Thuyết minh làng gốm Bát Tràng

0
129
Rate this post

Đề bài: Thuyết minh làng gốm Bát Tràng

thuyet minh lang gom bat trang

Thuyết minh làng gốm Bát Tràng

Bạn đang xem: Thuyết minh làng gốm Bát Tràng

I. Dàn ý Thuyết minh làng gốm Bát Tràng (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về làng gốm Bát Tràng

2. Thân bài:

a. Vị trí địa lý:
– Cách thủ đô Hà Nội khoảng 10km về hướng Đông Nam, phía tả ngạn sông Hồng.
– Thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội

b. Lịch sử phát triển:
– Có tuổi đời khoảng hơn 500 năm
– Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ dưới thời vua Lý Thái Tổ.
– Theo tương truyền, ở Bát Tràng vốn đã có dòng họ Nguyễn Ninh Tràng chuyên về làm gốm từ lâu đời. Sau đó, các cư dân, thợ thủ công đến lập nghiệp hợp với dòng họ này tạo nên Bạch Thổ phường, sau trở thành làng gốm Bát Tràng.
– Vào thế kỉ 15-16 nhà Mạc, làng gốm Bát Tràng phát triển rực rỡ, được săn đón bởi các quan lại, công chúa, …
– Thế kỉ 16-17, Trung Quốc “bế quan toả cảng”, gốm Bát Tràng được xuất khẩu sang cả phương Tây.
– Cuối thế kỉ 17, đầu thế kỉ 18, Trung Quốc mở cửa, gốm Bát Tràng bị cạnh tranh bởi gốm sứ Trung Quốc.
– Từ thế kỉ 18-19, vẫn giữ được sức sống bền bỉ, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước và một số nước khác.

c. Đặc điểm và loại hình của gốm Bát Tràng:

– Đặc điểm:
+ Được làm theo phương pháp cổ truyền, đa số dùng bàn xoay, thực hiện thủ công qua nhiều bước.
+ Có nhiều loại men như men tro, men nâu, men lam, …
+ Gốm Bát Tràng có nước men trắng, ngả màu ngà đục, nặng,dày, chắc.

– Loại hình: gồm 3 loại:
+ Gốm dùng là vật dụng: chén bát, ấm trà, bình hoa, …
+ Gốm dùng làm đồ thờ: đỉnh, chân nến, lư hương, …
+ Gốm làm trang trí: tượng ông địa, Phật Di Lặc, tượng ngựa, …

d. Ý nghĩa:
– Làng gốm Bát Tràng là làng gốm lâu đời, lưu giữ những nét truyền thống của dân tộc.
– Chứa đựng tinh hoá, văn hoá của dân tộc Việt Nam, gắn bó với mỗi gia đình Việt.

e. Cách di chuyển đến làng gốm Bát Tràng:
– Có thể đi bằng xe buýt hoặc phương tiện cá nhân.
– Cách đi dễ dàng, có thể đi dọc theo đê sông Hồng là tới nơi.

3. Kết bài:

– Làng gốm Bát Tràng là một làng nghề làm gốm độc đáo, lâu đời nhất ở Việt Nam.

II. Bài văn mẫu Thuyết minh làng gốm Bát Tràng (Chuẩn)

Ở Việt Nam có rất nhiều làng gốm truyền thống, trong đó tiêu biểu nhất có thể kể đến làng gốm Bát Tràng. Với lịch sử hàng trăm năm, làng gốm Bát Tràng đã trở thành một trong địa điểm lưu giữ lại những nét văn hoá truyền thống đáng tự hào.

Làng gốm Bát Tràng cách thủ đô Hà Nội khoảng 10km về hướng Đông Nam, nằm về tả ngạn sông Hồng. Làng thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Khu làng cổ Bát Tràng có diện tích tổng là 5,2ha, với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây bằng chính gạch Bát Tràng cổ xưa kia. Ngoài ra, làng gốm Bát Tràng cũng được biết đến với nhiều di tích lịch sử như: đình Giang Cao, đình Bát Tràng, đền Mẫu, văn chỉ Bát Tràng,

Làng gốm Bát Tràng đã có tuổi đời khoảng 500 năm. Theo sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết lại, làng được hình thành từ thời vua Lý Thái Tổ, tức những năm 1010. Khi vua Lý Thái Tổ dời kinh đô về thành Thăng Long thì năm dòng họ làm gốm nổi tiếng là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đưa các nghệ nhân gốm và gia đình tới kinh thành Thăng Long lập nghiệp. Đến phường Bạch Thổ, huyện Gia Lâm thì tìm thấy nguồn nguyên liệu tốt, vậy nên họ đã cùng với dòng họ Nguyễn ở đây lập nên làm Bát Tràng chuyên về đồ gốm.

Thế nhưng, theo tương truyền thì dòng họ Nguyễn Ninh Tràng ở Bát Tràng vốn đã nổi tiếng với nghề làm gốm. Sau đó, khi vua Lý Thái Tổ cho dời đô về đất này, biến nó trở thành trung tâm chính trị lớn nhất thời đó, các thợ thủ công và thương nhân từ khắp nơi, trong đó có các thợ làm gốm ở Yên Mô, Ninh Bình đã tìm đến Bát Tràng – nơi có nguồn đất sét phù hợp cho việc sản xuất gốm, hợp với dòng họ Nguyễn Ninh Tràng và lập nên Bạch Thổ phường tức phường Đất Trắng. Cùng với các đợt di dân, lập nghiệp của mọi người dân trên khắp vùng miền đã biến Bát Tràng từ một làng gốm bình thường ven kinh thành Thăng Long trở thành một làng gốm nức tiếng, được triều đình chọn để làm lễ vật cống nạp cho triều minh.

Trong hơn năm trăm năm hình thành và phát triển, làng gốm Bát Tràng đã trải qua vô số các triều đại ở Việt Nam. Thế nhưng, dù là ở thời nào thì gốm sứ Bát Tràng luôn được lựa chọn như một trong những vật phẩm cung tiến giá trị và đẹp đẽ nhất. Ví như thời nhà Mạc, thế kỉ thứ 15-16, công thương nghiệp mở rộng, hàng hoá được lưu thông khắp mọi nơi, gốm sứ Bát Tràng cũng trở thành một mặt hàng được săn đón và được các quan lại cao cấp cũng như công chúa, hoàng tử trong cung lựa chọn.

Đến thế kỉ thứ 16-17, các nước phương Tây bắt đầu ồ ạt tiến vào và lập nên các công ty ở châu Á. Nền kinh tế của Đông Nam Á vốn đã rất sôi động lại càng trở nên nhộn nhịp hơn, nhất là khi Trung Quốc thực hiện chính sách “bế quan toả cảng”, khiến cho đồ gốm Bát Tràng không có cơ hội được mở rộng thị trường hơn nữa. Vào cuối thế kỉ 17, đầu thế kỉ 18, Trung Quốc mở cửa, Đài Loan giải phóng, đồ gốm của Bát Tràng, Việt Nam bị đình trệ do không đủ sức cạnh tranh với đồ gốm Trung Quốc.

Đến thế kỉ 18-19, đồ gốm của Bát Tràng tuy vẫn bị ảnh hưởng, thế nhưng nó vẫn giữ được sức sống bền bỉ do nhu cầu của thị trường trong nước về các vật dụng, đồ trang trí thủ công trong gia đình. Tuy xuất khẩu của gốm Bát Tràng giảm sút, thế nhưng nó vẫn giữ vững vị trí số một trong các làng nghề làm gốm thủ công tại Việt Nam. Từ thế kỉ 19 đến nay, Bát Tràng vẫn duy trì được hoạt động và được xuất khẩu sang một số thị trường trên thế giới.

Để tạo ra được một sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đúng theo phương pháp cổ truyền, các người thợ thủ công phải trải qua vô số các công đoạn từ khâu chọn đất, xử lý và pha chế đất cũng như tạo dáng, phơi sấy các mặt hàng mộc. Sau đó, nó còn được đem đi trang trí hoa văn và phủ men để có được độ bền cũng như sắc màu đẹp nhất. Loại men đặc sắc của làng gốm Bát Tràng là men tro, ngoài ra còn có màu nâu. Loại men nâu này là hỗn hợp của men tro cùng với 5% đá thối. Một loại men khác được làng gốm Bát Tràng sáng tạo ra là men lam được chế từ đá đỏ trộn với men áo, phát màu ở nhiệt độ 1250 độ C. Tất cả đồ gốm của Bát Tràng đều được làm thủ công trên các bàn xoay, thể hiện rõ tài năng của những nghệ nhân làm gốm. Cách nhận biết gốm Bát Tràng dựa trên lớp men trắng, ngả màu ngà đục, cốt gốm dày, chắc và nặng.

Về loại hình, làng gốm Bát Tráng sản xuất phong phú, đa dạng các thể loại, được phân thành đồ gốm gia dụng, đồ gốm làm đồ thờ cúng và đồ gốm dùng để trang trí. Đồ gốm gia dụng gốm chén, bát, khay trà, chậu hoa, ấm, điếu, bình vôi, nậm rượu, … Còn đồ gốm dùng làm đồ thờ bao gồm các loại như chân đèn nến, lư hương, đỉnh, đài thờ, … Các loại chân đèn, lư hương, đỉnh của Bát Tràng là các vật phẩm được các nhà sưu tầm đồ cổ săn đón, bởi lẽ nó không chỉ tinh xảo mà còn được khắc cả thông tin của người tạo tác, năm tháng được sản xuất cũng như cả tên người đặt. Đây là một trong những truyền thống riêng biệt mà có lẽ chỉ có làng gốm Bát Tràng mới lưu truyền. Còn về loại gốm trang trí của Bát Tràng thì được biết tới với các loại tượng nghê, ngựa, tượng ông địa, thần tài, tượng Phật Di lặc, …

Làng gốm Bát Tràng không chỉ là một làng nghề thủ công lâu đời mà nó còn chứa đựng nét văn hoá truyền thống của dân tộc. Bằng đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, những người nghệ nhân của làng gốm Bát Tràng đã thổi vào đó cả cái hồn của dân tộc Việt. Những sản phẩm của gốm sứ Bát Tràng đã đi khắp mọi miền Tổ quốc, trở thành những vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam ta. Trong suốt hơn năm trăm năm qua, làng gốm Bát Tràng vẫn luôn giữ được vị thế trong lòng người dân Việt Nam, gắn bó với mỗi con người xứ sở này, để mỗi khi nhắc tới gốm sứ, người ta lại nhắc ngay đến cái tên Bát Tràng. Trong thời đại hôm nay, khi công nghiệp hiện đại hóa phát triển, Bát Tràng cũng theo xu hướng phát triển mà đi tới muôn nơi khắp thế giới nhưng vẫn luôn giữ cho mình những nét truyền thống mà không làng gốm nào trên quê hương Việt Nam có được.

Ngày nay, làng gốm Bát Tràng không chỉ sản xuất gốm sứ mà còn mở cửa đón khách du lịch tới thăm quan. Để tới Bát Tràng, người ta có thể lựa chọn đi xe buýt, từ bến xe trung chuyển Long Biên, bắt xe 47 là có thể tới thẳng Bát Tràng để tham quan, du lịch. Ngoài ra, bạn còn có thể tự đến Bát Tràng bằng xe máy hoặc các phương tiện cá nhân, chỉ cần đi tới cầu Vĩnh Tuy hoặc cầu Thanh Trì, men theo bờ đê sông Hồng là tới.

Đến Bát Tràng, bạn có thể tham quan xung quanh làng cổ Bát Tràng cũng như tham quan các địa điểm di tích lịch sử nổi tiếng ở đây như đình gốm Bát Tràng hay đình Vạn Phúc. Ngoải ra bạn cũng có thể vào tham quan chợ gốm Bát Tràng và trải nghiệm làm đồ gốm trên các bàn xoay thủ công.

Trải qua biết bao nhiêu năm tháng, làng gốm Bát Tràng vẫn giữ nguyên được giá trị truyền thống của mình, tinh hoa của dân tộc, giữ nguyên được nét mộc mạc, giản dị trong từng sản phẩm. Với sự phát triển của công nghệ, của thương nghiệp như hiện nay, mong rằng gốm Bát Tràng sẽ không chỉ luôn giữ được chất lượng truyền thống, quy mô như hiện tại mà sẽ được mở rộng ra, phát triển hơn nữa, được đông đảo bạn bè thế giới biết tên.

—————-HẾT—————-

Ở Việt Nam, đi dọc đất nước, chúng ta có thể bắt gặp vô số những làng nghề truyền thống với tuổi đời hàng trăm năm. Bên cạnh bài Thuyết minh làng gốm Bát Tràng, các em không nên bỏ qua những bài văn đặc sắc khác như: Thuyết minh làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) và bài Thuyết minh về một làng nghề truyền thống nhé!

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/thuyet-minh-lang-gom-bat-trang/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp