Đề bài: Suy nghĩ về vấn nạn khủng bố hiện nay
I. Dàn ý: Suy nghĩ về vấn nạn khủng bố hiện nay
Bạn đang xem: Suy nghĩ về vấn nạn khủng bố hiện nay
1. Mở bài
– Khao khát được sống trong hòa bình luôn là mong ước chính đáng của toàn nhân loại.
– Thế nhưng ở đâu đó trên thế giới này vẫn hàng ngày diễn ra các cuộc khủng bố đẫm máu, các cuộc đánh bom liều chết, trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối, đe dọa nền hòa bình thế giới.
2. Thân bài
* Giải thích
– Khủng bố là những hành động phá hoại có chủ đích, mà người gây ra sử dụng những lời nói, hành động, vũ trang, những chiêu trò mang tính bạo lực về cả thể xác và tinh thần nhằm gây nên những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người khác, đồng thời cũng gây tổn hại đến cơ số lớn những tài sản chung của xã hội.
– Đối tượng: Dân thường
– Địa điểm: Nơi đông người, khách sạn, nhà ga, rạp chiếu phim, siêu thị,…
– Mục đích: Gây sức ép dư luận, tạo nên nỗi hoang mang sợ hãi trong nhân dân, từ đó làm lung lay chế độ chính trị của một quốc gia, dân tộc, với âm mưu phá hoại hoặc nhằm đạt được một mục đích nào đó.
* Nguyên nhân:
– Sùng đạo, quá khích, ý nghĩ giải thoát cho nhân loại bằng các hành động cực đoan, điên cuồng.
– Trả thù thế giới vì nghĩ bản thân bị cô lập, vứt bỏ
– Vì mục đích chính trị.
* Hậu quả:
– Thiệt hại về người gây thương vong, tổn thương sâu sắc về cả thể xác lẫn tinh thần cho những người vô tội.
– Thiệt hại tài sản
– Ví dụ về vụ khủng bố ngày 11/9/2001, tại New York, Mỹ, để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng
– Sự xuất hiện của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, gây hoang mang cho nhân loại bởi sự bành trướng và thủ đoạn dã man.
* Biện pháp:
– Nhà nước cần thắt chặt an ninh, tăng cường kiểm tra giám sát các phần tử khả nghi, đặc biệt là ở nơi công cộng, tập trung đông người, để đảm bảo an toàn cho người dân.
– Sự đoàn kết, liên hiệp của các quốc gia nhằm chống lại các tổ chức khủng bố
– Gia đình, nhà trường và xã hội cần tích cực hơn trong việc giáo dục con em mình, đặc biệt là giáo dục đạo đức, giúp các em nhận thức được sự nguy hiểm của các tổ chức khủng bố, đồng thời có tấm lòng yêu thương con người, nhân hậu, vị tha, tránh đi những lối suy nghĩ cực đoan, lệch lạc.
3. Kết bài
– Chống khủng bố và xóa bỏ các tổ chức này chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt trong những năm gần đây chúng lại càng có xu hướng bành trướng mạnh mẽ, dấy lên những mối quan ngại sâu sắc cho nền hòa bình và an ninh trên toàn thế giới.
– Mỗi chúng ta cần phải có ý thức yêu hòa bình, cùng chung tay góp sức góp phần đẩy lùi nạn khủng bố.
II. Bài mẫu: Suy nghĩ về vấn nạn khủng bố hiện nay
Khao khát được sống trong hòa bình luôn là mong ước chính đáng của toàn nhân loại, ở đó con người sống chan hòa với nhau, không hận thù, không chiến tranh, chết chóc, không có những cuộc chia ly đẫm máu, không có mùi thuốc súng ngập tràn trong không khí, không có những đống đổ nát hoang tàn. Mà thay vào đó là viễn cảnh thái bình thịnh trị, người người nhà nhà ấm no, hạnh phúc, con cháu sum vầy, trẻ em vô tư cắp sách đến trường, người lớn đi làm, người già nghỉ ngơi, an hưởng cuộc sống. Thế nhưng ở đâu đó trên thế giới này vẫn hằng ngày diễn ra các cuộc khủng bố đẫm máu, các cuộc đánh bom liều chết, trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối, đe dọa nền hòa bình thế giới.
Khủng bố là những hành động phá hoại có chủ đích, mà người gây ra sử dụng những lời nói, hành động, vũ trang, những chiêu trò mang tính bạo lực về cả thể xác và tinh thần nhằm gây nên những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người khác, đồng thời cũng gây tổn hại đến cơ số lớn những tài sản chung của xã hội. Mà ở đây các đối tượng bị nhắm vào là các thường dân vô tội, những người không hề có liên can hay thù hằn gì với các tổ chức khủng bố, nhưng họ lại là lực lượng đông đảo và dễ bị tấn công nhất. Địa điểm xảy ra khủng bố thường là nơi đông người qua lại, như khách sạn, nhà ga, sân bay, rạp chiếu phim, siêu thị,… Mục đích chủ yếu của các cuộc khủng bố chính là gây sức ép dư luận, tạo nên nỗi hoang mang sợ hãi trong nhân dân, từ đó làm lung lay chế độ chính trị của một quốc gia, dân tộc, với âm mưu phá hoại hoặc nhằm đạt được một mục đích nào đó dựa trên việc tạo sức ép từ tính mạng nhân dân vô tội, khiến các tổ chức chính trị phải dè chừng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khủng bố, hay gặp nhất đó là ở các nhóm người sùng đạo, quá khích, muốn chống đối lại thế giới. Họ cho rằng việc khủng bố, giết người là hành động đúng đắn, là việc làm để giải thoát cho những con người u mê ngoài kia dưới góc nhìn điên cuồng của họ. Cũng có những cá nhân vì hận thù, chán nản, nghĩ rằng bản thân bị cả thế giới chối bỏ, nên quay ra trả thù, bằng việc khủng bố, liều chết. Ngoài ra cũng không ít các tổ chức khủng bố là vì phục vụ cho mục đích chính trị đen tối của mình, như các hành động trả đũa, nhằm vào các tổ chức chính phủ để đạt được những yêu sách mà các tổ chức khủng bố này đưa ra.
Hằng ngày, hằng giờ báo chí và thời sự vẫn thường đưa tin về các vụ khủng bố diễn ra trên thế giới. Đặc điểm chung nhất đó là hậu quả mà khủng bố gây ra đều rất nghiêm trọng và nặng nề, để lại sự hoang mang, khiếp sợ cho đông đảo các tầng lớp nhân dân, đe dọa sự vững bền của nền hòa bình thế giới. Có ai nghĩ được rằng người thân của mình lại thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết, hay trong một vụ xả súng đẫm máu cơ chứ. Trên tất cả, những vụ khủng bố kinh hoàng đi qua đã để lại biết bao đau thương mất mát cho những người ở lại, những người may mắn sống sót thì cũng sẽ mang vết thương hằn sâu trong tâm hồn mãi mãi không thể chữa lành. Chưa kể đi kèm với những vụ khủng bố đó là những thiệt hại về cả vật chất, của cải, mà phải mất một thời gian khá dài để khắc phục những hậu quả do khủng bố gây ra. Có lẽ sẽ chẳng ai quên được cuộc tấn công tàn khốc và đẫm máu nhất lịch sử nhân loại diễn ra vào ngày 11/9/2001 tại New York, Mỹ, do tổ chức Hồi giáo cực đoan thực hiện. Vụ khủng bố đã khiến cho hàng chục ngàn người thương vong, với con số 2993 người thiệt mạng, 8900 người bị thương, phá hủy đi hai tòa nhà trung tâm thương mại thế giới, vốn là niềm kiêu hãnh của nước Mỹ, đồng thời làm cho Lầu Năm góc bị hư hỏng nghiêm trọng. Vụ tấn công đã để lại nỗi kinh hoàng và đau xót khôn cùng cho người dân nước Mỹ, đồng thời cũng là nỗi sợ hãi cho toàn thể các dân tộc trên toàn thế giới, về sự liều lĩnh và nguy hiểm của các tổ chức khủng bố, đặc biệt là tổ chức Hồi giáo cực đoan. Trong những năm gần đây, nổi lên Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng viết tắt là IS, chúng ngang nhiên thách thức cả thế giới bằng cách quay các clip ghê rợn về việc xử tử con tin bằng hình thức chặt đầu vô cùng dã man, gây nên sự phẫn nộ và hoang mang trên toàn thế giới. Chúng sẵn sàng tiêu diệt tất cả những ai đi ngược lại với tôn chỉ, ý thức hệ và không chịu cải đạo Hồi theo lời dụ dỗ của chúng.
Khủng bố là một vấn đề nhức nhối đối với toàn nhân loại, để hạn chế được vấn nạn này trước hết nhà nước cần thắt chặt an ninh, tăng cường kiểm tra giám sát các phần tử khả nghi, đặc biệt là ở nơi công cộng, tập trung đông người, để đảm bảo an toàn cho người dân. Khi không may có xảy ra khủng bố, thì cần phải nhanh chóng khắc phục hậu quả, sơ tán người dân khẩn cấp, bắt giữ các đối tượng liên quan, nhằm tránh cho vụ khủng bố trở nên nghiêm trọng hơn. Chống khủng bố không phải là vấn để của riêng một quốc gia dân tộc nào cả, mà là nhiệm vụ của toàn nhân loại, các quốc gia phải tăng cường liên kết, phối hợp với nhau chống lại các tổ chức khủng bố, đặc biệt là trong tình hình chúng liên tục lan rộng và có dấu hiệu khủng bố xuyên quốc gia, xuyên lục địa. Gia đình, nhà trường và xã hội cần tích cực hơn trong việc giáo dục con em của mình, đặc biệt là giáo dục đạo đức, giúp các em nhận thức được sự nguy hiểm của các tổ chức khủng bố, đồng thời có tấm lòng yêu thương con người, nhân hậu, vị tha, tránh đi những lối suy nghĩ cực đoan, lệch lạc.
Chống khủng bố và xóa bỏ các tổ chức này chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt trong những năm gần đây chúng lại càng có xu hướng bành trướng mạnh mẽ, dấy lên những mối quan ngại sâu sắc cho nền hòa bình và an ninh trên toàn thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của việc chống khủng bố, mỗi chúng ta cần phải có ý thức yêu hòa bình, cùng chung tay góp sức góp phần đẩy lùi nạn khủng bố, trả lại một thế giới không chết chóc, chiến tranh, chỉ có cánh chim hòa bình, đẹp đẽ.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp