Đề bài: Suy nghĩ của em về vầng trăng trong bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy
Suy nghĩ của em về vầng trăng trong bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy
Bạn đang xem: Suy nghĩ của em về vầng trăng trong bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy
I. Dàn ý Suy nghĩ của em về vầng trăng trong bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Duy (những nét chính về con người, cuộc đời, các sáng tác tiêu biểu, đặc điểm sáng tác,…)
– Giới thiệu khái quát về bài thơ “Ánh trăng” (xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, những đặc sắc về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…)
– Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.
2. Thân bài
a. Vầng trăng trong quá khứ
– Biện pháp liệt kê “đồng”, “sông”, “bể’ cùng điệp ngữ “với” lặp lại nhiều lần đã nhấn mạnh sự gắn bó, thắm thiết bền chặt giữa con người với thiên nhiên.
– Hình ảnh “hồi chiến tranh ở rừng”: gợi lên những năm tháng chiến tranh vất vả, gian khổ, ác liệt.
– Trong chính hoàn cảnh ấy, vầng trăng trở thành người bạn thân thiết, gắn bó cùng con người, luôn đồng cam cộng khổ và chia sẻ cùng họ mọi nỗi niềm trên chặng đường hành quân cũng như trong cuộc sống.
– Hình ảnh so sánh, ẩn dụ “trần trụi với thiên nhiên’, “hồn nhiên như cây cỏ”: gợi lên vẻ đẹp bình dị, trong sáng của vầng trăng.
→ Như vậy, vầng trăng hiện diện như hình ảnh của quá khứ với những kí ức chan hòa, tình nghĩ và thủy chung.
b. Vầng trăng ở hiện tại
– Hình ảnh ẩn dụ “vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường”: thể hiện rõ thay đổi tình cảm của con người trước sự biến đổi của hoàn cảnh.
– Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa con người với ánh trăng khi “đèn điện tắt khiến con người nhận ra vầng trăng tròn đầy, thủy chung, tình nghĩa với bao kỉ niệm tươi đẹp vẫn luôn còn đó chỉ có điều đôi lúc vì vô tình mà ta đã lãng quên chúng.
c. Vầng trăng và những suy nghĩa, triết lí, chiêm nghiệm của nhà thơ
– Hình ảnh thơ độc đáo “trăng cứ tròn vành vạnh”:
+ Diễn tả vầng trăng tròn đầy, tỏa sáng giữa thiên nhiên, vũ trụ bao la, rộng lớn
+ Tượng trưng cho vẻ đẹp của quá khứ nghĩa tình, trọn vẹn dù lòng người có đổi thay.
– Nghệ thuật nhân hóa “ánh trăng im phăng phắc”: gợi đến một cái nhìn nghiêm khắc nhưng cũng đầy bao dung, độ lượng.
3. Kết bài
Khái quát về hình ảnh vầng trăng trong bài thơ và nêu cảm nghĩ của bản thân.
II. Bài văn mẫu Suy nghĩ của em về vầng trăng trong bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy
Nguyễn Duy là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước kiên cường, gian khổ của dân tộc. Nếu trước thời kì đổi mới, ông tập trung viết về chiến tranh với khuynh hướng sử thi thì sau đổi mới ông táo bạo và mạnh mẽ khi dám phơi bày những bất cập của xã hội đương thời. Và bài thơ “Ánh trăng”, ra đời vào năm 1978 là một trong số những sáng tác tiêu biểu cho thơ của Nguyễn Duy sau đổi mới. Đọc bài thơ, người đọc sẽ bị ám ảnh khôn nguôi bởi hình ảnh của vầng trăng – một hình ảnh giàu ý nghĩa và từ đó gợi lên nhiều suy ngẫm.
Trong hai khổ thơ mở đầu bài thơ, tác giả Nguyễn Duy đã vẽ nên hình ảnh của vầng trăng trong quá khứ. Khổ thơ mở đầu bài thơ đã gợi nhắc lại những kỉ niệm đẹp đẽ cùng tình cảm gắn bó giữa con người với vầng trăng.
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
Những câu thơ ngắn, với giọng điệu tâm tình kết hợp với biện pháp liệt kê “đồng”, “sông”, “bể’ cùng điệp ngữ “với” lặp lại nhiều lần đã nhấn mạnh sự gắn bó, thắm thiết bền chặt giữa con người với thiên nhiên. Đặc biệt, hình ảnh “hồi chiến tranh” ở rừng đã gợi lên những năm tháng chiến tranh vất vả, gian khổ, ác liệt. Và để rồi, trong chính hoàn cảnh ấy, vầng trăng trở thành người bạn, trở thành tri kỉ của con người. Trăng như một người bạn thân thiết, gắn bó cùng con người, luôn đồng cam cộng khổ và chia sẻ cùng họ mọi nỗi niềm trên chặng đường hành quân cũng như trong cuộc sống. Thêm vào đó, trong khổ thơ tiếp theo, tác giả đã tập trung làm bật nổi vẻ đẹp của vầng trăng yêu thương, “vầng trăng tình nghĩa”.
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
Với việc sử dụng những hình ảnh so sánh, ẩn dụ “trần trụi với thiên nhiên’, “hồn nhiên như cây cỏ”, tác giả Nguyễn Duy đã gợi lên vẻ đẹp bình dị, trong sáng của vầng trăng và có lẽ đó cũng chính là vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ trong tâm hồn con người.
Như vậy, vầng trăng hiện diện như hình ảnh của quá khứ với những kí ức chan hòa, tình nghĩ và thủy chung. Trong những tháng ngày gian khổ, thiếu thốn và vất vả, vầng trăng ấy vẫn luôn đồng hành với con người, trở thành người bạn tri kỉ của họ, cùng họ trải qua và san sẻ bao nỗi niềm trong cuộc sống.
Nếu như trong quá khứ, vầng trăng là tri âm tri kỉ, thì trong cuộc sống hiện tại, trước bước chuyển của thời gian, sự biến đổi của hoàn cảnh đã khiến mọi thứ đổi thay.
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Tác giả đã khéo léo tạo nên sự đối lập trong hoàn cảnh sống của con người ở quá khứ và hiện tại với những tòa nhà cao tầng và ánh điện sáng chói. Sự thay đổi ấy của hoàn cảnh đã làm cho tình cảm của con người thay đổi. Hình ảnh ẩn dụ “vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường” đã thể hiện rõ sự thay đổi đó. Giờ đây, dẫu vầng trăng thủy chung, tình nghĩa vẫn còn đó song nó không còn là tri âm tri kỉ nữa mà ngược lại đã bị con người lãng quên, thờ ơ. Câu thơ với hình ảnh ánh trăng đã mang đến một tầng nghĩa khái quát: khi hoàn cảnh sống thay đổi thì con người có thể quên đi những gian khổ, nhọc nhằn của quá khứ song sự lãng quên ấy lại là lẽ thường, bởi nó xuất phát từ những lo toan của cuộc sống hằng ngày.
Những tưởng, giữa cuộc sống phố thị tấp nập và đầy đủ tiện nghi, vầng trăng kia và con người sẽ chẳng còn có cơ hội để gặp lại nhau, song tác giả đã tạo ra một tình huống đầy bất ngờ để làm nên một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa.
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Hình ảnh “vầng trăng tròn” đột ngột xuất hiện, chiếu rọi ánh sáng vào căn phòng tối om đã khiến con người nhận ra vầng trăng tròn đầy, thủy chung, tình nghĩa với bao kỉ niệm tươi đẹp vẫn luôn còn đó, luôn sát cánh và đồng hành cùng con người trong mọi hoàn cảnh, chỉ có điều đôi lúc vì vô tình mà ta đã lãng quên chúng.
Và để rồi, từ tình huống bất ngờ với cuộc gặp gỡ “đột ngột” ấy với vầng trăng đã mở ra trong lòng nhân vật trữ tình những dòng cảm xúc, những triết lí mãnh liệt và sâu sắc.
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
Cuộc gặp gỡ, đối thoại không lời chỉ “ngửa mặt lên nhìn mặt” trong khoảnh khắc nhưng có lẽ đủ để cảm xúc dâng trào, đủ để lòng người thấy “rưng rưng” xúc động, nghẹn ngào và trước ánh trăng ấy, biết bao suy nghĩ, chiêm nghiệm của nhà thơ đã ùa về. Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh” không chỉ diễn tả vầng trăng tròn đầy, tỏa sáng giữa thiên nhiên, vũ trụ bao la, rộng lớn mà qua đó còn tượng trưng cho vẻ đẹp của quá khứ nghĩa tình, trọn vẹn dù lòng người có đổi thay. Thêm vào đó, với nghệ thuật nhân hóa “ánh trăng im phăng phắc” đã gợi đến một cái nhìn nghiêm khắc nhưng cũng đầy bao dung, độ lượng. Sự im lặng ấy khiến cho con người phải “giật mình” thức tỉnh.
Tóm lại, hình ảnh vầng trăng trong bài thơ là một hình ảnh giàu ý nghĩa. Nó không chỉ là vầng trăng của thiên nhiên mà còn là vầng trăng tri kỉ, vầng trăng của quá khứ nghĩa tình. Đồng thời, từ hình ảnh vầng trăng cũng gợi lên trong chúng ta nhiều bài học có giá trị và ý nghĩa sâu sắc.
Ánh trăng của Nguyễn Duy đã mang đến những cảm nhận hoàn toàn mới mẻ về hình ảnh vầng trăng cũng như những ân tình trong quá khứ, Bên cạnh bài Suy nghĩ của em về vầng trăng trong bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy, các em học sinh có thể tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, Cảm nhận của em về đoạn thơ sau trong bài Ánh trăng: “Từ hồi về thành phố… cho ta giật mình”, Cảm nhận bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, Suy nghĩ của em về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp