Suy nghĩ của em về nhận định: Đoàn thuyền đánh cá là một khúc tráng ca của người lao động trên biển

0
147
Rate this post

Đề bài: Suy nghĩ của em về nhận định: Đoàn thuyền đánh cá là một khúc tráng ca của người lao động trên biển

suy nghi cua em ve nhan dinh doan thuyen danh ca la mot khuc trang ca cua nguoi lao dong tren bien

Suy nghĩ của em về nhận định: Đoàn thuyền đánh cá là một khúc tráng ca của người lao động trên biển

Bạn đang xem: Suy nghĩ của em về nhận định: Đoàn thuyền đánh cá là một khúc tráng ca của người lao động trên biển

I. Dàn ý Suy nghĩ của em về nhận định: Đoàn thuyền đánh cá là một khúc tráng ca của người lao động trên biển (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

2. Thân bài:

a. Hoàn cảnh sáng tác:
– Khi miền bắc bước vào thời kì xây dựng với niềm vui được làm chủ cuộc đời.

b. Giải thích:

– Khúc tráng ca: là khúc ca ngợi ca chiến công, kỳ tích của những con người dám dấn thân vào nguy hiểm.

– Đoàn thuyền đánh cá là khúc tráng ca vì:
+ Những người ngư dân biển dám dấn thân vào hành trình đánh bắt cá nguy hiểm giữa đêm trên biển cả mênh mang
+ Con người lao động trong không khí hăng say, hứng khởi.

c. Chứng minh:

– Khung cảnh thiên nhiên kì vĩ, lộng lẫy: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then đêm sập cửa” và ” “Mặt trời đội biển nhô màu mới”:
+ Hình ảnh đẹp đẽ, mặt trời được so sánh “như hòn lửa” đêm buông xuống.
+ Thiên nhiên, vũ trụ hoà làm một
+ “Sóng đã cài then đêm sập cửa”: Bước chuyển tiếp của thời gian, không gian từ động sang tĩnh, mở ra không gian làm chủ của con người.

– Hình ảnh “Mặt trời đội biển nhô màu mới”: Ngày mới bắt đầu, công việc đánh cá kết thúc thắng lợi.

– Khung cảnh hăng say lao động của con người:
+ Mở ra bằng tiếng hát khi người ngư dân ra khơi: “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi/ Câu hát căng buồm với gió khơi”
+ Từ “lại”: Cho thấy đây là công việc thường xuyên mà họ vẫn làm
+ Công việc bắt đầu trong sự hứng khởi, say mê của con người

– Câu thơ “Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”: tiếng ca gọi cá, thể hiện khao khát chinh phục biển cả của con người.

– Khung cảnh đoàn thuyền đánh cá bắt đầu công việc đánh cá của mình:
+ Giữa không gian rộng lớn, con thuyền cũng như được thổi bùng, to lớn, sánh ngang với thiên nhiên “Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng”.
+ Giữa đại dương mênh mông, con người với tư thế làm chủ, họ tự tin “dò bụng biển” rồi “giăng” lưới để đánh bắt cá.

– Người ngư dân cất tiếng hát gọi cá vào: “Ta hát bài ca gọi cá vào/ Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”:
+ Tiếng hát khỏe khoắn của người ngư dân vang lên giữa mênh mông sóng nước
+ Ánh trăng “gõ” “nhịp” cho tiếng hát ấy: Thể hiện sự hoà hợp của thiên nhiên và con người.
+ Bài ca gọi cá cũng là bài ca ca ngợi biển “Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự thuở nào”.

– Trời về sáng, là lúc người ngư dân bắt đầu thu lưới “Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng/ Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng/ Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông”
+ Hình ảnh “kéo xoăn tay”: thể hiện sự khỏe khoắn của những người lao động đang kéo những mẻ lưới đầy cá.
+ Khoang thuyền đầy cá ánh lên dưới ánh mặt trời ban mai.

– Hình ảnh “Câu hát căng buồm với gió khơi/ Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”: thể hiện hình ảnh người ngư dân đang mau chóng trở về bến.
+ “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”: tư thế hiên ngang của con người sánh ngang với thiên nhiên vũ trụ.
+ Thể hiện niềm vui sướng được làm chủ cuộc đời của mình.

– Khúc tráng ca của người lao động trên biển còn được làm nên bởi:
+ Âm hưởng, giọng điệu thơ: khoẻ khoắn, sôi nổi, bay bổng
+ Nhịp thơ: nhanh, dồn dập, rộn ràng, tươi vui.
+ Hình ảnh thơ đẹp, gần gũi.

3. Kết bài:

– Khẳng định lại nhận định

II. Bài văn mẫu Suy nghĩ của em về nhận định: Đoàn thuyền đánh cá là một khúc tráng ca của người lao động trên biển (Chuẩn)

Năm 1958, sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc, Huy Cận đã có một chuyến đi thực tế tại Hòn Gai. Trong chuyến đi ấy, ông đã được chứng kiến tinh thần lao động, sự hăng say và niềm vui phấn khởi con người trong công cuộc xây dựng đất nước. Đó là niềm cảm hứng để ông viết lên tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá. Vì thế đã có ý kiến cho rằng: “Đoàn thuyền đánh cá là một khúc tráng ca của người lao động trên biển”.

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận được kết hợp bởi hai nguồn cảm hứng là cảm hứng lãng mạn và cảm hứng vũ trụ. Bởi bài thơ được viết khi miền Bắc bước vào thời kì xây dựng mới với niềm vui, niềm hào hứng của những người lao động được làm chủ cuộc đời của mình. Và tại biển Hòn Gai, những người ngư dân ở đây đã hòa mình trong niềm vui ấy, hăng say ra khơi. Đó là lý do người ta gọi Đoàn thuyền đánh cá là một khúc tráng ca của người lao động trên biển.

Khúc tráng ca là một từ Hán Việt có ý nghĩa là một ca khúc, một bài hát có nội dung hùng tráng ca ngợi chiến công, kỳ tích của con người, cổ vũ những con người vì việc nghĩa mà dám dấn thân vào những việc nguy hiểm trong khung cảnh tráng lệ và kỳ vĩ của thiên nhiên. Ở đây, những người ngư dân biển đã dám dấn thân mình, bước vào cuộc hành trình đánh bắt cá trong đêm vất vả, gian khổ.

Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận đã dựng lên khung cảnh thiên nhiên tráng lệ cùng với khung cảnh hăng say lao động của những người ngư dân:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then đêm sập cửa.”

Khung cảnh mở ra đẹp đẽ như một bức tranh sơn mài: lộng lẫy và rực rỡ ánh sáng. Mặt trời được so sánh “như hòn lửa” đỏ rực giữa không trung. Đây là một cách so sánh rất độc đáo gợi lên khung cảnh mặt trời đang từ từ lặn xuống và màn đêm bắt đầu buông. Không gian được mở ra vô cùng vô tận, thiên nhiên, vũ trụ như hoà vào cùng nhau. Phép so sánh cũng làm tăng thêm vẻ kỳ vĩ và huy hoàng của thiên nhiên. Không chỉ vậy, ở câu thơ tiếp theo, Huy Cận đã dùng biện pháp nhân hóa “Sóng đã cài then đêm sập cửa” để diễn đạt bước chuyển tiếp của thời gian. Cả vũ trụ bao la rộng lớn bước vào trạng thái nghỉ ngơi. Cái mênh mông to lớn của đêm đen mở ra vô tận, không gian từ trạng thái động chuyển sang tĩnh. Chính lúc ấy mở ra là thời gian, không gian mới của con người.

Cảnh thiên nhiên hùng vĩ còn được thể hiện ở cuối bài thơ, khi mà con người trở về sau một đêm vất vả:

“Mặt trời đội biển nhô màu mới”

Nếu như ở những dòng đầu tiên là khung cảnh mặt trời lặn thì ở đây là khung cảnh của bình minh khi mặt trời đã thức giấc. Mặt trời như đội cả biển cả mênh mông để nhô lên trong màu áo mới rực rỡ “nắng hồng”.

Khung cảnh thiên nhiên trong bài thơ được miêu tả hết sức tráng lệ và rực rỡ. Nổi bật trên khung cảnh đó là sự lao động hăng say của con người. Họ hăng say lao động, cố gắng cống hiến hết mình cho công cuộc xây dựng của Tổ quốc để từ đó làm nên khúc tráng ca bất tận của những người lao động trên biển.

Đầu tiên phải kể tới đó là khi những người lao động đó bắt đầu hành trình đánh bắt cá của mình. Họ dong buồm ra khơi với một tinh thần phấn khởi, say mê, trong tiếng hát vui mừng:

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

Từ “lại” trong câu cho thấy, đây không phải là lần đầu tiên ra khơi của họ mà chỉ là công việc thường ngày họ vẫn hay làm. Gió thổi, màn đêm buông là khi họ “căng buồm”, dong con thuyền lớn ra khơi đánh cá.

Và công việc của họ đã bắt đầu như thế, cùng với tiếng hát, họ cất lời ca gọi cá vào. Tiếng ca chứa chan khao khát chinh phục biển cả, khao khát được làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời:

“Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”

Khung cảnh tiếp theo là khung cảnh mà đoàn thuyền bắt đầu công việc đánh cá của mình. Giữa một không gian bao la của biển, trời, trăng, sao, vốn con thuyền hiện lên sẽ thật nhỏ bé nhưng ở đây, nó lại được thổi bùng thành một con thuyền to lớn mà hoà nhập với thiên nhiên, vũ trụ:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

Bằng bút pháp lãng mạn, Huy Cận đã vẻ lên một hình ảnh đẹp kỳ vĩ. Con thuyền của người ngư dân giờ đây được gió cầm lái, ánh trăng trở thành cánh buồm, con thuyền như được bay cao, chạm tới tận trời cao, vũ trụ thênh thang. Và những người ngư dân, họ là những người anh hùng của biển cả. Giữa biển cả to lớn ấy, họ trở thành chủ nhân, “ra” tận “dặm xa” để thăm dò luồng cá rồi “dàn đan thế trận” mà đánh bắt cho đầy khoang.

Họ làm việc hăng say, miệt mài với mong ước là từng loài cá quý hiện lên trong niềm vui sướng:

“Cá nhụ cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”

Nghệ thuật liệt kê cho thấy sự giàu có của biển cả quê hương ta với muôn loài cá quý hiếm.

Sau khi thả lưới, người ngư dân chờ đợi trong tiếng gõ thuyền gọi cá vào:

“Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự thuở nào”

Tiếng hát khỏe khoắn trong niềm phấn khởi của người ngư dân là bài ca gọi cá vào lưới. Thiên nhiên như bắc nhịp cầu, “nhịp” cho tiếng gõ gọi cá ấy. Bài ca gọi cá cũng là bài ca biết ơn biển cả đã cho ta nguồn sống, “nuôi lớn” chúng ta.

Khi trời đang dần về sớm, “sao mờ” thì cũng là lúc người ngư dân bắt đầu thu lưới.

“Sao mở, kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”.

Hình ảnh “kéo xoăn tay” cho thấy sự khỏe khoắn của những con người lao động trên biển. Họ đang nhanh tay “chạy đua” cùng với mặt trời, cùng với thời gian để trở về bến. Và kết quả là một mùa cá bội thu, xứng đáng với công sức mà người ngư dân đã bỏ ra. Dưới ánh sáng của rạng đông với màu hồng rực rỡ, từng đàn cá với “vảy bạc đuôi vàng” lấp lánh dưới ánh nắng ban mai.

Kết thúc là hình ảnh của người ngư dân đang bơi thuyền trở về sau một đêm vất vả:

“Câu hát căng buồm cùng gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”

Câu hát lại vang lên trong niềm say mê, đoàn thuyền “chạy đua” với “mặt trời” để trở về bến. Tầm vóc của con người đã được nâng lên, sánh với vũ trụ mênh mang. Một khoang thuyền đầy cá là một chiến công, kỳ tích với những người ngư dân biển khi họ đang bước vào thời kì xây dựng đất nước. Đây cũng là niềm vui, niềm phấn khởi của họ khi được làm chủ cuộc đời mình.

Không chỉ vậy, âm điệu, âm hưởng của lời thơ cũng là một lý do khiến cho bài thơ trở thành một khúc tráng ca bất tận. Nhịp thơ năm chữ với tiết tấu nhanh, mạnh, dồn dập giọng điệu sôi nổi, say mê đã khiến bài thơ như một khúc ca vang vọng trong lòng mỗi chúng ta. Đặc biệt Huy Cận còn dùng rất nhiều từ “hát” như để hoà vào khúc ca trong thơ ông, thể hiện niềm vui tươi, yêu đời, lạc quan đồng thời thể tình yêu cuộc sống và niềm vui được làm chủ cuộc đời mình.

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá khép lại nhưng âm vang của nó vẫn còn ngân mãi trong lòng chúng ta. Bởi trong đó chứa đựng chiến tích của những người ngư dân biển, của những con người dám đối mặt với thiên nhiên để tạo nên những kỳ tích tuyệt vời. Có thể khẳng định rằng Đoàn thuyền đánh cá là một khúc tráng ca của người lao động trên biển.

——————-HẾT——————

Đoàn thuyền đánh cá quả là một khúc ca về tinh thần hăng say lao động của những con người miền biển. Thật không sai khi gọi tác phẩm là một khúc tráng ca. Để tìm hiểu thêm về những đặc sắc của tác phẩm này, hãy cùng tham khảo các bài viết khác như: Phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Phân tích hình ảnh người lao động trong 3 khổ cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Cảm nhận của em về đoạn thơ 3, 4, 5, 6 bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá nhé!

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/suy-nghi-cua-em-ve-nhan-dinh-doan-thuyen-danh-ca-la-mot-khuc-trang-ca-cua-nguoi-lao-dong-tren-bien/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp