Thi hành pháp luật là gì? Tổ chức thi hành pháp luật là gì?

0
115
Rate this post

Thi hành pháp luật là gì?

Khái niệm thi hành pháp luật

Thi hành pháp luật là hành vi thực tế và thực hiện một cách hợp pháp mang theo mục đích nào đó của chủ thể pháp luật để hiện thực hóa mọi quy định mà pháp luật ban hành, đưa chúng vào đời sống hàng ngày, trở thành những hành vi chuẩn mực được công nhận hợp pháp.

Trên thực tế hiện nay tồn tại rất nhiều định nghĩa khác nhau về thi hành pháp luật, chúng tôi xin đưa ra một số định nghĩa phổ biến như sau:

Thi hành pháp luật là việc các chủ thể thực hiện pháp luật chủ động thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật quy định.

Như vậy hiện nay có rất nhiều định nghĩa về thi hành pháp luật tồn tại, nhưng chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản thì thi hành pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật một cách chủ động. Chủ thể pháp luật phải thực hiện một thao tác nhất định mới có thể thực hiện pháp luật được.

Ngoài ra, trên thực tế hiện nay còn tồn tại một số định nghĩa phổ biến như sau:

Thi hành pháp luật là một quá trình hoạt động của con người có mục đích mà các chủ thể pháp luật bằng hành vi của mình thực hiện các quy định pháp luật trong thực tế đời sống của cộng đồng.

Theo Wikipedia thì thi hành pháp luật hay thực thi pháp luật là một hệ thống mà một số thành viên của xã hội hành động theo một phong cách có tổ chức để thực thi pháp luật bằng cách khám phá, ngăn chặn, phục hồi, hoặc trừng phạt những người vi phạm luật lệ và các quy tắc chi phối xã hội đó. Mặc dù thuật ngữ có thể bao gồm các thực thể như tòa án và nhà tù, nó thường xuyên nhất được áp dụng cho những người trực tiếp tham gia vào các cuộc tuần tra hoặc giám sát để ngăn cản và khám phá các hoạt động tội phạm, và những người điều tra tội phạm và bắt người phạm tội, là một nhiệm vụ thường được cảnh sát hoặc một cơ quan thi hành pháp luật thực hiện. Hơn nữa, mặc dù thực thi pháp luật có thể được quan tâm nhất đến việc phòng ngừa và trừng phạt tội phạm, các tổ chức tồn tại để ngăn cản một loạt các hành vi vi phạm không phải hình sự của các quy tắc và chuẩn mực, thực hiện thông qua việc áp dụng các hậu quả ít nghiêm trọng.

Thi hành pháp luật là gì? Khái niệm và ví dụ thi hành pháp luật
Thi hành pháp luật là gì? Khái niệm và ví dụ thi hành pháp luật

Các hình thức pháp luật

Có 03 hình thức pháp luật phổ biến là:

–  Pháp luật tập quán (tập quán pháp)

Là những tập quán được Nhà nước thừa nhận và đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế Nhà nước

–  Án lệ pháp luật (án lệ pháp, tiền lệ pháp)

Là hình thức pháp luật hình thành từ hoạt động xét xử của Toà án. Các bản án sau khi được một Hội đồng Thẩm phán có thẩm quyền thừa nhận, sẽ trở thành khuôn mẫu áp dụng cho các vụ việc tương tự về sau.

– Văn bản quy phạm pháp luật

Đây là hình thức thủ tục do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Trình tự luật định có chứa các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung. Trình tự này được Nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội cần thiết, cơ bản hoặc quan trọng.

Tuân thủ pháp luật

Tuân thủ pháp luật là chủ thể pháp luật kiềm chế mình để không thực hiện điều pháp luật cấm. Tuân thủ pháp luật mang tính bắt buộc thực hiện.

Bản chất: Tuân thủ pháp luật có tính chất thụ động và thể hiện dưới dạng hành vi không hành động.

Đối tượng thực hiện: Mọi chủ thể.

Hình thức thể hiện: Thường thể hiện dưới dạng những quy định cấm đoán. Tức quy phạm không bắt buộc chủ thể không được thực hiện những hành vi nhất định.

Ví dụ: Pháp luật cấm hành vi mua bán dâm. Do đó, không thực hiện hành vi mua bán dâm được xem là tuân thủ pháp luật.

Áp dụng pháp luật

Áp dụng pháp luật là việc cán bộ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể khác thực hiện quyền hoặc nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Áp dụng pháp luật mang tính bắt buộc thực hiện.

Bản chất: Đây là hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước, được thể hiện dưới hình thức hành vi hành động và hành vi không hành động.

Đối tượng thực hiện: Chỉ cán bộ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Hình thức thể hiện: Tất cả các loại quy phạm. Bởi Nhà nước quyền hạn và nghĩa vụ tổ chức cho các chủ thể khác thực hiện pháp luật.

Ví dụ: Khi bên A khởi kiện bên B, tòa án có trách nhiệm xem xét và thụ lý đơn khởi kiện của bên A

Sử dụng pháp luật

Sử dụng pháp luật là chủ thể pháp luật thực hiện điều mà pháp luật cho phép. Không mang tính bắt buộc thực hiện và phụ thuộc vào ý chí, sự lựa chọn của từng chủ thể.

Bản chất: Đây có thể là hành vi hành động hoặc hành vi không hành động tùy vào quy định của pháp luật.

Đối tượng thực hiện: Mọi chủ thể.

Hình thức thể hiện: Thường được thể hiện dưới những quy phạm trao quyền,  tức pháp luật quy định về quyền hạn của các chủ thể.

Ví dụ: Khi bên A cho rằng mình bị xâm quyền và lợi ích hợp pháp bởi bên B. Bên A có quyền khởi kiện B ra tòa án, vì pháp luật trao cho A quyền được khởi kiện B ra tòa án có thẩm quyền.

Khi đó, A được xem là đang sử dụng pháp luật.

Thi hành pháp luật và những điều cần biết
Thi hành pháp luật và những điều cần biết

Tổ chức thi hành pháp luật là gì?

Khái niệm tổ chức thi hành pháp luật

Trong khoa học pháp lý, pháp luật được nghiên cứu dưới hai phương diện. Phương diện thứ nhất là pháp luật trong trạng thái “tĩnh” hay pháp luật trong các trang công báo. Pháp luật theo phương diện này còn được gọi là pháp luật thực định. Theo Hiến pháp năm 2013, đây là các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), bao gồm: Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH); lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; các VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương các cấp. Đây là pháp luật được hình thành chủ yếu do hoạt động lập pháp của Quốc hội và hoạt động lập quy của hệ thống các cơ quan hành pháp.

Phương diện thứ hai của pháp luật là pháp luật trong trạng thái “động” hay gọi là pháp luật trong hành động, pháp luật trong cuộc sống. Pháp luật theo phương diện này là sự tuân theo pháp luật của các chủ thể trong đời sống nhà nước và đời sống xã hội, được hình thành bằng hoạt động tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền. Giống như phương diện thứ nhất, phương diện này của pháp luật cũng được Hiến pháp quy định. Theo đó, tổ chức thi hành pháp luật là hoạt động không thể thiếu để pháp luật từ trạng thái “tĩnh” trở thành trạng thái “động”, làm cho pháp luật không còn nằm trên các trang công báo mà đi vào cuộc sống. Như vậy, hoạt động lập pháp, lập quy để hình thành một hệ thống VBQPPL (pháp luật trong các trang công báo) và hoạt động tổ chức thi hành pháp luật là hai mặt không tách rời của pháp luật. Không thể có mặt này mà thiếu mặt kia và ngược lại. Không tiến hành “tổ chức thi hành pháp luật” thì pháp luật chỉ tồn tại trên giấy, hay chỉ là những “lời nói rung động trong không khí”. Ngược lại, không có những quy định của pháp luật trong các trang công báo thì cũng không có việc tổ chức thi hành những quy định pháp luật này. Trong nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, đề cao nguyên tắc pháp quyền không thể không coi trọng một cách đồng bộ cả hai phương diện của pháp luật. Nhất là trong điều kiện của nước ta, khi mà ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý của nhiều người dân còn thấp thì việc tổ chức thi hành pháp luật càng giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Đặc điểm của tổ chức thi hành pháp luật

Tổ chức thi hành pháp luật có các đặc trưng sau đây:

Tổ chức thi hành pháp luật là hoạt động mang tính tổ chức đưa pháp luật thực định vào đời sống nhà nước và đời sống xã hội, làm cho pháp luật sau khi ban hành có hiệu lực thực thi trong thực tế. Thi hành pháp luật theo lý luận chung về nhà nước và pháp luật, là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng các hoạt động tích cực. Như vậy, tổ chức thi hành pháp luật có một trong những nội dung quan trọng là tổ chức để các chủ thể tuân theo các các nghĩa vụ pháp lý của mình bằng các hành động tích cực trong thực tế; góp phần làm cho xã hội thượng tôn pháp luật mang tính chất tự giác.

Tổ chức thi hành pháp luật theo nghĩa rộng là trách nhiệm của tất cả các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thuộc các nhánh quyền lực nhà nước từ lập pháp, hành pháp, tư pháp đến các thiết chế Hiến định khác. Tuy nhiên, tổ chức thi hành pháp luật với tư cách là một thẩm quyền độc lập, chuyên trách được Hiến pháp giao cho hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện. Theo đó, có thể định nghĩa, tổ chức thi hành pháp luật là thẩm quyền hiến định có tính độc lập, chuyên trách của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước nhằm đưa pháp luật trên các trang công báo trở thành các hành động tích cực tuân theo pháp luật trong đời sống nhà nước, đời sống xã hội.

Vai trò của tổ chức thi hành pháp luật

Tổ chức thi hành pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng:

– Là hoạt động để hiện thực hóa kết quả của hoạt động lập pháp, lập quy trong thực tiễn. Vì thế, nó là đầu ra quan trọng nhất của hoạt động lập pháp, đảm bảo cho sản phẩm của hoạt động lập pháp có hiệu lực và hiệu quả trong thực tế.

– Là hoạt động hàng đầu của cơ quan thực hiện quyền hành pháp, đảm bảo cho Hiến pháp, luật giữ địa vị thống trị trong nhà nước pháp quyền, phát huy đầy đủ vai trò của mình trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, đảm bảo cho nguyên tắc pháp quyền được thực thi trong hoạt động hành pháp.

– Thông qua việc tổ chức thi hành pháp luật mà phát hiện những lỗ hổng, những quy định pháp luật không phù hợp, không đi vào cuộc sống, góp phần hoàn thiện pháp luật, nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp và lập quy, đảm bảo cho nguyên tắc pháp quyền được thực thi đầy đủ trong hoạt động lập pháp và lập quy.

Tổ chức thi hành pháp luật theo Hiến pháp năm 2013

Hiến pháp năm 2013 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là “Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp luật, nghị quyết của UBTVQH, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước” (khoản 1 Điều 96), Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ: “Lãnh đạo tổ chức thi hành pháp luật” (khoản 1 Điều 98); Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ: “Tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnhvực trong phạm vi toàn quốc” (khoản 1 Điều 99); Chính quyền địa phương có nhiệm vụ: “Tổ chức đảm bảo việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương” (khoản 1 Điều 112); và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp có nhiệm vụ: “Tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương” (khoản 2 Điều 114). Thi hành pháp luật trong thuật ngữ “tổ chức thi hành pháp luật” của Hiến pháp năm 2013, theo chúng tôi, có nội dung rất rộng, không chỉ là một hình thức thực hiện pháp luật mà còn bao gồm các hình thức thực hiện pháp luật khác như: tuân thủ pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật mà lý luận về thực hiện pháp luật đã được viết trong các sách giáo khoa về lý luận nhà nước và pháp luật đang giảng dạy ở các trường đại học luật. Với quan niệm đó, “tổ chức thi hành pháp luật” viết trong Hiến pháp năm 2013 được hiểu là “tổ chức thực hiện pháp luật” (thi hành pháp luật ở đây chính là thực hiện pháp luật). Vì vậy “tổ chức thi hành pháp luật” viết trong Hiến pháp năm 2013 được hiểu theo nghĩa rộng, đồng nghĩa với tổ chức thực hiện pháp luật, tức là bao gồm tổ chức thực hiện cả bốn hình thức thực hiện pháp luật chứ không chỉ một hình thức thực hiện pháp luật là thi hành pháp luật. Vì thế, tổ chức thi hành pháp luật theo Hiến pháp năm 2013 có các đặc trưng cơ bản sau đây:

Chủ thể tổ chức thi hành pháp luật là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và UBND các cấp.

Mục đích của tổ chức thi hành pháp luật là làm cho các quy định của pháp luật thực hiện trong cuộc sống trở thành những hành động thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật. Hay nói cụ thể, mục đích của tổ chức thi hành pháp luật là làm cho các chủ thể pháp luật tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng và áp dụng đúng đắn pháp luật. Đó chính là đòi hỏi của nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền XHCN mà chúng ta đang xây dựng.

– Đối tượng của tổ chức thi hành pháp luật là đối tượng của quản lý nhà nước và được tiến hành trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Như vậy, đối tượng của tổ chức thi hành pháp luật có phạm vi rất rộng; ở đâu có quản lý nhà nước ở đó có việc tổ chức thi hành pháp luật. Chính vì thế, tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, là thẩm quyền của các cơ quan thực hiện quyền hành pháp.

Nội dung của tổ chức thi hành pháp luật bao gồm một chuỗi các hoạt động kế tiếp nhau, quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, hoạt động trước là tiền đề, là điều kiện quyết định cho hoạt động sau. Nội dung tổ chức thi hành pháp luật phổ biến bao gồm các hoạt động sau:

+ Trước hết, chủ thể tổ chức thi hành pháp luật ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, xây dựng chương trình và kế hoạch thi hành VBQPPL.

+ Hai là, phổ biến chương trình, kế hoạch thi hành VBQPPL và tuyên truyền, phổ biến nội dung và tinh thần cơ bản của VBQPPL đến các đối tượng trực tiếp phải thi hành. Việc phổ biến tinh thần và nội dung của VBQPPL bằng tài liệu được biên soạn, bằng các phương tiện thông tin đại chúng, bằng việc phổ biến trực tiếp…

+ Ba là, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thi hành VBQPPL đang tổ chức thi hành để kịp thời nhắc nhở, uốn nắn.

+ Bốn là, sau một thời gian thi hành VBQPPL, tiến hành công tác sơ kết, tổng kết việc tổ chức thi hành VBQPPL đó.

+ Năm là, trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, phải theo dõi việc thi hành pháp luật để kịp thời phát hiện những khó khăn, bất hợp lý của việc thi hành VBQPPL để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, Vì thế, theo dõi tình hình thi hành là một nội dung của tổ chức thi hành pháp luật.

+ Sáu là, để tổ chức thi hành pháp luật tốt phải xây dựng lực lượng và cơ sở vật chất vững mạnh để đảm bảo cho việc tổ chức thi hành pháp luật.

Tổ chức thi hành pháp luật
Tổ chức thi hành pháp luật

Ví dụ về thi hành pháp luật

Ví dụ 1: B đã đủ tuổi đi nghĩa vụ quân sự theo quy định về luật đi nghĩa vụ quân sự. B chủ động, tự nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự ngay khi có lệnh gọi của cơ quan nhà nước.

Ví dụ 2: Pháp luật quy định những doanh nghiệp phải kê khai thuế và nộp thuế hằng năm. Công ty D luôn thực hiện những công việc này trước thời hạn mà pháp luật quy định.

Ví dụ 3: Anh D và chị K ly hôn với nhau, toà án tuyên chị K được quyền nuôi con và anh D phải chu cấp cho chị K để nuôi con. Anh D đã giao con cho chị K chăm sóc và thường xuyên thăm con cũng như chu cấp tiền cho chị K.

Ví dụ 4: Anh V và gia đình anh P có tranh chấp về đất đai. Gia đình anh P đã xây tường lấn sang phần đất của anh V. Anh V đã kiện lên toà án và sau khi xem xét toà tuyên bố gia đình anh P phải trả lại phần đất đó cho anh V. Sau đó anh P đã thực hiện phá tường đi xây lại đúng phần đất của mình.

Ví dụ về sử dụng pháp luật

Sử dụng pháp luật và việc cá nhân, tổ chức sử dụng các quyền của mình, làm những việc mà pháp luật cho phép.

Ví dụ 1: Pháp luật quy định người có tài sản trước khi chết được quyền lập di chúc thừa kế. Bởi vậy Bà Q đã lập di chúc phân chia tài sản cho các con theo ý chí của bản thân. Và sau khi bà Q mất đi thì pháp luật căn cứ vào nội dung di chúc thực hiện phân chia tài sản.

Ví dụ 2: Công dân có quyền được thành lập doanh nghiệp (trừ những đối tượng không được thành lập doanh nghiệp tư nhân). B thành lập công ty cổ phần, lựa chọn ngành nghề kinh doanh được pháp luật cho phép (Kinh doanh đồ gia dụng,…)

Ví dụ 3: Bất cứ công dân nào cũng có quyền được yêu cầu cơ quan nhà nước giải quyết công bằng cho mình. Vì thế anh H có tranh chấp đất với anh K nên đã kiện anh K lên cơ quan giải quyết mong đòi lại được công bằng.

Ví dụ 4: Con người được quyền sống và bảo vệ của pháp luật nên bất cứ ai cũng có quyền được sống đầy đủ và được pháp luật bảo vệ quyền đó. Bởi vậy khi con chị T bị cha dượng bạo hành thì chị T đã báo cơ quan nhà nước và được bảo vệ chặt chẽ.

Ví dụ về áp dụng pháp luật

Áp dụng pháp luật là việc các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền căn cứ vào pháp luật để ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ cụ thể của cá nhân, tổ chức.

Ví dụ 1: Gia đình anh T đến cơ quan nhà nước và yêu cầu thực hiện việc nhận nuôi con. Sau khi anh T làm đầy đủ thủ tục và giấy tờ liên quan thì cơ quan đã thực hiện làm giấy tờ nuôi con và điền những thông tin liên quan đến gia đình anh T. Như vậy cơ quan đã áp dụng pháp luật về nhận nuôi con và ra quyết định làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa gia đình anh T và đứa trẻ.

Ví dụ 2: UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất ở khu vực xã A để làm đường, nên những phần đất trong khu vực đó phải được thu hồi và bồi thường theo quy định pháp luật. Quyết định này làm phát sinh nghĩa vụ của người dân phải giao nộp đất và có quyền được bồi thường theo quy định pháp luật.

Ví dụ 3: Với hành vi phạm tội giết người thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào hành vi, tính chất, mức độ phạm tội của người phạm tội và theo luật đã quy định ra quyết định bản án đối với người phạm tội. Cơ quan nhà nước đã áp dụng những quy định xử phạt lên người có hành vi trái pháp luật để nhằm chấm dứt và trừng phạt hành vi đó.

Ví dụ về tuân thủ pháp luật

Tuân thủ pháp luật là việc cá nhân, tổ chức không làm những điều mà pháp luật cấm.

=> Tuân thủ pháp luật được biểu hiện dưới dạng không hành động.

Ví dụ 1: Pháp luật cấm các hành vi trồng các cây cần sa, thuốc phiện,… tuân thủ pháp luật là việc công dân không trồng các loại cây này.

Ví dụ 2: Luật Giao thông đường bộ cấm các hành vi lạng lách, đánh võng. Tuân thủ pháp luật là việc người tham gia giao thông không có các hành vi lạng lách, đua xe, đánh võng.

Ví dụ 3: Pháp luật cấm những hành vi tham ô, lợi dụng chức vụ để thực hiện những vụ lợi bất chính. Thì người có chức vụ quyền hạn không được phép làm những hành vi như vậy.

Ví dụ 4: Pháp luật cấm những hành vi trốn thuế và không nộp thuế nên mọi người có nghĩa vụ nộp thuế phải thực hiện nghĩa vụ của mình và không được phép thực hiện hành vi trốn thuế.

Như vậy những hình thức sử dụng pháp luật, thi hành pháp luật, tuân thủ pháp luật và áp dụng pháp luật là những hình thức thực hiện pháp luật khác nhau nhưng lại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau thông qua những hành vi và quy định cụ thể như nếu một người phạm tội thì phải áp dụng pháp luật lên người phạm tội và người phạm tội phải thi hành quyết định áp dụng đó còn những người liên quan được pháp luật bảo vệ.

********************

 

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/thi-hanh-phap-luat-la-gi-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-la-gi/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp