hổ nhất thế gian mà thôi.

Chung quy lựa chọn làm người tử tế hay kẻ ti tiện chỉ là trong một ý nghĩ và hành động của mỗi chúng ta, nếu sống làm người tử tế chúng ta trở nên tốt đẹp biết bao nhiêu, thì làm kẻ ti tiện lại khiến chúng ta trở nên xấu xí, tụt lùi bấy nhiêu. Chính vì vậy ngay từ bây giờ mỗi bạn trẻ hãy tự ý thức để có cách cư xử cho phù hợp, luôn ghi nhớ rằng lỗi lầm là chuyện nhỏ, chúng ta có thể khắc phục và sửa sai nó một cách dễ dàng, chỉ cần bạn đủ nỗ lực, quyết tâm để trở thành người tử tế. Còn việc trở thành một kẻ xấu, hẹp hòi, ích kỷ và chậm tiến mới thực sự là một điều đáng quan ngại sâu sắc.

—————–HẾT——————-

Bài viết là một vài suy nghĩ về câu nói  hay “Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi”, để tìm hiểu thêm các câu nói sâu sắc khác mời các em tham khảo các bài viết: Suy nghĩ về câu nói: Cái chết không phải mất mát lớn nhất trong cuộc đời…, Suy nghĩ về câu nói: Lao động là vinh quang, Suy nghĩ về câu nói: Cảm thông là chiếc chìa khoá mở cửa trái tim người khác, Suy nghĩ về câu nói: Khó khăn hôm qua nhào nặn nên con người bạn hôm nay

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/suy-nghi-cau-khi-co-loi-nguoi-tu-te-thi-san-sang-nhan-loi-ke-ti-tien-chi-tim-cach-do-loi/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp