Thuyết minh làng lụa Vạn Phúc

0
153
Rate this post

Đề bài: Thuyết minh làng lụa Vạn Phúc

thuyet minh lang lua van phuc

Thuyết minh làng lụa Vạn Phúc

Bạn đang xem: Thuyết minh làng lụa Vạn Phúc

I. Dàn ý Thuyết minh làng lụa Vạn Phúc (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về đối tượng cần thuyết minh: Làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc

2. Thân bài

a. Vị trí của làng lụa Vạn Phúc
– Thuộc địa phận phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội
– Nằm bên bờ sông Nhuệ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km đi về phía Tây Nam
– Nét cổ kính thôn quê giữa chốn phồn hoa đô thị: cổng làng, bia đá, mái ngói, cây đa, giếng nước, sân đình.

b. Lịch sử hình thành và phát triển của làng lụa Vạn Phúc
– Ra đời cách đây hơn 1100 năm do bà A Lã Thị Nương vợ của thái thú Giao Chỉ Cao Biền dạy và truyền nghề cho dân.
– Ban đầu tên là Vạn Bảo sau này do kỵ húy nhà Nguyễn đổi tên thành Vạn Phúc

c. Quá trình phát triển:
– Từ 1931 lụa Vạn Phúc lần đầu giới thiệu ra hội chợ quốc tế ở Marseille, sau đó trở thành mặt hàng xuất khẩu sang Đông u và nhiều nơi khác trên thế giới.
– Hiện nay lụa Vạn Phúc ngày càng phát triển, khẳng định giá trị truyền thống, chất lượng, ngày càng có vị thế trên trường quốc tế.

d. Đặc điểm của lụa Vạn Phúc
– Lụa Vạn Phúc chủ yếu là tơ tằm với nhiều mẫu mã đa dạng: lụa, gấm, vân, the, lĩnh, cầu, đũi…
– Được làm thủ công qua rất nhiều công đoạn cầu kì, yêu cầu nhiều thời gian, công sức và tâm huyết
– Nổi tiếng nhất là lụa vân, mặc lụa sẽ thấy đông ấm hè mát

3. Kết bài

Khẳng định giá trị, ý nghĩa của làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc. Nêu cảm nghĩ về làng lụa Vạn Phúc.

II. Bài văn mẫu Thuyết minh làng lụa Vạn Phúc (Chuẩn)

Hà Nội – thủ đô ngàn năm văn hiến, chốn phồn hoa đô thị và phát triển bậc nhất nước ta vẫn có nơi gìn giữ được nét tinh hoa văn hóa từ lâu đời đó chính là làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc hay còn gọi với cái tên gần gũi là Làng lụa Vạn Phúc. Có thể nói làng lụa Vạn Phúc chính là cái nôi của gấm lụa Việt Nam, các sản phẩm lụa của Vạn Phúc được đánh giá là đẹp nhất xứ Đông Dương.

Đặt chân đến đất Hà Thành đi về hướng Tây Nam Hà Nội là khu vực Hà Đông, làng lụa Vạn Phúc thuộc địa phận phường Vạn Phúc của quận Hà Đông, năm bên bờ sông Nhuệ cách trung tâm thủ đô hơn 10km. Hiện nay có rất nhiều tuyến đường dễ đi và nhanh chóng từ trung tâm đến với làng lụa Vạn Phúc. Mọi người có thể đi bằng phương tiện cá nhân, đi taxi, xe buýt hoặc xe buýt nhanh BRT chạy theo tuyến đường Nguyễn Trãi – Lê Văn Lương – Tố Hữu là tới phường Vạn Phúc. Đối với người dân Hà Đông nói chung và phường Vạn Phúc nói riêng, làng lụa Vạn Phúc đã trở thành biểu tượng, là trái tim và linh hồn nơi đây.

Sự khác biệt lớn nhất khiến mọi người nhận ra một làng nghề truyền thống giữa lòng thủ đô chính là cổng làng theo kiến trúc cổ. Cổng làng được xây bằng gạch đỏ kiến trúc tam quan, có gác và mái che, cổng lớn giúp cho các loại phương tiện ô tô dễ dàng qua lại. Về thăm làng lụa Vạn Phúc mọi người sẽ được quay ngược thời gian trở về với thời xa xưa cũ kĩ, những nét cổ kính thôn quê giữa chốn phồn hoa đô thị, đó là cổng làng, bia đá sừng sững, mái ngói đỏ rêu phong, cây đa cổ thụ bóng cả, giếng nước, sân đình. Chính cái nét truyền thống trong quá trình làm lụa Vạn Phúc đã mang cả một ngôi làng giữ lại những gì truyền thống và cổ kính nhất cho đến tận ngày nay.

Làng lụa Vạn Phúc tính đến nay đã gần 1100 năm tuổi, lịch sử của làng lụa này có từ thời bà A Lã Thị Nương vợ của thái thú Giao Chỉ Cao Biền dạy và truyền nghề nuôi tằm kéo tơ dệt lụa cho nhân dân. Ban đầu các sản phẩm lụa của làng có tên là Vạn Bảo, sau này do kỵ húy nhà Nguyễn đổi tên thành Vạn Phúc. Từ những năm 1930 khi nước ta còn chia hai miền Bắc Kỳ và Nam Kỳ, nhân dân Bắc Kỳ đã vô cùng tự hào khi lụa Vạn Phúc lần đầu giới thiệu ra thế giới năm 1931 tại hội chợ quốc tế Marseille, từ sau đó lụa Vạn Phúc trở thành mặt hàng xuất khẩu sang Đông u và nhiều nơi khác trên thế giới. Cho đến nay lụa Vạn Phúc ngày càng phát triển song vẫn gìn giữ được tinh hoa cổ truyền trong từng tấm lụa. Trong bối cảnh cạnh tranh với các sản phẩm lụa khác trên thế giới lụa Vạn Phúc vẫn vươn lên trong khó khăn, khẳng định giá trị truyền thống, chất lượng, ngày càng có vị thế trên trường quốc tế mặc cho các đối thủ khác luôn tìm cách làm nhái, làm giả thương hiệu.

Lụa Vạn Phúc có những nét riêng không thể tìm thấy được ở các sản phẩm lụa nơi khác, điều đó có được từ chính đôi bàn tay của người nghệ nhân, họ là người giữ bí kíp gia truyền, đem cả tâm và thân của mình vào trong sản phẩm. Họ đã phải mất rất nhiều tâm huyết và công sức để tạo ra được một tấm lụa cực phẩm. Một tấm lụa Vạn Phúc ra đời phải trải qua nhiều công đoạn, thời gian, ở mỗi công đoạn đều cần sự cẩn thận, tỉ mỉ và khéo léo, điêu luyện. Từ quá trình trồng dâu nuôi tằm, ủ tằm kéo kén, guồng tơ mắc cửi, dệt tơ nhuộm tơ… mặc dù hiện nay đã có nhiều máy móc hiện đại tiên tiến hỗ trợ nhưng vẫn không thể thay thế con người, máy móc chỉ là phụ trợ không đáng kể, chủ yếu vẫn là thủ công. Từng sợi tơ dệt nên dải lụa mềm chính là kết tinh của trời đất, thấm đượm công sức lao động, tình yêu và sự tài hoa của người nghệ nhân làng lụa.

Đối với làng lụa Vạn Phúc nói riêng và đối với cả nước nói chung, lụa Vạn Phúc là một sản phẩm quý giá, là bảo vật quốc gia, nó ẩn chứa lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc Việt Nam, là sợi tơ kết nối Việt Nam với khắp năm châu bốn bề. Ngày nay khi về với Vạn Phúc bạn sẽ được thả mình vào không gian du lịch tham quan trong làng nghề truyền thống này. Bạn sẽ được nghe giới thiệu về rất nhiều sản phẩm của làng nghề như: lụa, gấm, vân, the, lĩnh, cầu, đũi… Nổi tiếng nhất là lụa vân, tấm lụa có vân hình hoa văn nổi lên, mặc lụa sẽ thấy mùa đông thì ấm mà mùa hè thì mát. Các sản phẩm làm từ lụa cũng ngày càng phong phú và đa dạng: từ quần áo thường ngày đến áo dài, áo vest, sơ mi, váy vóc hiện đại, và cả túi xách, khăn quàng.

Làng lụa Vạn Phúc không chỉ là một làng nghề truyền thống đơn giản mang lại giá trị hàng hóa mà đã vượt qua ý nghĩa đó, trở thành biểu tượng của truyền thống văn hóa dân tộc. Làng lụa Vạn Phúc đi vào thơ ca, bài hát, vào cuộc sống lao động sinh hoạt, giống như những câu hát trong bài “Áo lụa Hà Đông” luôn ngân vang, tha thiết trở thành dòng chảy bất tận trong mỗi người con Hà Đông.

—————–HẾT——————

Các em có thể tìm hiểu thêm về nhiều làng nghề truyền thống của dân tộc ta cũng như tham khảo kỹ năng viết bài văn thuyết minh qua các bài văn thuyết minh về làng nghề truyền thống sau: Thuyết minh về một làng nghề truyền thống, Thuyết minh về ngày Tết cổ truyền, Thuyết minh làng gốm Bát Tràng, Thuyết minh về một lễ hội truyền thống ở tỉnh Cao Bằng.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/thuyet-minh-lang-lua-van-phuc/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp